Leicester City lâm vào bi kịch đời không như là mơ sau hạnh phúc bất ngờ. Và ông thầy hiền từ người Italy phải trả giá khi đội nhà vướng vào bi kịch ấy.
Cổ tích Andersen có câu chuyện “Đôi giày hạnh phúc”, kể về một đôi giày có phép lạ, hễ ai xỏ chân vào thì muốn đi đến đâu hoặc muốn sống lại thời đại nào cũng được ngay tức khắc. Ở đó, có một bà tiên tên là “trừng phạt”, bà cố tình để ở trước một cửa nhà bất kỳ, thế rồi lần lượt ngài thẩm phán, bác tuần canh, anh sinh viên, … vô tình đeo lên chiếc giày đó.
Bạn biết điều gì đến? Những ước mơ của họ thành hiện thực, chẳng hạn bác thẩm phán mơ trở về thế kỷ trước vì bác tin rằng đó là giai đoạn thịnh vượng nhất của quốc gia, bác tuần canh mơ thành ông trung úy được trọng vọng vì bác tin rằng ông trung úy sướng, anh sinh viên mơ đến nước Italy du lịch vì anh tin du lịch thật đẹp.
Kết quả là sao? Bác thẩm phán có một buổi tối ác mộng ở một giai đoạn chưa có đèn điện, bác tuần canh thì nhớ vợ con ở nhà phát khóc, còn anh sinh viên khốn khổ, vất vả trên những chặng đường rong ruổi. Bằng giọng kể tếu táo, nhà văn Andersen đã nhắn gửi một gửi bài học cho tất cả chúng ta “Hạnh phúc là biết hưởng thụ những gì đang có".
Vào ngày 4/5/2016, khi Claudio Ranieri dẫn dắt Leicester City đến ngôi vô địch Ngoại hạng Anh, viết nên câu chuyện cổ tích trong thế giới kim tiền này, HLV thầm lặng người Italy cũng đã ban tặng cho giới chủ Leicester City và các cầu thủ một đôi giày hạnh phúc.
Trong những ngày tháng sống như chuyện cổ tích, họ đã đeo chiếc giày đó lên, với mộng mơ tạo dựng một đế chế mang tên “King Power.” Giới chủ sống trong vỏ bọc của khát vọng chúa tể vội vàng, còn các cầu thủ khoác lên người chiếc áo siêu sao rộng quá khổ.
Thế rồi, xuất hiện những câu chuyện ngắn ngủi giúp chúng ta nhìn ra vấn đề của Leicester City sau phép màu ở mùa 2015-2016. Leonardo Ulloa, tiền đạo mà vào đúng ngày 26/2/2016, ghi bàn phút 89 ấn định thắng lợi quan trọng trước Norwich City, giúp Leicester bỏ xa Tottenham và Arsenal năm điểm, đã phạm phải điều tối kỵ trong mối quan hệ giữa HLV với cầu thủ. "Ranieri đã phản bội tôi”, anh nói trên Sky Sports.
Chúng ta đừng quên rằng mùa trước, Ulloa cũng chỉ cầu thủ dự bị, với chỉ sáu lần đá chính rồi mất suất vào tay Okazaki. Chỉ có điều khi ấy Ulloa im lặng. Trường hợp của Ulloa nói lên rằng, đã có sự thay đổi rất lớn giữa các cầu thủ Leicester City hiện tại so với bản thân họ mùa trước.
Ulloa cay cú khi không được đá chính mùa này, dù chỉ là dự bị trong hành trình vô địch mùa trước.
Chính hình ảnh Ulloa lý giải vì sao “Đàn Cáo” đã tụt xuống nhóm cầm đèn đỏ, và đối mặt với nguy cơ xuống hạng rõ hơn lúc nào hết. Đó là vì các cầu thủ Leicester City đã bị mất đi tinh thần chiến đấu, và không phục Ranieri nữa. Nếu như năm ngoái, việc bị đánh giá thấp hơn hơn giá trị thực, việc nắm tay đồng lòng dưới trướng HLV khiến họ khát khao khẳng định và chung tay tạo phép màu, thì năm nay việc được đánh giá cao hơn giá trị thực khiến họ ảo tưởng và mắc bệnh ngôi sao.
Trong các trường hợp này, để giải quyết vấn đề, thì các đội bóng thường đưa về các nhân tố mới để cạnh tranh. Nhưng Leicester City, trong hè vừa qua, bận giữ chân trụ cột nhiều hơn là bổ sung, làm mới nhân sự. Một nhận định ngày nào giờ đã ứng nghiệm: Leicester City suy yếu không phải vì bán đi N'golo Kante, mà vì đã cố giữ lại Jamie Vardy và Riyad Mahrez.
Tờ Mirror vừa tiết lộ gây sốc: Kasper Schmeichel, Wes Morgan và Jamie Vardy được cho là gây sức ép để sa thải Ranieri.
Trong cơn bão táp của tham vọng, quyền lực, và tiền tài, những lời tung hô cũng như những lời dè bỉu, chỉ một người duy nhất tại Leicester City giữ được bản thân, đó là Claudio Ranieri. Người đàn ông sinh tại Roma này đã trải qua vô số thăng trầm trong sự nghiệp, quá nhiều nỗi đau, gần chục lần bị sa thải và cả những lần gục ngã ngay trước ngưỡng cửa vinh quang. Đó là lý do ông vẫn giữ bản thân “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Trên đôi kính lão, nụ cười hiền, và phong cách cũ, Ranieri vẫn để các học trò chiến đấu như năm trước, dù cách tiếp cận ấy không còn phù hợp nữa, cả về con người lẫn lối chơi.
Ông hiểu các học trò, nhìn được sự thay đổi của họ, từ những anh chàng vô danh đến những con người cả thế giới nhớ mặt thuộc tên. Nhưng Ranieri lại không thể thay đổi bản thân để thích nghi với chuyện này.
Sự thờ ơ, dễ dãi đến dễ thương mà Ranieri đã thực hiện năm ngoái và đưa đội bóng lên tột đỉnh vinh quang, giờ trở thành con dao đâm thẳng vào trái tim ông.
Thế rồi đến cái ngày “đế chế” King Power nhận thấy những giấc mơ trong “đôi giày hạnh phúc” đã vỡ tan ra từng mảnh, họ đi tìm một lý do để đổ tội. Đấy là lúc người đàn ông tội nghiệp đó lên đoạn đầu đài.
Tất cả đều quên đi một điều, chiến công mùa trước chỉ là phép màu, mà phép màu thì vốn là từ dùng để miêu tả những thân phận tầm thường làm nên kỳ tích vĩ đại.
Tự sâu thẳm bên trong, Leicester City vẫn là một đội bóng bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, như vị thế muôn thuở của họ. Chỉ trong 15 năm gần nhất, Leicester City có tới sáu chuyến du hành qua lại giữa Ngoại hạng Anh và giải hạng Nhất.
Tháng 4/2016, Ranieri khóc sau khi Leicester City hạ Sunderland 2-0, một trong những thắng lợi quan trọng nhất dẫn đường cho đội bóng đi đến chức vô địch. Tháng 5/2016, ông cười rạng rỡ khi được học trò cưng Kasper Schmeichel đặt chiếc vương miện của nhà vô địch lên đầu.
Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau đó, cụ thể hơn là chỉ 298 ngày sau lễ đăng quang rộn ràng trên sân nhà King Power, Ranieri nhận trát sa thải. Nước mắt, nụ cười ngày nào giờ chỉ là những cái cúi đầu, lắc đầu bất lực và những bước chân buồn trong năm 2017.
Nhà văn Cổ Long từng viết: "Chỉ là một vệt lưu tinh, ngắn ngủi, nhưng trên bầu trời, có vì sao nào chói lọi, huy hoàng bằng nó?". Cả lịch sử 133 năm tồn tại của Leicester City, cả một đời cầm quân của Ranieri, đời cầu thủ của những chàng trai năm ngoái như Schmeichel, Morgan, Huth, Drinkwater, Mahrez, Okazaki, Vardy, Simpson, Fuchs... chẳng mốc son nào chói lọi hơn vô địch Ngoại Hạng Anh 2015-2016. Họ cần gì quan tâm, cần gì thấy gánh nặng, cũng đâu cần phải khổ đau với những thất bại cũng như nỗi ám ảnh xuống hạng?
Sa thải Ranieri, vệt lưu tinh ấy đã chết hoàn toàn, và pha thêm một chút màu tối trong khung cảnh rực rỡ của câu chuyện cổ tích hôm nào.
Dũng Phan