Một buổi sáng tháng 8 tại vườn thú trung tâm ở thành phố Maracaibo, các nhân viên đã rất sửng sốt khi thấy trong chuồng trâu và lợn rừng chỉ còn lại vài đoạn xương. Xung quanh là dấu hiệu cạy phá.
Kẻ trộm đã lẻn vào đây, xẻ thịt những con thú để lấy thịt ăn và ra chợ bán phần còn lại. Tại một vườn thú khác ở Caricuao, việc tương tự cũng xảy ra với một chuồng ngựa đen.
Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro biết rằng người dân đang thiếu đói trầm trọng, nhưng ông cũng chẳng thể làm được nhiều. Venezuela liên tục đưa ra các chiến dịch nhằm giải quyết tình trạng này, gần đây nhất là “kế hoạch ăn thịt thỏ”.
"Phần đầu tiên của kế hoạch ăn thịt thỏ bắt đầu" - Tổng thống Maduro tươi cười khi công bố chiến dịch này trên truyền hình hồi tháng 9.
Thỏ không phải là thú cưng, nó chỉ nặng hai cân rưỡi. Đây là cơ hội để người dân Venezuela xem lại và thay đổi văn hoá tiêu dùng
Bộ trưởng Nông nghiệp Venezuela Freddy Bernal
Hai tháng sau khi công bố "chiến dịch thỏ", Venezuela thông báo vỡ nợ.
Quốc gia Nam Mỹ vừa lỡ hạn chót trả nợ và có thể sớm phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thời gian ân hạn 30 ngày với một khoản vay đáo hạn vào tháng 10 của Venezuela đã kết thúc. Thông báo vỡ nợ đã được S&P đưa ra sau cuộc gặp gần đây của quan chức chính phủ Venezuela với các trái chủ ở thủ đô Caracas.
Việc vỡ nợ sẽ khiến nước này phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, khả năng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây. Vì Venezuela không có đủ tiền để trả cho tất cả trái chủ hiện tại, nhà đầu tư có quyền lấy tài sản của nước này, chủ yếu là thùng dầu, để mang đi. Nếu điều này xảy ra, khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ tiếp tục trầm trọng.
"Nền kinh tế Venezuela thực sự hỗn loạn. Nó đã sụp đổ hoàn toàn và không thể phục hồi", Alberto Ramos - chuyên gia kinh tế khu vực Mỹ Latin tại Goldman Sachs nhận định.
Thỏ không phải nạn nhân "bất đắc dĩ" duy nhất của cuộc khủng hoảng. Hình ảnh những con chó gầy gò nhặt rác trên đường phố Caracas đã trở thành quen thuộc với người dân ở đây. Chúng - cũng là những nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela - đã bị những người chủ bỏ lại khi bản thân họ nhận ra rằng thức ăn cho chó cũng trở nên quá sức.
"Nhiều người đến đây xem giá thức ăn và tỏ ra ngạc nhiên khi một bịch thức ăn cho chó nặng 20 kg đã vượt quá lương tối thiểu của họ", Jose Contramaestre - quản lý một của hàng thức ăn cho vật nuôi tại Caracas cho biết.
Cuối năm 2016, phóng viên Carlos Garcia Rawlins của Reuters đã thực hiện một bộ ảnh về những "nạn nhân bất đắc dĩ" này, như một phần của bức tranh u ám về khủng hoảng tại Venezuela.
Chó cũng phải ra đường vì khủng hoảng kinh tế ở Venezuela
Những nạn nhân "bất đắc dĩ" này, thực tế chỉ là hệ quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử Venezuela, mà ảnh hưởng nhất phải kể đến những người dân và nền sản xuất của quốc gia này.
Không chỉ sống thiếu điện, nước, thuốc..., người Venezuela giờ lại phải chật vật tìm những nhu yếu phẩm cơ bản nhất - lương thực, bánh mỳ, giấy vệ sinh và khí đốt.
Người Venezuela rất khó tìm mua một chiếc bánh mỳ tại các hiệu bánh trong nước. Các tiệm này cho rằng Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã không nhập khẩu đủ bột mỳ cho họ. Tuy nhiên, ông Maduro lại kết tội các hiệu bánh tích trữ bột mỳ để làm rối loạn Chính phủ của ông. Việc đổ lỗi qua lại giữa người sản xuất và Chính phủ khiến mặt hàng nhu yếu phẩm này trở nên cạn kiệt. Trên thị trường chợ đen, giá một ổ bánh mỳ đã cao gấp nhiều lần so với mức giá niêm yết của Chính phủ, thậm chí không có hàng để mua.
Thiếu thốn lương thực đã thành chuyện thường ngày ở Venezuela. Thế nhưng ngay cả gas tại quốc gia này cũng trở nên khan hiếm. Nhiều ngày liền, Tabata Soler phải đốt củi để nấu nướng cho cả gia đình 12 người. "Tôi chẳng còn lựa chọn nào cả", y tá 37 tuổi này cho biết, "Chúng tôi như quay về quá khứ vậy. Cái thời đun củi nấu súp ấy".
Coca-Cola FEMSA - công ty phụ trách khu vực Mỹ Latin của Coca-Cola cho biết họ chưa có kế hoạch đóng cửa văn phòng hay rút khỏi Venezuela, song cũng phải dừng sản xuất tại đây. Đơn vị này giải thích khoảng 90% sản phẩm của họ cần đường, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm tại đây đã khiến việc sản xuất bị ảnh hưởng.
Đầu năm 2016, Polar Group - hãng thực phẩm - đồ uống lớn nhất Venezuela cũng đã thông báo ngừng sản xuất bia do thiếu lúa mạch.
Sống trong cảnh thiếu thốn trong thời gian dài khiến những người dân Venezuela trở nên dễ xúc động trước thực phẩm.
Rất nhiều người Venezuela, kể cả phụ nữ có thai, trẻ em và người già, đã đổ xô sang Colombia sau khi biên giới được tạm thời mở trở lại. Theo miêu tả của CNN, một số đã bật khóc khi thấy những kệ siêu thị đầy chật nhu yếu phẩm tại đây. Họ đã mua nhiều thứ thiết yếu, như thực phẩm hay đồ dùng phòng tắm - vốn đang rất thiếu trong nước.
Còn lại gì ở Venezuela?
Tiền bolivar, xăng và sự hỗn loạn - những thứ "dồi dào" nhất ở thời điểm hiện tại của quốc gia Nam Mỹ này.
Từng là một trong những tiền tệ mạnh nhất thế giới, đồng bolivar giờ đã mất giá trầm trọng. Theo dự báo của IMF, lạm phát năm 2017 của Venezuela sẽ tăng lên mức 2.200%. Ở thời kỳ đỉnh cao, 1 USD chỉ đổi được 8 bolivar, nhưng nay con số này đã tăng lên hàng chục nghìn lần trên thị trường chợ đen, thậm chí những đồng bolivar trong nhiều trường hợp đã trở nên vô giá trị.
"Người mua hàng phải để tiền trong túi du lịch lớn trước khi ra đường. Còn người bán phải để tiền trong hộp, vì ngăn kéo không đủ chỗ chứa", lời miêu tả về tình trạng mất giá của loại tiền tệ của quốc gia Nam Mỹ này. Nội tệ Venezuela đã mất giá đến mức mỗi khi có người mua hàng, thay vì đếm tiền, ông Gonzalez đành phải cân cho nhanh.
"Khi việc cân tiền xuất hiện, tức là dấu hiệu lạm phát phi mã rồi. Nhưng vì Chính phủ không công bố số liệu chính thức, nên người dân không biết tình hình tệ đến thế nào mà thôi", Jesus Casique - chuyên gia tài chính tại Capital Market Finance cho biết.
Thậm chí, cướp cũng chê tiền bolivar.
Đầu năm 2015, một toán cướp tấn công xe của anh kỹ sư tên Pedro Venero. Venero tưởng rằng toán cướp sẽ dẫn giải anh đến ngân hàng để yêu cầu rút mớ tiền bolivar anh đang gửi ở đó. Nhưng chúng không màng đến số tiền này, lăm lăm súng đạn trong tay và hỏi rằng liệu anh có đôla Mỹ ở nhà. Khi biết anh chẳng có tờ đôla nào, toán cướp tỏ ra thông cảm và bỏ đi.
Venezuela từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin và cũng là nước có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Thậm chí, cựu Tổng thống Mỹ - Bill Clinton còn chọn Venezuela là điểm dừng đầu tiên trong chuyến thăm khu vực này năm 1997.
Các kết quả thăm dò trữ lượng dầu mỏ đều đưa ra kết luận Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, vượt qua các nước đang dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác dầu. Theo các số liệu năm 2015 của Tổ chức các Nước Sản xuất và Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Venezuela có trữ lượng dầu thô đã được thăm dò và xác thực lớn nhất thế giới với trên 300 tỷ thùng. Con số này đã đưa Venezulea vượt Arab Saudi (266 tỷ thùng), Iran (158 tỷ thùng) và Iraq (142 tỷ thùng).
Hay nói cách khác, người dân tại quốc gia này cũng có thể giàu ngang ngửa với những ông hoàng dầu lửa như Arab Saudi hay Qatar.
Tuy nhiên thực tế không như vậy.
Tổng thống Maduro đã đổ lỗi cho các đối thủ và các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế Venezuela sụp đổ. Đồng thời, thái độ kém thân thiện của ông với các doanh nghiệp nước ngoài cũng tạo nên một cuộc di cư tập thể. Pepsi, General Motors, United Airlines đều đã dừng hoạt động tại quốc gia này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ thất nghiệp tại Venezuela có thể lên tới 25% trong năm nay.
Nhưng theo các chuyên gia, điều khiến Venezuela lâm vào tình cảnh hiện tại không phải do quốc gia này không biết khai thác tài nguyên, mà nằm ở vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên này như thế nào.
Với nguồn lực dồi dào, các nhà lãnh đạo Venezuela từ đầu thế kỷ 21 đã tiến hành thử nghiệm một loạt chính sách kinh tế mang tính cực tả, mà theo chuyên gia đánh giá là một mô hình phản kinh tế thị trường.
Quốc hữu hóa - cụm từ được sử dụng cho hàng loạt các tài sản trên rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, từ các nông trại, siêu thị, ngân hàng, công ty viễn thông, năng lượng, khai thác dầu mỏ, các công ty sản xuất xi măng, cà phê thậm chí là cả các công ty sản xuất ly thủy tinh. Và những doanh nghiệp này khi đã bị quốc hữu hóa sẽ phải tuân theo những quy định, trong đó đáng chú ý là việc định giá hàng hóa.
Nói nôm na, giá cả hàng hóa với những doanh nghiệp này sẽ do nhà nước quy định, điển hình của nền kinh tế bao cấp kế hoạch - loại hình đã gần như biến mất hoàn toàn trên thế giới và được thay thế bằng kinh tế thị trường.
Việc định giá một cách bất cập và vô lý đã giết chết toàn bộ các ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế Venezuela. Bộ luật độc đáo mang tên “Luật về chi phí và giá cả công bằng” của chính phủ Venezuela là nguồn cơn gây ra sự sụp đổ cho tất cả các ngành kinh tế. Vì bộ luật này, mà nền sản xuất ở Venezuela gần như bị phá vỡ hoàn toàn, dẫn tới quốc gia Nam Mỹ này phải phụ thuộc vào nguồn hàng hóa nhập khẩu, được chi trả bằng đồng USD từ việc bán dầu mỏ..
Ở thời điểm đó, việc quốc hữu hóa các tài sản lớn, cộng với việc ban hành luật định giá hàng hóa được Chính phủ Venezuela lý giải nhằm hướng tầng lớp người nghèo trong nỗ lực thúc đẩy chất lượng cuộc sống của họ. Khi giá cả các loại hàng hóa thiết yếu được chính phủ quy định thấp hơn mức thị trường, thì sẽ càng nhiều người nghèo được hưởng các điều kiện sống tốt hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng giống như "con dao hai lưỡi", việc triệt tiêu bộ phận sản xuất khiến người dân không có điều kiện gia tăng thu nhập. Khi mà khủng hoảng xảy ra, Chính phủ không còn tiếp tục trợ giá hoặc nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu sẽ đẩy cả đất nước vào một sự khủng hoảng toàn diện. Rõ ràng lúc đó hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với số người nghèo được hưởng lợi từ các chính sách trợ giá kỳ quặc.
Và câu chuyện này không chỉ xuất hiện trên giả thiết.
Khi giá dầu bắt đầu lao dốc trong năm 2014. Mặc dù Venezuela được mệnh danh là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng vấn đề ở đây là dầu là nguồn đem lại doanh thu duy nhất của quốc gia này. Kim ngạch xuất khẩu từ dầu chiếm hơn 95% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của Venezuela. Nếu quốc gia này không bán dầu thì cũng chẳng có tiền để xài.
Trong năm 2014, giá dầu đã vượt mốc 100 USD một thùng. Thế nhưng ngay sau đó, "vàng đen" đã liên tục lao dốc, thậm chí chạm mức thấp nhất chỉ 26 USD mỗi thùng.
Việc phung phí tiền vào những chính sách kinh tế mang tính cực tả khiến kho dự trữ của Venezuela không dồi dào như những cường quốc dầu mỏ khác. Thời điểm năm 2011, dự trữ của quốc gia này cũng chỉ khoảng 30 tỷ USD.
Khi nguồn thu ngoại tệ không đủ cân đối, điều tất yếu là tình trạng thiếu hụt các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu - vốn chỉ đến từ nhập khẩu. Ở Venezuela thứ không tăng giá chỉ còn lại xăng, thậm chí được ví là "rẻ hơn nước lã".
Một thực tế cũng chứng minh nguyên nhân sâu xa dẫn tới khủng hoảng của Venezuela nằm ở nội tại của nền kinh tế, là không có quốc gia xuất khẩu dầu lửa nào lại rơi vào tình cảnh tương tự như Venezuela. Giá dầu giảm chỉ có thể khiến tốc độ tăng trưởng của một quốc gia sụt giảm và chính phủ sẽ chỉ phải thắt lưng buộc bụng.
Bản thân chính quyền của ông Maduro trong vài năm gần đây cũng chọn cách trả nợ cho Trung Quốc và Nga thay vì mua thực phẩm, thuốc men từ nước ngoài. Venezuela nhập khẩu đồ ăn chủ yếu từ Brazil, Colombia và Mexico, vì nước này đã ngừng sản xuất nông nghiệp cách đây vài năm. Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu Panjiva, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu lương thực từ 3 nước này sang Venezuela đã giảm 61% so với cùng kỳ 2015.
Đến giữa năm 2017, lượng dự trữ ngoại tệ theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Venezuela chỉ còn chưa tới 10 tỷ USD, bằng một nửa so với trước đó 1 năm.
Tuần này, hai hãng xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới - Fitch và Standard & Poor’s đều tuyên bố Venezuela đã vỡ nợ. Hôm qua, đến lượt ISDA - một tổ chức gồm nhiều ngân hàng và hãng môi giới, có trụ sở tại Mỹ cũng khẳng định điều này.
Dù Nga đã hỗ trợ Venezuela bằng cách gia hạn thời gian trả nợ, quốc gia này vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước. Giá trái phiếu Venezuela đã lao dốc trong vài tháng qua. Người mua truyền thống dần được thay thế bằng những nhà đầu tư chuyên tập trung vào trái phiếu của những quốc gia sắp vỡ nợ.
“Chúng tôi đã giảm dần danh mục đầu tư vào Venezuela trong năm qua”, Jan Dehn - Giám đốc Nghiên cứu tại Ashmore Investment Management cho biết trên Times, “Họ cứ như một con tàu hỏng đang chậm chạp di chuyển vậy”.
Venezuela đang nợ tổng cộng 140 tỷ USD, trong khi ngân hàng trung ương chỉ còn 9,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Trong ngắn hạn, việc vỡ nợ có thể là một cú hích với chính quyền ông Maduro. Vì họ có thể dùng số tiền lẽ ra phải trả nợ để nhập khẩu lương thực, thuốc men cần thiết. Nhưng dài hạn, nhà đầu tư sẽ lấy đi mọi thứ có thể của Venezuela để thu hồi vốn. Đối tượng được nhắm đến nhiều nhất là hãng dầu mỏ quốc doanh PDVSA. Khi ấy, tình hình sẽ còn tệ hơn nhiều.
“Nếu lĩnh vực dầu mỏ bị phong tỏa, Venezuela sẽ chẳng còn đồng đôla nào nữa. Khi đó, lương thực cũng sẽ không còn”, nhà phân tích Luis Vicente Leon cho biết trên BBC.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại đây sẽ lên 650% năm nay và 2.300% năm 2018. Giá cả tăng, lương thực thiếu thốn đã khiến người dân Venezuela sụt trung bình 9kg chỉ trong một năm qua. Và năm nay, chẳng ai biết sẽ còn chuyện gì xảy đến với họ.
Minh Sơn