Mùa chim làm tổ lớn nhất trong năm ở Đồng Tháp

Khi ngoài đồng con nước phủ tràn bờ đê cũng là lúc hàng trăm loài chim tụ về khu Tràm Chim, Đồng Tháp để chuẩn bị cho mùa sinh sản.

Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.313 ha được thành lập từ năm 1998. Đến năm 2012 nơi đây được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước có tầm quan trọng Quốc tế) thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Tràm chim là vùng có diện tích đất ngập nước lớn nhất của vùng Đồng Tháp Mười. Mùa cao điểm, khoảng hơn 230 loài chim về sinh sống, đây thật sự là nơi lý tưởng để du khách được tận mắt chiêm ngưỡng thế giới tự nhiên hoang dã.

4 giờ sáng, khi màn đêm còn phủ kín không gian, những người săn ảnh đã "súng ống" sẵn sàng để lên đường. Chiếc tắc ráng nhỏ nổ máy rồi rẽ nước lao đi vun vút. Trời dần hửng sáng, vạn thân tràm phản chiếu xuống mặt nước trong cái nắng yếu ớt như thế giới không gian 3 chiều.

Sau khoảng 40 phút di chuyển, đoàn chụp ảnh đến đài quan sát nằm sâu trong khu A2. Tiếng chim ríu rít vang dậy cả một góc trời, đài quan sát khá nhỏ nên chỉ đủ chổ cho một người và mớ thiết bị cồng kềnh. 

Từ đỉnh tháp, du khách có thể trông thấy hàng chục nghìn con chim bay lượn trên bầu trời, đậu dày đặc trên các ngọn tràm. Mỗi cây tràm có hơn 5 tổ chim, mà khu này có hàng nghìn cây tràm như thế. Mùa này, trong mỗi tổ thường có 3 - 4 chim non.

Các loài chim tập trung về đây làm tổ thường là: Điêng điểng, cồng cộc, cò trắng. Ngoài ra những loài trú ngụ tại khu vực này thường là: Cò ốc (hay còn gọi cò nhạn), cò ngàn lớn, cò ngàn nhỡ, cốc đế, diệc xám, diệc lửa, quắm cánh xanh, quắm đầu đen, cò bợ, trích cồ…

Mùa sinh sản của các loài chim ở đây thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12. Chúng sẽ làm quen, tìm bạn tình, sau đó bắt đầu làm tổ và sinh sản.

Sau khoảng 2 tháng chào đời, chim non bắt đầu tập bay. Đây cũng là lúc chúng có hành trình sinh tử đầu tiên, không ít chim non xẩy cánh rớt xuống nước và chết đuối.

Cò ốc là một trong những loài quý hiếm ở Tràm Chim. Đây là loài chim có dáng hình cao lớn thuộc họ Hạc cùng loài với sếu đầu đỏ. Năm 2016, những đàn cò ốc đầu tiên về Tràm Chim sinh sản với cả nghìn tổ, nhưng hai năm gần đây chúng chỉ bay về sinh sống.

Đến tầm 7h30, hầu hết chim trong vườn đã bay đi kiếm ăn, khu vực chính là trong các ruộng lúa khu dân cư xung quanh vườn. Năm nay nước đổ về nhiều, hệ sinh thái phát triển mạnh, nguồn thức ăn cũng phong phú nên thuận lợi cho các loài chim sinh sản.

Môi trường của Tràm Chim và các xã, thị trấn vùng đệm cũng đang tốt dần lên. Hiện nay, ý thức bảo tồn của người dân cũng tăng cao, số lượng người bắt hại chim không còn nhiều như trước, mà thậm chí thấy người bắt họ còn tố giác.

Sau khi mặt trời lên cao, chim đã bay đi kiếm ăn, đoàn khách di chuyển qua khu vực khác để ngắm cảnh. Khu A3 có diện tích 44,5 ha là nơi các loài chim nhỏ thường kéo về làm tổ. Giữa đồng nước mênh mông có một cây tràm mọc lên thì đó là nơi hàng trăm chim dồng dộc chọn làm tổ. Ngoài ra có những loài khác tới kiếm ăn như bói cá, sả mỏ rộng, họ trảo, chim cu,... 

Nếu có thời gian bạn nên thu xếp lịch trình để khám phá Tràm Chim mùa này bằng xe máy, thời gian tối thiểu là hai ngày.

Từ Sài Gòn, du khách có thể chạy qua cầu Đức Hòa (Long An) rồi theo đường N2 về Trường Xuân, Tam Nông để đến với Tràm Chim. Cả cung đường băng qua những đồng nước mênh mông. Trên suốt đường đi bạn dễ dàng nhìn thấy cuộc sống đặc trưng mùa nước nổi của người dân như đánh bắt cá, thả lưới, chăn vịt…

Khi đến Tràm Chim bạn đừng vội vào vườn ngay mà hãy dạo một vòng ở các xã xung quanh để ngắm những đồng sen bao la, giao lưu trò chuyện cùng người dân để có những câu chuyện thú vị.

Đến khoảng 4h chiều thì vào vườn ngắm cảnh vạn chim bay về trong ánh hoàng hôn. Sáng hôm sau chịu khó dậy thật sớm để “săn” chim mùa sinh sản.

Hãy một lần đến với Tràm Chim để thêm yêu vùng đất phương Nam hiền hòa với muôn cánh chim trời.

Quỷ Cốc Tử