"Chúng tôi muốn đạt được hòa bình lâu dài và bền vững, không phải kiểu hòa bình sẽ khiến xung đột bùng phát ở Đông Âu sau vài năm nữa", Phó tổng thống Mỹ JD Vance cho biết hôm 14/2, sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức.
Ông Vance nói đã có "cuộc trò chuyện tốt đẹp" với Tổng thống Zelensky về cách đạt mục tiêu trên và hai bên sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn trong thời gian tới.
Tổng thống Zelensky xác nhận cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp, cho biết đây là "lần đầu và không phải cuối cùng" ông gặp Phó tổng thống Mỹ.
"Chúng tôi đã sẵn sàng để tiến tới nền hòa bình thực sự và được đảm bảo một cách nhanh nhất có thể", ông Zelensky viết trên mạng xã hội sau đó, thêm rằng một đặc phái viên từ Washington sẽ tới thăm Kiev.
![Phái đoàn Ukraine (trái) và phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Vance tại Munich, Đức hôm 14/2. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/15/Ukraine-1739576063-5805-1739576366.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u6tCOp6MWV-WhiQbsEs3Ww)
Phái đoàn Ukraine (trái) và phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp tại Munich, Đức, hôm 14/2. Ảnh: AFP
Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết phái đoàn hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, nhất trí sẽ tiếp tục trao đổi để chuẩn bị một văn kiện về hợp tác kinh tế song phương.
Các cuộc đàm phán ở Munich có ý nghĩa quan trọng với Ukraine, trong lúc nước này đang tìm cách duy trì sự ủng hộ của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó khiến Kiev và các đồng minh châu Âu lo lắng khi điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, khẳng định đồng ý khởi động đàm phán hòa bình về xung đột Ukraine.
Quan hệ Nga - Mỹ tan băng làm dấy lo ngại rằng Ukraine có thể bị bỏ rơi, dù Washington khẳng định Tổng thống Zelensky sẽ tham gia các cuộc hòa đàm.
Lãnh đạo Ukraine hôm 14/2 tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với người Tổng thống Nga, nhưng chỉ sau khi Kiev đã thống nhất quan điểm với Washington và châu Âu về cách kết thúc xung đột.
Trước thềm cuộc gặp với ông Zelensky, Phó tổng thống Vance cho biết Mỹ sẵn sàng gây sức ép với Nga, thêm rằng châu Âu "đương nhiên" sẽ góp mặt trên bàn đàm phán. Dù vậy, ông cũng kêu gọi châu Âu củng cố năng lực quốc phòng để Mỹ có thể tập trung vào các mối đe dọa khác trên thế giới.
Giới chức Mỹ gần đây liên tục gửi thông điệp trái chiều về chiến lược với xung đột Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 12/2 nói Ukraine khó có khả năng gia nhập NATO và mục tiêu của Kiev về khôi phục đường biên giới trước năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, là "thiếu thực tế". Ông Hegseth sau đó tỏ ra thận trọng hơn, khi nói "mọi thứ vẫn đang được xem xét" trong các cuộc đàm phán.
Các tuyên bố của Mỹ khiến Ukraine và châu Âu lo ngại Kiev có thể bị ép chấp nhận thỏa thuận hòa bình mang tính bất lợi.
Phạm Giang (Theo AFP)