Rafael Nadal: Bá vương phong trần của Roland Garros

Nhà thơ, nhà tiểu luận Charles Peguy từng nhận xét rằng lịch sử nước Pháp hiện đại được viết nên bởi những sự kiện trọng đại. Ở một số thời kỳ, những sự kiện ấy có ảnh hưởng vượt lên hẳn bất cứ dấu mốc nào của tiến trình văn minh nhân loại.

Chúng ta vừa chứng kiến một sự kiện như thế, ở Roland Garros. Giải quần vợt lâu đời đã trải qua bao thăng trầm, nhưng luôn có những thời khắc hoàng kim rực rỡ nhất. Một trong những khoảnh khắc bất tử như thế diễn ra hôm 11/6/2017, khi Nadal chinh phục cú "Decima", tức chức vô địch thứ 10 ở giải Grand Slam này.

Năm 2005 đánh dấu kỷ nguyên thống trị của Nadal tại Pháp Mở rộng. Từ đó đến nay, tay vợt người Mallorca chưa từng đánh mất khí thế hừng hực mỗi lần bước ra sân. Cú Decima của anh, ở một góc độ nào đó, đã làm lu mờ hoàn toàn những tượng đài lớn nhất lịch sử quần vợt, dù đó là Roger Federer hay Pete Sampras trên mặt cỏ Wimbledon, Roy Emerson hay Novak Djokovic tại Australia Mở rộng, và thậm chí là Bjorn Borg của nhiều năm trước.

Khoảnh khắc Nadal nâng Cup vô địch Roland Garros 2017
 
 

Khoảnh khắc Nadal nâng cup vô địch Roland Garros 2017 - chiếc thứ 10 của anh ở sân chơi này.

Ngay tại Paris này, chưa có ai đạt được đến vị thế "bá vương" như Nadal.

Hơn chục năm trước, chàng trai trẻ nhưng đã nhuốm màu phong trần Rafa đến  Roland Garros với hành trang là những cú bạt trái có sức mạnh kinh hồn. Mười hai năm vút qua, kẻ hậu bối của Don Quixote ấy chưa có dấu hiệu dừng lại. Và huyền thoại mang tên Rafael Nadal sẽ còn tiếp diễn.

Hành trình trở thành nhà Vua

Lịch sử được viết nên bởi kẻ chiến thắng. Điều ấy quá đỗi hiển nhiên với Lars Burgsmuller, bại tướng đầu tiên của Nadal trong hành trình chinh phục chức vô địch Pháp Mở rộng đầu tiên vào năm 2005. Burgsmuller từng vươn đến thứ 65 thế giới, nhưng thất bại dưới tay Nadal ngay vòng đầu tiên đã kết thúc luôn sự nghiệp thi đấu của anh.

Đấy là điều Burgsmuller không thể ngờ tới. Chàng trai đến từ Tây Ban Nha ngày ấy hãy còn là một cái tên quá xa lạ. Mặt non choẹt, 18 tuổi, đánh tay trái, băng đầu, áo sát nách, đúng chất "trẻ trâu". Đấy là ngày 23/5/2005, Burgsmuller gục ngã dễ dàng sau ba set, với các tỷ số 6-1, 7-6, 6-1. Bốn tháng sau, Burgsmuller sang Việt Nam và vô địch Vietnam Open nội dung đánh đôi với Philipp Kohlschreiber. Nhưng ở vào cái ngày 23/5 ấy, anh hoàn toàn không biết mình đã đi vào lịch sử trên vai trò là... nấc thang đầu tiên đưa Nadal đến ngai vàng Roland Garros.

Nadal xuất hiện như một ngọn gió mới, trẻ trung, mạnh mẽ ở Roland Garros 2005 - điểm khởi đầu cho hành trình viết lại lịch sử của anh ở giải Grand Slam trên sân đất nện.

Nadal lẽ ra đã phải dự giải đấu từ sớm hơn. Nhưng hai năm liên tiếp chấn thương khiến anh chỉ có thể phó hội vào năm 2005. Ngay lúc ấy, anh đã là tay vợt hay nhất trên mặt sân đất nện với 17 trận thắng liên tiếp. Một bại tướng khác của Nadal, lần này là ở vòng bốn, Sebastien Grosjean đã có một phát biểu nổi tiếng: "Người ta chỉ có duy nhất một thắc mắc liệu cậu ta có thể vô địch ngay lần đầu tham dự hay không. Bởi vì ngày ấy tất cả đều biết Rafa sẽ phải vô địch tại giải đấu này, không chỉ một mà là nhiều lần".

Ông chú Toni, đồng thời là huấn luyện viên, cũng đặt niềm tin vào khả năng vô địch ngay lần đầu tham dự của người cháu. Lần cuối Roland Garros chứng kiến hiện tượng tương tự là Mats Wilander của năm 1982.

Toni nói: "Khi vừa đến Paris, tôi biết Rafa hoàn toàn có thể vô địch. Thằng bé đã thâu tóm các danh hiệu ở Monte Carlo, Barcelona và Rome. Câu hỏi chỉ là Rafa có tự tin như... tôi không? Rafa mạnh mẽ, nhưng vẫn còn một cái tên quá đáng gờm, đó là đương kim số một thế giới Roger Federer...".

Lần đầu tiên Nadal và Federer chạm trán, khởi đầu cho một trường thiên đối đầu sau này, là ở bán kết. Hôm ấy là sinh nhật thứ 19 của Nadal. Trước đó, con đường vào bán kết của Nadal quá bằng phẳng, kể cả chiến thắng hủy diệt trước đứa con cưng của nước Pháp Richard Gasquet ở vòng ba. Đấy là một màn trình diễn hoàn hảo, buộc cả thế giới phải thán phục. Nếu không phải Nadal, sẽ chẳng có tay vợt nào có thể vô địch Roland Garros ở cái tuổi trẻ đến thế.

Một tay vợt khác của nước Pháp, Sebastien Grosjean, là người duy nhất có thể khiến Nadal thua... một set sau năm trận đấu đầu tiên. Chỉ bấy nhiêu đó thôi là đủ để Sebastien hài lòng. "Đánh bại Nadal là điều không tưởng, vì cậu ta sở hữu thần kinh thép, cánh tay trái uy lực cùng quyết tâm đáng nể. Nadal quá mạnh và cũng không hề kiêng dè một ai. Cậu ta có lẽ phải rất yêu thích những cuộc chiến".

Mats Wilander cũng không giấu thán phục khi nói về Nadal: "Lối chơi của cậu ta khiến cả thế giới phải sửng sốt, Nadal như thể một chú sư tử sẵn sàng bung hết sức cho mỗi đường bóng. Thú thật, trước giải tôi không nghĩ cậu ta sẽ vô địch. Nhưng theo dõi cậu ta tiến bộ sau mỗi trận đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Không đơn giản chỉ là kết quả, điều đặc biệt nằm ở chính tinh thần lăn xả. Nói xin lỗi, cậu ấy như một con thú hoang dã. Nadal như thể thuộc một giống loài khác, chính con người của cậu ấy đã toát lên khí chất của nhà vô địch".

Tính đến trước Roland Garros 2005, Federer chưa từng đấu Nadal trên sân đất nện. Còn bây giờ họ đã quá hiểu nhau. Mỗi bên đều có sở trường và sở đoản. Nhưng trên sân đất nện, Nadal đơn giản là thống trị, khi thắng 13 trong tổng số 15 lần chạm trán. Chiến thắng đầu tiên trong mạch 15 trận ấy diễn ra vào đúng sinh nhật thứ 19 của chàng trai Tây Ban Nha, với các tỷ số 6-3, 4-6 6-4, 6-3.

Đánh bại Nadal là điều không tưởng, vì cậu ta sở hữu thần kinh thép, cánh tay trái uy lực cùng quyết tâm đáng nể.

Sebastian Grosjean

Đối thủ chờ Nadal ở chung kết 2005 là tay vợt người Argentina Mariano Puerta. Một bên là gã trai không có gì để mất, một bên là người đàn ông tên tuổi được thế giới đặt nhiều mong đợi. Toni Nadal hồi tưởng: "Dĩ nhiên thằng bé có chút lo lắng. Cả tôi lẫn Rafa đều ý thức rằng đây là trận đấu quan trọng nhất tính đến thời điểm đó, nhất là khi Rafa bắt đầu thu hút sự quan tâm của khán giả".

Puerta đã thi đấu rất kiên cường, trận đấu diễn ra trong bốn set, kịch tích và kéo dài ba tiếng rưỡi. Nhưng cuối cùng, anh cũng không thể ngăn cản Nadal lên ngôi, làm tân vương thành Paris. "Với tôi, trận chung kết đó đã trở thành một dấu ấn thật đẹp", Toni bộc bạch. "Chúng ta đã nói nhiều về những trận chung kết giữa Rafa, với Federer hay Djokovic, nhưng giây phút đăng quang lần đầu ấy vẫn hiện lên thật rõ ràng, sau biết bao khó khăn đã trải qua".

Nadal lần đầu vô địch Roland Garros năm 2005
 
 

Nadal trong lần đầu tiên vô địch Roland Garros, năm 2005. Video: Eurosport.

Nadal đã bật khóc, hành động duy nhất thể hiện sự mềm yếu trong suốt hai tuần của giải đấu. Anh đã đi vào lịch sử, trở thành người trẻ nhất giành được một danh hiệu Grand Slam kể từ thời Pete Sampras, người đăng quang ở Mỹ Mở rộng năm 1990 (19 tuổi lẻ 28 ngày).

Federer và Djokovic - đối thủ hay nạn nhân?

Nếu 10 chức vô địch Pháp Mở rộng vẫn chưa đủ thuyết phục về tầm vóc của Nadal, hãy thử xét thành tích đối đầu của anh trước hai tên tuổi thuộc hàng vĩ đại nhất của lịch sử làng banh nỉ - Roger Federer và Novak Djokovic.

Trong 10 lần đăng quang, chỉ có hai lần, 2010 và 2017, Nadal không chạm trán với bất kỳ ai trong hai người kể trên. Federer và Djokovic, trớ trêu thay, chính là hai đối thủ có số lần gác vợt trước Nadal nhiều nhất tại Roland Garros - Djokovic sáu lần và Federer năm lần, trong tất cả bảy trận chung kết và bốn trận tứ kết.

Nếu như không vì Nadal, Federer và Djokovic hẳn đã giành được một cơ số chức vô địch tại Pháp Mở rộng, chứ không phải mỗi người vô địch vỏn vẹn một lần như hiện nay. So với lối chơi hoa mỹ không thực sự phù hợp với sân đất nện của Federer, Djokovic mang đến nhiều thách thức hơn. Điều đó cũng thể hiện thông qua trận thua của Nadal trước Djokovic tại bán kết năm 2015.

Chính Toni cũng đồng ý như thế: "Đấu với Federer dễ dàng hơn bởi anh ta có lối chơi rất rõ ràng. Chúng tôi xác định: chỉ cần tuân theo một chiến thuật nhất định thì sẽ khống chế được Federer. Với Djokovic, mọi thứ khó khăn hơn nhiều bởi anh ra rất linh hoạt. Mỗi lần chạm trán lại Djokovic là một cuộc chiến khác".

Federer cũng không biết làm cách nào để giải quyết vấn đề cố hữu của bản thân. Điểm yếu nhất của anh - cú trái tay - đã bị Nadal tận dụng triệt để, khi liên tiếp tung ra những cú thuận với độ xoáy rất cao. Mats Wilander giải thích: "Federer mắc một lỗi kỹ thuật nhỏ. Đó là vì tay trái của anh ấy hơi nhỏ, nên Federer sẽ không thể kiểm soát được những quả bóng cao hơn vai mình. Bằng chiêu này, Nadal cũng áp dụng thành công với những đối thủ có điểm yếu tương tự Federer".

Ông cũng cho rằng Federer - Nadal, nhìn từ góc độ chiến thuật, có lẽ là một trong những màn đối đầu một chiều nhất của thời đại, mà kèo dưới luôn là Federer. Ở mức độ… ít chênh lệch hơn, John McEnroe cũng từng khiến Bjorn Borg phải lên bờ xuống ruộng, những cú giao bóng tay trái của ông làm đối thủ phải chạy đến hụt hơi. Nhưng chuyện đó chẳng thấm tháp gì khi so sánh với cơn ác mộng mà Nadal đã gây ra cho Federer.

Trong năm lần đối đầu với Nadal tại Roland Garros, Federer luôn bị lấn lướt đến nhạt nhòa - có lúc chỉ giành được một hoặc hai game, như trong set đầu để thua 1-6 ở chung kết 2006. Federer có thể là Vua của quần vợt trong những năm tháng đỉnh cao. Nhưng ở đất nện, Nadal là một lãnh chúa không thể khuất khục.

"Sự khôn ngoan của Nadal nằm ở việc nắm bắt rất nhanh chìa khóa hóa giải Federer. Khi đánh bại đối thủ lần đầu năm 2005, Rafa đã nhủ thầm rằng: 'Mình đã nắm được thóp anh chàng này. Chỉ cần chơi đúng y như vậy thì sẽ lại giành chiến thắng", Wilander nói.

10 pha đọ tài kinh điển giữa Nadal với Federer
 
 

10 pha ăn điểm kinh điển trong các lần Nadal - Federer chạm trán. Video: Eurosport.

Federer - Nadal, nhìn từ góc độ chiến thuật, có lẽ là một trong những màn đối đầu một chiều nhất của thời đại, mà kèo dưới luôn là Federer.

Mats Wilander

Kết quả đã chứng minh tất cả: bốn lần Nadal hạ Federer mà chỉ cần đến bốn set, cùng với trận thắng hủy diệt ở chung kết 2008 chỉ sau ba set: 6-1, 6-3, 6-0. Suốt một thập kỷ qua, Federer chưa từng phải nếm một thất bại nào cay đắng đến vậy. Ông Toni, mặt khác, chỉ khiêm tốn: "Federer gặp phải vận xui thôi, còn với Rafa mọi thứ đã diễn ra quá suôn sẻ vào mùa giải đó".

Không riêng Federer, đám đông đầy háo hức của Paris tại chung kết 2008 cũng sớm bị tạt một gáo nước lạnh. "Trận đấu một chiều đã phá nát tâm trạng của tất cả khán giả", ký giả của tờ New York Times Christopher Clarey bình luận. "Tôi vẫn còn nhớ vị CEO của Oracle, ngài Larry Ellison. Ông ấy là một fan cuồng nhiệt của tennis, là người sau này đã mua lại giải Indian Wells. Giống như hầu hết khán giả trên khán đài, ông ấy đã rất hào hứng chờ đợi một màn so kè quyết liệt. Đến khi trận đấu diễn ra, tôi liếc sang Ellison và nhận thấy khuôn mặt ruột để ngoài da kia thể hiện rõ sự thất vọng".

Mặc cho trận chung kết diễn ra thiếu kịch tính, Clarey vẫn xem đây là một trong những trận đấu yêu thích nhất của anh. "Thật thú vị khi được chứng kiến một trong những tên tuổi vĩ đại nhất lịch sử lại bị đánh bại dễ dàng như vậy".

Nadal biến trận chung kết 2008 với Federer thành một cuộc dạo chơi, trước sự bất lực của đối thủ đàn anh.

"Với riêng ngày hôm đó, thế trận áp đảo đã diễn ra hòan toàn bởi sự xuất chúng của Nadal, chứ không phải vì Federer tỏ ra yếu kém", Wilander nhận xét. "Anh ấy rất vĩ đại, nhưng cứ mỗi lần phải chạm trán với Nadal, người ta có cảm giác Federer hoàn toàn quy phục. Vấn đề là ở những trận ấy, thực ra Nadal cũng chỉ chơi đúng với phong cách thường ngày".

Với trường hợp Djokovic, giới chuyên môn chưa thể đưa ra giải thích xác đáng nào, dù tay vợt Serbia nhận nhiều thất bại trước Nadal còn hơn cả Federer. Từ năm 2006 đến 2008, Nole cứ gặp Nadal là thua ba set trắng. Sau khi vươn lên ngôi số một thế giới, Djokovic tiếp tục nhận thêm ba thất bại cay đắng khác - ở các trận chung kết năm 2012, 2014 và bán kết năm 2013. Không như Federer, vấn đề với Nole không phải ở lối chơi của Nadal, mà lại chính từ áp lực của Roland Garros. Có lẽ Djokovic luôn căng thẳng tâm lý, với tham vọng thâu tóm cả bốn danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp .

HLV của Serena Williams, ông Patrick Mouratoglou, nhận định: "Với Nole, sân đất nện không hề là thử thách - khi đạt phong độ đỉnh cao, cậu ấy dư sức tung tẩy trên mặt sân này. Cậu ấy cũng từng nhiều lần đánh bại Rafa ở các giải đất nện, thậm chí là những chiến thắng hoàn toàn áp đảo". Nếu Rafa toàn thắng trong chín lần chạm trán đầu tiên trên sân đất nện, thì từ năm 2011, Djokovic giữ ưu thế thắng bảy trong 12 trận trên mặt sân này.

Chung kết Roland Garros 2014: Rafael Nadal 3-1 Novak Djokovic
 
 

Nadal thắng Djokovic 3-1 ở chung kết Roland Garros 2014. Video: ATP.

Từ Monte Carlo đến Madrid và Rome, Djokovic đều từng lật đổ Rafa, nhưng tại Paris, anh lại không thể làm điều đó. Liệu thể thức đánh năm set là một thách thức? Mouratoglou phản biện ngay: "Suy luận thế không thuyết phục. Nole rất mạnh khi tham gia các giải đấu kéo dài năm set, có thể nói rằng cậu ấy là một trong những tay vợt dai sức nhất. Thật nghịch lý khi Nole chưa từng đánh bại Rafa tại Roland Garros, có lẽ đơn giản là, anh ấy không vượt qua được rào cản tâm lý".

Bằng chứng hùng hồn nhất: sau khi đánh bại Nadal vào năm 2015, Djokovic vẫn vấp ngã trước rào chắn cuối cùng - Stan Wawrinka. Không như Federer, Djokovic có chiến thuật để đánh bại Nadal, chỉ là anh chưa thể khai thác hoàn toàn mà điển hình là trận bán kết năm 2013. Có thể nói đó là trận đấu hay nhất cả hai từng chơi tại giải đấu này. Chiến thắng 9-7 của Nadal ở ván thứ năm đã diễn ra trong cảm xúc vỡ oà. Đó hẳn là một trong những chiến thắng ý nghĩa nhất trong sự nghiệp của Nadal. Từng set, từng game đấu đều diễn ra rất căng thẳng.

Khi kết thúc trận ấy, đến cả Toni Nadal cũng phải bật khóc. Ký giả của New York Times, Clarey chia sẻ thêm: "Hiếm lắm chúng ta mới thấy ông ấy như vậy, có lẽ chiến thắng đã mang đến quá nhiều cảm xúc, nhất là khi Rafa trở lại sau chấn thương hồi năm 2012". Trên sân đấu của Roland Garros, Nadal có thể tạo nên bất cứ phép màu nào, đồng thời vượt qua bất kỳ thử thách nào, đánh bại bất cứ ai. Thậm chí đối thủ chính là hai tay vợt thuộc hàng xuất chúng nhất lịch sử.

Đại địa chấn ở Roland Garros 2009

Khi một điều bất thường xảy ra, sẽ có những người thừa nhận họ đã nhìn thấy điềm dữ. Vậy mà ngày 31/5/2009, không một ai trong đám đông khán giả trên sân Philippe Chatrier lường trước nổi chuyện sắp xảy ra. Đấy là khi ông Vua sân đất nện bị truất hạ bởi Robin Soderling, khiến một trận đấu tưởng quá đỗi bình thường ở vòng bốn trở thành nỗi thất vọng lớn nhất của cả lịch sử Roland Garros. Clarey thừa nhận: "Tôi thậm chí không có ý định xem trận đó, bởi tôi rất tin rằng Nadal sẽ sớm đè bẹp đối thủ".

Có vô vàn lý do để khiến Nadal trở thành cái tên được trông chờ nhất tại Paris vào năm 2009. Đó là chuỗi thành tích 40 trận bất bại trên sân đất nện, kỳ tích bốn lần vô địch giải Pháp Mở rộng, ngôi vị số một vững như bàn thạch sau khi đăng quang ở cả Wimbledon lẫn Australia Mở rộng. Mùa xuân năm đó, Nadal đồng thời đã thâu tóm mọi danh hiệu ở Monte Carlo, Barcelona và Rome.

Thậm chí, ở Rome, anh từng khiến Soderling phải thua muối mặt với tỷ số 6-1, 6-0. Nadal chỉ chịu gác vợt ở trận chung kết Madrid Masters trước Federer, nhưng đó lại là một giải đấu bóng nẩy nhanh (sân đất nện bóng thường nảy chậm), và Nadal lại vừa vắt kiệt sức sau trận bán kết bốn tiếng đấu với Djokovic. Thế nên, chẳng ai có thể lường trước sự sụp đổ của "nhà Vua".

Nadal thua Soldering ở tứ kết Roland Garros 2009
 
 

Soderling đánh bại Nadal ở vòng bốn Roland Garros 2009.

Cú sốc thất bại của Nadal nhanh chóng chìm xuống khi giới chuyên môn phát hiện ra nguyên do. Soderling đã thắng khi tận dụng đúng điểm yếu của Nadal. Trong ba trận đầu tiên, Nadal thi đấu hết sức nhẹ nhàng mà không hề mất một set nào - bao gồm cả chiến thắng như chẻ tre 6-1, 6-3, 6-1 trước Lleyton Hewitt. Nhưng người hâm mộ không biết tay vợt Tây Ban Nha phải cố nén đau sau khi bị chấn thương gối trái.

Ngay cả Clarey cũng thừa nhận: "Tôi chẳng nhận thấy vấn đề gì với những bước di chuyển của Nadal". Ông Toni Nadal nhớ lại: "Rafa không hề ổn. Sau trận với Hewitt, tối hôm đó ở khách sạn, nó lặng lẽ và buồn bã, bởi cơn đau quá khủng khiếp. Rafa vẫn hy vọng mình có thể vô địch, nhưng hẳn nó cũng đã ý thức bản thân không thể chiến đấu với 100% khả năng".

Không kể đến yếu tố chấn thương của Nadal, Soderling cũng đã có màn trình diễn "xuất sắc" - một yếu tố then chốt khiến trận đấu cuối cùng của vòng bốn năm ấy đi vào lịch sử. Tay vợt cao lớn người Thụy Điển lần đầu tiên tạo được dấu ấn khi vận dụng mọi khả năng để thắng 6-2, 6-7, 6-4, 7-6. Wilander nhớ lại khoảnh khắc mà bản thân anh cũng cảm nhận nỗi thất vọng trào dâng trong Nadal: "Tôi vẫn không quên biểu cảm trên gương mặt của Rafa, đó có lẽ là sau bốn hay năm game đầu tiên. Tôi có cảm tưởng như anh ta muốn gào thét rằng: 'Ôi Chúa ơi, con sẽ bị chính trận đấu này cuốn sạch đi mất'. Tôi chưa bao giờ chứng kiến anh ta có biểu hiện kỳ lạ như vậy ở Roland Garros".

Rafa vẫn hy vọng mình có thể vô địch, nhưng hẳn nó cũng đã ý thức bản thân không thể chiến đấu với 100% khả năng.

Toni Nadal

Chiến thắng của Soderling trước Nadal là một trong những cú sốc lớn nhất ở Roland Garros.

Liệu có phải tâm lý lo âu càng trở nên nặng nề hơn sau khi chấn thương tái phát? Wilander cũng đồng ý với giả thiết này: "Có thể lắm! Nhưng tôi muốn dành sự tôn vinh cho Robin, người không chỉ chơi tennis xuất sắc mà còn làm một điều có ý nghĩa hơn nhiều - anh ấy đã tìm được cách khắc chế Rafa trên sân đất nện".

Trước trận thua đó, Nadal đã trải qua 31 trận liên tiếp bất bại ở Roland Garros, và chỉ để thua bảy set, trong đó có ba set trước Federer. Người khiến tay vợt Tây Ban Nha chật vật nhất chính là Paul-Henri Mathieu, trận đấu năm đó kéo dài đến 5 set và chỉ thiếu 7 phút là bước sang giờ thi đấu thứ năm. Thierry Tulasne, HLV vào thời điểm ấy của Mathieu, giải thích chiến lược của ông: "Không được tỏ ra e ngại với những cú thuận tay của Nadal. Cứ để cậu ta dồn bóng về phía trái tay của Mathieu, từ đó chớp lấy cơ hội đảo ngược tình thế. Paul rất mạnh ở những cú trái tay, và điều đó đã được phát huy với khi Nadal đánh bóng thuận tay dọc dây".

Vào năm 2010, Soderling kể lại: "Trước khi trận đấu diễn ra, HLV bảo với tôi hãy thử hình dung cảnh hàng loạt tờ báo sẽ đăng tiêu đề về chiến thắng trước Nadal. Ông ấy muốn tôi phải có một hình dung rõ ràng nhất để tạo động lực vươn tới chiến thắng ấy". Ở điểm số quyết định của trận đấu, và cũng là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, tay vợt người Thuy Điển quyết đoán tung ra cú đánh lạnh lùng, chính thức kết thúc hành trình của Nadal. Với những ai yêu quý Nadal, thất bại đó đã để lại một nỗi đau quá lớn. "Thật khó khăn với tôi, đó là lần đầu hai chú cháu trải qua cảm giác thua cuộc ở Roland Garros. Và dĩ nhiên với Nadal, nỗi thất vọng hẳn còn to lớn hơn", ông chú Toni nhớ lại.

Với Nadal, trận đấu ấy hẳn phải chua chát hơn nhiều nếu so với việc thất bại trước Djokovic ngời ngời đỉnh cao vào năm 2015, hay như khi phải rút lui vì chấn thương vào năm 2016. Không chỉ là nỗi buồn, đó còn là sự cay đắng. Ê kíp của Nadal cảm thấy bị xúc phạm khi chứng kiến người dân Paris ra sức ủng hộ Soderling. Rafa đáp trả việc đó theo cách tế nhị, nhưng ông chú Toni chẳng hề kiêng dè, ông tức giận gọi đám fan vui mừng thất bại của Rafa là "lũ đần". Tám năm trôi qua, ngôn từ có lẽ đã thay đổi, nhưng những hỉ nộ ái ố hẳn còn nguyên. "Đám đông có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Tôi không nghĩ đó là cách họ nên đối xử với Rafa, nhưng dù sao cậu ấy thất bại cũng chẳng phải vì đám người ấy".

Nghịch lý thay, khi nhìn lại chặng đường đã qua, người ta mới vỡ lẽ đôi khi đắng cay lại về phần kẻ chiến thắng. Kẻ thất bại có thể gầy dựng từ đống tro tàn, còn với Soderling sự nghiệp của anh mãi bị đóng khung với chiến thắng lịch sử đó.  Anthony Perkins vẫn thường mỉa mai rằng chính vai diễn trong bộ phim kinh dị Psycho vừa tạo ra, nhưng cũng đồng thời giết chết sự nghiệp của ông. Người xem chỉ mãi thấy hình ảnh nhân vật Norman Bates mỗi khi ông xuất hiện.

Soderling không chỉ chơi tennis xuất sắc mà còn làm một điều có ý nghĩa hơn nhiều - anh ấy đã tìm được cách khắc chế Rafa trên sân đất nện

Mats Wilander

Soderling cũng là nạn nhân của "Hội chứng Psycho", CĐV quần vợt sẽ chỉ nhớ đến anh như kẻ từng một lần đánh bại ông vua sân đất nện. Bản thân Soderling cũng ý thức cho đến ngày cuối cùng trong sự nghiệp, chiến thắng trước Nadal vẫn là chủ đề duy nhất người khác sẽ bàn tán về anh.

Trong khi đó, sự nghiệp Nadal nhanh chóng bước sang trang mới. 12 tháng sau, anh đã có thể đòi lại ngôi vô địch. Đã có nhiều lời đùa cợt rằng, ai cũng có thể chạm trán Nadal ở chung kết, trừ... Soderling. Và Soderling thì chỉ có thể ngồi đó, nhìn lịch sử lướt qua anh, và nhìn nhà vua đã đòi đủ cả nợ cũ nợ mới với chiến thắng áp đảo về mọi mặt.

Cú rướn lịch sử tới 'La Decima'

Ở phần đế của chiếc cup Coupe des Mousquetaires, tên tuổi của mọi nhà vô địch sẽ được lưu giữ mãi mãi. Nhưng trong hai năm 2015, 2016, có một điều bất thường xảy ra. Dòng chữ 'R. Nadal ESP' (Rafael Nadal, quốc tịch Tây Ban Nha), từng xuất hiện đến chín lần bỗng biến mất. Hẳn người nghệ nhân khắc chữ sẽ cảm thấy lạ lẫm lắm khi khắc lên hai cái tên mới 'S.Wawrinka SUI' (Stan Wawrinka, Thuỵ Sỹ) và 'N.Djokovic SRB' (Novak Djokovic, Serbia).

Sẽ là không khôn khéo khi cố gắng viết nên những pho sử trong khi chúng chưa hoàn toàn kết thúc. Nhưng chẳng thiên tài nào có thể dự cảm được rằng Nadal sẽ trở lại, để một lần nữa đi vào lịch sử quần vợt.

Ấy vậy mà câu trả lời đã có cách đây mới mấy hôm, tay vợt người Mallorca đã ra sân với nền tảng thể lực tốt hơn, ngọn lửa thi đấu bừng cháy dữ dội hơn bao giờ. Và rồi, sau khi thắng như chẻ tre từ các vòng trước, anh tiếp tục "nuốt chửng" Wawrinka chỉ sau ba set, với các tỷ số 6-2, 6-3, 6-1, trong trận chung kết Roland Garros 2017.

Stan Wawrinka - Rafael Nadal
 
 

Nadal thắng Wawrinka 3-0 ở chung kết Roland Garros 2017. Video: Eurosport.

Không nghi ngờ gì nữa, Nadal vẫn là cái tên yêu thích nhất tại Roland Garros.

Patrick Mouratoglou

Trước đó, Nadal đã thâu tóm hầu hết các giải thưởng của mùa giải đất nện năm nay từ Monte Carlo đến Barcelona và Madrid - đồng thời cũng vươn lên đứng thứ ba thế giới, thứ bậc cao nhất của Nadal trên bảng điểm ATP kể từ tháng 3/2015.

Trong khoảng 10 năm mà Nadal làm mưa làm gió ở Roland Garros, đội bóng yêu thích của anh là Real Madrid vật vã với giấc mộng đoạt "La Decima" - chiếc Cup C1 / Champions League thứ mười. Real đã làm được điều đó vào năm 2014 (rồi nhân đà, đoạt tiếp hai chiếc nữa vào các năm 2016, 2017). Còn Nadal, đến hôm 11/6 vừa qua,  cũng đã hoàn thành La Decima của chính anh, ở Roland Garros.

Real Madrid, với chiếc Cup C1 / Champions League thứ 12 trong lịch sử, rất có thể sẽ là cảm hứng để fan ruột Nadal tiếp tục tìm kiếm vinh quang ở Roland Garros.

"Không nghi ngờ gì nữa Nadal vẫn là cái tên yêu thích nhất tại Roland Garros",  Patrick Mouratoglou chia sẻ. 'Được yêu thích nhất' là cụm từ có sức nặng rất lớn.  Djokovic đang trải qua thời kỳ khó khăn khi chấp nhận thay máu toàn bộ dàn huấn luyện. Số một thế giới Andy Murray hầu như chỉ có tiếng mà không có miếng. Một cái tên khác của "Tứ đại Lão gia", Roger Federer, lại tuyên bố sẽ nghỉ ngơi đến hết mùa giải đất nện. Thế nên có lẽ chỉ còn những tài năng đang lên như Dominic Thiem hay Alexander Zverev mới là thách thức thật sự?

"Người trẻ có cái hay là họ không kiêng dè ai cả", Mats Wilander cũng tán thành. "Các tay vợt trẻ như Zverev, Pouille của Kyrgios có thể đánh bại bất cứ ai, thậm chí là Nadal".

Về lý thuyết, giả thuyết trên của Wilander không hề vô lý. Nhưng rồi thực tế chứng minh điều ngược lại. Nadal lại là anh, vị Vua bất tử trên sân đất nện. Anh tiến một lèo đến La Decima mà không thua một set nào. Dominic Thiem vào trận bán kết với sự tự tin tột đỉnh, sau khi đánh bại Djokovic ở tứ kếthạ chính Nadal ở Rome, rốt cục chỉ để chuốc lấy thất bại chóng vánh. Sau tất cả, Nadal lại là Nadal,  và Roland Garros, một lần nữa, là đất thánh của Nhà vua.

Rafael Nadal 3-0 Dominic Thiem
 
 

Nadal thắng tốc hành Dominic Thiem ở bán kết Roland Garros 2017.

Đến chung kết, có nhiều dự báo rằng Stan Wawrinka cứ vào chung kết là sẽ vô địch thôi. Kết quả vẫn là ba set trắng. Không có một sự nhân nhượng nào. Napoleon bại trận Waterloo là thân bại danh liệt. Còn Nadal, sau thất bại nặng nề, đã đứng dậy để trở thành một vị thần ngay tại Paris này. Những cú bạt trái của anh chẳng khác nào tia sét của thần Zeus từ trên đỉnh Olympus. Nadal cũng lạnh lùng như thần cai quản âm phủ Hades, và di chuyển trên đôi chân có cánh của thần Hermes.

Wilander, từng giành ba chức vô địch ở Paris, nói: "Thật điên rồ khi hình dung một tay vợt lại giành cùng một giải Grand Slam đến 10 lần. Điều đó vượt ra khỏi mọi sự tưởng tượng. Chắc chắn là rất hao tâm tổn trí".

Toni Nadal cũng đồng tình rằng đỉnh Everest chẳng hề trở nên thấp đi dù bạn đã leo lên đó đến mười lần. Ông lý giải: "Đôi lúc chúng ta sẽ quên mất việc giành Roland Garros là vô cùng khó khăn. Hành trình đó đã và sẽ luôn khó khăn. Có một điều chắc chắn rằng: Rafa luôn có một khát khao cực kỳ to lớn, chứ chẳng riêng việc nó đã không đăng quang ở đấy trong suốt ba năm qua. Vâng, Rafa luôn hào hứng được thi đấu tại Paris".

Rafael Nadal xác lập nên một trong những kỷ lục vào diện khó phá nhất trong lịch sử quần vợt, với 10 lần vô địch Roland Garros.

Thất bại trước Djokovic cách đây hai năm, rồi bị buộc phải rút lui giữa chừng vì chấn thương hồi năm ngoái, Nadal để lại khoảng trống ấy cho Wawrinka và Djokovic nắm giữ. Nhưng "chuyện tình Paris" của anh vẫn chưa nguôi.

Tính từ năm 2010 đến giờ, công chúng mới lại háo hức đến thế khi chờ đợi sự lên ngôi của Rafa. Đây là một ngạc nhiên thú vị bởi mối quan hệ giữa tay vợt Tây Ban Nha và khán giả không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Nói một cách khác, Nadal cũng giống như với một vị thần, ta vừa yêu vừa sợ.

Người Pháp từng mệt mỏi vì phải nhìn Nadal chiến thắng hết lần này đến lần khác. Giờ thì cả Federer, Wawrinka, rồi Djokovic cũng đều đã đăng quang, và công chúng Pháp lại mong đợi sự lên ngôi của Nadal, dù rất rõ ràng, anh không hề mang quốc tịch Pháp.

10 khoảnh khắc vô địch của Rafael Nadal ở Roland Garros
 
 

10 khoảnh khắc của Nadal trong 10 lần anh lên ngôi vô địch Roland Garros.

Vì sao có cảm xúc lạ lùng như vậy? Vì Rafa cũng chính là Roland Garros. Alex Corretja còn đi xa hơn thế: "Cá nhân tôi không nghĩ Rafa cần giành thêm một danh hiệu Roland Garros nào nữa, chỉ để chứng tỏ cậu ấy là người thi đấu hay nhất trên mặt sân đất nện. Nếu Rafa lại đăng quang lần này, điều đó chỉ đặt ra một đỉnh cao mới, nhưng dẫu vậy cuộc đời của Rafa cũng chẳng thay đổi gì cả".

Ở tuổi 31, gối của Nadal bây giờ có nhiều vết tì, khuỷu tay không còn uy lực. Nhưng hãy nhìn cách anh chinh phục giải đấu mới đây mà xem! Đấy vừa là cách đánh của gã trai 18 tuổi của những ngày đầu mới đến với Roland Garros, vừa hằn in niềm kiêu hãnh ở bậc quân vương nhuốm nét phong trần của thời gian. Và Vua lại là Vua, vĩ đại, xúc động và đáng kính trọng!

Hoài Thương tổng hợp

Bình luận
Ý kiến của bạn