BrahMos - 'sát thủ diệt hạm' siêu thanh của Ấn Độ

Tốc độ gấp ba lần âm thanh khiến BrahMos trở thành tên lửa đầy uy lực, đủ sức đe dọa những đội tàu chiến hiện đại nhất trên thế giới.

Hồi cuối năm 2016, Ấn Độ từng triển khai một đơn vị tên lửa với 100 quả đạn BrahMos tới bang Arunachal Pradesh, gần biên giới với Trung Quốc. Động thái này khiến Bắc Kinh lo ngại và phải lên tiếng phản đối, cho rằng đó là mối đe dọa tới an ninh biên giới cũng như lãnh thổ nước này, theo National Interest.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có khả năng tàng hình, tốc độ cao và rất khó đánh chặn. Nó đã trở thành một điểm gây bất đồng trong mối quan hệ chính trị phức tạp giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tên lửa hành trình thường được thiết kế với tầm bắn rất lớn để bảo vệ nền tảng phóng khỏi vũ khí đáp trả của mục tiêu. Điển hình là dòng Tomahawk của Mỹ, có tầm bắn tối đa từ 1.600-3.100 km tùy phiên bản và tốc độ hành  trình 900 km/h.

Tên lửa diệt hạm siêu thanh P-500 của Nga. Ảnh: Livejournal.

Tuy nhiên, trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô phát triển tên lửa hành trình theo một hướng hoàn toàn khác, nhằm tiêu diệt các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Các quả đạn có tốc độ siêu thanh để vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương, bao gồm tiêm kích, tên lửa phòng không và pháo tầm gần. Chúng cũng có kích thước rất lớn, mang đầu đạn hạng nặng để tiêu diệt tàu sân bay chỉ với một phát bắn trúng đích.

So sánh cấu trúc của động cơ turbojet và ramjet. Ảnh: Wikipedia.

Tên lửa chống hạm Liên Xô thường dùng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) để duy trì tốc độ cao ở tầm bắn lớn. Ramjet lợi dụng tốc độ cao để nén luồng khí vào động cơ, thay vì sử dụng tầng nén cồng kềnh như động cơ phản lực thông thường (turbojet). Điều này giúp đơn giản hóa cấu trúc tên lửa, giảm khối lượng rỗng, tăng lượng nhiên liệu và chất nổ mang theo, từ đó tăng tầm bắn và sát thương.

Bù lại, động cơ ramjet cần đạt tốc độ trên 600 km/h mới có thể hoạt động hiệu quả. Các nhà thiết kế phải lắp tầng đẩy sơ tốc cho phiên bản tàu chiến và tên lửa bờ, trong khi biến thể cho máy bay không cần bộ phận này.

Mẫu tên lửa có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ

Dự án BrahMos bắt đầu vào thập niên 1990, là kết quả của chương trình hợp tác giữa Moscow và New Delhi để phát triển mẫu tên lửa diệt hạm trên nền tảng P-800 Oniks. Cái tên "BrahMos" được ghép từ tên hai con sông, gồm Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga.

Các công ty Nga và Ấn Độ tham gia dự án BrahMos. Ảnh: Marina Lystseva.

BrahMos có tốc độ hành trình 3.700 km/h, cao hơn mức 3.100 km/h của bản gốc P-800 Oniks do Nga chế tạo. Một quả đạn BrahMos nặng tới ba tấn, gấp đôi tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Sự kết hợp giữa tốc độ cao và khối lượng lớn giúp BrahMos có động năng khổng lồ khi va chạm với mục tiêu, bên cạnh sát thương chủ yếu của đầu đạn bán xuyên giáp nặng 200-300 kg. Tên lửa BrahMos có thể vô hiệu hóa hầu hết các loại tàu chiến lớn, hiện đại nhất thế giới, bao gồm cả siêu tàu sân bay Mỹ, chỉ với một phát bắn trúng đích.

Quan trọng hơn, loại tên lửa này có thể duy trì tốc độ siêu thanh trong suốt hành trình bay bám biển ở độ cao chỉ 3-4 m, khiến việc phát hiện và tiêu diệt chúng là cực kỳ khó khăn. Quả đạn BrahMos có thể thực hiện động tác cơ động hình chữ S trước khi lao vào mục tiêu, giảm đáng kể khả năng đánh chặn của đối phương.

Khả năng chiến đấu của tên lửa BrahMos. Đồ họa: Việt Chung.

Một tàu chiến hiện đại có thể đối phó với một tên lửa BrahMos bằng hệ thống phòng thủ đa tầng, từ các loại tên lửa đối không đến pháo phòng thủ cực gần (CIWS) và mồi bẫy. Tuy nhiên, phe tấn công có thể xuyên thủng lớp rào chắn này bằng cách bắn nhiều quả BrahMos cùng lúc, vượt quá khả năng đánh chặn của bất kỳ chiến hạm nào.

Nếu tàu chiến đối phương nằm trong tầm 120 km, BrahMos có thể bay theo quỹ đạo thấp cách mặt biển chỉ 4 m kể từ khi phóng cho tới lúc đâm vào mục tiêu. Trong trường hợp mục tiêu ở khoảng cách trên 120 km, quả đạn sẽ lựa chọn phương án bay hỗn hợp để tăng tầm bắn, nhưng cũng dễ bị phát hiện trong giai đoạn bay ở tầm cao 14 km hơn. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, tàu chiến chỉ có tối đa 30 giây để phát hiện, khóa mục tiêu và phóng đạn đánh chặn tên lửa BrahMos.

Một tàu khu trục lớp Arleigh Burke không thể đánh chặn hơn 12 tên lửa BrahMos, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ với hàng chục tiêm kích, tàu tuần dương và khu trục hạm hộ tống cũng không thể xử lý quá 64 quả đạn BrahMos cùng lúc.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin

Hệ thống đa năng, nhiều bệ phóng

BrahMos không chỉ là tên lửa chống hạm, nó cũng có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu trên mặt đất. Loại đạn này phù hợp cho các đợt tấn công chính xác, nhằm vào các cơ sở cố định như đài radar, trung tâm chỉ huy, sân bay và khẩu đội tên lửa đối phương. Ngoài ra, BrahMos có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng hơn 300 kg, dù đây không phải thiết kế ban đầu của tên lửa.

BrahMos - 'sát thủ diệt hạm' siêu thanh của Ấn Độ
 
 

Các vụ phóng thử tên lửa BrahMos.

Ấn Độ đã phát triển hàng loạt phiên bản BrahMos dành cho các loại bệ phóng và mục tiêu khác nhau. Biến thể BrahMos cho tàu chiến được lắp trên các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS). Hiện hải quân Ấn Độ biên chế 6 tàu hộ vệ và hai tàu khu trục với cơ số 8 tên lửa BrahMos mỗi tàu, trong khi ba khu trục hạm khác có thể mang tới 16 quả đạn.

New Delhi cũng đang đóng thêm nhiều tàu chiến có khả năng vận hành loại tên lửa này. Hồi năm 2013, phiên bản BrahMos phóng từ tàu ngầm cũng được thử nghiệm thành công, cho phép hải quân Ấn Độ bí mật tấn công mục tiêu từ khoảng cách gần.

Quả đạn BrahMos-A treo dưới bụng tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: Livejournal.

Phiên bản BrahMos-A được phát triển riêng cho các tiêm kích đa năng Su-30MKI của không quân Ấn Độ. Liên doanh BrahMos Aerospace Limited (BAL) đã mất nhiều năm để nghiên cứu cách gắn một quả đạn lớn như vậy lên tiêm kích chiến thuật như Su-30.

Kết quả là dòng Su-30MKI phải được gia cố khung thân để có thể mang một tên lửa BrahMos ở giá treo dưới bụng. Khối lượng quả đạn cũng được rút từ ba tấn xuống chỉ còn 2,5 tấn, nhờ loại bỏ tầng đẩy sơ tốc của phiên bản cho tàu chiến và mặt đất. Chuyến bay thử đầu tiên của Su-30MKI với BrahMos-A được tiến hành trong tháng 6. Không quân Ấn Độ đã đặt mua 200 quả BrahMos-A, đồng thời lên kế hoạch nâng cấp 40 tiêm kích Su-30MKI để mang chúng.

Xe phóng MAL của tổ hợp BrahMos mặt đất. Ảnh: Wikipedia.

Cuối cùng là biến thể BrahMos dành cho Bệ phóng tự động (MAL) đặt trên khung gầm xe tải 12 bánh. Mỗi đơn vị BrahMos mặt đất được biên chế thành cấp trung đoàn với 5 xe MAL và cơ số đạn 100 quả. Trung đoàn được đưa tới bang Arunachal Pradesh vào năm 2016 có trị giá khoảng 640 triệu USD.

Bản mẫu tên lửa BrahMos-NG. Ảnh: Marina Lystseva.

Ngoài các dòng BrahMos cơ bản, Ấn Độ đang nghiên cứu một số dự án liên quan như BrahMos-NG với khả năng tàng hình cao, khối lượng chỉ 1,5 tấn, trang bị cho tàu ngầm hoặc tiêm kích thế hệ 5 FGFA. Bên cạnh đó là tổ hợp tên lửa siêu vượt âm BrahMos II với tốc độ gấp 5-7 lần vận tốc âm thanh, có thể vượt qua mọi hệ thống đánh chặn hiện có trên thế giới.

Uy lực bị giới hạn bởi tầm bắn

Tên lửa BrahMos nguyên gốc chỉ có tầm bắn tối đa 290 km, chưa bằng một nửa tầm bắn của phiên bản P-800 Oniks do Nga chế tạo. Điều này khiến bệ phóng BrahMos phải áp sát mục tiêu, khiến chúng dễ bị tổn thương trước hỏa lực đáp trả của đối phương.

Tầm bắn 290 km bị giới hạn bởi Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), trong đó cấm các quốc gia xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300 km và sử dụng đầu đạn trên 500 kg, cũng như công nghệ chế tạo các loại tên lửa này. MTCR ngăn Moscow chuyển giao các hệ thống và công nghệ tên lửa có tầm bắn trên 300 km cho New Delhi.

Tuy nhiên, hồi tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ đã tham gia MTCR, cho phép nước này nhận chuyển giao công nghệ từ Nga. Kết quả là New Delhi có thể chỉnh sửa động cơ và hệ thống của BrahMos, tạo ra phiên bản BrahMos ER (BrahMos tăng tầm) với tầm bắn 450 km.

Tên lửa BrahMos ER với tầm bắn lên tới 450 km. Ảnh: BAL.

Hồi tháng 3, BAL tuyên bố đã bắn thử "thành công 100%" tên lửa BrahMos ER tại bãi phóng Chandipur. Nhà sản xuất khẳng định quả đạn đạt tầm bắn trên 400 km, trong khi truyền thông Ấn Độ cho biết BrahMos ER có thể tấn công mục tiêu ở cách 450 km.

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích công nghệ Nga (CAST) cho rằng Ấn Độ chỉ gỡ bỏ các giới hạn trên tên lửa BrahMos. Điều đó cho phép nó đạt thông số gần bằng mẫu P800 Oniks nội địa của Nga với tầm bắn tới 600 km.

Với tầm bắn 300 km, hệ thống BrahMos buộc phải triển khai ở gần khu vực mục tiêu. Khi được tăng tầm bắn từ 450-600 km, khu vực bố trí tổ hợp chiến đấu sẽ linh hoạt hơn, dễ gây bất ngờ cho đối phương.

Nhà phân tích Rahul Bhonsle

Thỏa thuận giữa hai nước có thể cho phép Ấn Độ xuất khẩu tên lửa BrahMos tới hàng loạt khách hàng tiềm năng, bao gồm Malaysia, Brazil, Chile, Venezuela, Nam Phi và Indonesia.

Với sức mạnh hủy diệt của mình, tên lửa BrahMos có thể giúp một quốc gia nhỏ bé đe dọa lực lượng hải quân vượt trội của các cường quốc, phục vụ chiến lược chống xâm nhập/tiếp cận khu vực (A2/AD), đồng thời thay đổi cán cân quân sự tại khu vực châu Á.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin

Tử Quỳnh

Bình luận
Ý kiến của bạn