Thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, đã tổ chức buổi quay số đầu tiên vào chiều 18/2, sử dụng hệ thống đặt hàng khẩu trang trực tuyến dưới sự giám sát của Văn phòng Công chứng Quảng Châu. Chỉ 3,5% trong số hơn 2 triệu người tham gia quay số có khẩu trang để sử dụng, báo địa phương Yang Cheng Evening News cho hay.
Hệ thống quay số này được áp dụng nhằm thay thế quy tắc đặt mua khẩu trang trước đây là "ai đến trước thì có hàng trước" và đảm bảo cơ hội công bằng cho mọi người. Theo quy định mới, người dân có 24 giờ để đăng ký căn cước cá nhân, số điện thoại và đặt hàng trên một ứng dụng của WeChat tên là Suikang. Kết quả xổ số được công bố vào ngày hôm sau.
Những người thắng sẽ được chuyển tới tận nhà 10 khẩu trang thông thường hoặc 5 khẩu trang N95, một trong những loại thông dụng nhất hiện nay. Tuy nhiên, họ phải đợi thêm ít nhất 10 ngày mới được tham gia lần quay số tiếp theo.
Tổng cộng 520.000 chiếc khẩu trang đã được đưa vào chương trình quay số với hơn 300 cửa hàng dược phẩm địa phương tham gia vào hệ thống đăng ký nhận khẩu trang trực tuyến.
Các thành phố khác ở Quảng Đông như Thâm Quyến và Yết Dương cũng sử dụng hệ thống xổ số trực tuyến và dịch vụ chuyển hàng để đảm bảo an toàn và công bằng cho người dân khi mua khẩu trang.
Nhiều người đã bày tỏ ủng hộ với hệ thống thông minh và tiện lợi này. "Cuối cùng tôi không phải đặt đồng hồ hàng ngày để canh thời gian đăng ký mua khẩu trang nữa", một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ lo lắng rằng những người không rành về công nghệ, hay người già, sống đơn độc sẽ khó lòng sử dụng được hệ thống này. "Người già nên được mua khẩu trang tại các cửa hàng thuốc bằng thẻ căn cước của họ. Công nghệ không phải là tiện ích với tất cả mọi người", một người bình luận.
Khẩu trang trở thành vật bất ly thân với người Trung Quốc khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào cuối năm ngoái và đến nay đã làm hơn 2.100 người tử vong, 75.662 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Tình trạng khan hiếm đã đẩy giá khẩu trang tăng chóng mặt, nhiều người không có khẩu trang để phòng nCoV và phải tự may khẩu trang khi hàng giả tràn lan.
Anh Ngọc (Theo Global Times)