-
9h15
Trong phần thủ tục, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xin xét xử vắng mặt. TAND Hà Nội thấy rằng sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến phiên tòa, và sẽ tiếp tục triệu tập nếu cần thiết.
Các bị cáo cho hay đều đã nhận được cáo trạng trước phiên xét xử và không có ý kiến gì về thành phần cơ quan tố tụng và HĐXX.
Đại diện VKS bắt đầu công bố bản cáo trạng dài 102 trang. Phần thẩm vấn các bị cáo dự kiến bắt đầu vào chiều nay.
Bị cáo Tô Anh Dũng trả lời tòa trong phần thủ tục sáng 11/7.
Cáo trạng xác định, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, VKS xác định còn có nhóm bị cáo đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng và Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.
Ông Tuấn khai trừ đi 400.000 USD giữ lại, đã đưa hết 2,25 triệu USD cho bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) theo từng lần Hằng chuyển tiền đến.
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
-
7h30
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, tại vụ án này 21 bị cáo công tác tại nhiều cơ quan nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao 515 lần nhận hối lộ 165 tỷ đồng; 4 người của đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia lợi dụng chức vụ gây thiệt hại 10 tỷ đồng. 23 đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ gần 500 lần với hơn 226 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng.
Ông Nguyễn Quang Linh, 49 tuổi, bị cáo buộc 5 lần nhận hối lộ, tổng hơn 4,2 tỷ đồng, nhiều thứ 9 trong vụ án.
Bị cáo khi đương chức, có nhiệm vụ tham mưu đề xuất và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chuyến bay. Biết được vai trò của ông Linh, các cá nhân đại diện 2 doanh nghiệp tìm cách tiếp cận, nhờ Linh xem xét, giúp giải quyết các thủ tục liên quan cấp phép chuyến bay, giúp 2 doanh nghiệp thực hiện trót lọt 26 chuyến.
Trong quá trình tố tụng, ông Linh và gia đình đã nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả 4,47 tỷ đồng.
Bị cáo Lý Tiến Hùng, cựu bí thư thứ Nhất, phụ trách công tác hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga và quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Nga.
Theo cáo buộc trong quá trình tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Liên bang Nga về nước, từ ngày 5/12/2020 đến tháng 9/2021, ông Hùng đã nhận hối lộ 2 lần với hơn 437 triệu đồng.
Bị cáo Trần Việt Thái, 49 tuổi, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
Ông Thái, 49 tuổi, được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Malaysia từ tháng 5/2020. Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, đại sứ quán Malaysia tổ chức 21 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước, trong đó 8 chuyến đưa 1.891 người đã chấp hành xong án tù ở Malaysia.
Với mức 20-35 triệu đồng/người, đã bao gồm chi phí cho chuyến bay, tiền bồi dưỡng cho cán bộ tại đại sứ quán, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thu hơn 43 tỷ đồng. Ông Thái chỉ đạo dùng 33 tỷ đồng tổ chức 8 chuyến bay; còn hơn 10 tỷ đồng thu vượt dùng hơn 5 tỷ đồng chia nhau.
Ông Thái bị cáo buộc hưởng lợi 580 triệu đồng, đã nộp khắc phục 5,6 tỷ đồng; còn 5 tỷ đồng đưa vào sử dụng cho việc tại đại sứ quán cũng đã được cán bộ tại đây nộp lại. Ông Thái bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
-
7h20
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.
Ông Dũng, 59 tuổi, bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp, tổng 21,5 tỷ đồng, nhiều thứ 4 trong 21 bị cáo cùng tội danh Nhận hối lộ. 19 lần ông nhận tiền trực tiếp tại phòng làm việc tại Bộ Ngoại giao, 15 lần tại các quán cà phê ở trung tâm Hà Nội, 2 lần trước cổng trụ sổ Bộ Ngoại giao và một lần nhờ vợ nhận hộ.
Ông Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, cũng là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong dịch Covid. Ông cũng có nhiệm vụ ký văn bản xin ý kiến 4 bộ: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế, ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.
Ông Dũng và gia đình đã nộp 16,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả, sát ngày mở phiên tòa.
Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên.
Bộ Y tế là một trong 5 Bộ tham gia tổ công tác thực hiện đưa công dân về nước. Tại đây, Cục Y tế dự phòng được giao nhiệm vụ phê duyệt hoặc từ chối đề xuất của Bộ Ngoại giao về tần suất, số lượng chuyến bay, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Mọi trao đổi giữa Cục Y tế dự phòng với Thứ trưởng Y tế phụ trách đều thông qua ông Kiên khi đó là thư ký của thứ trưởng.
Khi làm thủ tục thực hiện chuyến bay, ông Kiên yêu cầu doanh nghiệp chi 50-200 triệu đồng một chuyến bay combo hoặc 500.000 đến 2 triệu đồng một hành khách.
VKS cáo buộc, ông Kiên nhận hối lộ nhiều nhất, cả về số lần và số tiền. Trong 11 tháng, ông đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỷ đồng của 18 người đại diện các doanh nghiệp. Điển hình, từ tháng 7 đến 11/2021, ông Kiên 7 lần nhận 6 tỷ đồng tại trụ sở Bộ Y tế để giúp Công ty Bầu trời xanh được cấp phép 40 chuyến bay. Những lần khác, ông Kiên nhận tiền thông qua tài khoản của mẹ vợ hoặc bên ngoài trụ sở Bộ.
Sau khi vụ án khởi tố, Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân 12,2 tỷ đồng và số tiền này đã nộp lại cho cơ quan điều tra.
Ông Trần Văn Dự, 62 tuổi, cựu Cục phó Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Ông Dự bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 3,1 tỷ đồng thông qua "chia chác" với hai cấp dưới, bị cáo Vũ Anh Tuấn và Vũ Sỹ Cường. Tổng số tiền ba cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ trong vụ án, lên tới hơn 31 tỷ đồng.
Trong 49 lần đưa - nhận hối lộ xảy ra tại đơn vị này, đều do Tuấn Anh trực tiếp đi nhận, song chỉ báo cáo cho ông Dự 7 lần. Tuấn Anh nói với ông Dự, tổng số tiền nhận hối lộ chỉ là 7,5 tỷ.
Trước phiên tòa, ông Dự đã nộp khắc phục 2 tỷ đồng.
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Ông Dũng, 50 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, được dẫn giải đến tòa cùng nhóm cựu quan chức ngoại giao, công an, Bộ Y tế. Khác với một số bị cáo cúi gằm đầu, lấy tay che mặt, ông Dũng nhìn bốn xung quanh khi có người gọi tên.
Ông Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chủ động cử đại diện đến gặp ông Dũng, doanh nghiệp còn lại, thông qua sự giới thiệu của chị dâu ông Dũng.
Trong Covid-19, UBND Hà Nội giao Sở Y tế, Sở Ngoại vụ làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tham mưu đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét ra quyết định tiếp nhận chủ trương cách ly công dân về nước. Trong hồ sơ xin cấp phép gửi Cục Lãnh sự, doanh nghiệp phải có công văn của UBND thành phố, chấp thuận cho cách ly tại đây. Vì vậy, các doanh nghiệp móc nối với ông Dũng để xin văn bản này với mức chi lại cho ông Dũng, 1-2 triệu đồng/khách.
Trong quá trình tố tụng, ông Dũng và gia đình đã nộp 1,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
-
7h15
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, được 6 cảnh sát dẫn giải. Ông là bị cáo đầu tiên đến tòa, song luôn cúi mặt.
-
7h10
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Ông Vũ Hồng Nam là một trong các bị cáo đầu tiên được dẫn giải tới trụ sở TAND Hà Nội trong 6 ôtô của cảnh sát hỗ trợ tư pháp
Ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản, trong các nhiệm vụ của ông có chức năng bảo hộ công dân. Khi Covid-19 diễn ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức 57 chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. Ông Nam sau đó thấy nhu cầu về nước lớn nên gửi nhiều điện mật đề nghị tăng cường thêm chuyến bay, cơ quan điều tra kết luận.
Ông Nam bị cáo buộc 2 lần nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng của doanh nghiệp; đã nộp lại 1,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thị Hương Lan.
Bà Hương Lan, 49 tuổi, bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện các doanh nghiệp, tổng số tiền 25 tỷ đồng, nhiều thứ ba trong các bị cáo.
Bà Lan nhận chức từ tháng 7/2021, song bị VKSND Tối cao cáo buộc, đã bắt đầu nhận hối lộ từ tháng 12/2020, khi bà còn là Cục phó Cục Lãnh sự. Trong công tác triển khai các chuyến bay giải cứu, bà Lan ngoài phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục, còn xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo thứ trưởng Tô Anh Dũng duyệt ký các công văn về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay hồi hương.
Quá trình lấy lời khai, bà Lan hầu hết phủ nhận việc nhận tiền, chỉ nói nhận túi quà gồm túi xách, mũ, giỏ hoa quả. Hiện, bà Lan đã nộp khắc phục 900 triệu đồng.
-
7h00
Phiên tòa mở tại TAND Hà Nội, dự kiến làm việc trong 30 ngày với lượng người được triệu tập nhiều nhất trong những đại án gần đây. Trong số này có đại diện 19 công ty thương mại du lịch, dịch vụ; 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan cùng 33 nhân chứng. Hơn 100 luật sư đăng ký cho 54 bị cáo.
Trong 54 bị cáo, 21 người bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ; 24 người về tội Đưa hối lộ; 4 người về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 người về tội Môi giới hối lộ.
Nhóm 21 người bị cáo buộc nhận hối lộ đều là các cựu cán bộ cao cấp Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, UBND Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Nam, gồm: ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Ngoại giao; ông Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng; Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ Việt Nam ở Angola...
Các bị cáo bị xác định nhận hối lộ hơn 500 lượt, tổng cộng 165 tỷ đồng.
Vụ án được xét xử sau 18 tháng kể từ khi những bị can đầu tiên là nhóm cán bộ thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt hôm 28/1/2022.