Kiến trúc sư 25 năm theo đuổi hệ sinh thái nhà Việt

Ông Nguyễn Xuân Quang dẫn dắt Công ty cổ phần đầu tư Nam Long từ bảy người đến tập đoàn nghìn người.

Từ chủ thầu xây dựng

“B phết phải trở thành B” là tâm niệm của ông Quang từ năm 1992, khi mở ra một công ty 7 người với công việc của chủ thầu xây dựng tư nhân.

Công ty TNHH Xây dựng Nam Long hoạt động tại văn phòng thuê với giá “người nhà” của người bạn tại 47 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM.

B phết là nhà thầu “phụ của phụ”. Tức trước đó, ông Quang và cộng sự phải núp bóng một công ty nhà nước để lấy việc về làm. Khi đã thành lập công ty, có tư cách pháp nhân rồi, nhóm “chủ thầu xây dựng” trở thành bên B trong hợp đồng xây dựng.

Chỉ để chuyển từ một chữ “B phết” (tức b’ trong cách nói chuyện của dân xây dựng thời ấy) thành chữ B chính thức bằng giấy trắng mực đen trên hợp đồng hợp tác xây dựng, là cả một chặng đường dài tính bằng nhiều năm.

Ông Quang tốt nghiệp trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh năm 1983.

Chàng kiến trúc sư xin được một chân tại Viện thiết kế và quy hoạch phân hiệu phía Nam, cơ quan “hấp dẫn” trong giới lúc đó.

Nhưng sau 5 năm lê la khắp miền Nam, vẽ bản đồ quy hoạch theo kế hoạch, ông nhận ra “môi trường nhà nước chưa cho mình có cảm hứng để làm việc và cống hiến. Ông tính: hay mình đi lao động Liên Xô? Liên Xô là từ “sang chảnh” trên miệng các trí thức trẻ thời đó, nhưng nó không giúp chàng thanh niên tiếp tục được đam mê kiến trúc. Ông cần một sân chơi để cùng với những người chung quan điểm thỏa mãn kỳ vọng của mình.

Ôm ấp ủ đó trong lòng, xin nghỉ việc nhà nước, ông đi xây nhà thuê để kiếm tiền. Ông cùng các bạn làm ăn tìm mối, nhận việc xây dựng cho các công ty, đơn vị nhà nước. Sau mấy năm, nhóm của ông Quang đã trở thành một trong những nhà thầu xây dựng có tiếng trên thị trường.

Trong những năm đó, chính thị trường đã dạy người kiến trúc sư chưa hết lãng mạn bài học đầu tiên về bất động sản. Ông vơ vét tất cả tiền nhà, tiền họ hàng được 36 cây vàng, mua 2 ha đất ở quận 2 với ước mơ “làm dự án mang tính liên doanh liên kết quốc tế”. Nhưng ông nhanh chóng bị thu hồi hết vì số đất ấy nằm trong quy hoạch. 

“Tôi đâu biết quy hoạch nó nguy hiểm tới cỡ đó. Chủ đất dùng tiền của tôi mua Dream Thái để đi, đầu karaoke về hát, còn mình thì làm mất hết tiền. Bài học đầu tiên về bất động sản là anh phải rất tinh thông về luật pháp”, ông hồi tưởng.

Luật Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, 1991, đã đánh dấu một khúc ngoặt trọng đại cho nền kinh tế kế hoạch. Nó cho phép ra đời công ty tư nhân. Trên thị trường, 95% là công ty nhà nước mới các tên số: tổng 25, xây dựng 8, xây dựng 14… Nam Long là một trong những công ty tư nhân đầu tiên có một cái tên…

“Công ty Nam Long” là sự hiện thực hóa cái lãng mạn của kiến trúc sư đang là chủ thầu xây dựng ra đời năm 1992. “Mặc dù lúc đó lập công ty để mưu sinh tồn tại nhưng tôi vẫn có ước mơ một con rồng phương Nam nên đặt tên đó. Có lẽ đó là chất mơ mộng của nghề kiến trúc đã ăn vào máu”, ông Quang kể. Nam Long khác hoàn toàn với bối cảnh chung tên đánh số và cũng là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Ông còn nhớ, mấy người bàn với nhau, lấy tôn chỉ công ty là “uy tín chất lượng”. Nghe thì thường mà ở thời điểm đó, tám lạng được tính thành một cân nên ai mà ‘uy tín chất lượng” được là vô cùng hiếm.

Một người bạn từng là bên A hợp tác công việc với nhóm ông Quang có căn nhà 4x7 mét ở Đinh Tiên Hoàng. Ông bạn ở trên gác, cho công ty thuê ở tầng trệt. Bảy nhân viên trong “văn phòng” 28 mét vuông, nhưng ai cũng làm việc hăng say, không theo giờ nhà nước. Ông Quang còn nhớ người cộng sự của mình, ông Đông mới ra trường, từ Cần Thơ lên Sài Gòn làm việc cho công ty, phải ở chung với gia đình vợ. Hai vợ chồng có một chỗ ở chút xíu dưới chân cầu thang nhà vợ. Hàng ngày ông Đông chạy chiếc xe 67, cũng là tài sản quý nhất để đi làm kế toán trưởng cho Nam Long.

Bảy thành viên vẫn nói với nhau, công ty thì tự lo mà giám đốc thì tự phong. Ông Quang là giám đốc nhưng có khi chỉ lãnh lương tượng trưng, có khi bỏ tiền nhà ra trả lương nhân viên vì phải ưu tiên trả đủ cho nhân viên trước.

Sự khởi nghiệp, khi ấy, với ông chỉ là “phải sống sót cái đã” chứ đâu dám tô vẽ cao siêu gì bởi nền kinh tế chưa mở cửa, ai mà không khó khăn.

Ông vẫn ấp ủ cái gọi là “sân chơi nghề nghiệp”, nơi hội tụ những người giỏi về thỏa mãn giấc mơ kiến trúc. Nhưng những người giỏi, nổi tiếng ông mời họ đều từ chối khéo. Họ không dám tin rằng những công ty tư nhân non nớt như vậy có thể tồn tại.

Nhưng sự thật thì nó đã tồn tại và còn hơn thế. Sau 25 năm, diện tích 28 m2 được hiện thực hóa bằng tòa nhà 14  tầng với hơn 500 nhân viên quản lý, chưa kể đội ngũ thi công các dự án lớn của Nam Long khắp khu vực phía nam.

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long.

Hệ sinh thái bất động sản

Công ty có tên, có tư cách pháp nhân, đã từ “B phết” thành B “xịn”, nhưng chưa hết khó khăn vì thị trường nhỏ, khó kiếm việc làm. Nhiều quy định trong đấu thầu xây dựng chưa có, để giành một hợp đồng mà hầu hết chúng được ban ra từ công ty Nhà nước, nhiều người nếm vị mặn của mồ hôi và nước mắt.

Trong thời gian này, số phận cho ông Quang gặp một chuyên gia mà đến giờ ông vẫn còn tri ân sâu sắc. Vị này là cố vấn của giám đốc sở xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sau 1975. Ông Hoàng Nguyên Đán đã trở thành cố vấn kinh tế đầu tiên của Nam Long và là người cùng ông Quang phác thảo con đường tương lai của công ty trong dài hạn. Trong đó, khúc ngoặt quan trọng nhất chính là quyết định đưa Nam Long từ B thành A. Từ việc biến Nam Long từ làm thuê trở thành một nhà phát triển bất động sản. “Khi đó mình mới tự chủ và có thể giao việc cho người khác chứ không còn chạy vạy tìm cách thắng thầu để có việc cho anh em”- ông Quang chia sẻ.

Đó là một ngày cuối năm 1996, tại hội trường 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cụm từ “Chương trình nhà Nam Long” được ông Quang trình bày trước các cơ quan chức năng, kiến trúc sư trưởng thành phố ông Lê Văn Năm, thứ trưởng xây dựng, báo chí, những người sớm ủng hộ doanh nghiệp có ý tưởng đột phá để hình thành thị trường.

Ông Quang trình bày kế hoạch của Nam Long trong vòng 3 năm tới hỗ trợ thực hiện chương trình nhà ở quốc gia, gồm dự kiến sẽ xây bao nhiêu căn nhà, với quỹ đất như thế nào, phục vụ cho những đối tượng nào… Ông cũng chưa nghĩ rằng đó là một trong những tuyên ngôn đầu tiên của công ty về hình hài một nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp.

Luật Doanh nghiệp cho công ty tư nhân ra đời năm 1991 nhưng đến năm 1995 vẫn chỉ có công ty Nhà nước được phát triển bất động sản. Năm 1995, “vòng kim cô” này được cởi bỏ và Nam Long là một trong năm công ty đầu tiên tuyên bố phát triển bất động sản cùng thời với Minh Phụng, Huy Hoàng.

Chương trình nhà Nam Long được hiện thực hóa khá nhanh. Năm 1996, dự án An Lạc ở Bình Chánh ra đời mới mô hình quần thể dân cư dù sơ khai theo kiểu phân lô bán nền. Năm 1998, những dãy nhà đầu tiên xây lên theo chương trình nhà Nam Long đã ra mắt thị trường ở dự án Phú Thuận, kế đến là dự án Tân Thuận Đông năm 2005.

Ở dự án đầu tiên - An Lạc, một dự án rất nhỏ so với các dự án khu dân cư sau này của Nam Long, chỉ khoảng 5 ha nằm tại thị trấn ngoại vi TP HCM. Công ty không chỉ san nền đất ra bán mà làm cả công tác xây dựng hạ tầng cho khu vực. Bình Chánh khi đó chỉ có ruộng và sình lầy, dừa nước. Công ty khoan giếng làm nhà máy lọc nước cho dân dùng, làm đường cho dân đi, dẫn điện nổi theo trụ điện đến một khu vực được coi là vô cùng heo hút. Thậm chí khu đô thị Nam Sài Gòn khi đó còn chưa hình hài mà mới quy hoạch trên giấy.

200 nền nhà đầu tiên chưa tạo dấu ấn nhiều bởi vừa làm vừa mày mò, vừa lo chuyện tồn tại nên ông và cộng sự bàn “chỉ cố gắng làm tốt hơn thị trường”. Dù chưa xác định phải hoàn hảo với dự án đầu nhưng An Lạc cũng là một trong những dự án bất động sản đầu tiên tại TP HCM đã được đầu tư hạ tầng cho người dân Bình Chánh. 

Số nền đất ấy được bán một mạch, giá 12 cây vàng một nền. Ban giám đốc vui vì sản phẩm tiêu thụ, tức công ty có cơ hội để phát triển tiếp theo hướng đó. “Trong kinh doanh, bán được hàng mới là sự tồn tại chứ tôi không dám nghĩ cao siêu”, ông nói và cho biết, mãi sau này mới thấm cái niềm vui âm thầm của người tiên phong.

Mơ ước về một quần thể dân cư, thành phố thu nhỏ văn minh trong không gian đô thị hiện đại và nhân văn khi ấy chỉ là hạt mầm trong lòng ông Quang và những người sáng lập.

Năm 1996, khi đi nước ngoài và vượt biên chỉ là khoảng cách nhỏ nhoi, ông Quang tự lo hồ sơ xin đi Canada học hỏi, để biết rằng thế giới họ làm như thế đó và mình phải chuẩn bị cho Việt Nam là vừa. Sau này, ông lên lịch ban lãnh đạo phải đi ít nhất hai nước mỗi năm để xem họ làm bất động sản thế nào.

Càng đi, họ càng nhận thấy, một nhà phát triển bất động sản không đơn thuần là xây nhà để bán, lấy nhiều tiền càng tốt mà phải có tư duy rộng hơn trong quy hoạch và xây khu đô thị, cộng đồng dân cư, tức là phát triển hệ thống dịch vụ sống với đầy đủ dịch vụ thương mại, có trường học, cửa hàng, công viên, khu thể dục, hồ bơi, sân tennis…

“Lúc đó, tôi đã nhận ra, chúng tôi muốn phát triển môi trường sống và quần thể đô thị hoàn chỉnh chứ không còn là phát triển căn nhà, vài tòa chung cư. Những quần thể đó phải ghi dấu ấn về chất lượng sống và thẩm mỹ cho bộ mặt chung của thành phố. Nó cũng phải mở ra cái gọi là hệ sinh thái bất động sản, nơi nhà ở chỉ là một phần trong quần thể công viên, không gian xanh, khu thể dục thể thao, trường học, siêu thị và các dịch vụ khác. Nếu đã chọn sống ở đây, người ta có thể không phải đi ra ngoài để tìm dịch vụ”, ông kể.

Sự lựa chọn này đi kèm với nhiều khó khăn, công sức, vốn đầu tư cho tới tận bây giờ - khi mà rất nhiều công ty bất động sản vẫn chỉ chọn cách làm sao có một khu đất, xây lên vài block nhà cao tầng rồi bán càng nhanh càng tốt để tối ưu hóa lợi nhuận.

Còn khi chọn mô hình dài hơi hơn, Nam Long bắt buộc phải chấp nhận sự đầu tư dài hạn, dành nhiều diện tích cho không gian chung thay vì nâng số căn hộ, nhà lên càng nhiều càng tốt, hay phải kiên nhẫn bỏ vốn nhiều hơn cũng đồng nghĩa với mạo hiểm hơn…

“May thay, có những người sẵn sàng bỏ giá cao hơn một chút để mua nhà và mua cả môi trường sống của công ty làm ra”, ông Quang tâm sự.

Thạnh Lộc, khu dân cư Phú Thuận, khu dân cư Tân Thuận Đông, khu dân cư Phước Long B, An Thạnh - Cần Thơ… dần dần mọc lên bằng tư duy quần thể.

Đến các khu biệt thự như Thảo Nguyên Sài Gòn, Nam Phú…, Nam Long đã ghi dấu ấn với quần thể nhà ở - sinh thái gần như hoàn hảo, thẩm mỹ cao. Ông Quang còn nhớ, một ngày, thấy tin nhắn từ số điện thoại của Kiến trúc sư trưởng thành phố Lê Văn Năm hiện lên: “Quang ơi, đẹp quá Quang ơi”.

Ông Năm đứng trên chiếc cầu nhìn xuống dự án biệt thự của Nam Long. Với ông Quang, đó là phần thưởng to lớn, bởi “họ là viên chức Chính phủ mà cũng cảm nhận được giá trị của một dự án chúng tôi xây dựng”. Cảm xúc bộc phát lúc đó của ông Năm, là sự thừa nhận với quá trình đầu tư nghiêm túc về kiến trúc quy hoạch mà ông và cộng sự luôn theo đuổi.

Thảo Nguyên Sài Gòn 7,7 ha và Nam Phú 28 hecta là hai dự án “chuẩn” trên thị trường bất động sản năm 2005. Bởi ông đã trót học cách làm nhà của Tây và muốn những khu đô thị tiêu chuẩn cao có mặt ở Việt Nam.

Thiết kế quy hoạch tổng thể của Thảo Nguyên Sài Gòn phải bỏ đi làm lại 4 lần với thời gian cả năm trời. Mỗi lần thay đổi là đổi luôn vật liệu, cảnh quan, phong thủy… Đến lần thứ tư, ban giám đốc mới chịu đề án khi hình hài của nó mang dáng dấp một khu biệt thự chuẩn theo tiêu chí thế giới -  những thị trường đi trước Việt Nam cả trăm năm.

Sau này, một đại gia bất động sản của Singapore được công ty mời sang Việt Nam tham quan dự án và cho lời khuyên, song ông nói:

Các vị đã làm thế này rồi thì Singapore đâu cần giúp gì nữa.

Nhà "vừa túi tiền"

Giá trị của một nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp là kỹ năng nắm bắt thị trường. Song, đó không phải là tìm miếng đất, xây nhà nhanh, thiết kế nhiều căn, quảng cáo mạnh, bán cho nhanh để quay vòng làm dự án mới…

Không phải là công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam, nhưng các sản phẩm của Nam Long từ phân khúc nhà ở giá rẻ đến cao cấp đều có tỷ lệ người mua nhà để ở thuộc loại cao. Các khu đô thị của công ty có giá phù hợp người mua và chất lượng ổn định, bền vững. Đằng sau đó là triết lý kinh doanh ít người biết - nhà ở vừa túi tiền.

“Affordable” trong thuật ngữ của ngành bất động sản quốc tế chỉ những sản phẩm nhà ở được thiết kế vừa với năng lực mua của người dân. Hay nói cách khác, họ mua được căn nhà chất lượng tốt nhất so với số tiền mình bỏ ra, số tiền ấy cũng hợp với khả năng kiếm được của họ. Dòng sản phẩm của bạn đáp ứng được năng lực tài chính của khu vực dân cư đông đảo nhất nhưng không phải là khu vực thấp nhất. Đó là những căn nhà vừa sức mua mà người mua không bị mắc nợ, không bị vỡ nợ, không bị ám ảnh về tài chính nhưng chất lượng sống tốt nhất có thể.

Còn người xây nhà để bán, vì nhằm phù hợp với số đông nên không được đẩy lợi nhuận lên quá cao. Công thức tính giá phải hiệu quả tới mức cùng mức giá đó, thị trường không thể xây được ngôi nhà rẻ và tốt hơn.

Nhà “vừa túi tiền” là một mảng sản phẩm cốt lõi của các nhà phát triển bất động sản toàn thế giới. Bởi nếu không sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất với giá rẻ nhất thì chưa thể được gọi là một người chuyên nghiệp, chưa đóng góp đủ cho cộng đồng, người dân, thị trường của mình.

Ở Sydney, nhà vừa túi tiền khoảng 650.000 USD, ở Singapore là 350.000 USD. Theo tính toán của ông Quang, nhà “affordable Việt Nam” khoảng 25.000-75.000 USD.

Theo bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Nam Long, nhu cầu có nhà ở của người Việt mới được đáp ứng khoảng 30%. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt hứa hẹn những dòng nhập cư ồ ạt, song hầu hết người Việt thậm chí chưa thể có ngôi nhà đầu tiên. Đó cũng là thách thức đối với các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam.

Đằng sau mong muốn trở thành top 3 nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp tại Việt Nam của ông Quang tồn tại song song sứ mệnh trở thành nhà phát triển nhà ở vừa túi tiền cho số đông người Việt. Với ông, mục tiêu đó không chỉ là chuyện lý tưởng hóa nghề nghiệp. “Đáp ứng sức mua của người dân tức là đáp ứng mong đợi của cộng đồng, đó cũng là cội rễ cho sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chỉ sống lành mạnh khi sản xuất ra những sản phẩm mà người mua chấp nhận nó và sẵn sàng trả giá hợp lý nhất họ có thể cho môi trường sống tổng thể đó chứ không chỉ mấy chục mét vuông căn hộ để đi ra đi vào”, ông nói. 

Ông chấp nhận đôi khi không phải ai cũng hiểu được ngay những giá trị vô hình của môi trường sống, bởi nhiều lúc mọi người còn bận so sánh giá tiền theo mét vuông. Nhưng thế giới đã đi trước mình cả trăm năm, chuẩn mực chất lượng sống của con người là như nhau nên ông nghĩ một ngày nào đó “vì mình đã cố gắng nên cũng sẽ được thừa nhận”.

Dòng sản phẩm vừa túi tiền ra đời được còn là nhờ có một là hệ sinh thái bất động sản gây dựng từ khi thị trường sơ khai hàng chục năm trước. Chuỗi giá trị là một khái niệm kinh doanh đỉnh cao của các tập đoàn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chúng ta chắc cũng đã từng cầm trên tay những đôi giày Adidas, đồ chơi nhập khẩu với dòng chữ “Made in Vietnam”, nhưng giá trên trời và người nhân công thực chất chỉ nhận vài chục ngàn cho sức lao động. Nguyên do là chúng ta đã không sở hữu được những chuỗi giá trị để phát triển khép kín. Nhận thấy điều đó, Nam Long đã hướng đến việc đưa một sản phẩm từ sơ khai trở thành thành phẩm cuối cùng để tạo được các giá trị gia tăng thực sự cho công việc của mình. Nam Long là một trong số ít công ty tại Việt Nam có thể phát triển bất động sản từ sơ khai đến hoàn chỉnh, từ những mảnh đất hoang sơ đến đô thị với những dịch vụ đính kèm. Để thực hiện chuỗi giá trị bất động sản đó, Nam Long phải gầy dựng một bộ máy gồm 15 công ty con và công ty thành viên. Nhờ việc tiết kiệm ở các mắt xích hình thành chuỗi, công ty mới có thể đưa ra những sản phẩm thật cạnh tranh về giá trị trên thị trường.

Ông Quang bảo, ngày hôm nay, định nghĩa affordable chưa được hiểu đúng thì một ngày nào đấy, khi khách hàng có trải nghiệm hơn người ta sẽ hiểu. Cũng giống như khi Nam Long hội nhập quốc tế trong phát triển sản phẩm không phải để theo mốt, đó là hàng chục năm mồ hôi công sức, hàng trăm sự tổn thương hay mất mát xảy ra trong tổ chức mà đôi khi anh phải hy sinh lợi ích của chính mình. Nhưng một ngày, nếu sản phẩm của anh đủ tốt, thì anh sẽ không đơn độc.

Xây nhà tử tế

Hỏi ông hạnh phúc nhất với kỷ niệm nào, ông bảo, đó là khi đi qua những khu dân cư ánh đèn hân hoan như những ánh sao đêm, bởi người ta ở kín mít. Trên 95% người mua nhà Nam Long để ở, còn lại mua cho thuê, gần như không có đầu cơ. Ngân hàng cũng rất thích cho người mua vay vì tín dụng sẽ an toàn.

Tổng tài sản hiện tại của Nam Long hơn 7.800 tỷ đồng, với quỹ đất hơn 500 ha tại những vị trí tốt khu vực phía Nam, phù hợp quy hoạch chung và đảm bảo cho sự phát triển bền vững 10 năm tới.

Nam Long đã hoàn thành 8 dự án khu đô thị, cung cấp cho thị trường hơn 15.000 sản phẩm từ biệt thự, nhà phố, căn hộ cho đến văn phòng cho thuê và hình thành 3 dòng sản phẩm chiến lược: Ehome, Flora và Valora. Bên cạnh các sản phẩm bình dân, công ty cũng có những dự án cao cấp như khu biệt thự Nam Phú, khu biệt thự Thảo Nguyên Sài Gòn, khu nhà phố thương mại Nam Thông, các khu biệt thự Valora Fuji, Valora Kikyo… Hiện Nam Long vẫn triển khai và hoàn thiện những khu đô thị có quy mô rất lớn, cao cấp như Mizuki Park (26 hecta); Phú Hữu (17,5 hecta), Phước Long B mở rộng (15,9 hecta), Waterpoint (Long An) 355 ha. Đều là những dự án có sự góp sức của các tổ chức quốc tế và được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn trên thị trường bất động sản không chỉ nội địa.

Nam Long cũng nổi danh với danh mục các đối tác và cổ đông chiến lược quốc tế. Sau IFC (Worldbank), Mekong Capital, ASPL, Nam Việt Ltd. (Goldman Sachs)… Hiện nay, công ty  được hậu thuẫn bởi cổ đông chiến lược nước ngoài Ibeworth (thuộc tập đoàn Keppel Land), PYN (quỹ đầu tư lớn của châu Âu)… Ở cấp độ dự án, Nam Long cũng có mối quan hệ hợp tác bền chặt với các công ty hàng đầu như Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản).

Ông Quang nhớ lại, có ba khúc ngoặt quan trọng nhất của tập đoàn trong 25 năm.

Thứ nhất, là cuộc chuyển mình từ một công ty tư nhân thành một công ty niêm yết. Năm 1992, công ty ra đời, tài sản hầu như đứng tên ông. Nhưng để làm ăn “ra tấm ra món”, ông mời bạn bè tham gia góp vốn để thành công ty cổ phần năm 2005.

Rồi ông lại mất hai năm ròng rã để thuyết phục ban điều hành chấp thuận đưa công ty lên sàn chứng khoán. “Tại sao lại phải niêm yết trong khi chúng ta đang là điển hình của thành công. Đổi mô hình khác rủi ro thì làm thế nào?”, họ chất vấn. Ông nói với họ: “Khi đi xem các mô hình nhà ở của nước khác, công ty niêm yết mới có môi trường kinh doanh rộng hơn mới đi xa hơn và tạo được những giá trị mới.”. Sau bao nhiêu cuộc họp, Nam Long trở thành công ty cổ phần và lên sàn chứng khoán năm 2013 để chuẩn bị cuộc chơi hội nhập.

Thời điểm khó khăn thứ hai là tìm dòng vốn ngoại. Mặc dù từ năm 2005, khi cổ phần hóa, ban điều hành đã hoạch định bằng mọi cách phải hòa được vào dòng tài chính của nước ngoài. Nếu không có những dòng tài chính an toàn và bền vững thì một công ty bất động sản không thể phát triển ổn định, vững chắc. Nhưng phải tới 2008, công ty mới mời được quỹ ASPL và Golman Sachs trở thành cổ đông chiến lược. Nam Long trở thành công ty bất động sản đầu tiên trên thị trường huy động được vốn dài hạn từ tổ chức quốc tế chuyên nghiệp với khoảng 15 triệu đôla Mỹ.

Trong thời điểm khó khăn nhất của ngành bất động sản Việt Nam, khoảng thời gian 2010-2011, khi lãi suất ngân hàng nội địa lên đến 25%, Nam Long đã bước ra khỏi biên giới để tìm nguồn vốn nước ngoài. Sau rất nhiều nỗ lực, năm 2013 công ty niêm yết, năm 2014 vay được vốn dài hạn của IFC. Nam Long là công ty bất động sản duy nhất được IFC đầu tư vốn cổ phần tính đến thời điểm này.

Bước ngoặt thứ ba là cuộc cách mạng về con người. Ông Quang từng tự hào có đội ngũ lãnh đạo hoàn hảo nhất thị trường năm 2005 thì tới năm 2008, khi phải phát triển đến một kích cỡ lớn hơn, phải đưa thêm một giàn người mới về, công ty gặp những thách thức khá lớn. Người cũ và mới va chạm khiến có một thời gian công ty chật vật giữa những quan điểm và giá trị khác nhau. Mặc dù biết tất cả doanh nghiệp đều gặp tình trạng mâu thuẫn cũ - mới như thế nhưng ông và cộng sự vẫn kiên trì củng cố bộ máy đến gần chục năm. Nhưng điều quý nhất, là dù trải qua nhiều sóng gió, bảy cộng sự từ ngày thành lập công ty vẫn sát cánh với ông Quang đến bây giờ.

Giờ đây, ông hiểu mọi sự va chạm đều là may mắn.

“Tôi đã va chạm với rất nhiều, từ nhà tư vấn, trong các chuyến đi tham quan nước trong nước ngoài, từ chính đội ngũ của mình. Đó là một trường học rộng lớn và vô cùng”, ông nói và khẳng định “người thầy lớn nhất của tôi là thị trường và các nhà tư vấn.

Người thầy đó đã kết hợp với sự đam mê. Khi Nam Long Thành lập năm 1992, họ viết trong kỷ yếu “nguyện làm một viên gạch xây dựng nền kiến trúc Việt Nam”. Sau 25 năm, đội ngũ ấy đã nắm chắc sứ mệnh và chiến lược cụ thể trong một tương lai dài hạn và đang nỗ lực tiệm cận mục tiêu đó.

Trong mong muốn của những nhà quản lý và từng nhân viên, Nam Long sẽ thực hiện chiến lược một cách tận tâm và hội nhập sâu rộng vào cách làm bất động sản chuyên nghiệp của thị trường bất động sản thế giới. Đó là một chuỗi sự cố gắng liên tục: chỉ tập trung vào bất động sản với đầy đủ hệ giá trị từ khâu sơ khai đến hoàn chỉnh, làm chủ chuỗi giá trị gia tăng bất động sản. Lộ trình phát triển bền vững của Nam Long tới đây tiếp tục không chạy theo trào lưu mà tập trung trau chuốt các sản phẩm phục vụ nhu cầu và khả năng của người Việt Nam, từ dòng căn hộ bình dân đến các dòng sản phẩm trung, cao cấp.

Nam Long đặt mục tiêu nằm trong top 3 công ty phát triển nhà ở vừa túi tiền và top 3 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Công ty cũng đã có chiến lược ra mắt thị trường 17.000 sản phẩm thuộc các dòng EHome, Flora, Valora và ba khu đô thị lớn có quy mô từ 10-300 hecta trong 3 năm tới.

Có lần ông Quang được “tặng” lời khen rằng Nam Long là một nhà phát triển bất động sản tử tế. Khái niệm tử tế nghe thật bình dân nhưng với ông và cộng sự đó là sự thừa nhận vô giá. Trong suy nghĩ của ông đó là việc tư duy và hành động để đưa ra những sản phẩm có giá trị thực sự cho người dùng, có ích cho cộng đồng, để cuộc sống của con người tốt hơn chứ không phải chỉ kinh doanh thuần túy.

“Kế toán Đông” nay đã có biệt thự, xe hơi, con đi học nước ngoài. Ông đã quản lý một công ty con của Nam Long. Ngày nhận kỷ niệm chương 20 năm vì công ty, ông bật khóc: “Cả cuộc đời em rồi đó anh Quang!”.

Ông Quang bồi hồi: “Xét cho cùng ai sinh ra cũng cần có những động lực lớn, cần tìm thấy một động cơ để cống hiến trong cuộc đời của mình. Đối với tôi, Nam Long cũng là một con người, cũng cần có những cống hiến. Và cống hiến lớn nhất của một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đó là làm sao để nhiều người Việt có thể sở hữu tổ ấm dễ dàng hơn nữa. Cả đời tôi tạo dựng Nam Long, xét cho cùng, cũng chỉ làm được có bao nhiêu đó….

25 năm Nam Long
 
 

Bài viết: Hồng Phúc

Thiết kế: Trung Lê, Hồ Cường

 

Bình luận
Ý kiến của bạn