Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 23/2 cho biết ông chưa sẵn sàng ký vào đề xuất mới nhất của Mỹ, theo đó Ukraine phải trả 500 tỷ USD cho Washington bằng doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên, vì theo kế hoạch này thì Ukraine phải mất 250 năm mới trả đủ.
"Tôi sẽ không ký một thỏa thuận mà 10 thế hệ người Ukraine sau này phải gánh nợ", ông Zelensky nói tại Diễn đàn Ukraine: Năm 2025 diễn ra ở Kiev, song nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán với giới chức Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu ở Kiev, ngày 23/2. Ảnh: AFP
Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine đã được đàm phán trong hơn 10 ngày. Một số dự thảo thỏa thuận đã bị phía Ukraine từ chối. New York Times dẫn nguồn tin chính phủ cho biết Washington hôm 22/2 đã gửi phiên bản dự thảo mới.
Tài liệu này lặp lại yêu cầu Ukraine từ bỏ một nửa doanh thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khoáng sản, khí đốt, dầu mỏ, cũng như lợi nhuận từ cảng biển và cơ sở hạ tầng khác.
Những khoản thu này sẽ được chuyển vào một quỹ do Mỹ kiểm soát hoàn toàn và Ukraine phải đóng góp cho đến khi quỹ đạt 500 tỷ USD. Số tiền này gấp đôi tổng sản lượng kinh tế của Ukraine vào năm 2021, trước khi chiến sự nổ ra. Ông Zelensky chỉ ra rằng con số này không tương xứng với lượng viện trợ mà Mỹ đã cung cấp trên thực tế cho Ukraine.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 60 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, theo số liệu chính thức. Nếu tính cả viện trợ nhân đạo, quân sự và tài chính, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 120 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2022 đến cuối năm 2024, theo Viện Kiel về Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức.
Tại diễn đàn ngày 23/2, ông Zelensky nhấn mạnh "điểm bất hợp lý" trong dự thảo. Theo đó, Ukraine phải trả gấp đôi số tiền nhận được từ viện trợ Mỹ. Ông bức xúc vì Washington chưa từng áp dụng quy tắc này khi bán vũ khí cho Israel, Qatar, UAE hay Arab Saudi, nhưng lại đưa ra yêu cầu đó với Ukraine.
"Thỏa thuận nêu rằng với mỗi USD viện trợ, Ukraine phải hoàn trả lại hai USD", ông Zelensky phát biểu. "Nói đơn giản, đây là một khoản vay lãi 100%. Tôi không chỉ phải trả gốc mà còn phải trả thêm 100% lãi suất".
Dự thảo không cam kết đảm bảo an ninh hay hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine. Phiên bản hôm 14/2 nói rằng hai nước đặt mục tiêu "hòa bình và an ninh lâu dài cho Ukraine" nhưng phiên bản mới nhất đã xóa đi từ "an ninh".
Tài liệu mới nhất quy định rằng một phần doanh thu từ quỹ 500 tỷ USD sẽ được tái đầu tư vào công cuộc tái thiết Ukraine, đồng thời khẳng định Mỹ có ý định hỗ trợ dài hạn cho nền kinh tế Ukraine, nhưng không đề cập số tiền cụ thể. Washington lập luận rằng hiện diện lợi ích kinh tế Mỹ tại Ukraine có thể ngăn cản các cuộc tấn công từ Nga trong tương lai, nhưng ông Zelensky cho rằng kiểu suy luận này đã thất bại từ năm 2022.

Pháo binh Ukraine tác chiến tại tỉnh Donetsk ngày 6/1. Ảnh: AFP
Dù vậy, Tổng thống Ukraine cũng thừa nhận có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký kết một thỏa thuận kinh tế với Mỹ, nhưng với điều kiện thỏa thuận này phải đi kèm đảm bảo an ninh cụ thể.
"Nếu chúng tôi bị ép buộc và không có giải pháp nào khác, có lẽ chúng tôi phải chấp nhận", ông nói.
Đàm phán về khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump gần đây liên tục công kích người đồng cấp Zelensky, điều khiến Ukraine và các nước châu Âu khác lo ngại.
Tổng thống Trump thường dùng từ "đất hiếm" khi gợi ý về thỏa thuận với Ukraine. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố kim loại có trữ lượng tương đối dồi dào trong vỏ Trái Đất. Chúng là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, như điện thoại thông minh, pin xe điện.
Tuy nhiên, truyền thông phương Tây cho biết thực tế cụm từ đúng để mô tả về tài nguyên dồi dào của Ukraine là "các kim loại hiếm và khoáng sản trọng yếu", như lithium, uranium, titanium và than chì, trong đó lithium là thành phần chính để sản xuất pin xe điện. Kiev nói rằng khoảng 5% tổng số "nguyên liệu thô quan trọng" của thế giới nằm ở Ukraine.
Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Trump trước khi lãnh đạo Mỹ gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cảnh báo rằng viễn cảnh ông Trump chọn gặp ông Putin trước có thể gây tổn hại đến lòng tin của đồng minh dành cho Mỹ.
Lãnh đạo Ukraine cho rằng Tổng thống Trump đang muốn thể hiện sức mạnh, song dường như lãnh đạo Mỹ đang nhắm sai đối tượng. "Hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua sức mạnh, nhưng đáng lẽ sức mạnh đó phải nhắm vào Nga, chứ không phải theo hướng ngược lại", ông nói.
Thanh Danh (Theo Washington Post, CNN, AFP)