Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khi trình diện trước tòa ở New York hôm 4/4 đã phủ nhận toàn bộ 34 cáo buộc mà ông Alvin Bragg, công tố viên Quận Manhattan, liệt kê trong các vụ chi tiền để ém thông tin vào năm 2016.
Quyền thẩm phán Tòa án Tối cao bang New York Juan Merchan ấn định ngày 4/12 cho phiên điều trần của ông Trump, còn bên công tố đề nghị phiên xét xử đầu tiên diễn ra vào tháng 1/2024.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đội luật sư biện hộ cho cựu tổng thống Mỹ sẽ tận dụng mọi phương án để trì hoãn phiên xét xử càng lâu càng tốt, thông qua chiến thuật nộp khiếu nại hoặc kiến nghị trên nhiều phương diện, từ quy trình tố tụng đến địa điểm xét xử.
"Họ sẽ tìm mọi cách để trì hoãn, trì hoãn và trì hoãn. Luật sư sẽ trình mọi khiếu nại và kiến nghị mà họ có thể nghĩ ra", luật sư Catherine Christian, có 30 năm kinh nghiệm làm việc ở Văn phòng Công tố viên Quận Manhattan, nhận định.
Jesse Weber, chuyên gia luật và bình luận viên đài NewsNation của Mỹ, cho rằng đội luật sư bảo vệ ông Trump có thể đề nghị thay đổi địa điểm xét xử, như chọn tòa án khác bên ngoài thành phố New York.
Họ cũng có thể dùng phiên điều trần để tranh luận công tố viên bang không thu thập đủ bằng chứng để các bên ra tòa, yêu cầu đổi thẩm phán, đẩy vụ án từ tòa cấp bang sang cấp liên bang hay đàm phán tiểu tiết về quy trình an ninh cho các buổi hầu tòa.
Michael Scotto, từng làm việc trong Văn phòng Công tố viên Quận Manhattan, nhận định các luật sư còn có thể đặt nghi vấn về quy trình thiết lập đại bồi thẩm đoàn ở New York, yêu cầu kiểm tra biên bản liệu các thành viên đại bồi thẩm đoàn có làm việc đúng quy trình và đáp ứng đủ tiêu chí hay không.
Đại bồi thẩm đoàn là nhóm công dân đến từ nhiều lĩnh vực được lựa chọn để nghe công tố viên trình bày danh sách cáo trạng kèm theo bằng chứng, vật chứng. Nhóm công dân này có trách nhiệm xem xét lập luận của công tố viên và ra quyết định có truy tố bị cáo hay không. Bragg hồi đầu năm đã gửi các cáo buộc chống lại ông Trump cho đại bồi thẩm đoàn ở New York gồm 23 người. Sau khi xem xét trong nhiều tháng, đại bồi thẩm đoàn đã nhất trí truy tố ông Trump hôm 30/3. Danh tính của đại bồi thẩm đoàn không được công khai.
Thẩm phán Merchan ra hạn chót cho đội luật sư của ông Trump trước ngày 8/8 phải trình toàn bộ khiếu nại hoặc kiến nghị, còn cơ quan công tố phải phản hồi trước ngày 19/9. Jim Schultz, cựu luật sư Nhà Trắng trong những năm Trump làm tổng thống, cho rằng lịch làm việc này khó được đảm bảo và vụ án "ít khả năng được giải quyết xong trước tháng 11/2024".
Các mốc thời gian mà thẩm phán Merchan đặt ra còn có nguy cơ bị đảo lộn vì nhiều nguyên nhân khách quan khác, bên cạnh nỗ lực trì hoãn từ đội luật sư biện hộ.
Ông Trump đang đối diện cùng lúc ít nhất ba cuộc điều tra khác có khả năng dẫn đến truy tố hình sự, gồm cáo buộc kích động vụ bạo loạn đồi Capitol năm 2021, can thiệp bầu cử tại bang Georgia và bê bối giữ trái phép tài liệu mật ở Mar-a-Lago. Ngoài ra, lịch làm việc của tòa còn có thể bị tác động bởi các hoạt động của đảng Cộng hòa trong mùa bầu cử sơ bộ đầu năm sau.
"Lên lịch xét xử ông Trump chính là thách thức đầu tiên. Các công tố viên cần phối hợp nhuần nhuyễn xem vụ án nào nên được ưu tiên xử lý trước", Weber nhận định.
Giới tư pháp từng phải xoay xở xếp lịch làm việc cho phù hợp với chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Khi tỷ phú New York tuyên bố tranh cử vào năm 2015, ông vẫn đang kẹt trong loạt kiện tụng dân sự kéo dài hơn 5 năm liên quan cáo buộc đại học do ông sáng lập lừa tiền học phí hàng chục triệu USD. Đến tháng 3/2016, khi ông Trump đang bỏ xa đối thủ ở vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa, các luật sư của ông gây áp lực cho thẩm phán liên bang hoãn phiên xét xử nếu không muốn sự việc trở thành đề tài chính trị.
Thẩm phán ở Washington Gonzalo Curiel chấp nhận lập luận ông Trump khó được bồi thẩm đoàn nhìn nhận công bằng giữa mùa bầu cử, sau đó đồng ý dời ngày xét xử sang sau ngày bỏ phiếu toàn quốc vào tháng 11/2016. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày trước khi phiên tòa bắt đầu, ông Trump chấp nhận dàn xếp các vụ kiện dân sự cấp liên bang lẫn tại New York liên quan Đại học Trump, với tổng số tiền bồi thường là 25 triệu USD.
Neama Rahmani, cựu công tố viên liên bang và hiện là chủ tịch Đoàn luật sư bờ Tây, nhận định Trump muốn trì hoãn phiên xét xử đến sau cuộc bầu cử năm 2024 vì ông hy vọng đảng Cộng hòa sẽ thắng, hay viễn cảnh lý tưởng là ông trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump có thể tự tin chiến thuật trì hoãn sẽ diễn ra đúng như mình mong muốn, dựa vào những diễn biến ở vụ án hình sự vừa kết thúc hồi đầu năm liên quan gian lận thuế của Tập đoàn Trump. Vụ án này mất 16 tháng từ giai đoạn truy tố đến phiên mở đầu xét xử, trong khi quá trình xét xử chính thức kéo dài 5 tuần. Ông Trump còn 10 tháng là bước vào vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên ở Iowa và cách ngày bầu cử tổng thống 19 tháng.
Nếu ông Trump đắc cử vào tháng 11/2024, vụ án sẽ gặp nhiều tranh cãi về pháp lý vì quyền miễn trừ của tổng thống. Một số học giả hiến pháp Mỹ nhận định trên lý thuyết, nghĩa vụ và quyền hạn tổng thống sẽ có giá trị cao hơn quy trình tố tụng, dù cho vụ án có khả năng dẫn đến án tù.
"Ông ấy cảm thấy vụ án này hữu ích đối với chiến dịch tranh cử 2024. Một quan điểm mà nhiều người đồng ý là không thể truy tố tổng thống Mỹ đương nhiệm, vì thế ông ấy sẽ có lợi thế nếu đắc cử", Rahmani nói. "Quy trình xét xử có thể kéo dài nhiều năm. Tôi không tin chúng ta sẽ thấy ông Trump ra tòa vào tháng 1/2024".
Thanh Danh (Theo Politico, Newsweek, News Nation)