Bé Nguyễn Quốc Anh (23 tháng tuổi, TP HCM) bị húng hắng ho, chảy nước mũi, thở khò khè nhưng không sốt, vẫn ăn uống bình thường. Nghĩ là con bị viêm phế quản do trời trở lạnh nên mẹ bé tự mua thuốc kháng sinh và thuốc ho cho bé uống.
Sau 3 ngày tự điều trị tại nhà, bé Quốc Anh ho nhiều hơn, ít bú, thở nhanh, sốt cao, mệt lả, quấy khóc, khó chịu lại bị tiêu chảy nên gia đình vội đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bé nhập viện trong tình trạng lừ đừ, thở gấp, co lõm ngực, cơ thể có biểu hiện tím tái, nhịp tim 210 lần/phút kèm tiêu chảy... Qua thăm khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm phổi nặng, có dấu hiệu suy hô hấp, nhiễm trùng huyết.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Tường Vy - Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các bệnh đường hô hấp nói chung thường có triệu chứng khá giống nhau, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị. Trong đó, phân biệt viêm phổi và viêm phế quản ở trẻ em là thắc mắc của rất nhiều các bậc cha mẹ bởi hai bệnh đều gây ảnh hưởng đến phổi và có nhiều triệu chứng giống nhau.
Viêm phổi và viêm phế quản đều là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới, ảnh hưởng đến cơ quan khác nhau của hệ hô hấp. Tuy nhiên, cơ quan bị tổn thương, viêm khác nhau, do đó tiến triển bệnh, điều trị cũng khác nhau. Do đó cần phân biệt chính xác hai bệnh để chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả tránh để lại biến chứng về sau. Dưới đây là một số đặc điểm giúp phân biệt viêm phổi và viêm phế quản.
Vị trí tổn thương
Viêm phổi là viêm nhiễm tại các phế nang (nơi trao đổi oxy và máu để vận chuyển đi khắp cơ thể). Với người viêm phổi, các phế nang sẽ chứa đầy dịch, mủ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi oxy. Viêm phế quản là hiện tượng viêm nhiễm tại các gốc niêm mạc bên trong phế quản.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây viêm phế quản thường là do virus (chiếm 80%) dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn: phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn (H.influenzae)... Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên hít phải bụi bẩn, khói xăng xe, khói thuốc lá... cũng có thể gây ra viêm phế quản. Nếu kéo dài tình trạng này, bệnh của trẻ rất dễ trở thành mãn tính.
Trong khi đó bệnh viêm phổi ở trẻ em lại do nhiều tác nhân gây ra, thường gặp nhất là vi khuẩn, kế đó là virus, nấm, ký sinh trùng... Các tác nhân thường gặp như: phế cầu, tụ cầu vàng, Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, các loại siêu vi hô hấp.
Viêm phổi và viêm phế quản có các triệu chứng gần giống nhau. Thông thường, trẻ có biểu hiện sốt từ 30-40 độ C; ho khan, có đờm, thở nhanh, thở khò khè, chảy nước mũi, mệt mỏi, quấy khóc. Đối tượng mắc chủ yếu là bé dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng dễ mắc vì sức đề kháng kém. Tỷ lệ mắc bệnh cao lúc giao mùa, mùa đông lạnh (gấp 1,3 đến 1,5 lần).
Trong hầu hết các trường hợp, các bậc phụ huynh sẽ không thể nhận ra sự khác biệt nếu không có chẩn đoán từ bác sĩ nhi khoa.
Phương pháp điều trị
Do 80% tác nhân gây viêm phế quản là virus nên đối với những trường hợp viêm phế quản cấp nhẹ sẽ có thể tự khỏi, tuy nhiên các triệu chứng bệnh vẫn sẽ kéo dài 1-2 tuần. Quan trọng hơn là cha mẹ cần đưa trẻ đến khám để nghe ý kiến từ bác sĩ, tránh tự ý điều trị.
Điều trị viêm phổi dựa trên nguyên tắc chung. Trước tiên là đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh phù hợp và đánh giá hiệu quả điều trị sau 48 giờ. Trường hợp viêm phổi nặng, trẻ phải được nhập viện để được tiêm kháng sinh, hỗ trợ hô hấp nếu cần.
Cách phòng bệnh
Viêm phổi, viêm phế quản có tỷ lệ mắc cao lúc giao mùa, thời tiết lạnh. Vì vậy, khi trời trở lạnh, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ. Cụ thể, khi đưa trẻ ra ngoài chơi chú ý giữ ấm ở tay, chân, ngực. Đồng thời, phụ huynh cho bé đi tiêm ngừa đầy đủ, hạn chế tác nhân gây bệnh.
Hàng ngày, bé cần được vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, tránh ăn đồ lạnh, gia đình giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Khi ra đường, trẻ cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Người lớn cần chú ý quan sát con, phát hiện sớm triệu chứng về đường hô hấp: sốt, ho để kịp thời khám bác sĩ, chẩn đoán sớm nhất.
Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng quan trọng, bé cần bổ sung tăng cường rau xanh, hoa quả để tăng sức đề kháng, chống chọi mầm bệnh. Phụ huynh cho con uống nhiều nước. Trẻ có nhiều độ tuổi, tùy theo nhu cầu sẽ bổ sung lượng nước đủ, không thể nào ép theo khuôn mẫu nhất định.
Bé không cần ăn kiêng, nên hạn chế chất nóng cay, nhiều gia vị, không uống nước có ga. Thực tế, nhiều người quan niệm ăn tôm, thịt gà trẻ sẽ ho nặng hơn nhưng điều này là quan niệm sai lầm. Điều này có thể khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn vì mất sức đề kháng do thiếu vi chất, năng lượng.
Lê Nguyễn