Cầu Bến Thuỷ 1 bắc qua sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh được xây dựng năm 1990, dài 630 m. Năm 2012, cầu Bến Thủy 2 được xây dựng thêm song song và cách cầu cũ 800 m, nằm trên trục đường BOT tuyến tránh thành phố Vinh và quốc lộ 1A mở rộng đoạn Nam Bến Thủy dài 35 km.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư là Tổng công ty cổ phần xây dựng giao thông Cienco 4 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đặt trạm thu phí ở đầu hai cầu Bến Thủy 1 và 2 phía tỉnh Nghệ An. Ban đầu, giá vé qua cầu là 30.000 đồng mỗi lượt với các loại ôtô nhỏ. Tháng 1/2016, phí tăng lên 45.000 đến 60.000 đồng mỗi lượt rồi giảm xuống còn 40.000 đồng đến 55.000 đồng từ tháng 11.
Đợt tăng phí tháng 1/2016, chi nhánh BOT Bến Thủy giảm giá cho người dân sống gần cầu thông qua hình thức vé tháng và quý, song vài tháng sau thì dừng hỗ trợ. Lúc này, người dân bắt đầu phản ánh việc không sử dụng đường BOT mà phải đóng phí quá cao đến các cơ quan dân biểu.
Người dân đưa ôtô, treo băng rôn đi phản đối thu phí.
Song song việc kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân địa phương, ngày 3/12/2016, hàng trăm người ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) tập trung tại trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1.
Họ mang băng rôn có nội dung “Chúng tôi không sử dụng BOT đường tránh thành phố Vinh, sao lại phải chịu phí khi qua cầu Bến Thuỷ 1". Sự việc khiến giao thông qua đây bị tắc nghẽn nhiều giờ.
Hai ngày sau, người dân Hà Tĩnh đưa khoảng 30 ôtô chắn ngang cầu Bến Thuỷ 1 khiến giao thông tiếp tục tắc nghẽn.
Ông Võ Nghệ Sỹ. Ảnh: Văn Hải
Trước phản ứng của người dân, ông Võ Nghệ Sỹ (giám đốc chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh) cho hay, việc không giảm giá vé cho người dân địa phương "do thực hiện theo thông tư mới".
Ông Sỹ giải thích dự án BOT trước 2012 chỉ giới hạn phạm vi đường tránh thành phố Vinh, nhưng từ 2012 đã kéo dài thêm 35 km từ cầu Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh.
"Bà con nói đi từ Nghi Xuân qua thành phố Vinh không sử dụng đường BOT. Nhưng khi bà con đi từ huyện Nghi Xuân vào thành phố Hà Tĩnh lại sử dụng đường BOT nên phạm vi sử dụng nhiều hay ít thì khó nói", ông Sỹ nêu ý kiến.
Ông Trần Báu Hà - Bí thư huyện uỷ Nghi Xuân nêu ví dụ về người dân trả phí BOT gấp đôi phí di chuyển.
Trước thực tế một người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đi khám bệnh ở TP Vinh chi 40 nghìn đồng taxi, nhưng phải trả thêm 80 nghìn đồng phí BOT trong khi không sử dụng bất cứ mét đường BOT nào, đầu tháng 9/2016, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi văn bản kiến nghị di chuyển hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2, “do các trạm này làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như việc thu hút đầu tư, khách du lịch”.
Phản hồi kiến nghị này, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4 cho rằng việc di chuyển trạm sẽ phát sinh thêm khoản đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong khi điều kiện nguồn vốn đang khó khăn.
"Người dân yêu cầu quyền lợi chính đáng, cấp ủy, chính quyền phải bảo vệ".
Ông Trần Báu Hà, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Hà Tĩnh)
Liên tiếp nhiều ngày nghỉ cuối tuần năm 2016 và đầu năm 2017, người dân huyện Nghi Xuân căng băng rôn, xe ôtô, căng rạp ở chân cầu Bến Thuỷ để phản đối.
Ngày 24/12/2016, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu báo cáo “có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm dành ưu tiên cho nhà đầu tư không đúng quy định, gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân".
Ngày 10/3 ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng Giám đốc Cienco 4 gửi văn bản đề nghị chính quyền thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) hỗ trợ thống kê những hộ "có ôtô nhưng không đi đường tránh thành phố Vinh", đồng thời yêu cầu người dân cam kết "không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT, nếu phát hiện thì Cienco 4 sẽ từ chối hỗ trợ".
Văn bản trên gây làn sóng phản ứng mạnh mẽ hơn, người dân cho rằng nhà đầu tư không có quyền yêu cầu cam kết như trên.
Một tuần sau, Cienco 4 thu hồi văn bản với lý giải “có sơ suất trong khâu soạn thảo".
Ngày 2/4, khoảng 100 tài xế ôtô thực hiện cách thức phản đối mới, khi lần lượt chạy xe qua trạm thu phí hai cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thủy 2, mua vé bằng tiền mệnh giá dưới 1.000 đồng, nhằm kéo dài thời gian kiểm đếm của nhân viên các trạm này.
Một ngày sau, Bộ Giao thông Vận tải thông báo giảm 50% phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2 với người dân hai đầu cầu nhưng không được đồng tình.
Ngày 4/4, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phê bình các cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, làm mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông khu vực. Bộ Giao thông được yêu cầu phối hợp với nhà đầu tư và chính quyền địa phương giải quyết quyền và lợi ích của người dân, báo cáo Thủ tướng trước 10/4.
Ngày 6/4, lần thứ 2 cả trăm tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ mua vé qua cầu. Để phục vụ một tài xế vào làn mua vé, trạm thu phí phải tăng cường 4 nhân viên căng mình kiểm đếm tiền. Nhóm tài xế cũng gửi thông điệp nếu cách phản đối này không khả quan, họ sẽ thuê luật sư kiện Cienco 4 ra toà.
"Chúng tôi muốn gửi thông điệp mạnh mẽ rằng không sử dụng đường BOT thì không trả phí".
Tài xế Phan Quốc Bình (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Ngày 9/4, hơn 300 người dân huyện Nghi Xuân và thành phố Vinh tập trung ở đường ven sông Lam sát chân cầu Bến Thuỷ 1 cùng nhau ký vào lá đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và chính quyền hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phản ánh việc nộp phí BOT "oan" suốt thời gian dài.
Đơn cho rằng Cienco 4 thu sai của người dân, gây thiệt hại không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, yêu cầu di dời trạm thu phí Bến Thủy 1 hoặc miễn phí cho người dân.
Vé qua cầu Bến Thủy.
Ngày 11/4, tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ Giao thông chủ trì cuộc họp với chính quyền hai tỉnh và nhà đầu tư.
Các bên đạt được đồng thuận giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), loại 2 (xe 12-30 chỗ; tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) và xe buýt của chủ xe tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khi đi qua trạm BOT Bến Thủy 1.
Thời gian áp dụng từ 24/4.
Nhận được tin về kết quả trên, người dân hai đầu cầu Bến Thuỷ ôm nhau vui mừng, có người bật khóc. Theo tính toán của họ, việc này có thể giúp những người dân thường xuyên qua lại cầu Bến Thủy tiết kiệm được cả triệu đồng mỗi tháng.
Người dân tiếp tục giữ kiến di dời trạm thu phí Bến Thủy 1 để không chỉ một bộ phận cư dân quanh cầu mà toàn bộ phương tiện qua lại cầu Bến Thủy 1 không phải trả những khoản phí bất hợp lý.
Cư dân hai đầu cầu Bến Thủy mang băng rôn phản đối việc đóng phí BOT bất hợp lý.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu kiểm tra dấu hiệu lợi ích nhóm.
Người dân dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% phí qua cầu nhưng người dân không đồng tình.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người dân.
Hơn 300 người dân ký đơn tập thể gửi Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về tình trạng thu phí bất hợp lý.
Bộ Giao thông Vận tải quyết định giảm 100% phí cho cư dân hai đầu cầu qua trạm Bến Thủy 1.
Đức Hùng - Văn Hải