Tiến sĩ Jennifer Huang Bouey coi thập kỷ hợp tác khoa học Mỹ - Trung trong khoảng thời gian từ sau đại dịch Sars 2002 - 2003 cho đến những năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama là "thời kỳ hoàng kim".
Nỗ lực hợp tác trong những năm đó đã giúp kiểm soát sự lây lan của HIV ở Trung Quốc, chấm dứt đại dịch Ebola có nguy cơ lây lan ra ngoài Tây Phi, dập tắt virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc bằng cách tận dụng hệ thống giám sát theo mô hình của Trung tâm Dịch bệnh Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cùng với một loại vaccine được phát triển trong nước.
"Các chuyên gia CDC Mỹ ngồi trong văn phòng CDC Trung Quốc, giống như tất cả họ là đồng nghiệp. Họ đi từ văn phòng này sang văn phòng khác, thảo luận về dịch bệnh", Bouey, nhà dịch tễ học kiêm nhà nghiên cứu chính sách Rand Corporation nhớ lại thời gian bà ở Bắc Kinh với tư cách nhà khoa học được chính phủ Mỹ tài trợ chuyên về phòng chống HIV.
"Sự tin tưởng giữa các nhà khoa học thường có ích nhất trong việc điều tra một hiện tượng lạ, tìm phương pháp điều trị, vaccine hay chiến lược chống lại những thách thức đang nổi lên".
Nhưng thời kỳ hợp tác hoàng kim đã kết thúc đột ngột, và ra đi cùng nó là mắt xích quan hệ đối tác khoa học hiệu quả lẽ ra đã có thể làm chậm sự lây lan của nCoV.
Vào thời điểm dịch bùng phát ở Vũ Hán, chỉ còn một vài chuyên gia y tế Mỹ ở Trung Quốc do nghi ngại về bảo mật thông tin. Họ không có mặt tại các văn phòng CDC Trung Quốc mà chuyển đến đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, phần lớn không biết về những ca nhiễm bắt đầu lấp đầy các bệnh viện ở thành phố cách đó 1.000 km về phía nam.
Nguyên nhân hợp tác khoa học Mỹ - Trung suy giảm là nghi ngờ về bảo mật thông tin. Cộng đồng tình báo bắt đầu cảnh báo Nhà Trắng về hoạt động gián điệp của Trung Quốc từ năm 2011. Năm 2015, một cuộc tấn công mạng nhằm vào Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) được cho là làm rò rỉ thông tin về hàng triệu nhân viên liên bang cho các đơn vị tình báo của Bắc Kinh. Sự việc là "giọt nước tràn ly" khiến chính quyền Obama bắt đầu giảm số lượng quan chức y tế công cộng làm việc trực tiếp với các đối tác Trung Quốc", Jame Lewis, cựu quan chức chính phủ Mỹ, lãnh đạo chương trình công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói.
"Một mặt, họ mong muốn cộng đồng khoa học có thể làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc. Mặt khác, mong muốn của cộng đồng an ninh quốc gia là giảm bớt sự tiếp cận của Trung Quốc", ông nói. "Khi bối cảnh chính trị thay đổi, việc các nhà khoa học đã có một khoảng thời gian hợp tác vui vẻ không đủ để giữ cho mọi thứ tiếp tục".
Khoảng 40 đại diện của CDC Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) làm việc tại Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 10 người vào thời điểm một thỏa thuận toàn diện về khoa học và công nghệ, được ký năm 1979 bởi lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã lặng lẽ mất hiệu lực vào năm 2017.
Jimmy Kolker, cựu trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ dưới thời Obama, cho biết thỏa thuận vốn được gia hạn thường xuyên này cho phép các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ thông tin với các đối tác Mỹ.
Việc Mỹ giảm sự hiện diện và tiếp xúc của các nhà khoa học Mỹ với người Trung Quốc đã khiến Mỹ không tận dụng được lợi thế của việc có chuyên gia tại Trung Quốc khi đại dịch diễn ra, trong khi những người này có thể gửi về thông tin quý giá cho các cơ quan của Mỹ. Việc cắt liên lạc cũng làm gián đoạn nguồn cung cấp đồ bảo hộ cá nhân vào thời điểm Mỹ thiếu nguồn cung và làn sóng lây nhiễm đầu tiên tấn công Seattle, New York, Los Angeles cùng các thành phố khác hồi tháng ba.
"Chúng ta đã phản ứng với Covid-19 bằng cách rút tất cả mọi người từ Trung Quốc về nước, đặc biệt là chúng ta cũng đưa các nhân viên NIH và FDA ở Trung Quốc về nhà, trong khi nhân viên FDA là những người đặc biệt có giá trị trong việc tiếp cận nguồn cung vật tư y tế và phi y tế", Kolker nói.
Khoảng một năm trước khi Donald Trump trở thành tổng thống vào tháng 1/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt kê những điểm có lợi của thỏa thuận cho phép các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ thông tin với đối tác Mỹ.
FDA "đã hợp tác thông qua cam kết chiến lược với các cơ quan quản lý thực phẩm và sản phẩm y tế Trung Quốc, tiếp cận các công ty Trung Quốc xuất khẩu những sản phẩm được FDA cấp phép sang Mỹ, cho phép FDA tăng cường độ an toàn của thực phẩm và sản phẩm y tế nhập từ Trung Quốc thông qua việc chia sẻ thông tin tốt hơn và tiếp cận các cơ sở sản xuất", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một báo cáo thường niên năm 2016.
"Bộ Y tế Mỹ đã làm việc với Trung Quốc để thiết lập các cam kết và hợp tác với họ để xây dựng năng lực ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm toàn cầu. Hai nước đạt được những thành công như nỗ lực chung ứng phó với đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi", báo cáo có đoạn viết.
"Tôi đã nghĩ Covid-19 sẽ là cơ hội để cải thiện rạn nứt giữa hai bên", Bouey nói. "Việc hai nước có kẻ thù chung lẽ ra nên là cơ hội để làm việc cùng nhau, nhưng điều ngược lại đã xảy ra".
Huang Bouey nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm" với chính quyền Biden sắp tới. Bà cho rằng chính quyền Biden nhiều khả năng sẵn sàng nối lại đối thoại Mỹ - Trung về y tế cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch hơn Trump.
"Tôi thực sự hy vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa CDC Mỹ và Trung Quốc", bà nói. "Chúng ta phải nghĩ làm thế nào để xây dựng lại lòng tin, ít nhất là trong một số lĩnh vực, ngay cả khi việc này sẽ phức tạp hơn trước rất nhiều".
Phương Vũ (Theo SCMP)