Phi đội gồm ba tiêm kích Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310 của không quân Pháp chiều qua đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài ở thủ đô Hà Nội, theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE (Triển khai Đội hình không quân Tầm cỡ tại Đông Nam Á) ở châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra sau khi đội hình máy bay Pháp tham gia đợt diễn tập Pitch Black tại Australia.
Đây là lần đầu tiên đội hình máy bay này của Pháp đến Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Chiến dịch này nhằm góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp tại khu vực có lợi ích chiến lược và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Pháp với các đối tác chiến lược chính trong khu vực, đồng thời nhằm duy trì và phát huy năng lực của không quân Pháp.
Ngoài Việt Nam, đoàn bay với 100 thành viên do tướng Patrick Charaix dẫn đầu còn ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ trên đường trở về Pháp.
Hành trình ghé thăm Việt Nam của dàn máy bay quân sự Pháp
Trọng tâm của chiến dịch PEGASE là ba tiêm kích đa năng hai chỗ ngồi Rafale B, mẫu chiến đấu cơ chủ lực của không quân Pháp hiện nay. Biên đội này được điều khiển bởi các phi công dày dặn kinh nghiệm, có tích lũy trên 1.000 giờ bay và từng tham gia nhiều nhiệm vụ chiến đấu.
Tiêm kích Rafale B xuất phát trong một chuyến huấn luyện tại Mỹ năm 2015. Video: USAF.
Dassault Rafale là dòng tiêm kích phản lực đa năng hai động cơ, ứng dụng thiết kế cánh chính tam giác cùng cánh phụ phía trước (canard) để tăng lực nâng và khả năng cơ động. Được trang bị nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao, dòng Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa, trinh sát, yểm trợ mặt đất, công kích sâu trong lãnh thổ đối phương, diệt hạm và răn đe hạt nhân.
Nguyên mẫu Rafale A được trưng bày hồi năm 2006. Ảnh: Wikipedia.
Nguyên mẫu thử nghiệm công nghệ mang tên "Rafale A" cất cánh lần đầu vào ngày 4/7/1986, khởi đầu quá trình bay thử kéo dài 8 năm để mở đường cho dự án Rafale.
Mẫu tiêm kích này khác biệt với những sản phẩm cùng loại của châu Âu vào thời điểm đó, khi nó được phát triển và sản xuất bởi một quốc gia duy nhất. Các tập đoàn quốc phòng lớn nhất của Pháp như Dassault, Thales và Safran đều được huy động cho chương trình Rafale.
Ba phiên bản Rafale được đưa vào biên chế quân đội Pháp. Đồ họa: Stephan Elhernault.
Nhiều tính năng như nhập lệnh bằng giọng nói, cũng như các thiết bị gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2, tổ hợp trinh sát và bám bắt hồng ngoại (IRST) được Pháp tự phát triển riêng cho dự án Rafale. Được kỳ vọng sẽ đưa vào biên chế năm 1996, nhưng Rafale chỉ được trang bị cho không quân và hải quân Pháp từ tháng 5/2001 do tình trạng cắt giảm ngân sách hậu Chiến tranh Lạnh.
Dòng Rafale được phát triển thành ba phiên bản, gồm biến thể B hai chỗ ngồi và C một chỗ ngồi cho không quân, cùng mẫu Rafale M của hải quân có khả năng hoạt động trên tàu sân bay.
Tổng cộng có 165 tiêm kích Rafale đã được xuất xưởng, mỗi chiếc có giá khoảng 91-98 triệu USD, chưa kể tới các hệ thống vũ khí và chi phí phụ tùng bảo dưỡng.
Tiêm kích Rafale có thiết kế bất ổn định khí động học để tối ưu khả năng cơ động trong không chiến, nhưng đòi hỏi hệ thống điều khiển điện tử (FBW) để bảo đảm an toàn. Dù không được ứng dụng công nghệ tàng hình do chi phí quá cao, Rafale vẫn có diện tích phản xạ radar (RCS) và dấu hiệu hồng ngoại thấp hơn nhiều so với các máy bay tiền nhiệm.
Hệ thống điện tử hàng không trung tâm của Rafale ứng dụng công nghệ tích hợp module hóa, giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của tiêm kích như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn cho vũ khí và giao tiếp giữa phi công với máy bay. Giá trị của các hệ thống điện tử chiếm tới 30% chi phí chế tạo một chiếc Rafale.
Buồng lái của một chiếc Rafale M. Ảnh: Reddit.
Các máy bay Rafale được trang bị hệ thống hỗ trợ phòng thủ tích hợp SPECTRA do tập đoàn Thales và MBDA hợp tác sản xuất. Nó có khả năng phát hiện, gây nhiễu và tạo mục tiêu giả để chống lại các tên lửa tầm nhiệt và dẫn đường bằng radar. Khả năng tái lập trình cao cho phép SPECTRA cập nhật phương án đối phó với những mối đe dọa mới.
Tổ hợp này đã thể hiện hiệu quả trong chiến dịch không kích Libya năm 2011, cho phép các phi đội Rafale hoạt động tự do mà không cần sự bảo vệ của máy bay chế áp hệ thống phòng không đối phương (SEAD).
Cụm radar RBE2 AA và cảm biến OSF được giới thiệu năm 2015. Ảnh: Wikipedia.
Radar ASEA RBE2 AA là cảm biến trung tâm của Rafale, giúp nó phát hiện các mục tiêu đường không từ khoảng cách trên 200 km, cũng như giảm yêu cầu bảo dưỡng đáng kể so với những thế hệ radar trước đó.
Hỗ trợ radar là Tổ hợp trinh sát quang - điện bán cầu trước (OSF) do Thales phát triển, có khả năng phát hiện mục tiêu trong dải ánh sáng thường và hồng ngoại. Nó giúp xác định và bám bắt mục tiêu mà không đánh động đối phương như radar, đồng thời cho phép Rafale phóng tên lửa tầm nhiệt MICA ở ngoài tầm nhìn của phi công. OSF có khả năng xác định nhiều loại mục tiêu như máy bay, tàu chiến và phương tiện cơ giới trên mặt đất.
Mẫu Rafale B/C có 14 giá treo vũ khí, trong đó 5 giá treo có thể sử dụng khí tài hạng nặng hoặc lắp thùng dầu phụ. Mỗi chiếc có thể mang theo tối đa 9,5 tấn vũ khí gồm nhiều loại tên lửa đối không và đối đất, bom dẫn đường, tên lửa chống hạm, tên lửa hạt nhân và các cụm thiết bị trinh sát. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị một pháo tự động GIAT 30 DEFA cỡ nòng 30 mm để cận chiến.
Biến thể Rafale B có khối lượng rỗng 10,3 tấn và khối lượng cất cánh tối đa tới 24,5 tấn. Máy bay đạt tốc độ tối đa 1.900 km/h ở tầm cao và 1.390 km/h ở gần mặt đất. Bán kính chiến đấu của Rafale có thể vượt ngưỡng 1,850 km trong các nhiệm vụ không kích thọc sâu với hai tên lửa hành trình SCALP-EG, hai tên lửa tầm nhiệt MICA để tự vệ và 5 thùng dầu phụ.
Một chiếc Rafale mang đầy tải vũ khí. Ảnh: Dassault.
Hiện chỉ có Pháp và Ai Cập vận hành tiêm kích Rafale. Sau nhiều nỗ lực quảng bá sản phẩm, Dassault đã giành hợp đồng bán hàng chục chiếc cho không quân Ấn Độ và Qatar. Các phiên bản Rafale từng tham gia nhiều chiến dịch quân sự của Pháp và đồng minh tại Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.
Airbus A400M Atlas là máy bay vận tải chiến thuật 4 động cơ với khả năng chuyên chở chiến lược, được Airbus phát triển để thay thế các mẫu C-130 và C-160 của Mỹ. Loại phi cơ này có thể chở nhiều hàng hơn vận tải cơ C-130 cùng khả năng vận hành trên đường băng dã chiến.
Màn nhào lộn như tiêm kích của A400M tại triển lãm hàng không Farnborough 2018. Video: Cargospotter.
Nguyên mẫu A400M bay thử lần đầu ngày 11/12/2009 tại Tây Ban Nha. Trong giai đoạn 2009-2010, dự án A400M có nguy cơ bị hủy bỏ do chậm tiến độ và đội chi phí. Tuy nhiên, các quốc gia trong chương trình đều thể hiện sự ủng hộ và duy trì quá trình phát triển dòng vận tải cơ này.
Tháng 3/2013, dòng A400M được cấp chứng nhận của Tổ chức an toàn hàng không châu Âu (EASA). Chiếc đầu tiên trong đơn hàng 50 máy bay được bàn giao cho không quân Pháp vào tháng 8/2013. Lực lượng này hiện đã nhận 14 máy bay A400M với đơn giá 189 triệu USD/chiếc.
Một chiếc A400M bay biểu diễn tại Anh năm 2013. Ảnh: Wikipedia.
Máy bay được trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt (turboprop) TP400-D6, mỗi chiếc có công suất tương đương 11.000 sức ngựa. Đây được đánh giá là mẫu động cơ turboprop mạnh nhất từng được đưa vào sử dụng của các quốc gia phương Tây.
Các cặp cánh quạt ở mỗi bên máy bay quay ngược chiều nhau, khác với thiết kế quay cùng chiều của cánh quạt phần lớn các phi cơ khác. Thiết kế cánh quạt quay ngược chiều này được cho là sẽ giúp tạo lực nâng lớn hơn, cũng như giảm sự vặn xoắn và bào mòn trên cánh so với thiết kế truyền thống.
Buồng lái A400M với hệ thống HUD trước mặt phi công. Ảnh: Airliners.
A400M được trang bị hệ thống tăng cường tầm nhìn (EVS), trong đó sử dụng máy quay hồng ngoại để quan sát phía trước máy bay trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn kém. Hình ảnh từ EVS sẽ được chiếu trên màn hình hiển thị HUD của phi công, cho phép họ thực hiện những nhiệm vụ bay gần mặt đất trong đêm hoặc trời nhiều mây mù.
Nhà sản xuất còn lắp đặt cụm Cảm biến cảnh báo hồng ngoại đa màu (MIRAS), có khả năng phát hiện tên lửa đối không đang tiếp cận máy bay để phi công phóng mồi bẫy hoặc thực hiện động tác cơ động né tránh.
Vận tải cơ A400M dài 45 m, cao 14,7 m và có sải cánh 42,4 m, khối lượng rỗng 76 tấn và khối lượng cất cánh tối đa tới 141 tấn, đạt tốc độ hành trình 780 km/h và tầm bay tối đa 8.700 km. Phi cơ chở được tối đa 37 tấn hàng, có thể bay liên tục 4.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu khi mang tải 30 tấn.
Đảm nhận nhiệm vụ tiếp dầu cho các tiêm kích Rafale trong chiến dịch PEGASE là một máy bay tiếp vận hỗn hợp Boeing C-135FR. Đây là phiên bản được Boeing sản xuất riêng cho không quân Pháp dựa trên dòng C-135 Stratolifter của Mỹ, vừa có khả năng vận tải vừa được lắp trang thiết bị hỗ trợ tiếp dầu trên không.
Những chiếc C-135FR được trang bị hệ thống cần tiếp dầu cứng (flying boom) ở đuôi, cho phép chúng tương thích với các loại máy bay quân sự của Mỹ. Hệ thống này có tốc độ chuyển dầu tới 2,9 tấn/phút, cho phép rút ngắn thời gian tiếp nhiên liệu cho từng máy bay. Tuy nhiên, nó đòi hỏi máy bay tiếp dầu phải có chuyên viên điều khiển riêng, chỉ tiếp dầu cho một máy bay trong một thời điểm.
Máy bay C-135FR tiếp dầu cho oanh tạc cơ B-52 Mỹ. Video: USAF.
Chiếc C-135FR tiếp dầu cho tiêm kích F-18 Thụy Sĩ (trái) và Mirage 2000 Pháp. Ảnh: Jet Photos.
Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ của không quân Pháp và các nước châu Âu, những chiếc C-135FR sẽ được gắn ống dẫn mềm cùng hệ thống giỏ để khớp với ống cứng trên phi cơ khác.
Phương thức này cho phép một máy bay C-135FR tiếp dầu cho ba máy bay cùng lúc, không cần tới người điều khiển riêng. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dầu sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy hai tấn/phút, do đường kính ống dẫn và áp lực bơm nhỏ hơn phương thức flying boom.
Phiên bản C-135FR được trang bị 4 động cơ turbine phản lực CFM56, đạt tốc độ tối đa 930 km/h và tầm bay 5.550 km. Mỗi máy bay có giá khoảng 62 triệu USD.
Không quân Pháp đang có kế hoạch loại viên phi đội C-135FR để thay bằng vận tải cơ A400M và phi cơ tiếp dầu A330 MRTT trong tương lai gần.
Không quân Pháp đang biên chế ba máy bay chở khách tầm trung Airbus A310-304, dùng để chuyên chở quan chức, binh sĩ và kỹ thuật viên mặt đất trong các chuyến hành trình kéo dài như chiến dịch PEGASE và diễn tập Pitch Black. Biến thể này được cấp phép sử dụng từ tháng 3/1986.
Mỗi chiếc A310-304 của không quân Pháp có thể chở tối đa 220 hành khách, đạt tốc độ hành trình 850 km/h và tầm bay tối đa 9.540 km.
Vũ Anh