Mánh lới bán hàng của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc

Việc không thể cạnh tranh về thương hiệu hay đột phá về công nghệ khiến các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc tìm hướng mới để bán hàng, như đổ tiền vào quảng cáo hay dùng cấu hình mạnh để thuyết phục người dùng.

Mang danh hàng kém chất lượng

Không chỉ smartphone, hàng hóa Trung Quốc luôn bị nghi ngờ về chất lượng, bởi nơi đây nổi tiếng với danh “thiên đường nhái” - có thể làm giả bất kỳ thứ gì, từ công trình xây dựng, máy bay cho đến những vật dụng nhỏ nhất. Đối với điện thoại, việc "bắt chước" đã có từ lâu, nhất là thời Nokia, BlackBerry thịnh hành, cho đến Apple iPhone, Samsung Galaxy thời gian gần đây.

"Bắt chước" có thể giúp sản phẩm của những nhà sản xuất smartphone Trung Quốc có ngoại hình giống hệt bản thật, nhưng “ruột gan” lại là thứ “tạp nham” khó kiểm soát. Việc không chú trọng vào chất lượng sản phẩm được cho là để hạ giá thành sản xuất, từ đó, sản phẩm bán ra rẻ hơn nhiều lần. Ví dụ, một chiếc iPhone 7 thật có giá không dưới 15 triệu đồng, nhưng người dùng có thể mua một phiên bản giả với giá chỉ khoảng 3 triệu đồng.

GooPhone i7/ i7 Plus nhái iPhone
 
 

GooPhone i7/ i7 Plus nhái iPhone

Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc cũng nhanh chóng chứng tỏ khả năng linh động của mình bằng cách đẩy các thông số cấu hình sản phẩm lên “cao vút”. Lúc này, họ bắt đầu áp dụng công thức mới, đó là “Ngoại hình giống (hoặc gần giống) điện thoại đang nổi tiếng trên thị trường + cấu hình mạnh + giá rẻ” để mê hoặc người dùng.

Bên cạnh đó, một số hãng smartphone bắt đầu chú trọng đến chất lượng, đồng thời bắt đầu sáng tạo để thoát khỏi hình ảnh của một kẻ ăn theo.

Cách tiếp cận người dùng mới của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc

Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi… với mong muốn xóa bỏ định kiến trên đã cho ra những sản phẩm có sự đầu tư. Giá bán từ đó cũng được nâng dần.

Tuy nhiên, việc chưa thể tạo nên cái gọi là “thương hiệu cao cấp” như Apple, Samsung... buộc họ tạm thời chuyển hướng qua doanh số trước. Củng cố thị trường trong nước, mở rộng ra các thị trường đang phát triển (Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Phi…) hay đã phát triển (Mỹ, châu Âu…) bằng cách chi tiền cực mạnh cho marketing là chiến lược mới và đang có kết quả nhất định.

“Anh em” Oppo và Vivo tạo sức hút bằng cách liên tục quảng cáo trên khắp các mặt trận như truyền hình, mạng Internet, biển quảng cáo trên các ngả đường, tòa nhà… đồng thời mời những ca sĩ, nghệ sĩ lớn tại quốc gia/khu vực đó là gương mặt đại diện. Không chỉ thành phố, nông thôn – nơi các hãng lớn chưa kịp xâm nhập - cũng được đầu tư cực kỳ mạnh mẽ, bằng cách đổ rất nhiều tiền vào cửa hàng bán lẻ với mục đích tạo hệ thống hùng mạnh, và thực sự họ đã làm được điều đó.

Huawei cũng khá mạnh tay trong việc nâng tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn ở những thị trường quan trọng. Như tại châu Âu, hình ảnh sản phẩm, logo thương hiệu của hãng xuất hiện nhiều nơi, từ ga tàu điện ngầm, đến các tuyến đường cao tốc đến các tòa nhà cao tầng… và đều ở vị trí đắc địa. Bên cạnh đó, việc tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá lớn, cầu thủ… cũng được áp dụng triệt để.

Xiaomi lại sử dụng chiếc lược giá rẻ, chất lượng sản phẩm tốt và chỉ bán online. Việc mua bán tưởng chừng như khó khăn này lại giúp hãng từ một công ty vô danh tiến lên nằm trong top những hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc chỉ vài năm. OnePlus với phong cách “bán cho những người được mời” nhằm tăng sự cuồng nhiệt của khách hàng với sản phẩm cũng được áp dụng, bên cạnh việc chi tiền ồ ạt như Oppo.

Từ tập trung vào camera…

Hiện nay, chụp ảnh là nhu cầu không thể thiếu đối với những ai đang sử dụng smartphone. Nắm được yếu tố này, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc liên tục tung ra nhiều “chiêu” để hô biến chiếc điện thoại thành công cụ chụp ảnh ảo diệu theo những cách khác nhau.

Đọ camera Huawei Mate 9 và iPhone 7
 
 

Đọ camera sau Huawei Mate 9 và iPhone 7

Với máy ảnh sau, cuộc đua trong khoảng 5 - 7 năm trước chủ yếu liên quan đến số “chấm”. Nhưng khi đó, sân chơi chủ yếu dành cho Samsung, Sony, Nokia…, các hãng Trung Quốc gần như lép vế, không thể hiện được nhiều.

Tuy nhiên, khi xu thế camera kép hình thành, những Oppo, Vivo, Huawei… (lúc này đã phát triển) nhanh chóng nắm bắt và thậm chí còn đón đầu bằng một số sản phẩm, như Huawei có P9, ZTE có Axon hayQiku có Q Terra…

Mặc dù vậy, camera trước mới là tính năng mà các hãng điện thoại Trung Quốc tập trung khai thác triệt để. Có thể, việc không thể chạy đua camera sau với những hãng smartphone nổi tiếng là lý do khiến các công ty Trung Quốc ưu tiên cho camera trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khả năng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng mới là lý do chính, và họ tập trung quảng bá cho tính năng này. 

Khả năng chụp ảnh "ảo diệu" của iPhone 7 Plus so với Oppo R9s Plus.

Từ đầu 2016, Oppo tự nhận mình là “chuyên gia selfie” với loạt sản phẩm Oppo F1, F1 Plus, F1s, F3…, đồng thời nâng cấp dần từ camera đơn đến camera kép. Trên thực tế, hãng điện thoại Trung Quốc này đã biến một khuôn mặt bình thường trở nên lung linh hơn bằng phần mềm tích hợp sẵn (có sự hỗ trợ của phần cứng) thay vì phải nhờ tới ứng dụng chỉnh sửa bên thứ ba và ra sức quảng cáo nó.

Dù thay đổi có vẻ đơn giản, nhưng nó lại đánh trúng tâm lý người sử dụng: nhu cầu tạo ra những bức ảnh đẹp hơn thực tế để đưa lên mạng xã hội. Rõ ràng, những bức ảnh selfie “đẹp nhân tạo” (da trắng mịn, môi hồng, mắt to, khuôn mặt V-line…) vẫn được người dùng ưu tiên đăng tải hơn là chia sẻ ảnh “xấu tự nhiên” (khuôn mặt đầy mụn, vết thâm…).

iPhone 7 Plus so với Oppo R9s Plus
 
 

So sánh camera iPhone 7 Plus so với Oppo R9s Plus.

Không chỉ Oppo, các hãng điện thoại khác cũng áp dụng cách thức này để mang đến cho người dùng những bức ảnh “tự sướng” đẹp nhất, bằng cách tích hợp vào đó khả năng tự cân chỉnh “dung nhan” người chụp tự động, đồng thời đưa ra các tùy chọn “mì ăn liền” khác nếu như người dùng muốn bức ảnh của mình có điểm nhấn riêng. Trên camera trước, cuộc chạy đua về số “chấm” có vẻ không được chú trọng bằng tính năng tự chỉnh sửa, bởi nhu cầu tải ảnh lên mạng xã hội thì camera 5 – 8 megapixel là vừa đủ.

Tất nhiên, vẫn có những hãng muốn nâng thông số này lên càng cao càng tốt, điển hình như Vivo đang có chiếc V5 với độ phân giải camera trước lên tới 20 megapixel nhưng đây chỉ là số ít.

…đến cấu hình mạnh

Khi nhắc đến cấu hình, vi xử lý và RAM là 2 thông số được nhiều người chú ý. Suy nghĩ “càng nhiều càng tốt”, với chip là nhiều lõi, còn RAM là dung lượng lớn thậm chí trở thành ưu tiên mua hàng đối với không ít người. Các hãng Trung Quốc lập tức khai thác yếu tố này.

Nhưng điều này có thực sự chính xác hay chỉ là chiêu trò bán hàng?

Hiện tại, vi xử lý đang có số lõi cao nhất là 8, nổi tiếng nhất là các dòng chip giá rẻ của MediaTek hay sắp tới đây là Huawei, Xiaomi… Việc tích hợp chip với số lõi cao nhất, đồng thời ra sức quảng cáo thông số này của các hãng điện thoại Trung Quốc đang khiến nhiều người suy nghĩ rằng, càng nhiều lõi thì khả năng xử lý của máy càng nhanh, từ đó cho hiệu suất cao hơn, dù thực tế không phải như vậy.

Với camera, nhiều “chấm” chưa chắc đã cho bức ảnh tốt hơn bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước cảm biến, zoom quang hay kỹ thuật số, tốc độ lấy nét... thì vi xử lý cũng như vậy. Nó còn phụ thuộc vào tốc độ của CPU, phần mềm được thiết kế để tận dụng các lõi xử lý, thiết kế và kiến trúc… Các lõi chỉ có ý nghĩa khi sử dụng đồng thời nhiều tác vụ cùng lúc, tương tự trên PC. Ví dụ, chương trình excel có thể sử dụng tất cả các lõi của vi xử lý PC để vừa phục vụ những tính toán phức tạp, vừa hiển thị giao diện mượt mà, vừa có thể sử dụng đa cửa sổ…

So sánh tốc độ OnePlus 3T, Pixel XL, Galaxy S7 edge
 
 

So sánh tốc độ OnePlus 3T, Pixel XL và Galaxy S7 edge

Đa số các phần mềm đang chạy trên PC hiện mới chỉ sử dụng một vài lõi, khoảng 4 lõi trở xuống. Điều này có nghĩa là hiệu suất của phần mềm phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ của một số lõi hạn chế, và việc tận dụng số lõi nhiều hơn con số trên mới chỉ xảy ra đối với một vài ứng dụng "nặng" thực sự.

So với PC, đa phần ứng dụng trên smartphone sử dụng số lõi còn ít hơn. Người dùng có thể kiểm tra điều này khi sử dụng các phần mềm đo đạc.

Vậy tại sao vẫn có chip với số lõi gấp đôi? Câu trả lời là: người Trung Quốc muốn, và quảng cáo.

Qualcomm là hãng từng chỉ trích vi xử lý 8 lõi của MediaTek, cho rằng nó “ngớ ngẩn”. Tuy nhiên, hãng lại cho ra Snapdragon 810 đầu tiên, sau đó là những mẫu khác như Snapdragon 615 có 8 lõi xử lý cũng vì lý do người Trung Quốc thích. Người dùng tại thị trường đông dân nhất thế giới muốn smartphone của họ phải có số lõi xử lý càng nhiều càng tốt, và họ lấy đó là chỉ tiêu khi mua điện thoại. Xu thế này lan rộng ra một số thị trường khác khi chúng được quảng cáo rầm rộ, khiến người dùng ở các nơi khác cũng tin rằng chip càng nhiều lõi càng mạnh.

Bên cạnh vi xử lý, dung lượng RAM cũng là yếu tố để các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đưa ra quảng cáo.

Dung lượng RAM cũng là thứ bị thổi phồng nhằm tạo cho người dùng cảm giác đây là thông số ưu tiên nếu lựa chọn smartphone. Là bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên (Random Access Memory), RAM làm nhiệm vụ lưu trữ tạm thời tài nguyên mà bộ vi xử lý sử dụng nhằm truy xuất nhanh và thường xuyên hơn, từ đó cho đa nhiệm mượt hơn, nhưng với điều kiện smartphone có bộ vi xử lý mạnh. Như vậy, RAM cũng tùy thuộc vào một số yếu tố, trong đó có vi xử lý, ứng dụng và hệ điều hành. Theo Huawei, 4 GB là đủ để một chiếc smartphone chạy trơn tru. Phần còn lại, hệ điều hành và ứng dụng phải được tối ưu hóa. Các chuyên gia cho rằng, dung lượng RAM trên máy còn trống hơn 300 MB là phù hợp nhu cầu sử dụng.

Thế nhưng, cuộc đua dung lượng RAM đã bắt đầu nóng hơn bao giờ hết. Nếu như cách đây hơn một năm, smartphone RAM 3 GB là phổ biến thì hiện tại 4 GB, 6 GB, thậm chí là 8 GB đã xuất hiện trên nhiều máy.  OnePlus 3, LeEco Le Max 2, Asus Zenfone 3 Deluxe, Vivo Xplay 5 Elite, Meizu Pro 6… là một trong những thiết bị sở hữu RAM lên tới 6 GB.

Có nhiều lý do xuất hiện cuộc đua này, như dung lượng RAM lớn để phục vụ cho nội dung thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đang dần phổ biến, hay phục vụ ứng dụng "nặng" ngốn nhiều RAM. Tuy nhiên, việc AR và VR chưa có nhiều ứng dụng thiết thực, cũng như các ứng dụng hiện chưa đủ để làm khó smartphone từ 3 GB khiến nhiều người quay lại suy nghĩ về chiêu trò kích thích mua hàng của các nhà sản xuất.

Trải nghiệm Asphalt 8 trên Meizu Pro 6
 
 

Trải nghiệm Asphalt 8 trên Meizu Pro 6

Với các nhà sản xuất Trung Quốc, việc “thổi phồng” các tính năng cũng như thông số cấu hình để nâng giá bán là cách họ đang làm khi chưa thể sáng tạo, trong khi vẫn muốn thoát khỏi hình ảnh của một sản phẩm giá rẻ.  Họ sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền hơn làm điều đó. Tất nhiên, chi phí này sẽ cộng vào giá bán smartphone, biến chúng thành sản phẩm “có giá” hơn. Vô hình trung, chính khách hàng đang phải chi thêm tiền để sử dụng những thứ trên thực tế chưa thực sự cần thiết nhưng không hề hay biết.

Bảo Lâm

Bình luận
Ý kiến của bạn