Đầu tuần này, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc công bố doanh thu 2024 vượt Tesla, đạt mức 777 tỷ nhân dân tệ, tương đương 107 tỷ USD, tăng 29% so với 2023. Con số này là thành quả bán được 4,27 triệu chiếc ôtô thuần điện và hybrid.
Lợi nhuận ròng của BYD đạt khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD), tăng 34% so với 2023. Những con số này được công bố vào cuối ngày 24/3, trùng với sự kiện công ty ra mắt mẫu sedan Qin L cỡ trung, tương tự Tesla Model 3 nhưng có giá chỉ hơn một nửa.
Trong khi đó, doanh thu hãng xe điện Mỹ năm qua đạt gần 97,7 tỷ USD, với 1,79 triệu xe điện được giao. 2024 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số xe Tesla giảm 1,1% so với 2023.

Mẫu MPV thuần điện BYD M6. Ảnh: BYD
Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO Vương Truyền Phúc đánh giá tập đoàn đã có năm tăng trưởng mạnh mẽ. "BYD hiện dẫn đầu trong mọi lĩnh vực từ pin, điện tử đến xe năng lượng mới, phá vỡ thế độc quyền của các thương hiệu nước ngoài và tái định hình cục diện thị trường toàn cầu", ông tuyên bố hôm 24/3.
Tại quê nhà và cũng là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, BYD chiếm 32% thị phần xe năng lượng mới (tức xe thuần điện và hybrid), trong khi Tesla chỉ đạt 6,1%, theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc (CPCA).
Theo CNN, BYD ngày càng đe dọa vị thế của Tesla trên thị trường xe điện. Trong đó, áp lực lớn nhất mà Tesla đối diện là khả năng sản xuất nhiều mẫu xe hiện đại, tích hợp công nghệ cao - bao gồm cả xe điện (EV) và hybrid sạc điện (PHEV) - với chi phí tiết kiệm của BYD.
Giá khởi điểm của một chiếc BYD ở Trung Quốc chỉ dưới 10.000 USD, trong khi Model 3 - mẫu rẻ nhất của Tesla đắt gấp ba lần, ở mức 32.000 USD. Tesla được cho là đang phát triển phiên bản Model Y nhỏ hơn và rẻ hơn để giành lại thị phần tại Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình sản xuất hàng loạt chưa thể bắt đầu trước năm 2026, theo các nguồn tin của Reuters.
Không chỉ cạnh tranh về doanh số, tuần trước, hãng xe Trung Quốc còn ra mắt hệ thống sạc siêu tốc có thể cung cấp 250 dặm (khoảng 402 km) chỉ trong 5 phút. Về lý thuyết, tốc độ này nhanh hơn đáng kể so với công nghệ sạc nhanh Supercharger của Tesla, vốn cần 15 phút để sạc 200 dặm (khoảng 322 km).
"Để xua tan hoàn toàn nỗi lo về sạc pin của người dùng, mục tiêu của chúng tôi là rút ngắn thời gian sạc xe điện ngang với thời gian đổ xăng", ông Vương Truyền Phúc nói. Các nhà phân tích ca ngợi nền tảng pin mới của BYD là "siêu việt" và nó có thể dẫn đến thay đổi sâu sắc trong hành vi người sở hữu xe điện, theo CNBC.
BYD vẫn đang mở rộng đội ngũ phát triển phần mềm thông minh và linh kiện như chất bán dẫn, dự kiến tăng từ 5.000 lên 8.000 nhân sự.
BYD còn gây áp lực lên Tesla bằng việc tung ra hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến "God’s Eye" miễn phí trên hầu hết mẫu xe. Trong khi, Tesla thu phí 99 USD mỗi tháng hoặc 8.000 USD đối với dịch vụ Full Self-Driving (FSD) tại Mỹ. Tesla đang nỗ lực triển khai FSD tại Trung Quốc trong năm nay nhưng vẫn chưa được cơ quan quản lý cấp phép.
Tuần trước, hãng triển khai thử nghiệm miễn phí FSD nhưng dừng lại chỉ sau vài ngày. Bộ phận hỗ trợ khách hàng của Tesla cho biết công ty đang tích cực làm việc để được cấp phép. "Cuối cùng, Tesla có thể buộc phải giảm giá FSD tại Trung Quốc", Seth Goldstein, chuyên gia phân tích tại Morningstar nhận định.
Thị trường quốc tế cũng đang phần nào thuận lợi cho BYD. Hãng bán được 417.204 xe năm ngoái. Tỷ trọng doanh số đến từ các thị trường ngoài đại lục năm ngoái gần 29%, nhỉnh hơn so với mức 27% của 2023.

Doanh số xe thuần điện toàn cầu của BYD (xanh) và Tesla (đỏ). Đồ họa: CNN
Ông Vương Truyền Phúc đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số bán hàng ngoài Trung Quốc lên hơn 800.000 xe năm nay. Họ kỳ vọng thị phần tại Anh sẽ "tăng đáng kể", do đây là thị trường "rất cởi mở" với các sản phẩm Trung Quốc có tính cạnh tranh. BYD cũng tin có "cơ hội lớn" tại khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á, nơi chính phủ và người tiêu dùng có thiện cảm với các thương hiệu Trung Quốc.
Trong khi, Tesla đang gặp khó khăn tại châu Âu, với doanh số ở khu vực này đã giảm 49% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ 2024, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), dù tổng doanh số xe điện toàn thị trường vẫn tăng.
Tesla đang đối mặt với những phàn nàn về dãi sản phẩm đã cũ cùng làn sóng phản đối mạnh mẽ đối với CEO Elon Musk vì mối liên hệ với chính quyền Trump tại Mỹ. Ở châu Âu, việc Musk công khai ủng hộ đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) trong cuộc bầu cử tại Đức tháng trước đã vấp phải chỉ trích.
Xe Tesla và các đại lý của hãng trở thành mục tiêu của các cuộc biểu tình phản đối quan điểm chính trị của Musk cũng như vai trò cố vấn của ông đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, mẫu Cybertruck liên tục gặp sự cố. Tuần trước, Tesla triệu hồi gần như toàn bộ số xe này do lỗi các tấm panel dọc hai bên kính chắn gió có thể bị bung ra khi đang chạy. Đây đã là lần triệu hồi thứ tám của Cybertruck kể từ khi bắt đầu giao xe cho khách hàng hơn một năm trước.

Thị phần Tesla tại châu Âu (biểu đồ nhỏ) và tăng trưởng doanh số Tesla (màu đỏ) và xe thuần điện (màu xanh) thời gian gần đây. Đồ họa: Statista
Trong bối cảnh nhiều nước đang xem xét hoặc áp thuế đối với ôtô sản xuất tại Trung Quốc, BYD tính toán duy trì lợi thế chi phí bằng cách đưa các linh kiện chủ chốt từ Trung Quốc sang và lắp ráp xe tại chỗ ở các thị trường nước ngoài. Hiện xe điện xuất khẩu của BYD sang Liên minh châu Âu đang chịu mức thuế 17%.
BYD cũng sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy ở nước ngoài mà không cần đối tác, nhờ vào nguồn tài chính dồi dào, theo ông Vương. Hãng hiện xây dựng nhà máy tại Brazil - thị trường lớn nhất của BYD ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng đang triển khai các nhà máy tại Thái Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Song song, BYD đang dẫn đầu làn sóng mở rộng ra nước ngoài của các hãng xe Trung Quốc, mở showroom tại nhiều thị trường từ Australia đến Đức nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng giữa cuộc chiến giá cả khốc liệt trong nước. Hãng định đưa công nghệ lái xe thông minh giá rẻ ra thị trường quốc tế vào năm 2026 hoặc 2027, đồng thời cử thêm nhân sự ra nước ngoài để triển khai chiến lược này.
Dù vậy, BYD vẫn không có kế hoạch bán xe tại Canada và Mỹ trong ngắn hạn do căng thẳng địa chính trị. Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục duy trì mức thuế 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và Canada cũng áp dụng tương tự.
Nhưng theo CNN, điểm mấu chốt là tỷ phú Elon Musk từng đánh giá thấp BYD - viết tắt của "Build Your Dreams". Vào năm 2011, ông bác bỏ câu hỏi của một phóng viên Bloomberg về việc hãng xe Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa đối với Tesla. "Anh đã thấy xe của họ chưa?", Musk mỉa mai khi đó.
Nhưng hơn thập kỷ sau, BYD vượt Tesla về doanh thu hàng năm và làm chao đảo thị trường xe điện toàn cầu. Tất nhiên, Tesla vẫn là hãng xe điện bán chạy nhất tại Mỹ nhờ hàng rào thuế quan bảo hộ."Nếu không có những rào cản thương mại này, BYD hoàn toàn có thể trở thành cơn ác mộng của Musk", CNN bình luận.
Phiên An (theo Reuters, CNN, AP)