Quan hệ Mỹ - Trung qua các đời tổng thống Mỹ

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong 5 đời ông chủ Nhà Trắng gần đây có những lúc nồng ấm nhưng cũng có những giai đoạn leo thang đối đầu.

George H. W. Bush

Tổng thống George H. W. Bush đến Trung Quốc tháng 2/1989. Ảnh: ĐSQ Trung Quốc tại Mỹ.

Ông Bush và vợ đạp xe khi còn là phái viên tại Trung Quốc. Ảnh: AP

Quan hệ song phương Mỹ - Trung nhìn chung khá tốt đẹp từ năm 1979 - khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, cho đến năm 1989 - khi ông George H. W. Bush (Bush cha) trở thành tổng thống Mỹ. Ông Bush từng là phái viên Mỹ tại Trung Quốc năm 1974 - 1975, 14 tháng ông ở Trung Quốc được xem là góp phần cải thiện quan hệ Mỹ - Trung, theo SCMP.

Ông Bush hy vọng mối quan hệ cá nhân ông đã xây dựng với lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong những năm 1970 sẽ giúp ông khi trở thành tổng thống Mỹ, tuy nhiên, điều đó không xảy ra.

Sau khi sự kiện Thiên An Môn diễn ra năm 1989, quan hệ hai nước đã đóng băng. Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc đình chỉ giao lưu quan chức cấp cao và đồng ý bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan (Đài Loan tách khỏi Trung Quốc đại lục sau cuộc nội chiến năm 1949, tuy nhiên Bắc Kinh từ lâu vẫn coi đây là một phần lãnh thổ chờ được thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần. Mỹ công nhận chính sách Một Trung Quốc, tức là coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan).

Quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn được duy trì và phát triển. Lượng hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ mức 5,7 tỷ USD năm 1989 lên 7,4 tỷ USD năm 1992. Lượng hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng từ gần 12 tỷ USD năm 1989 lên 25,7 tỷ USD năm 1992.

Bill Clinton

Dưới thời của tổng thống Bill Clinton (1993 - 2001), có nhiều sự kiện trắc trở trong quan hệ hai nước. Khi Bắc Kinh thử nghiệm tên lửa ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan vào năm 1996, ông Bill Clinton đã điều hai tàu sân bay đến eo biển này.

Bill Clinton thăm Trung Quốc năm 1998
 
 

Quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu ấm lên sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1997 và chuyến thăm của ông Clinton đến Trung Quốc năm 1998, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn.

Lượng hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ mức 8,7 tỷ USD năm 1993 lên 16,1 tỷ USD năm 2000, trong khi đó, lượng hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng từ gần 12 tỷ USD lên 25,7 tỷ USD trong khoảng thời gian tương tự.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư sau khi bị đánh bom năm 1999. Ảnh: AP

Tuy nhiên, hai sự cố vào năm 1999 và vào năm 2001 một lần nữa gây phức tạp cho mối quan hệ. Mỹ đánh bom nhầm vào đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, Nam Tư tháng 5/1999 trong chiến dịch của NATO, giết ba phóng viên Trung Quốc. Trung Quốc gọi đây là "hành động dã man", ông Clinton sau đó đã xin lỗi về vụ việc.

Khi ông George W. Bush (Bush con) vừa lên nắm quyền năm 2001, một máy bay do thám của hải quân Mỹ đã va chạm máy bay chiến đấu J-8D của hải quân Trung Quốc vào tháng 4/2001, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng. Việc này gây ra các cuộc biểu tình chống Mỹ ở Trung Quốc.

George W. Bush

Khi vừa nhậm chức năm 2001, ông George W. Bush gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và khuyến khích Nhật Bản gia tăng sự hiện diện quân sự trước mối đe dọa tiềm năng từ Trung Quốc.

Chính quyền Bush đã sử dụng những từ như "kiềm chế", "cân bằng" để mô tả chính sách của họ đối với Trung Quốc. Họ cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các cam kết nhân quyền và tạo ra những căng thẳng ở châu Á vì tăng cường sự hiện diện quân sự.

Vụ khủng bố ngày 11/9. Ảnh: Spencer Platt

Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ đã là một bước ngoặt trong quan hệ song phương, khi Trung Quốc nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố của Washington.

Trung Quốc được cho là hưởng lợi dưới thời của ông Bush. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan khiến Mỹ bị phân tâm và cho phép Trung Quốc lặng lẽ lan tỏa ảnh hưởng. Cuộc chiến cũng làm hình ảnh Mỹ bị ảnh hưởng trong khi Trung Quốc hiện lên hào phóng và nhân đạo hơn. 

Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/12/2001 thiết lập một trật tự mới trong nền kinh tế định hướng xuất khẩu của họ. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ tăng trưởng mạnh trong thời ông Bush, từ gần 102,7 tỷ USD năm 2001 lên đến 337,7 tỷ USD năm 2008, trong khi hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc tăng từ 19,1 tỷ USD lên 69,7 tỷ USD trong khoảng thời gian tương tự. Vào thời ông Bush,Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, với tổng thương mại song phương năm 2008 ở mức 409 tỷ USD.

George W. Bush trò chuyện với vận động viên Mỹ ở Olympics 2008 tại Trung Quốc
 
 

George W. Bush trò chuyện với vận động viên Mỹ ở Olympic 2008 tại Trung Quốc.

Năm 2008, ông Bush tham dự lễ khai mạc và một số sự kiện tại Olympic Bắc Kinh. Ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tham dự một Olympic ở nước ngoài và điều này khiến ông được lòng nhiều người dân Trung Quốc.

Barack Obama

Trong nhiệm kỳ đầu tiên kể từ năm 2009, ông Obama đã duy trì một mối quan hệ tương đối ổn định và thân thiện với Trung Quốc. Tháng 11/2009, ông Obama cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tổ chức Đối thoại kinh tế và chiến lược (S&ED). Đây được xem là khuôn khổ mở rộng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, vốn được khởi xướng dưới thời Tổng thống George W. Bush vào năm 2006.

Từ năm 2012, ông Obama bắt đầu thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á, tái tập trung sự chú ý của Washington vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi ông Tập Cận Bình, khi đó là tân tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tuyên bố ý định tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Sự ngờ vực lẫn nhau đã gia tăng trong những năm gần đây, trong bối cảnh sự đối đầu giữa hai nước leo thang, mặc dù đã có một số điểm hợp tác tiêu biểu như thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris được phê chuẩn năm 2016.

Mỹ - Trung phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
 
 

Tàu Mỹ USS Fort Worth tuần tra Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tháng 5/2015. Ảnh: US Navy

Hai nước cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo kinh tế trong khu vực, khi ông Obama thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Bắc Kinh đối trọng bằng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á và kế hoạch "một vành đai, một con đường".

Về chính trị, họ có các khác biệt về các giá trị cơ bản như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và nhân quyền. Và mặt an ninh, hai quốc gia căng thẳng về vấn đề Biển Đông, một khu vực mà cả hai nhấn mạnh là "lợi ích quốc gia cốt lõi".

Bắc Kinh cũng coi quyết định của Washington và Seoul là triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc để phản ứng với chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một nỗ lực trong "trục châu Á" để kiềm chế Trung Quốc. Còn trong mắt Mỹ, việc Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết liệt sẽ thách thức trật tự an ninh khu vực mà Mỹ đã thiết lập sau Thế chiến II.

Dù vậy, quan hệ thương mại song phương vẫn có những bước phát triển rõ rệt. Năm 2015, Trung Quốc thay thế Canada trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Tổng thương mại song phương trong hàng hóa và dịch vụ năm 2015 là 659,4 tỷ USD. Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm giữ khoảng 1,8 nghìn tỷ USD nợ quốc gia Mỹ, trong khi các công ty Mỹ đã thiết lập hơn 20.000 doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Donald Trump

Trước khi nhậm chức tổng thống Mỹ, Donald Trump đã gửi đi những tín hiệu cho thấy ông sẽ cứng rắn với Bắc Kinh như nhận một cuộc điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan - dấu hiệu cho thấy ông có thể hoài nghi về chính sách Một Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã nhất trí tôn trọng chính sách này. 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi Trung Quốc là "bên thao túng tiền tệ" và dọa áp đặt thuế 45% với hàng Trung Quốc, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại. Ông cũng chỉ trích rằng Trung Quốc chưa làm đủ để ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân.

 Nhấn mạnh đến vấn đề tranh chấp Biển Đông như một điểm bùng nổ xung đột tiềm tàng, Rex Tillerson, tân ngoại trưởng Mỹ, đã tung ra đòn thách thức với Bắc Kinh thông qua lời kêu gọi ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Việc chính quyền Trump có thể đối đầu Bắc Kinh ở những vấn đề nóng báo hiệu mối quan hệ song phương trắc trở sắp tới.

Trump có những lá bài nào để đấu với Trung Quốc
 
 

Nếu các lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục suy nghĩ rằng Mỹ đang tăng cường nỗ lực thách thức họ, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, nguy cơ nổ ra xung đột và chiến tranh trong khu vực càng trở nên lớn hơn.

Ankit Panda, chuyên gia phân tích của Diplomat

Phương Vũ

Bình luận
Ý kiến của bạn