Ảnh: The New York Times.
Mùa hè năm 2015, Google thông báo kế hoạch tái cấu trúc và thành lập công ty mẹ mang tên Alphabet. Theo đó, Alphabet sẽ quản lý tất cả các mảng kinh doanh của hãng. Google tiếp tục tập trung vào các sản phẩm cho Internet. Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm Sundar Pichai trở thành CEO Google. Hai đồng sáng lập công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới là Larry Page và Sergey Prin lần lượt giữ vị trí CEO và chủ tịch Alphabet.
Việc tái cấu trúc là một bước đi táo báo khiến cộng đồng thế giới ngạc nhiên. Nhưng tất cả đều đi theo giấc mơ mà nhà đồng sáng lập Larry Page không ngừng theo đuổi từ thuở bé: dùng công nghệ thay đổi thế giới. Và chỉ Alphabet với tầm nhìn không giới hạn mới đủ lớn để tiếp nối con đường mà người đàn ông này đã vạch ra.
Ảnh: AP.
Larry Page là một trong những nhân vật quyền lực có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2017, ông đứng thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh. Forbes ước tính khối tài sản của ông hiện tại khoảng 52,2 tỷ USD.
Larry Page tên đầy đủ là Lawrence Edward Page. Ông sinh ngày 26/3/1973, là con thứ hai trong gia đình có bố mẹ đều là giảng viên khoa học máy tính đại Đại học Michigan, Mỹ. Vì thế, trong nhà ông thường có rất nhiều máy tính và tạp chí công nghệ. Tất cả đã lôi cuốn Page từ những ngày còn rất bé.
Sự nghiệp của Page ảnh hưởng khá nhiều từ bố - ông Carl Victor Page, người từng được phóng viên Will Smale của BBC mô tả là “tiên phong trong khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo”. Môi trường bao phủ bởi máy tính và niềm đam mê của bố mẹ đã sớm bén rễ trong Page những lực đẩy trong việc tạo dựng một thế giới mới bằng công nghệ.
“Khi còn nhỏ, tôi nhận ra mình muốn làm những phát minh cho thế giới và trở nên rất hứng thú với công nghệ cũng như kinh doanh. Có lẽ từ lúc 12 tuổi tôi đã biết sau này mình chắc chắc sẽ mở một công ty”.
Bố mẹ ghi danh cho Page vào trường Montessori. Các chương trình ở đây nổi tiếng với việc thúc đẩy tính độc lập và sáng tạo của học sinh. Ông mô tả: “Cách thức giáo dục không đi theo khuôn mẫu hay các mệnh lệnh, học sinh luôn được tạo động lực và đặt câu hỏi về những gì diễn ra trên thế giới”. Tất cả đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và phong cách làm việc sau này của nhà sáng lập Google.
Năm 12 tuổi, Page tìm hiểu về tiểu sử của nhà khoa học nổi tiếng Nikola Tesla. Kết thúc buồn khiến cậu bé rơi nước mắt. Câu chuyện truyền cảm hứng cho Page quyết tâm xây dựng những công nghệ thay đổi thế giới nhưng phải có một đầu óc kinh doanh tỉnh táo để lan tỏa dự án của mình. “Tôi nhận ra việc phát minh chưa hẳn là tốt. Bạn cần phải công bố chúng cho thế giới, mọi người sử dụng thành quả đó để mang đến những tác động thực sự cho xã hội”, ông diễn giải.
Ngoài sở thích về đồ điện, thời niên thiếu của CEO cũng dành nhiều cho môn saxophone. Âm nhạc đã ảnh hưởng khá nhiều đến định hướng của ông. “Trong âm nhạc, bạn phải rất quan tâm đến thời gian, đấy chính là ưu tiên hàng đầu. Nếu nghĩ về thời gian ở góc nhìn của một người chơi nhạc, bạn chỉ cần chạm vào thanh âm thì mọi thứ diễn ra rất nhanh, trong vòng mili giây”. Page từng chia sẻ với tờ Fortune là việc chơi nhạc đã dẫn dắt ông tạo nên thành tựu tốc độ cao của Google.
Sau khi có bằng cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Michigan, ông lấy bằng tiến sĩ tại Stanford. Ở ngôi trường này, Page gặp Sergey Brin năm 1995. Hai người nhanh chóng trở thành bạn thân, với cùng niềm đam mê công nghệ mãnh liệt.
Năm 23 tuổi, giấc mơ trong Page được đánh thức khi tự hỏi liệu có cách nào tải hết toàn bộ trang web và bắt đầu miệt mài với ý tưởng. Ông rủ Brin cùng tham gia và hai người lao vào làm việc với cỗ máy tìm kiếm có tên gọi ban đầu là BackRub. Dự án sau đó nhanh chóng trở thành Google năm 1998. Đây là cái tên xuất phát từ nguyên bản “googol” - một dãy số với số 1 đứng đầu và 100 số 0 theo sau, tương ứng với ý nghĩa một công cụ tìm kiếm cung cấp lượng thông tin khổng lồ.
Larry Page và Sergey Brin. Ảnh: AP.
Page thừa nhận ông có thế mạnh trong việc đưa ra ý tưởng cho một bức tranh lớn hơn là quản lý, một phần bởi không thích thỏa thuận với mọi người. Là một nhà lãnh đạo, ông luôn tập trung vào các kết quả và bị hấp dẫn bởi những ý tưởng tham vọng.
Lần đầu trở thành CEO, Page đã viết ra những quy tắc quản trị dưới đây:
- Đừng ủy thác: Hãy tự làm mọi thứ để công việc đạt kết quả nhanh hơn.
- Đừng đi con đường mà bản thân cảm thấy không có giá trị. Hãy để mọi người thực sự làm việc và thảo luận với nhau khi muốn làm điều gì khác.
- Không là một quan chức.
- Ý tưởng quan trọng hơn tuổi tác. Một người trẻ tuổi vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng và hợp tác.
- Điều tồi tệ nhất là ngăn cản một người làm điều gì đó bằng câu nói “không”. Một khi nói không, phải giúp họ tìm ra cách làm tốt hơn.
Ảnh: Getty Images.
Omid Kordestani, sáng lập mảng kinh doanh của Google, cũng là một người bạn của Page mô tả CEO là một người tò mò, ngập tràn ý tưởng và tập trung vào việc thay đổi thế giới, tạo nên những tác động thông qua công nghệ. Ông không bao giờ ngại ngùng đặt ra những mục tiêu lớn như lập bản đồ toàn bộ hành tinh hay số hóa tất cả những quyển sách được xuất bản.
Page đảm nhiệm vai trò CEO Google đến năm 2001. Sau khi rời vị trí, ông vẫn tham gia vào việc định hướng chung cũng như quá trình ra mắt các sản phẩm mới của hãng.
Sau 10 năm, Page quay lại vị trí CEO vào 2011 và tái cấu trúc tổ chức quản lý. Vào thời điểm gần kết thúc năm 2012, công ty đã kịp ra mắt mạng xã hội Google+, laptop Chromebook, kính thông minh Google Class, dịch vụ Internet tốc độ cao Fiber và nhiều sản phẩm khác.
Đến 2015, hãng tái cấu trúc quy mô lớn và Page trở thành CEO Alphabet - công ty mẹ của Google. Ở vị trí này, nhà sáng lập dành nhiều thời gian nghiên cứu những công nghệ mới, gặp gỡ và tìm kiếm nhân tài, hình dung những bước đi tiếp theo của hãng. Thông qua Alphabet, Page muốn theo đuổi đam mê với các thiết bị thông minh trong nhà, lan tỏa Internet thông qua dự án Project Loon và kéo dài cuộc sống của con người.
Những quyết định được ông giải thích là “đều đi đến mục tiêu tập trung cho bức tranh lớn hơn và có thời gian giúp thế hệ tiếp nối của công ty bước đi xa hơn”.
Ở Google, Page được biết đến là người luôn đưa ra những câu hỏi. Ông luôn quan tâm mọi người thực hiện công việc như thế nào và thách thức bằng những giả thuyết rằng tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy. Trong cuộc phỏng vấn tại một diễn đàn năm 2015, CEO nói ông rất thích trò chuyện với những người điều hành trung tâm dữ liệu của công ty.
Tôi hỏi họ những câu như "Máy biến thế hoạt động thế nào", "Nguồn năng lượng được chuyển vào ra sao", "Chúng ta trả giá thế nào cho việc này". Tôi luôn suy nghĩ về tất cả những câu hỏi ở khía cạnh một doanh nhân và người làm kinh doanh. Tôi luôn nghĩ xem liệu cơ hội nằm ở đâu.
Một câu hỏi khác mà Page cũng rất thích là: “Sao không làm lớn hơn?”. Nhiều cựu nhân viên Google có cơ hội làm việc trực tiếp với Page nói phương thức điều hành của ông là đưa ra những công nghệ - ý tưởng sản phẩm mới và tổng hợp cho càng nhiều lĩnh vực càng tốt.
Những người bên cạnh Page cũng cho biết ông thường cố gắng bảo vệ lịch làm việc chuẩn mực của mình, tránh những cuộc gặp gỡ bên lề và dành thời gian đọc, nghiên cứu, theo dõi những công nghệ mới khiến ông thích thú.
Mỗi khi đứng trước công chúng và truyền thông, Page luôn tập trung vào những tuyên bố lạc quan về tương lai và khát vọng của Google trong giúp ích nhân loại. Khi được hỏi về những vấn đề hiện thời, như các ứng dụng điện thoại mang đến thách thức gì cho nền tảng web hay quảng cáo ảnh hưởng ra sao đến việc kinh doanh, ông thường bỏ qua bằng câu trả lời chung chung: “Mọi người đã nói quá nhiều về chuyện này trong một thời gian dài rồi”.
Larry Page và vợ. Ảnh: Justin Bishop.
Page khá kín tiếng về đời sống riêng tư. Năm 2007, ông kết hôn với nhà nghiên cứu khoa học Lucinda Southworth. Cặp đôi thuê một hòn đảo riêng tư ở Caribbean và mời 600 khách tham dự tiệc cưới. Richard Branson - nhà sáng lập tập đoàn nổi tiếng Virgin là phù rể trong đám cưới.
Ở nhà, vị tỷ phú cố gắng có một cuộc sống bình thường nhất có thể. Ông thích lái xe đưa con đến trường hoặc chở gia đình đến các hội chợ.
Page không quá mặn mà với khối tài sản kếch xù của bản thân nhưng cũng rất biết cách hưởng thụ. Gia đình ông sống ở một ngôi nhà được ví là “dinh thự sinh thái” trị giá 7 triệu USD tại Palo Alto.
Vật phẩm xa hoa nhất của họ có lẽ là chiếc siêu du thuyền có tên “Senses”, tậu vào 2011 với giá 45 triệu USD. Bên trong du thuyền có cả bãi đỗ trực thăng và bể tắm lớn đầy đủ tiện nghi. Page cũng từng tậu 8 chiếc trực thăng riêng cùng Sergey Brin và Eric Schmidt - cựu CEO Google.
Siêu du thuyền "Senses". Ảnh: Daily Mail.
Page có rất nhiều sở thích. Khi chưa tốt nghiệp Đại học Michigan, ông đã nghiên cứu về xe chạy năng lượng mặt trời, chơi nhạc cụ điện tử và từng đề xuất trường làm xe điện trong khuôn viên. Trong thời gian ở Standford, ông có một danh sách những ý tưởng nghiên cứu về xe tự lái và sử dụng các siêu liên kết của web để cải thiện việc tìm kiếm trên Internet.
Trước khi đến Standford, Page đã rất quan tâm đến những thứ liên quan đến kỹ thuật. Mọi thứ sẽ trở nên thú vị trong mắt chàng trai này nếu đó là thử thách lớn về mặt kỹ thuật. Vấn đề không phải là mọi thứ sẽ đi đến đâu mà hành trình diễn ra như thế nào.
Terry Winograd, người từng là cố vấn luận án cho Page
Hiện tại, thứ cuốn hút nhà sáng lập Google nhất là những chiếc xe bay. Page đã đầu tư 100 triệu USD tiền cá nhân vào một công ty máy bay hoạt động với tôn chỉ “tạo nên cách mạng trong giao thông”. Page cũng là nhà đầu tư của Kitty Hawk - một startup xe bay bí ẩn. Công ty này năm ngoái đã chế tạo chiếc máy bay một người chạy bằng điện.
Ông cũng là nhà đầu tư cá nhân tại Planetary Resources - dự án hướng đến khai thác các tiểu hành tinh, xe điện Tesla và Twigtale - một startup về sách cho trẻ em. Quỹ CapitalG đứng sau Alphabet cũng tích cực đầu tư vào những công nghệ có thể thay đổi thế giới, trong đó có các công ty như Snap, Airbnb, Lyft, Duolingo, TenX…
Những dự án Larry Page quan tâm và dành nhiều tâm huyết, trong đó có kính thông minh, máy đo nhiệt độ thông minh, khinh khí cầu kết nối Internet, mạng lưới cung cấp wifi miễn phí, xe bay và xe tự lái. Ảnh: CNN, Getty Images, Google.
Page từng chia sẻ niềm tin rằng các công ty kinh doanh vì lợi nhuận có thể trở thành những lực đẩy cho một xã hội tốt đẹp và nhiều những thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo nổi tiếng Charlie Rose, Page nói thay vì đưa tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện, ông muốn dành những khoản đó cho các doanh nhân như Elon Musk - tỷ phú đứng sau Tesla và Space X, hướng đến những công nghệ mới thay đổi thế giới.
Ảnh: Reuters.
Page là người đam mê khám phá, nhưng ông không thể biết tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, Leslie Dewan, kỹ sư hạt nhân từng có cơ hội tiếp xúc nhà sáng lập Google nhận xét Page là người biết đặt những câu hỏi chính xác.
“Cô đã bao giờ nghĩ đến việc tiếp cận sản xuất hướng này?”, “Cô đã nghĩ đến việc đào tạo lao động bằng cách kia chưa?”, ông hỏi. “Đó không phải là những câu hỏi về nguyên lý hạt nhân nhưng chính là cách chu toàn để cấu trúc việc kinh doanh”, cô chia sẻ.
Tiến sĩ Dewan nói Page thậm chí còn đưa ra ý tưởng cho một thị trường mới mà cô chưa từng nghĩ đến.
Page là thế, táo bạo, chu toàn và luôn muốn thay đổi thế giới, bằng những cách rất riêng.
Trương Sanh (theo Business Insider, The New York Times)