Quang Liêm: 'Cờ vua không chỉ gói gọn trong 64 ô'

Trong cuộc trò chuyện với VnExpress sau khi về từ Mỹ, kỳ thủ Lê Quang Liêm tiết lộ anh đặt mục tiêu trở lại Top 20 thế giới khi dự hai giải sau SEA Games 31.

Lê Quang Liêm trò chuyện tại tòa soạn VnExpress trước khi thi đấu ở SEA Games 31. Ảnh: Quỳnh Trần

- Quang Liêm đánh giá thế nào về thành tích của anh ở Oslo Esports Cup tháng 4/2022 - giải đấu anh xếp trên Vua cờ Carlsen?

- Tôi có chút tiếc nuối, bởi nếu mọi chuyện suôn sẻ hơn trong trận cuối, tôi có thể vô địch. Nhưng cũng khó nói vì mọi kỳ thủ đều mong ước như vậy. Nếu không có chút may mắn ở một số vòng đấu, tôi cũng chưa chắc về nhì. Nhìn chung, tôi hài lòng với kết quả.

Giải đấu nằm trong hệ thống Champions Chess Tour, quy tụ những kỳ thủ hàng đầu thế giới. Được dự giải đã là vinh hạnh và thử thách lớn cho tôi. Những đối thủ lần này đều có những thách thức và thú vị riêng. Giải này tôi chuẩn bị tốt nên không bỡ ngỡ như những lần trước và đoạt giải nhì. Sau giải đấu, tôi lập tức trở về Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games. Hy vọng đó sẽ là bước chạy đà tốt để tôi thi đấu thành công tại Đại hội trên sân nhà.

- Quang Liêm có biết chiến thắng trước Carlsen đã gây tiếng vang lớn ở Việt Nam?

- Trong thi đấu, tôi thường tập trung tối đa. Tôi không trao đổi nhiều với những người khác, ngoại trừ gia đình, HLV và vài người bạn thân. Sau giải, tôi theo dõi tin và thấy VnExpress cũng như một số báo chí đã đưa tin về giải. Tôi rất vui vì đã thành công tại giải và làm cho phong trào cờ vua phổ biến hơn, gây tiếng vang nhất định về khả năng của cờ vua Việt Nam so với thế giới. Đó cũng là động lực và niềm khích lệ nhất định để tôi tiếp tục cố gắng.

Carlsen (trái) thất vọng sau trận thua Quang Liêm ở Oslo Esports Cup tại Na Uy tháng 4/2022. Ảnh: chụp màn hình

- Anh ấn tượng nhất với trận đấu nào?

- Có một số ván đấu tôi thấy thú vị, như trước nhà vô địch thế giới Magnus Carlsen, hạng bảy thế giới Anish Giri hay nhà vô địch World Cup Jan-Krzysztof Duda. Thắng được họ rất khó khăn vì họ nhiều năm trong Top 10 thế giới và có lối đánh khó chịu với tôi.

- Giải đấu này thành công ở mức nào trong sự nghiệp của anh?

- Chức vô địch cờ chớp thế giới năm 2013 vẫn là giải đấu thành công nhất của tôi. Nhưng về tổng thể, Oslo Esports Cup cũng rất thành công, và nằm trong Top 3 những giải thành công nhất của tôi, cả về uy tín, chất lượng cũng như tiền thưởng giải.

- Vậy còn chiến thắng trước Carlsen?

- Chắc chắn đây là trận thắng đáng nhớ nhất. Vì tôi chưa từng thắng Carlsen cho đến trước giải đó. Trận này tôi không chỉ thắng một, mà cả hai ván, cũng như thắng tổng tỷ số.

Sau trận, tôi còn bị sốc và chưa tin lắm. Tất nhiên tôi tin mình vẫn có khả năng hạ Carlsen. Nhưng khi đó tôi quá tập trung vào ván cờ. Khi hết trận rồi mới nhận ra mình đã thực sự đánh bại Carlsen. Lúc đó giải vẫn còn dài, nên tôi vẫn chưa nghĩ đến khả năng vô địch. Tôi chỉ nghĩ là: 'Ồ, cuối cùng mình đã làm được. Cuối cùng mình đã thắng Carlsen. Có lẽ mình chơi giải này cũng không tệ lắm'.

Thực sự, đó là trận đấu có ý nghĩa lớn với tôi, trong việc động viên tinh thần để tôi tự tin hơn. Vì tôi đã thắng được nhà vô địch thế giới. Tất nhiên chỉ qua kết quả đó, tôi không thể nào nghĩ là có thể thắng hết đối thủ khác. Nhưng không thể phủ nhận bất cứ kỳ thủ nào cũng muốn thắng Carlsen. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ rất tự tin cho những trận còn lại và tôi cũng không phải ngoại lệ.

- Các bình luận viên Champions Chess Tour đánh giá anh có lối đánh chắc chắn, thiên về cờ vị trí (positional). Nhưng anh cũng thể hiện được khả năng tính toán chiến thuật (tactical) trong những ván tính toán phức tạp ở giải qua. Khía cạnh nào nổi bật hơn trong lối đánh của anh?

- Đó cũng là nhận xét thú vị. Tất nhiên ở trình độ Elo trên 2.700, mọi người đều có tính chiến đấu và chơi tốt mọi thể loại cờ. Từ trước đến nay, tôi có xu hướng chơi cẩn thận hơn một chút, thiên về kỹ thuật, về những trận chiến lâu dài, về cách đặt vị trí các quân cờ và ưu thế trong tàn cuộc...

Một số kỳ thủ khác lại thiên về lối chơi chiến thuật hơn. Họ có thể thích đánh đôi công trực diện, chiến đấu hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa một kỳ thủ chơi thiên về thế trận lại không thể chơi những ván cờ thiên về chiến thuật. Khi thi đấu, tôi luôn muốn tìm ra những nước đi tốt nhất ở mọi giai đoạn. Nếu thế cờ đó yêu cầu tôi phải chơi tấn công, thiên về chiến thuật, tôi sẽ chơi như vậy.

Trong ván cuối gặp Carlsen, anh ấy cố tình đưa thế cờ vào lối chơi chiến thuật, cần phải tấn công đối phương và rất nhiều đòn chiến thuật có thể xảy ra. Tôi không thể tránh cuộc chiến đó. Nên tôi phải tấn công Carlsen. Suốt ván đấu, hai bên đều mắc những sai sót, nhưng tôi đã có nhiều đón chiến thuật chính xác hơn, nên đã có kết quả tốt. Cũng vì thời gian qua tôi đã có những thay đổi nhất định, như luyện chiến thuật nhiều hơn, giải một số bài tập chiến thuật và chơi những biến mang tính tấn công hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp tôi thắng Carlsen.

Cờ vua rất phức tạp, không thể chuẩn bị cho tất cả biến.

- Quang Liêm cập nhật những kiến thức cờ vua mới thế nào?

- Các kỳ thủ hàng đầu phải cập nhật những kiến thức mới liên tục. Nếu cứ chơi theo lối mòn cũ, đến một lúc nào đó đối thủ sẽ biết bài vở của mình và đọc được ý đồ. Tôi sẽ không thể đối phó được, và khó thắng đối thủ khi đó. Trong những khai cuộc tôi chơi, tôi đều nghiên cứu và chuẩn bị bất ngờ đặc biệt cho đối thủ.

Nhưng tôi có theo dõi trên mạng thấy nhiều người nói rằng khi chuẩn bị cho ván đấu, có nghĩa kỳ thủ có thể ghi nhớ 30, 40 nước cờ, thậm chí cả ván cờ. Tôi muốn nói rằng nhận xét đó không đúng. Cờ vua rất phức tạp, không thể chuẩn bị cho tất cả biến. Chỉ cần đối thủ đánh chệch khỏi biến đó một nước, tôi sẽ phải tự suy nghĩ đánh tiếp. Thậm chí có những trường hợp tôi đạt ưu thế nhất định sau khi đi đúng bài vở. Nhưng nếu không có kỹ thuật để khai thác những ưu thế đó, hay không biết phải chơi như nào, các ưu thế sẽ không có ý nghĩa gì.

Trong các ván cờ đỉnh cao hiện nay, chỉ có khoảng 30% các ván cờ họ có thể học thuộc lòng. Đa số ván còn lại là hai bên phải chiến đấu với nhau, dựa vào kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức của mỗi người.

- Vẻ đẹp của cờ vua nằm ở điểm nào?

- Cần rất nhiều yếu tố để thắng một ván trong cờ vua hiện đại. Chúng ta phải có sự chuẩn bị, kiến thức nền tốt. Kiến thức đến từ việc các kỳ thủ phải học hỏi những ván cờ kinh điển từ trước đến nay, của các nhà vô địch thế giới, để rút ra bài học. Đó là những kiến thức nền và ai cũng phải nắm vững. Sau đó chúng ta cần cập nhật những kiến thức khai cuộc mới, những biến nào đó mới được phát minh ra. Các kỳ thủ sẽ phải làm việc chăm chỉ.

Có hai yếu tố đó, nhưng khi thi đấu kỳ thủ vẫn cần chuẩn bị tinh thần tốt, minh mẫn để chơi với mọi đối thủ. Các ván hiện nay có thể bỏ vào máy tính và thấy các kỳ thủ đánh sai. Nhưng người có chuyên môn đều biết ván cờ được chuẩn bị và tốn nhiều công sức để đánh được như thế. Nên để thành công trong cờ vua không phải đơn giản.

- Quang Liêm đánh giá thế nào về nước thí hậu trong ván đấu với Jorden van Foreest ở Oslo Esports Cup?

Chuyên gia ngỡ ngàng với nước thí hậu của Quang Liêm
 
 

- Quá trình nghĩ ra nước cờ đó với tôi khá đơn giản. Ván cờ đó mỗi bên có năm phút, cộng thêm ba giây sau một nước đi, nên tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Trước khi thí hậu khoảng vài nước, tôi đã thấy khả năng này có thể xảy ra. Khi Van Foreest đang suy nghĩ, tôi đã tính khả năng đó. Tôi nghĩ sẽ bỏ hậu tạm thời, và một lúc sau sẽ bắt lại được hậu đối phương, mà vẫn giữ được ưu thế hơn hai tốt. Đó là bài chiến thuật tương đối đơn giản. Tôi không phải nghĩ quá nhiều.

Thực tế có lẽ đòn thí hậu đó không phải nước mạnh nhất theo máy tính. Có nhiều nước khác có thể tốt hơn. Nhưng trong thực chiến, nước cờ đó đủ tốt rồi. Trong cờ chớp, bạn không cần tìm nước tốt nhất, mà chỉ cần đi nước cờ hiệu quả và tìm ra trong thời gian ngắn. Nếu dùng hết thời gian để tìm ra nước đi tốt nhất, tôi có thể đạt ưu thế lớn hơn, nhưng sẽ không đủ thời gian xử lý phần còn lại của ván cờ. Mỗi thể loại có đặc trưng riêng.

- Trong cờ tiêu chuẩn, Quang Liêm có gặp áp lực tìm ra nước cờ hoàn hảo?

- Với cờ tiêu chuẩn, tôi thường cố gắng tìm ra nước đi tốt nhất trong mọi tình huống. Nhưng nước đi tốt nhất cũng dựa vào hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Chẳng hạn tôi đã đạt thế cờ như vậy chưa. Nếu mình đi thế này, đối phương sẽ đáp lại thế nào. Dựa vào đó, tôi sẽ chọn nước tối ưu. Nếu còn thời gian, tôi sẽ tìm xem còn nước nào hay nhất không. Máy tính cũng sẽ cố tìm nước tối ưu.

Chẳng hạn trong khai cuộc, nếu chọn những nước tối ưu, có thể đối thủ cũng biết những nước cờ đó rồi và cũng chọn nước tối ưu, khi đó chúng ta sẽ không có lợi thế. Trong một số trường hợp, kỳ thủ có thể chọn những nước khác không phải tối ưu với máy tính. Nhưng với con người, sẽ khó chống lại nước cờ đó hơn. Đặc biệt là với những nước cờ mới mà đối thủ chưa gặp, nó sẽ có hiệu quả rất lớn. Sự sáng tạo đó có thể gây bất ngờ cho đối thủ.

- Quang Liêm nghĩ thế nào khi Carlsen bị cho là ngủ gật ít phút trong trận đấu với anh?

- Tôi chưa từng ngủ gật, nhưng tôi đã thấy một số kỳ thủ khác ngủ gật trong ván đấu. Có thể họ không khoẻ. Riêng ván đấu Carlsen, khi thi đấu tôi không nhìn vào mặt Carlsen vì họ để máy tính to ở giữa. Sau trận, tôi xem video và thấy điều đó. Có thể do Carlsen không có thể lực tốt hôm đó. Có lẽ anh ấy thấy hơi mệt. Cũng không chắc Carlsen có ngủ gật không, hay chỉ chợp mắt nghỉ ngơi một chút. Nhưng ngay cả trong trận chung kết cờ vua thế giới năm 2013 với Viswanathan Anand, Carlsen cũng bị cho là ngủ gật trong ván cờ tiêu chuẩn khoảng năm phút. Có lẽ anh ấy chỉ nhắm mắt nghỉ ngơi một chút. Tôi không thấy đó là vấn đề gì lớn, vì họ bỏ thời gian của họ ra để nghỉ ngơi, và đó là lựa chọn của họ.

Vua cờ Carlsen ngủ gật trong trận thua Quang Liêm
 
 

- Đâu là khác biệt giúp Quang Liêm thành công hơn ở Champions Chess Tour năm nay, so với năm 2021?

- Các kỳ thủ Champions Chess Tour được mời thi đấu dựa vào thứ bậc trong Tour. Vì thế chặng đầu tiên trong Tour rất quan trọng. Nếu thành công, tôi sẽ được mời dự chặng tiếp theo, nếu không sẽ rất khó có cơ hội lấy điểm để đạt thứ bậc cao hơn. Năm ngoái tôi chơi không thành công ở giải đầu tiên. Sau đó tôi được mời rất ít giải và không có thứ bậc cao. Năm nay tôi chơi tốt hơn ở giải đầu tiên, và ba giải đầu tôi đều chơi tốt. Nên sự khác nhau giữa hai giải chủ yếu là tôi đã chuẩn bị tốt hơn cho chặng đầu tiên năm nay. Và tôi cũng quen thuộc hơn với thể thức của giải và lối chơi của các đối thủ.

- Mục tiêu của Quang Liêm ở giải cờ tiêu chuẩn Prague (Czech) và Biel (Thuỵ Sĩ) là gì?

- Kế hoạch của tôi trong tháng 6 và 7 vẫn là dự hai giải này. Lần gần nhất tôi thi đấu là tháng 1/2020. Hai năm không đấu cờ tiêu chuẩn khá là dài. Bây giờ tôi trở lại cờ tiêu chuẩn cũng khá hồi hộp vì không biết phong độ mình thế nào. Nhưng mục tiêu của tôi đơn giản là trở lại Top 20 thế giới, và cải thiện Elo. Tôi sẽ cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt phong độ cao.

Quang Liêm trả lời VnExpress
 
 
Video Quang Liêm chia sẻ thêm về giải Oslo và trước thềm SEA Games.

- Quang Liêm đánh giá thế nào về cờ vua ở SEA Games?

- Các kỳ thủ SEA Games đều có kinh nghiệm trong khu vực. Philippines, Indonesia, Malaysia hay Singapore là những đối thủ chính của chúng ta. Tôi đã thi đấu với họ rất nhiều. Tôi có Elo cao hơn và được coi là hạt giống số một, nên có cơ hội thắng cao hơn. Nhưng khi vào thi đấu, chúng ta không thể nói trước điều gì. Các đối thủ sẽ chuẩn bị đặc biệt và gây bất ngờ cho tôi. Với họ, hoà tôi đã là thành công rồi. Còn tôi sẽ luôn có áp lực phải thắng, nên sẽ khó khăn hơn chút.

Chẳng hạn SEA Games 2019 ở Philippines, tôi chỉ dự một nội dung cờ chớp và đoạt HC bạc. Kết quả đó không như ý, khi tôi là hạt giống số một nhưng chỉ về nhì. Mọi người nói SEA Games là ao làng, nhưng tôi không coi thường bất cứ đối thủ nào. Tôi sẽ cố gắng hết mình mới có thể thành công. Đại hội này có thuận lợi hơn chút là tôi được chơi trên sân nhà, và được dự tới bốn nội dung. Hy vọng tôi sẽ chơi thành công hơn.

- Anh có coi SEA Games là cơ hội để giải khát danh hiệu?

- Danh hiệu gần nhất của tôi ở cờ tiêu chuẩn là năm 2019, khi tôi vô địch ba giải cờ liên tiếp từ tháng năm đến tháng bảy. Sau đó vì Covid-19, tôi không tham dự được nhiều. SEA Games này tôi chỉ đấu cờ nhanh và cờ chớp. Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm rồi khi những năm qua chơi online nhiều trên Champions Chess Tour. Còn cờ tiêu chuẩn tôi phải chờ đến giải Prague và Biel sắp tới.

- Vì sao cờ vua Việt Nam không đạt thành tích cao ở SEA Games 2019?

- Ngoại trừ năm 2019, Việt Nam đều thi đấu khá thành công ở môn cờ vua. Năm đó có lẽ vì yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Philippines sắp xếp để mỗi người chỉ được tham gia tối đa một nội dung. Tôi nhớ khi đó giải chỉ có bốn nội dung, còn cờ ASEAN chúng ta không mạnh. Với những nội dung như thế, cờ vua Việt Nam gặp khó khăn khi đối thủ cũng có sự cạnh tranh cao. Trên danh nghĩa chúng ta có thể vượt trội, nhưng khi vào thi đấu với ít kỳ thủ, sự phân hoá không nhiều.

Chẳng hạn ở giải đấu có vài chục kỳ thủ đấu chín vòng, chúng ta có thể xác định ai mạnh hơn ai. Nhưng nếu giải chỉ có tám đến 10 người và chỉ đấu năm vòng, sự phân hoá giữa các kỳ thủ không cao. Nếu mắc sai lầm, chúng ta sẽ không có thời gian sửa sai. Vì thế thách thức đặt ra với cờ vua Việt Nam là phải chiến thắng chính mình, kiểm soát được cảm xúc để đạt phong độ tốt nhất. Khi đó chúng ta sẽ không có gì phải lo lắng về đối thủ.

- Mục tiêu của Quang Liêm tại SEA Games 31 là gì?

- Tôi không nói nhiều về chỉ tiêu hay thành tích của đội. Trong đội có bầu không khí tốt, ai cũng hỗ trợ lẫn nhau. Vào thi đấu ai cũng muốn có thành tích tốt nhất. Các VĐV không muốn nói trước quá nhiều, vì "nói trước bước không qua". Chúng tôi sẽ chỉ muốn thi đấu hết mình để đạt được kết quả mong muốn.

Cờ vua không chỉ gói gọn trong 64 ô cờ.

- Việc làm HLV cờ trường Webster và Giám đốc học viện SPICE ở Mỹ có ý nghĩa thế nào với anh?

- Việc đó giúp tôi có cái nhìn bao quát hơn về cờ vua, công tác huấn luyện và quản lý. Trước đây là VĐV, tôi chủ yếu quan tâm vào thi đấu. Mỗi khi đi đánh giải, các thầy sẽ lo về việc hậu cần và bên lề, để tôi tập trung thi đấu. Bây giờ khi đưa các học trò đi thi đấu, tôi sẽ lo những việc đó, như đặt vé máy bay hay giữ tinh thần của toàn đội được tốt, duy trì hoạt động cộng đồng và phổ biến cờ vua đến cộng đồng hơn. Tôi không chỉ giúp các sinh viên thành công trong cờ vua, mà còn có ảnh hưởng tới cộng đồng. Đó là mục tiêu tôi hướng đến trong công việc hiện tại.

Cờ vua không chỉ gói gọn trong 64 ô cờ. Để thành công, chúng ta phải biết quản lý tâm lý thi đấu. Trong thi đấu đồng đội, các kỳ thủ cũng phải biết tinh thần đồng đội, hỗ trợ lẫn nhau. Công việc mới giúp tôi phải làm quen với những điều đó, và công việc này khá thú vị.

- Những gì anh được ở Việt Nam có ảnh hưởng tới cách dạy cờ ở Mỹ thế nào?

- Đúng là có ảnh hưởng. Những gì tôi học được trong cờ vua cũng như trong môi trường đã tạo nên Quang Liêm hôm nay. Những yếu tố đó đã tạo thành công cho tôi như hôm nay. Khi huấn luyện, những yếu tố đó sẽ có ích cho tôi. Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi sẽ dùng để hỗ trợ các sinh viên khác. Những gì tôi đã học được từ Việt Nam hay ở Mỹ, dù sao cũng sẽ giúp ích cho các sinh viên.

Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, điều kiện cơ sở vật chất không được phát triển như các nước khác như Mỹ, các kỳ thủ cũng ít được thi đấu nhiều hơn. Nhưng bù lại, chúng ta có những điều thuận lợi hơn. Chẳng hạn với tôi, tôi được hỗ trợ nhiều từ Sở văn hoá thể thao TP HCM cho đến nay.

- Quang Liêm có dự định về Việt Nam dạy cờ vua trong tương lai?

- Hiện tôi chưa nghĩ đến việc đó, khi đang sống và làm việc ở Mỹ. Nhưng tôi vẫn chưa đóng hoàn toàn cánh cửa trở lại Việt Nam. Vì biết đâu đến một lúc nào đó tôi lại muốn trở lại. Tôi cũng chưa có dự định sẽ học thêm ngành gì mới, mà chỉ tập trung việc vừa thi đấu, vừa quản lý và huấn luyện.

- Việc định cư ở Mỹ có ảnh hưởng tới kế hoạch thi đấu của Quang Liêm cho đội tuyển Việt Nam?

- Từ lúc bắt đầu đi học ở Mỹ năm 2013, tôi vẫn thi đấu cho Việt Nam và đại diện cho đội ở các giải lớn như SEA Games, Asiad hay Olympiad. Dù ở Mỹ bận rộn nhiều và khó sắp xếp thời gian hơn, tôi vẫn không có dự định chuyển sang liên đoàn khác. Nhưng vấn đề cũng chỉ là việc sắp xếp thời gian để trở về thi đấu cho Việt Nam. Dù ở đâu, tôi vẫn sẽ gắn bó với cờ vua Việt Nam trong tương lai.

- Quang Liêm có định hướng cho con sau này chơi cờ vua không?

- Có lẽ tôi sẽ dạy con chơi, nhưng con có thích chơi hay không tôi sẽ để nó quyết định. Nếu nó thích chơi và muốn học hỏi sâu hơn, tôi sẽ hướng dẫn sâu hơn. Nếu con không thích cờ vua và theo đuổi những thứ khác, tôi cũng sẽ ủng hộ nó.

Vợ tôi cũng thống nhất quan điểm đó, khi chỉ cho con chơi cờ vua một chút ban đầu để xem thế nào. Ngày xưa ba mẹ tôi cũng vậy, ủng hộ tôi hết mình, dù ban đầu họ không có định hướng cho tôi chơi cờ vua. Lúc đó anh em tôi cũng muốn chơi cờ vua, và được ba mẹ ủng hộ, giúp đỡ. Trong tương lai, tôi cũng sẽ dạy con như vậy.

- Gia đình có ảnh hưởng thế nào đến Quang Liêm?

- Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc với tôi. Từ khi bắt đầu thi đấu năm 10 tuổi, hầu như giải nào ba mẹ cũng sắp xếp thời gian đi cùng tôi. Hiện vợ tôi cũng đi cùng trong các giải đấu. Có gia đình đi cùng là sự hỗ trợ tinh thần lớn, dù gia đình không biết gì về cờ vua. Nhưng có người ở bên cạnh để chia vui sẻ buồn trong những lúc thi đấu là sự hỗ trợ vô cùng ý nghĩa.

Quang Huy - Xuân Bình