Tại nhà máy sản xuất vũ khí lớn ở thị trấn Dubnica của Slovakia, hàng chục công nhân đang sản xuất đạn pháo 155 mm, loại hàng hóa phương Tây đang rất cần để viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, làn sóng phản đối chuyển số đạn này tới Ukraine đang lớn dần ở thị trấn.
"Đó là hành động đổ dầu vào lửa", Samuel Prekop, 19 tuổi, nói khi đang ngồi cùng gia đình ở quảng trường thị trấn. Prekop không phải là người duy nhất ở Slovakia có quan điểm này.
Robert Fico, người theo chủ nghĩa dân túy của đảng Smer và từng là thủ tướng Slovakia, đã vươn lên dẫn dầu trong cuộc thăm dò trước bầu cử, với cam kết chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và phủ quyết các lệnh trừng phạt "vô nghĩa" của Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
Đối với EU, việc ông Fico chiến thắng trong cuộc bầu cử Slovakia mùa thu này có thể tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ nền tảng thống nhất của phương Tây trong hỗ trợ Ukraine.
Fico, người bị buộc từ chức 5 năm trước sau cái chết của nhà báo điều tra vấn đề tài chính của ông, đang chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa dân túy ở một số nước châu Âu. Đảng Lựa chọn Thay thế cho Đức (AfD) cực hữu đang có kết quả thăm dò ngang ngửa với đảng Dân chủ Xã hội (SD) cầm quyền. Đảng Tự do của Áo hiện là lực lượng chính trị hàng đầu của nước này. Tại Tây Ban Nha, đảng Vox siêu bảo thủ có thể trở thành bên chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng tới.
"Fico đang hòa vào làn sóng này. Sự ủng hộ dành cho những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy đang gia tăng. Cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí đang xảy ra và người nghèo phải vật lộn kiếm sống. Đó là môi trường thuận lợi để bạn thúc đẩy nỗi oán giận", Milan Nic, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, nói.
Ông Fico cũng hưởng lợi từ tình hình chính trị bất ổn của Slovakia. Liên minh cầm quyền ủng hộ Ukraine của đất nước, vốn vấp chỉ trích về cách xử lý đại dịch, đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 12/2022 và tháng 5 năm nay.
Tại Slovakia, tín nhiệm với các tổ chức nhà nước hiện ở mức thấp, trong đó tỷ lệ tín nhiệm chính phủ là 18%, theo cuộc thăm dò của tổ chức GlobSec.
Nỗi thất vọng đó cũng góp phần làm suy giảm ủng hộ dành cho Kiev, bởi những đóng góp của Slovakia cho Ukraine đến từ giới lãnh đạo không được lòng dân, theo Nic.
Slovakia hồi tháng 4/2022 tặng cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 duy nhất trong biên chế nước này theo đề nghị của Mỹ. Đổi lại, Bratislava sẽ được nhận tổ hợp tên lửa Patriot của Washington.
Bộ Quốc phòng Slovakia cố gắng giữ bí mật quá trình chuyển giao S-300 cho Ukraine vì lý do an ninh, nhưng nỗ lực này bị cản trở khi Fico đăng một video lên Facebook cho thấy đoàn tàu chở tổ hợp S-300 đang trên đường đến Ukraine.
Fico, thủ lĩnh phe đối lập, khi đó cáo buộc thủ tướng Eduard Heger "làm theo những gì Mỹ yêu cầu" và đòi chính phủ Slovakia công bố ngay lập tức thông tin tổ hợp S-300 đang được chuyển tới đâu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad bác bỏ yêu cầu này, nói rằng phe đối lập ở Slovakia đang tìm cách gây bất lợi cho chính quốc gia của họ và cả Ukraine.
Sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 12/2022, chính phủ của thủ tướng Heger sụp đổ. Ông trở thành thủ tướng tạm quyền, trước khi từ chức vào tháng 5. Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova sau đó bổ nhiệm chuyên gia kinh tế Ludovit Odor làm quyền Thủ tướng điều hành một chính phủ kỹ trị cho tới cuộc bầu cử vào ngày 30/9.
Bà Caputova và đồng minh cho rằng tỷ lệ ủng hộ chính phủ suy giảm là do "chiến dịch thông tin sai lệch" do Nga tiến hành và được Fico cùng nhiều chính trị gia đối lập thúc đẩy.
"Đây là tình huống tồi tệ", quyền Ngoại trưởng Miroslav Wlachovsky cho biết. Ông cáo buộc Fico cùng những "phần tử cơ hội" trong giới tinh hoa Slovakia đang lợi dụng sự cả tin của người dân nước này về Nga cũng như các mối liên hệ mang tính lịch sử với Moskva.
40% người Slovakia cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về xung đột Ukraine, trong khi 34% đổ lỗi cho phương Tây khiêu khích Moskva, theo khảo sát hồi tháng 3 của GlobSec. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra 58% người Slovakia muốn ở lại NATO, giảm so với 72% một năm trước.
Cuộc khảo sát của Viện Chính sách Bratislava chỉ ra 70% người Slovakia được hỏi phản đối viện trợ vũ khí cho Ukraine. Kết quả thăm dò của Ipsos cho thấy 60% người dân không đồng ý chuyển chiến đấu cơ MiG-29 cho Kiev. Trong số những người ủng hộ đảng của ông Fico, tỷ lệ này lên tới 92%.
Cựu thủ tướng Fico đã so sánh nhóm tác chiến được NATO triển khai ở Slovakia với Đức Quốc xã, mô tả cuộc chiến ở Ukraine là xung đột giữa Mỹ và Nga. Ông cũng cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ dẫn tới Thế chiến III.
Trong cuộc gặp với ông Fico hồi tháng 4, đại sứ Mỹ Gautam Rana đã kêu gọi lãnh đạo đối lập của Slovakia không đứng về phía Tổng thống Vladimir Putin. Một số quan chức và nhà ngoại giao EU cũng bày tỏ lo ngại về một lãnh đạo có thể liên minh với Thủ tướng Hungary Viktor Orban để cản trở viện trợ cho Ukraine và ngăn châu Âu trừng phạt Nga.
"Chúng ta phải duy trì thống nhất về tình hình an ninh và Nga", Zilvinas Tomkus, Thứ trưởng Quốc phòng Litva, nói. Ông đề cập đến việc Hungary cản trở gói viện trợ cho Ukraine trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng châu Âu gần đây.
"Việc chúng ta gửi thông điệp mơ hồ tới đất nước và tới Nga sẽ gây rắc rối. Moskva có thể khai thác thông điệp đó để nói rằng các nước châu Âu thiếu đoàn kết", Thứ trưởng Tomkus nói thêm.
Quyền Ngoại trưởng Slovakia nhấn mạnh "nếu chúng ta làm theo những gì Thủ tướng Viktor Orban đang làm, Ukraine sẽ không còn là quốc gia độc lập nữa, bởi họ không có đạn dược và vũ khí để tự vệ".
Với tỷ lệ dẫn trước 17% trong các cuộc thăm dò, ông Fico nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử, song vẫn cần thành lập chính phủ liên minh. Đứng thứ hai trong cuộc đua là đảng của cựu thủ tướng Peter Pellegrini, người đã tách khỏi đảng của ông Fico ba năm trước và khó có thể đồng ý thành lập liên minh cầm quyền với Smer.
Nếu ông Fico giành lại quyền lực, câu hỏi khác đặt ra là liệu lập trường chống NATO và phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine của Slovakia sẽ được duy trì tới mức nào.
Juraj Blanar, phó chủ tịch đảng Smer, cho biết nếu nắm quyền, họ sẽ ủng hộ Slovakia tiếp tục là thành viên NATO, song sẽ đánh giá các biện pháp trừng phạt Nga dựa trên "tính hiệu quả của các đề xuất, cũng như tác động của chúng với kinh tế xã hội Slovakia".
Nic cho rằng Fico sẽ không phải là một "bản sao" của Thủ tướng Hungary, vì những chia rẽ chính trị ở Slovakia không mang lại cho ông nhiều ảnh hưởng như ông Orban.
"Bất kể chính phủ nào được thành lập tại Slovakia cũng phải tập trung vào vấn đề nội bộ", Nic nói.
Blanar cho biết dù đảng Smer có ý định chấm dứt viện trợ vũ khí của Slovakia cho Ukraine, còn quá sớm để bình luận về vấn đề này. Hiện tại, Slovakia đang đẩy nhanh sản xuất vũ khí để đáp ứng nhu cầu cuộc chiến. Tháng trước, chính phủ nước này thông báo kế hoạch tăng gấp 5 lần sản lượng đạn pháo 155 mm trong hai năm tới.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết mức để ký các hợp đồng cung cấp vũ khí với những điều khoản đảm bảo chúng không bị đảo ngược dễ dàng trong tương lai", Thứ trưởng quốc phòng Marian Majer nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)