Hoàng Hạc Lâu, tượng đài thi ca của văn học Trung Quốc

Tòa tháp đồ sộ là niềm tự hào của người dân Vũ Hán, Trung Quốc và gắn liền với tên tuổi của nhiều thi sĩ nổi tiếng như Thôi Hiệu, Lý Bạch, Khuất Nguyên...

Lầu Hoàng Hạc là nơi Thôi Hiệu đề thơ, Lý Bạch gác bút, Khổng Minh mượn gió đông, Tôn Quyền xem trận thế,  Khuất Nguyên viết Ly tao, Nhạc Phi trần tình biểu.... 

Phiên bản Hoàng Hạc Lâu đầu tiên được xây dựng vào năm 223 sau Công nguyên (đời nhà Ngô thời Tam Quốc). Ngôi tháp bị phá hủy 12 lần do chiến tranh, cháy nổ. Sau mỗi lần như vậy, công trình lại được xây cao, đẹp hơn. Phiên bản thứ 11 bị tàn phá vào năm 1884. Từ năm 1981 tới năm 1985, Hoàng Hạc Lâu hiện tại được xây lại tại một vị trí mới cách đó 1 km.

Công trình này là một trong “Tam đại Văn hóa Danh lâu" của Trung Quốc. Thiết kế đầu tiên gồm có ba tầng làm bằng gỗ được chạm trổ tinh vi, đỉnh làm bằng đồng.

Trải qua nhiều lần trùng tu, Hoàng Hạc Lâu hiện nay được xây dựng trên diện tích 1.200 m2, gồm có 5 tầng, cao 61,7 m với 56 mái ngói cong. Về kiến trúc, tòa được xây theo mô hình lầu Hoàng Hạc đời nhà Thanh, nhưng đồ sộ và đẹp hơn, không làm mất đi nét tạo hình đặc sắc của tháp cổ.

Phía nam của tòa lầu là chiếc chuông “Thiên Hỷ Cát Tường” cao 5m với đường kính rộng 3m, nặng 20 tấn. Xa xa là “Lạc Mai Hiên”, nơi biểu diễn các điệu múa, bản nhạc cổ nổi tiếng của nước Sở để phục vụ khách tham quan và một khu phố cổ với các gian hàng trải rộng trên 5.500 m2, mô phỏng cảnh buôn bán sầm uất của người dân nước Sở thời cổ.

Từ tầng 5 của toà lầu, du khách sẽ thể ngắm toàn cảnh thành phố Vũ Hán, chiêm ngưỡng cây cầu Đại Trường Giang bắc qua sông. Phía xa, bên phải bờ bắc Trường Giang là Hán Khẩu, trung tâm thương mại – dịch vụ của thành phố, nơi có bến sông du lịch dài 5 km vừa được xây dựng theo mô hình bến Thượng Hải.

Theo Vương Tượng Chi của đời Bắc Tống viết trong “Dự Ðịa kỷ thắng”, sở dĩ tháp quan sát được gọi là Hoàng Hạc Lâu vì nơi này nằm trên Hoàng Hộc Sơn, phía tây nam của Từ Thành xưa. Thời cổ, chữ Hộc (ngỗng trời, thiên nga) cũng  có nghĩa là Hạc, nên về sau người ta dùng chữ Hạc cho rõ nghĩa hơn. Từ đó, Hoàng Hộc Sơn được gọi là Hoàng Hạc Sơn. Đời sau Hoàng Hạc Sơn cũng được gọi là Xà Sơn vì dáng núi uốn lượn giống rắn.

Một truyền thuyết khác cho rằng tên gọi Hoàng Hạc Lâu bắt nguồn từ truyền thuyết Phí Văn Vi. Vị tu sĩ đắc đạo thường cỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân trên “Đồi Rắn” để ngắm cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và Ngũ Hồ sương khói. Vì thế, người đời sau đã xây một tháp lầu tại chính nơi tiên cỡi hạc vàng bay đi và đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.

Sau nhiều lần loạn lạc, tòa lầu trở thành nơi đi về của nhiều thi nhân bởi phong cảnh hữu tình. Thôi Hiệu, thi sĩ nổi tiếng thời Đường (618-907) đã đến nơi này và viết bài thơ lưu danh thiên cổ “Hoàng Hạc Lâu”. Thi tiên Lý Bạch cũng có bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”. Đại thi hào Nguyễn Du khi đi sứ nhà Thanh qua lầu Hoàng Hạc, trong Bắc hành tạp lục đã viết bài thơ “Lầu Hoàng Hạc”.

Bên trong tháp trưng bày nhiều điển tích, thơ ca và các dấu tích xưa. Tầng một cao hơn 10m có bức bích họa bằng gốm sứ diện tích 54 m2 mô tả cảnh tiên giới với mây, nước, tiên hạc.

Tầng hai đến tầng bốn lưu giữ lại những bài thơ từ và bức họa về các sự kiện lịch sử từ thời Tam Quốc đến nay. Tầng năm là tầng cao nhất của lầu, đứng ở đây, du khách có thể ngắm cảnh trời sông bao la bát ngát, nhìn dòng Trường Giang và Hán Thủy hợp lưu lại thành hình chữ “Nhân” trong Hán tự.

Hiện đã có đường bay thẳng từ TP HCM đi Vũ Hán, Trung Quốc. Một số công ty du lịch như Vietravel cũng đã khai thác tour du lịch tham quan Hoàng Hạc Lâu và các điểm đến nổi tiếng gần đó. Du khách có thể tham khảo tour: Vũ Hán - Hoàng Hạc Lâu - Kinh Châu - Nghi Xương - Trùng Khánh - Vũ Long hoặc tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn - Thiên Môn Sơn - Viên Gia Giới - Kinh Châu - Vũ Hán - Hoàng Hạc Lâu. Giá tour khoảng 19 triệu đồng cho lịch trình 6-7 ngày.

Khương Nha