Thông tin được Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh công bố trong cuộc họp giữa Thường trực Thành ủy với lãnh đạo 24 quận huyện và các sở ngành chiều 3/2, về công tác phòng chống dịch. Theo ông Bỉnh, khi số ca viêm phổi cùng một thời điểm ở thành phố hơn 500, bệnh viện dã chiến sẽ được sử dụng để tiếp nhận, theo dõi chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ cũng như bệnh nhân.
Con số 500 ca là vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly hiện tại ở những bệnh viện thuộc Sở Y tế.
Bệnh viện dã chiến có quy mô 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện xây ở 2 cơ sở. Cơ sở 1 có 300 giường bệnh trong đó 20 giường hồi sức tích cực, đặt tại Trường quân sự thành phố ở huyện Củ Chi. Cơ sở 2 với 200 giường tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.
Bệnh viện trang bị các trang thiết bị như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương...
Nhân lực y bác sĩ đảm bảo cho hoạt động hồi sức tích cực của bệnh viện dã chiến được điều động tại các bệnh viện thành phố như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương...
Sở Y tế TP HCM làm đầu mối triển khai kế hoạch, tổ chức hoạt động của bệnh viện dã chiến. Bộ Tư lệnh TP HCM chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để phối hợp thành lập bệnh viện, chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong những đơn vị quân đội.
Dự trù trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế thiết yếu của bệnh viện dã chiến, vốn đầu tư khoảng hơn 255 tỷ đồng.
Trường hợp số ca bệnh tăng cao vượt quá khả năng bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Phổi Phạm Ngọc Thạch với 500 giường dự kiến được chuyển thành bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân viêm hô hấp cấp.
Theo ông Bỉnh, thành phố cũng kiến nghị Trung ương cho phép Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM được xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona. Hiện nay chỉ có Viện Pasteur TP HCM được giao kiểm nghiệm các trường hợp nghi nhiễm bệnh từ khu vực Ninh Thuận trở vào Nam.
Đến ngày 3/2, Việt Nam ghi nhận 8 ca dương tính với virus corona, 236 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh trong đó có 163 ca kết quả xét nghiệm âm tính, 73 người tiếp tục cách ly theo dõi để ngăn lây nhiễm ra cộng đồng. Bộ Y tế định nghĩa trường hợp "nghi nhiễm" là người có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái. Tính đến ngày 3/2, số người chết do virus corona tăng lên 362, trong đó có 361 người ở Trung Quốc, một ở Philippines; số ca nhiễm lên hơn 17.000, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận trường hợp nCoV truyền từ người sang người.