Không theo trào lưu "tai thỏ" do Apple khởi xướng năm 2018, Samsung đã tự tạo xu hướng mới - màn hình "đục lỗ" cho camera với bộ ba Galaxy S10 (S10, S10+, S10e), trong đó, mẫu cao cấp nhất là Galaxy S10+ có màn hình tràn viền, hệ thống tới 5 camera bao gồm 3 phía sau và hai phía trước. Đây cũng là smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu cảm biến vân tay siêu âm.
Galaxy S10+ (bên phải) là model có màn hình lớn nhất trong dòng Galaxy S10 mới ra mắt.
Từ thế hệ Galaxy S6 tới S9, Samsung không thay đổi nhiều phong cách thiết kế, khác biệt lớn nhất chỉ là màn hình ngày càng mở rộng, đặc biệt là ở cạnh trên và dưới. Đây cũng là hướng phát triển chung của thị trường khi viền màn hình ngày càng được làm mỏng hơn. Nhưng công nghệ cũng có giới hạn khi chạm đến camera trước. Apple đã chọn cách làm "tai thỏ" vào năm 2018 và kéo theo là hàng loạt mẫu máy trông "na ná nhau", đặc biệt là của các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Samsung từng học theo Apple để thành công nhiều năm trước nhưng ở vị thế hiện tại, nếu cũng làm một chiếc Galaxy S "tai thỏ", đó sẽ là thất bại lớn về giá trị thương hiệu. Hãng điện tử Hàn Quốc đã chọn ra mắt bộ ba Galaxy S10 sử dụng màn hình công nghệ Infinity-O khác biệt với camera trước nằm dưới khung hiển thị.
So với Galaxy S10 và S10e, model cao cấp nhất - S10+- sử dụng hai camera trước nên phần diện tích bị khuyết cũng lớn hơn. Tuy nhiên, việc đặt lệch sang góc phải thay vì chính giữa ít gây khó chịu hay vướng mắt khi sử dụng. Các biểu tượng mạng, pin được giữ đầy đủ và đặt lệch sang trái rất dễ quan sát. So với iPhone XS hay XS Max, thiết kế "đục lỗ" của Galaxy S10+ ít gây mất tập trung và cho cảm giác màn hình "thoáng" hơn.
Khi lướt web hay xem Facebook, Messenger và nhiều ứng dụng khác, hai camera trước đều không nằm ở phần hiển thị nội dung. Khi xem video cũng không gây ảnh hưởng bởi phần lớn các video hiện tại đều có chuẩn bề ngang ngắn hơn tỷ lệ 19:9 của Galaxy S10+. Điều này cũng tương tự khi chơi game, hai phần cạnh trên và dưới màn hình chủ yếu là phần màu đen, không nhận cảm ứng khiến trải nghiệm giải trí không bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, với người dùng không quan trọng ảnh chụp selfie, việc chỉ trang bị một camera trước như Galaxy S10 hay S10e có thể mang lại cảm giác thích thú hơn.
Về khả năng hiển thị, Galaxy S10+ không có nhiều đối thủ xứng tầm trên thị trường. Tổ chức chuyên đánh giá chất lượng màn hình nổi tiếng Display Mate xếp hạng đây là smartphone có màn hình tốt nhất hiện nay. Khả năng hiển thị màu sắc của máy được đánh giá ở mức gần như tuyệt đối. Trải nghiệm thực tế cũng cho thấy màu sắc hiển thị rực rỡ, đủ đẹp nhưng không quá khác so với thực tế. Độ sáng màn hình lớn cũng giúp việc xem dưới trời nắng không gặp khó khăn. Là smartphone đầu tiên hỗ trợ HDR10+, màn hình của S10+ có màu sắc sâu và độ tương phản cao hơn so với HDR10 trên sản phẩm thông thường.
Những ưu điểm nổi trội khác là màn hình Super AMOLED cỡ lớn - tới 6,4 inch, độ phân giải cao 1.440 x 3.040, mật độ điểm ảnh 522 ppi, cao hơn nhiều 458 ppi của iPhone XS Max. Phần hiển thị chiếm tới 93,1% diện tích mặt trước (hoặc 89,9% nếu không tính phần camera đục lỗ), vượt hẳn mức 84,4% của iPhone XS Max. Ngay cả những smartphone sử dụng cơ chế "thò thụt" để giấu camera như Oppo Find X hay Vivo NEX cũng chỉ có tỷ lệ hiển thị là 86 đến 87%.
Ngoại trừ màn hình mới, Galaxy S10+ vẫn giữ phong cách thiết kế thời trang truyền thống từ Galaxy S6. Phiên bản mới sử dụng khung nhôm mỏng hơn và vẫn được bao bọc ở hai mặt bằng kính. Tất cả đều được phủ lớp cường lực Gorilla Glass 6 mới nhất cho khả năng chịu va đập tốt. Các màu sắc trên máy cũng có khả năng đổi sắc độ theo góc nhìn, ánh sáng nhưng vẫn tồn tại nhược điểm dễ bám vân tay. Ốp lưng bằng nhựa trong suốt đi kèm có thể khắc phục tạm vấn đề nhưng không thực sự tương xứng với giá trị của sản phẩm.
Samsung cũng chăm chút cho các đường nét nhỏ, như bo cong ở các góc và hai cạnh bên, đặc biệt ở phần tiếp giáp mặt sau, giúp cảm giác cầm không bị cấn, thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc sản phẩm có màn hình lớn nhưng hơi nhẹ (175 gram so với 208 gram của XS Max với màn hình gần tương đương) khiến cảm giác cầm không đầm chắc. Samsung cũng trang bị phím bấm nguồn hơi cao, quá tầm với của hầu hết người dùng. Trong khi đó, phím Bixby ở thấp thuận tay hơn rất dễ bấm nhầm. Ngoài ra, trợ lý ảo Bixby của Samsung cũng chưa hữu dụng tại thị trường Việt Nam.
Samsung là một trong những nhà sản xuất smartphone "tốt bụng" khi giữ lại giắc cắm tai nghe 3,5 mm. Sau nhiều năm, Apple và gần đây là Xiaomi quyết tâm "khai tử" chuẩn kết nối này, rất nhiều sản phẩm trên thị trường vẫn còn sử dụng, cho thấy quyết định của Samsung là hợp lý. Cổng USB-C cắm được hai chiều thuận tiện cùng khả năng chống nước chuẩn IP68 (ngâm trong nước 30 phút dưới độ sâu tối đa 1,5 mét) cũng là những điểm cộng lớn cho máy.
Dùng thử cảm biến vân tay trên Galaxy S10+.
Trang bị đáng chú ý hàng đầu trên Galaxy S10+ là cảm biến vân tay siêu âm - lần đầu xuất hiện trên một mẫu smartphone. Sử dụng công nghệ của Qualcomm, công nghệ này cho phép hoạt động chính xác, an toàn hơn, nhận dạng tốt hơn khi tay bị ướt so với cảm biến quang học trên Huawei Mate 20 hay OnePlus 6T. Tốc độ hoạt động nhanh hơn so với các đối thủ cùng cảm biến vân tay dưới màn hình nhưng vẫn còn khoảng cách khi so với các cảm biến quang học như trước đây.
Trải nghiệm thực tế cũng cho thấy khi tay bị ướt nhẹ hoặc mồ hôi, khả năng nhận vân tay giảm đáng kể, gây khó khăn cho người sử dụng. Người dùng có thể kết hợp dùng thêm nhận dạng khuôn mặt nhưng độ bảo mật không bằng và khả năng nhận dạng trong tối kém do thiếu cảm biến hồng ngoại như iPhone XS hay một số model của Xiaomi, Huawei.
Với ba camera phía sau, Galaxy S10+ đạt 109 điểm theo đánh giá của DxOMark, kém 3 điểm so với model dẫn đầu là Huawei P30 Pro. Nhưng nếu xét ở các tình huống chụp hay gặp và với người dùng phổ thông, khó có model nào vượt qua được Galaxy S10+ ở màu sắc, dải tương phản và cân bằng trắng. Ở đánh giá camera selfie phía trước, di động của Samsung thậm chí còn đứng đầu bảng, với 96 điểm, hơn 4 điểm so với model đứng thứ hai là... Galaxy Note 9.
So với các dòng smartphone Galaxy S và Note trước, ống kính góc rộng là chi tiết hoàn toàn mới. Tiêu cự ngắn khiến người dùng sáng tạo tốt hơn, lấy được nhiều chi tiết hơn mà không cần vị trí đứng quá xa trong các tình huống chụp cảnh, kiến trúc. Hiệu ứng góc rộng mang lại có sự khác biệt với hầu hết các smartphone thông thường. Ngoài ra, với việc trang bị ống kính và cảm biến chất lượng, ảnh chụp góc rộng của Galaxy S10+ bỏ xa các smartphone cùng có ống kính tiêu cự này trước đó như khả năng xử lý méo hình và độ nét ở viền ảnh.
Với ống kính tiêu cự 2x, máy tiếp tục duy trì thế mạnh chụp ảnh chân dung với hiệu ứng như các máy DSLR chuyên nghiệp. Trên Galaxy S10+, phông nền được xóa mờ thật hơn, đặc biệt là các phần viền của chủ thể. Mức độ xóa phông giả lập theo khẩu độ mở cũng được điều chỉnh dễ dàng.
Vẫn như hai thế hệ gần đây, Samsung đã điều chỉnh giảm nhẹ sắc độ ảnh nhưng vẫn rực rỡ hơn so với thực tế và ở mức chấp nhận được. Ảnh chụp ở điều kiện đủ sáng cho dải tương phản tốt, màu sắc hấp dẫn nhưng một số trường hợp chụp cảnh quá rộng và có cây cối, vùng nét cho cảm giác hơi "gai góc". Tuy nhiên, máy có ưu điểm lớn về khả năng cân bằng trắng so với các đối thủ, ngay cả khi so với smartphone hàng đầu về chụp ảnh như Huawei P30 Pro. Ở khả năng chụp đêm, di động của Samsung hiện chỉ thua kém đối thủ bên phía Huawei.
Video đọ khả năng quay video giữa Samsung Galaxy S10+ và iPhone XS Max.
Ấn tượng mạnh nhất về camera của Galaxy S10+ là khả năng chống rung khi quay video. Trong một số thử nghiệm, quay 4K ở zoom 2x dưới điều kiện thiếu sáng cầm tay nhưng video không bị hiện tượng rung khó theo dõi. Trong video so sánh quay với iPhone XS Max, di động của Samsung cũng thể hiện sự vượt trội.
Với một smartphone hàng đầu như Galaxy S10+, sẽ không cần nhắc nhiều đến hiệu năng của máy bởi cấu hình luôn nằm trong "top" với chip Exynos 9820, bộ nhớ RAM tới 8 GB. Máy chơi mượt với tất cả tựa game ngốn tài nguyên nhất trên Play Store. Sản phẩm cũng hoạt động mượt, chơi game thời gian dài chỉ ấm lên nhẹ ở mặt sau máy.
Tuy nhiên, so với iPhone, Xiaomi hay Oppo, Samsung chưa thực sự làm tốt giao diện với thao tác cử chỉ. Máy vẫn chủ yếu dùng ba phím cơ bản của Android và thao tác vuốt thay phím ảo vẫn hơi rắc rối, không thực sự tiện lợi như các đối thủ.
Samsung gây ngạc nhiên khi với thiết kế mỏng, máy vẫn có bộ pin lớn, dung lượng tới 4.100 mAh, cao hơn cả Galaxy Note9. Tuy nhiên, thời lượng pin của máy khi sử dụng chỉ ở mức ổn, không quá ấn tượng. Máy có thể hoạt động trong một ngày làm việc thoải mái nhưng khó có thể kéo dài sang ngày thứ hai. Ưu điểm đáng kể là máy có hỗ trợ sạc nhanh, giảm thời gian chờ đợi sạc.
Một tính năng khác khá thú vị củ a Galaxy S10+ là hỗ trợ sạc không dây ngược cho các thiết bị khác. Thực tế, tính năng này rất phù hợp và hữu dụng khi sạc cho các phụ kiện như đồng hồ, tai nghe không dây. Máy cũng có hỗ trợ sạc không dây nhanh với công suất 15W.
Galaxy S10+ là đối thủ đáng gờm của iPhone XS Max trên thị trường. Kém ổn định về hệ điều hành nhưng Samsung đã bù lại cho người dùng bằng màn hình tốt nhất, camera chụp ấn tượng và kiểu dáng bóng bẩy, thời trang.
Đánh giá tổng quan:
Bảng so sánh thông số với các đối thủ:
Tuấn Hưng