Chimére Smith, giáo viên 39 tuổi, là một trong nhiều người Mỹ chiến đấu với tình trạng Covid-19 kéo dài, còn gọi là di chứng hậu Covid-19. Theo nghiên cứu, khoảng một phần ba bệnh nhân gặp tình trạng này. Những người như Smith vẫn gặp các vấn đề sức khỏe sau vài tuần, vài tháng. Trong trường hợp của cô là một năm kể từ ngày mắc bệnh.
Nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy triệu chứng dai dẳng phổ biến nhất là mệt mỏi và khó thở, ảnh hưởng đến khả năng làm việc và các hoạt động khác. Tình nguyện viên cũng báo cáo vấn đề về trí nhớ, mất khứu giác và vị giác, thậm chí rụng tóc.
Cuối tháng 3/2020, Smith đến gặp bác sĩ trong trạng thái đau họng, khó thở, chóng mặt, tiêu chảy và khó đứng vững. Đây là các biểu hiện điển hình của Covid-19, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Tháng đầu nhiễm bệnh, triệu chứng của cô đi từ chóng mặt đến choáng ngất, thậm chí "cảm thấy như đập đầu nền bê tông".
"Tôi bị bệnh viện từ chối. Họ cho rằng tôi quá lo âu và hoang tưởng", cô kể lại.
Bệnh tình Smith tiếp tục xấu đi trong tháng thứ hai. Cô gặp thêm vấn đề thị lực, hô hấp, các triệu chứng thần kinh và vấn đề trí nhớ. Đến tháng thứ 6, cô không thể đi lại được.
Smith đến gặp bác sĩ, phần nhiều là đàn ông da trắng. Họ cho rằng cô nghiện ma tuý. Một người cáo buộc cô "quá hung hăng" khi cố gắng phản bác lại lập luận của họ về cô.
"Không gì tệ hơn khi mắt trái bạn mất thị lực, rồi được thông báo đó chỉ là chứng khô mắt", Smith nói.
Hơn 10 xét nghiệm nCoV của cô âm tính, xét nghiệm kháng thể cũng có kết quả tương tự. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Igor Koralnik, trưởng khoa truyền nhiễm thần kinh và thần kinh học toàn cầu, Đại học Northwestern, đây không phải điều bất ngờ. Ở thời điểm hình thành di chứng kéo dài, bệnh nhân có thể không còn thải ra các hạt virus, kháng thể trong máu cũng mất đi.
Chưa rõ bao nhiêu phụ nữ da đen đang vật lộn với Covid-19 kéo dài, nhưng Smith cho hay cô nhận được tin nhắn của những người có tình trạng tương tự. Họ cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ sở y tế. Theo CDC, người da đen có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn người da trắng, khả năng nhập viện cao gấp gần ba lần.
Smith tích cực hoạt động cùng Body Politic, tổ chức sức khỏe hỗ trợ người bị Covid-19 kéo dài. Điều này đã được Viện Y tế Quốc gia và CDC chú ý. Các đóng góp của cô trong Body Politic được đưa vào hướng dẫn của CDC về chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Cô gọi đây là "ngọn đuốc Olympic" với bản thân và tự hào về những gì mình làm được.
Smith dần đi lại được. Dù vẫn coi bản thân như người khuyết tật, cô có nhiền tiến bộ trong quá trình phục hồi.
Tuy nhiên, hiện tượng Covid-19 kéo dài vẫn còn là bí ẩn.
Covid ảnh hưởng đến não
Một năm rưỡi đại dịch, giới y khoa chưa trả lời được câu hỏi: "Bằng cách nào một virus đường hô hấp lại gây ra chứng ‘sương mù não' (Brain Fog) và các vấn đề trí nhớ".
Sương mù não không phải tình trạng bệnh lý. Nó là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, biểu hiện ở trạng thái tinh thần thiếu minh mẫn, trí nhớ có vấn đề, kém tập trung.
Tiến sĩ Dennis Kolson, chuyên gia thần kinh Đại học Pennsylvania, nhận định: "Ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài lên não bắt nguồn từ nhiều yếu tố".
Theo ông, có ít bằng chứng cho thấy nCoV thực sự xâm nhập vào mô não. Theo các bác sĩ thần kinh, vấn đề này có khả năng do virus đã lây nhiễm cơ thể nói chung.
Chuyên gia đề cập đến một số giải thuyết cụ thể. Nhiều người cho rằng khi mắc Covid-19, phổi người bệnh không đưa đủ oxy lên não. Số khác lại nghĩ hệ miễn dịch trong quá trình chống lại virus gây quá nhiều tổn thương lên khắp cơ quan, khiến não cũng bị ảnh hưởng.
Bản thảo nghiên cứu công bố vào tháng 4 trên bioRxiv cho thấy virus xâm nhập vào các mao mạch, ảnh hưởng đến lưu lượng máu tới não. Cũng có thể một số hạt virus gây tổn thương bên trong não. Dù vậy, theo tiến sĩ Kolson, điều này chưa giải thích được những di chứng lâu dài ở bệnh nhân.
Các chuyên gia cho rằng khó lòng rút ra chỉ một câu trả lời chính xác. Kolson nói: "Các yếu tố khác nhau có thể dẫn đến kết quả tương tự về mặt thần kinh".
Điều trị di chứng
Tiến sĩ Michael Saag, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Alabama, từng điều trị người mắc Covid-19 kéo dài. Chính ông cũng chung sống với căn bệnh từ lâu. Triệu chứng ban đầu của ông là ớn lạnh, sốt, đau nhức cơ thể, mất khứu giác và vị giác, "sương mù não", mệt mỏi theo chu kỳ hàng đêm, nồng độ oxy máu giảm sâu.
Saag không phải nhập viện. Tuy nhiên, sau khi các biểu hiện khởi phát thuyên giảm, ông phát hiện mình chưa hoàn toàn khỏi Covid-19. Ông không thể tập trung hoặc suy nghĩ thấu đáo sau hai giờ chiều. Thính giác cũng ảnh hưởng khi mắc bệnh. Dù đã phục hồi chức năng nghe, ông vẫn phải đeo máy trợ thính.
Giai đoạn đầu dịch, ông có ít lựa chọn điều trị cho người mắc hội chứng hậu Covid-19. "Trong khoảng tháng 3, tháng 4 và tháng 5, chúng tôi chưa biết gì về Covid-19 kéo dài. Chúng tôi không làm được gì nhiều để giúp đỡ người bệnh, chỉ trừ chăm sóc lâm sàng và giữ họ thoải mái", Saag nói.
Tuy nhiên, sau một thời gian, ông đã thấy tia sáng hy vọng.
"Khi nhiều người bị di chứng Covid-19 hơn trong một năm, chúng tôi có cơ hội nghiên cứu nó kỹ càng. Đó là những gì đang diễn ra hiện nay", ông nói.
Phòng khám Covid-19 Penn Neuro, nơi tiến sĩ Dennis Kolson làm việc, là một trong những nguồn hy vọng. Cơ sở này được thành lập để chăm sóc bệnh nhân chịu di chứng sau mắc Covid-19.
Phòng khám sử dụng phương pháp "tiếp cận toàn diện". Bệnh nhân được khám tổng thể về thần kinh, được liên hệ với các khoa khác như tim mạch, bởi Covid-19 có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan.
Chuyên gia cũng thực hiện nghiên cứu về tình trạng Covid-19 kéo dài đối với nhận thức, giấc ngủ và thị giác. Viện Y tế Quốc gia đưa ra dự án Di chứng sau nhiễm nCoV cấp tính (PASC) nhằm điều phối, tài trợ các nghiên cứu về Covid-19 kéo dài và cách điều trị chúng. Một số trang web nhận hàng chục nghìn lượt đăng ký từ tình nguyện viên.
Đối với Smith, cô coi trọng các sáng kiến gần đây, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng da đen trong các nghiên cứu. Trong một phân tích của Đại học Washington, chỉ 1,7% trong 177 tình nguyện viên là người da đen. Ở công trình từ Đại học Columbia, chỉ có 22% là người da đen trong số 43.000 người tham gia nghiên cứu.
Thục Linh (Theo CNN)