Trung Quốc, nơi ghi nhận các ca nCoV đầu tiên trên thế giới hồi cuối năm 2019, là một trong những nước cuối cùng còn duy trì chiến lược "Không Covid".
Nhưng sau hai năm gần như đóng cửa hoàn toàn biên giới, xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa và cách ly các thành phố, chiến lược này đang đứng trước thử thách căng thẳng hơn bao giờ hết, khi số ca nhiễm có chiều hướng gia tăng trên cả nước.
Với hàng triệu người đang bị phong tỏa, câu hỏi đặt ra là liệu cách tiếp cận của Trung Quốc có thể chống lại "cuộc tấn công" của biến chủng Omicron hay không.
Về cơ bản, Trung Quốc đã tự đóng cửa với thế giới từ tháng 3/2020 nhằm ngăn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài và đối phó nhanh chóng với các đợt bùng phát trong nước. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm trên diện rộng được thực hiện nhằm chống lại đà lây lan của virus.
Khác với "phong tỏa mềm" ở nhiều nước khác, người dân Trung Quốc có thể bị cấm rời khỏi tòa nhà hoặc buộc phải cách ly trong phòng khách sạn nếu họ bị coi là có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các ứng dụng theo dõi và truy vết bắt buộc được cài trong điện thoại của từng người dân giúp chính quyền phát hiện và cách ly ngay lập tức tất cả những ai tiếp xúc gần với bất kỳ ca nhiễm nào.
Các cửa hàng, trường học, địa điểm du lịch, văn phòng và trung tâm thương mại đều buộc phải đóng cửa ngay cả khi vẫn còn người bên trong nếu xuất hiện dù chỉ một ca nhiễm hay người tiếp xúc gần.
Các quan chức chính quyền liên tục bị cách chức hoặc kỷ luật vì để dịch bùng phát trong khu vực họ quản lý. Điều này khiến chính quyền địa phương càng trở nên quyết liệt hơn trong công tác chống dịch.
Cư dân buộc phải ở nhà ngay lập tức khi lệnh phong tỏa được ban bố. Mới đây nhất, hôm 13/3, giới chức Trung Quốc áp lệnh phong tỏa với 17 triệu cư dân ở Thâm Quyến sau khi số ca nhiễm tăng trở lại. Thành phố này hôm qua báo cáo 66 ca Covid-19 mới.
Tính đến chiều 13/3, Trung Quốc ghi nhận gần 3.400 ca Covid-19 mới, mức tăng chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020, do các đợt bùng phát liên quan đến biến chủng Omicron. Ba tuần trước, Trung Quốc ghi nhận chưa đến 100 ca/ngày.
Trong thời gian áp dụng chiến lược "Không Covid", lượng chuyến bay quốc tế cũng giảm mạnh. Lượng khách đến rất hạn chế và phải trải qua quá trình cách ly kéo dài hàng tuần.
Số ca Covid-19 của Trung Quốc kể từ dịch bùng phát đến nay chỉ khoảng 115.000, bằng một phần nhỏ so với những nơi khác trên thế giới. Số ca tử vong được báo cáo ở mức dưới 5.000.
Dù nhiều người cho rằng số ca được ghi nhận ở ổ dịch Vũ Hán, nơi dịch bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, chưa đầy đủ, cuộc sống kể từ đó đến nay đã trở lại bình thường trên cả nước.
Giới lãnh đạo Trung Quốc coi xử lý đại dịch là một vấn đề chính trị, cho rằng tỷ lệ tử vong thấp chứng tỏ sức mạnh của mô hình quản trị mà nước này đang áp dụng.
Giới chức Trung Quốc cũng coi phản ứng hỗn loạn của Mỹ trước đại dịch như một minh chứng cho cách quản trị thất bại. Giới phân tích cảnh báo bất kỳ thay đổi trong chiến lược nào cũng sẽ cần phải thay đổi nhận thức về Covid-19 trong dư luận Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược "Không Covid" của Trung Quốc cũng đi kèm những cái giá phải trả không nhỏ, cả về con người lẫn kinh tế.
Nó gây gián đoạn cuộc sống hàng ngày, đặc biệt ở các thành phố cảng và các khu vực biên giới, nơi gần như bị phong tỏa liên tục. Giới chuyên gia nhận định việc các nhà máy và doanh nghiệp đóng cửa triền miên là một trong những lý do khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Nhiều khu dân cư bị phong tỏa phàn nàn về tình trạng khó tiếp cận thực phẩm, thuốc men, chăm sóc y tế cũng như các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm khác.
Những người lao động nhập cư lên thành phố kiếm sống không thể về với gia đình suốt nhiều tháng do các quy định kiểm dịch và hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Nhiều hành động quyết liệt của chính quyền địa phương đã gây phẫn nộ trong công chúng, như việc nhân viên y tế đánh chết chó mèo cưng khi chủ của chúng bị đưa đi cách ly.
Một nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc mới đây kêu gọi nước này nên hướng tới mục tiêu sống chung với Covid-19. Trong khi đó, chính phủ lần đầu tiên công bố xét nghiệm kháng nguyên nhanh, cho phép người dân tự xét nghiệm tại nhà. Đây được cho là biện pháp nhằm giải tỏa một phần áp lực đối với hệ thống y tế.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo ngại về năng lực của hệ thống y tế Trung Quốc và hiệu quả của vaccine nội địa. Giới chức nước này cũng đang lo lắng theo dõi tình hình dịch ở đặc khu Hong Kong, nơi các bệnh viện sắp bị quá tải do đợt bùng phát dịch nghiêm trọng gần đây.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo Trung Quốc có thể đối mặt một "đợt bùng phát khổng lồ" có nguy cơ gây sụp đổ hệ thống y tế nếu nới lỏng những biện pháp chống dịch ở mức độ tương tự châu Âu hay Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo AFP)