"Người dân ở Phần Lan và các nước EU (Liên minh châu Âu) khác sẽ đối mặt với thực trạng là nền kinh tế không thể tăng trưởng qua các năm. Nó có thể gây bất lợi cho đoàn kết của châu Âu khi đà phát triển bị ngừng đột ngột và thách thức lại gia tăng", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trả lời tờ Maaseudun Tulevaisuus hôm 7/8, nói về ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine.
Tổng thống Phần Lan nhấn mạnh điều quan trọng là phải tính tới "các nguy cơ leo thang xung đột Ukraine". Ông cho rằng tình trạng quan hệ giữa Nga và phương Tây nói chung, Nga và Phần Lan nói riêng, sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của tình hình ở Ukraine.
Ông Niinisto nhận định đó là lý do Phần Lan cần đảm bảo tự cường trong lĩnh vực an ninh, bất chấp quá trình gia nhập NATO, cũng như đảm bảo độc lập trong các vấn đề an ninh lương thực.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã áp đặt 6 gói trừng phạt nhằm vào Moskva, loại phần lớn ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, tịch thu tài sản của các tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu, vàng Nga.
Tuy nhiên, một số quan chức EU nhận định các tỷ phú Nga vẫn có thể sống tốt mà không cần du thuyền hay tài sản ở phương Tây, trong khi việc kiểm soát xuất khẩu hàng hóa Nga có thể làm lợi cho Trung Quốc hay các nước khác.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 15/7 nói EU "tự bắn vào phổi" khi áp các lệnh trừng phạt với Nga, có thể dẫn tới nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu. Ông Orban cho rằng các lệnh trừng phạt chỉ gây ra thiệt hại diện rộng cho kinh tế châu Âu mà không khiến Nga suy yếu. Ông cũng nhận định các lệnh trừng phạt Nga không khiến cuộc xung đột đã kéo dài nhiều tháng tìm được giải pháp.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và xung đột hai bên tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Moskva từng tuyên bố mục tiêu chiến dịch là "giải phóng Donbass" ở miền đông Ukraine, song sau đó cho biết sẽ mở rộng mục tiêu ra các khu vực khác ở Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo TASS)