Ca ghép thận đầu tiên Việt Nam cho vị thiếu tá 40 tuổi

Đầu thập niên 90, một cô gái 26 tuổi chỉ có một quả thận duy nhất song đã bị cắt bỏ do bác sĩ chẩn đoán nhầm là u nang buồng trứng. Cô gái sang Cuba ghép thận nhưng không thành công. Thời kỳ này ngành y tế Việt Nam chưa từng thực hiện kỹ thuật ghép tạng, trong khi nhu cầu của bệnh nhân rất lớn. 

Vượt những nhọc nhằn thiếu thốn cả nước vừa thoát khỏi bao cấp bước vào thời kỳ đổi mới, Bộ Y tế khi ấy cử 10 y bác sĩ sang Cuba học tập. Ngày 4/6/1992 ca ghép thận đầu tiên Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện 103, Hà Nội. Bệnh nhân là thiếu tá Vũ Mạnh Đoan 40 tuổi được ghép thận từ người tặng là em trai ruột 28 tuổi. Đây là mốc son trong lịch sử ngoại khoa Việt và đánh dấu thành công đầu tiên của kỹ thuật ghép thận tại Việt Nam, mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân thận đang khắc khoải chờ chết.

Giáo sư Lê Thế Trung (thứ hai từ phải sang) và các bệnh nhân ghép thận đầu tiên.

Ở phía Nam Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiến hành ca ghép thận đầu tiên vào tháng 11/1992, hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiên phong ghép thận từ người hiến chết não vào năm 2008, từ người hiến tim ngừng đập năm 2015. Đến nay nhiều bệnh viện đã có thể ghép thận, thực hiện khoảng 1.000 ca với kỹ thuật ngày càng tiến bộ.

100 y bác sĩ trải qua 17 giờ ghép gan cho bé gái

Sau quá trình chuẩn bị gian truân, ca đại phẫu ghép gan đầu tiên Việt Nam diễn ra ngày 31/1/2004 tại Bệnh viện 103. 100 giáo sư, bác sĩ tham gia vào ca ghép gan cho bé gái 10 tuổi Nguyễn Thị Diệp. Ca mổ ghép kéo dài gần 17 giờ. Bé Diệp ở Nam Định bị bệnh teo đường mật bẩm sinh đã biến chứng, nếu không ghép gan sẽ nguy kịch tính mạng. Người bố 31 tuổi tình nguyện hiến một phần lá gan. Hiện sức khỏe, chức năng gan của Diệp và bố đều ổn định. Sau 13 năm, cả nước đã thực hiện thành công 66 ca ghép tại 5 trung tâm ghép gan. 

Đôi ghép gan (bố cho con gái) đầu tiên Việt Nam sau gần 10 năm phẫu thuật.

Bé trai được ghép gan đáng yêu
 
 

Bé Nguyễn Võ Trí Hào chào đời với chứng teo đường mật bẩm sinh, được phẫu thuật ghép gan ngày 4/10/2016 từ gan người bố 38 tuổi. Một tháng sau ghép, cậu bé hồi phục khỏe mạnh, kháu khỉnh vui đùa với các y bác sĩ trước lúc xuất viện.

1 giờ 55 phút ghép tim cứu người đàn ông Nam Định

Cầm chắc cái chết vì bệnh tim nhiều năm, anh Bùi Văn Nam được tiến hành ghép tim ngày 17/6/2010 lúc 48 tuổi. Trái tim ghép cho anh Nam nhận từ một bệnh nhân chết não 29 tuổi. Ca mổ cũng được thực hiện tại “cái nôi” ghép tạng Việt là Bệnh viện 103. Hiện bệnh nhân có cuộc sống đời thường như bao người khác. Ca mổ nhiều mong đợi này đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ ghép tim thế giới.

Hơn 150 y bác sĩ trong 4 phòng mổ cho ca ghép tụy và đa tạng đầu tiên

Suốt 13 tiếng đồng hồ ngày 1/3/2014, bác sĩ Bệnh viện 103 thực hiện ca ghép tụy đầu tiên cho bệnh nhân Phạm Thái Huyên 43 tuổi bị đái tháo đường, suy thận. Đây cũng là ca ghép đa tạng (hai tạng trên một người bệnh) đầu tiên. Tạng được hiến từ một người chết não vì tai nạn giao thông. Thận và gan của người cho chết não này cũng đồng thời được các kíp mổ ghép cho hai bệnh nhân khác. Việc làm chủ các kỹ thuật phức tạp góp phần giúp bác sĩ Việt khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế.

Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép đa tạng (thận-tụy).

6 giờ chạy đua chuyển tim gan hiến tặng từ Nam ra Bắc

Bệnh nhân được ghép tim.

Ngày 4/9/2015, ngay khi chuyến bay chở 6 bác sĩ cất cánh từ Hà Nội vào TP HCM nhận tạng hiến thì tại TP HCM kíp mổ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành các bước phẫu thuật lấy tạng từ một người hiến chết não. Trong lúc khối tim gan này được bảo quản bắt đầu lên máy bay ngược ra Hà Nội, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã mở phẫu tích cho hai bệnh nhân chuẩn bị nhận ghép gan và tim thay thế. Khi tạng về đến viện, hai ca mổ ghép tiếp tục ngay trong đêm và hoàn tất sáng ngày 5/9/2015.

Vài tháng sau ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên, chàng trai Sài Gòn 20 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình hiến tặng 2 thận, 2 giác mạc, tim và gan của con mình. Thận của chàng trai được ghép cho 2 bệnh nhân suy thận đang nguy hiểm tính mạng tại Chợ Rẫy, còn gan và tim vượt chặng đường hơn 1.700 km ra Hà Nội ghép cho 2 bệnh nhân vào ngày 26/4/2016.

Bệnh nhân được ghép gan hồi phục sau ca phẫu thuật xuyên Việt
 
 

Bệnh nhân được ghép gan tại Hà Nội hồi phục sau ca phẫu thuật.

Kíp phẫu thuật dành một phút mặc niệm bày tỏ sự trân trọng với chàng trai 20 tuổi đã chết não hiến tạng cứu 4 người tháng 4/2016.

Quả thận bố dượng cứu mạng con gái trong ca ghép chéo đầu tiên Việt Nam

Không đành lòng chứng kiến con gái riêng của vợ ròng rã chạy thận, ông bố dượng Trương Ngọc Xuân 51 tuổi quyết định hiến thận nhưng không phù hợp kháng thể. Sau gần một năm chờ đợi, các bác sĩ thông báo có thể hoán đổi thận để ghép chéo với cặp bệnh nhân ở Đăk Nông. Đây là đôi người mẹ tình nguyện hiến thận cho con gái, cùng nhóm máu nhưng có một kháng thể dương tính không thể ghép.

Nếu hai gia đình này hoán đổi chéo nhau sẽ hòa hợp về mặt miễn dịch. Họ thống nhất với nhau: Bố dượng trong cặp thứ nhất hiến thận cho con gái cặp thứ hai và ngược lại mẹ của cặp thứ hai hiến thận cho con gái cặp thứ nhất. Hai ca mổ nội soi lấy thận tiến hành song song và hai cuộc mổ ghép cùng lúc diễn ra thành công ngày 11/1/2017. Sau ghép  sức khỏe của hai bệnh nhân đều đã hồi phục tốt. 

Hai cô gái khỏe mạnh hội ngộ các bác sĩ một tháng sau ghép thận chéo. Ảnh: Lê Phương.

Ca ghép phổi đầu tiên từ người cho còn sống

Ca ghép phổi đầu tiên Việt Nam từ người cho sống thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 ngày 20/2/2017. Bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được ghép cả 2 lá phổi từ người hiến là bố 28 tuổi và bác ruột 30 tuổi. Cuộc mổ kéo dài khoảng 11 giờ, sức khỏe bệnh nhân và người hiến diễn tiến tốt sau phẫu thuật.

Tháng 7/2016, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép khối tim - phổi cho một bệnh nhân nam 40 tuổi. Ca ghép không thành công, bệnh nhân qua đời sau 5 ngày được ghép. Người này được ghép khối tim phổi nhận hiến tặng từ một bệnh nhân bị chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.

Ca mổ ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi tại Bệnh viện Quân y 103.

25 năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam từng bước phát triển với nhiều thành tựu ngang tầm thế giới đã hồi sinh hàng nghìn cuộc đời. Danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng ngày càng dài, tuy nhiên nguồn tạng hiến vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu. Chi phí ghép tạng Việt Nam rất thấp so với thế giới song vẫn là gánh nặng lớn với đa số thu nhập người dân.

Lê Phương

Bình luận
Ý kiến của bạn