Phương án này được Bộ Y tế xây dựng thêm, trước tình hình dịch do virus corona mới có xu hướng tăng nhanh. Trước đó, Việt Nam đã lên 3 kịch bản đối phó.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, hôm nay cho biết kịch bản thứ nhất, khi phát hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam, sẽ khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
Kịch bản thứ hai, từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam, cần phát hiện sớm bệnh nhân viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch.
Kịch bản thứ ba là dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca. Khi ấy hệ thống y tế địa phương cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng.
Kịch bản thứ tư là trên 1.000 ca mắc bệnh. Tất cả kịch bản này, bộ đều có phương án đối phó. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá công suất, có thể thành lập bệnh viện dã chiến.
Việt Nam đang ứng phó với virus corona theo kịch bản thứ ba.
Tại TP HCM, bệnh viện dã chiến đang được Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh gấp rút xây dựng, dự kiến hoàn thành ngày 15/2 với hai cơ sở, 500 giường bệnh cùng ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện trang bị các trang thiết bị như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương... Nhân lực điều động từ nhiều bệnh viện thành phố như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương... để ứng phó kịp thời.
Hà Nội cũng phân loại 4 cấp độ dịch bệnh để phòng, chống bệnh. Đối với mỗi cấp độ, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành về công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh, công tác truyền thông và công tác hậu cần theo các bước cụ thể.
Khi dịch ở cấp độ 4, thành phố sẽ duy trì việc giám sát tại cửa khẩu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh; đẩy mạnh các hoạt động giám sát nắm bắt thông tin để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ cho nhóm dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính.
Hà Nội sẽ mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận người bệnh, phân loại người bệnh điều trị tại các tuyến, hạn chế vận chuyển người bệnh lên tuyến trên để tránh quá tải; phối hợp với các đơn vị quốc phòng thiết lập các bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để tiếp nhận và điều trị người bệnh.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trong giai đoạn này, để dập dịch tốt, khống chế được dịch cần nỗ lực của nhân viên y tế và sự chung tay của người dân. Người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở nếu có yếu tố dịch tễ liên quan tới vùng dịch (đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh) thì phải khai báo và đến ngay cơ sở y tế.
"Nhiệm vụ số một là phát hiện và cách ly, giám sát người nhiễm để bệnh không lây lan ra cộng đồng. Tiếp đó là lên kế hoạch đáp ứng phù hợp trong mỗi giai đoạn của dịch", ông Phu nói.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái. Tính đến ngày 4/2, số người chết tăng lên 427, trong đó có 425 người ở Trung Quốc đại lục, một ở Philippines, một ở Hong Kong; số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên gần 20.000, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Việt Nam ghi nhận 10 ca dương tính với nCoV, đang cách ly 78 ca nghi nhiễm.