Các biện pháp phong tỏa quyết liệt Trung Quốc đưa ra để chống Covid-19 nhiều khả năng khiến sản lượng kinh tế nước này giảm trong ba tháng đầu năm, đánh dấu lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm trong hơn 4 thập kỷ. Theo dữ liệu chính phủ, các ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng hai. Trong hai tháng đầu năm, doanh số ôtô giảm 80%, xuất khẩu giảm 17,2%.
Vì vậy, thật đáng ngạc nhiên khi cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể củng cố quyền lực sau khủng hoảng, đặc biệt khi nhìn vào phản ứng ban đầu của ông trong giai đoạn đầu Covid-19 bùng phát. Chủ tịch Trung Quốc không xuất hiện trước truyền thông trong hơn một tuần sau khi Bắc Kinh thừa nhận virus đang lây lan rộng rãi, làm dấy lên những đồn đoán trên mạng và những lời chỉ trích rằng ông không sát sao chống dịch. Điều này tác động xấu tới ông Tập vì đảng Cộng sản Trung Quốc vốn luôn đề cao quản trị hiệu quả, bao gồm bảo đảm tăng trưởng kinh tế và mức sống ngày càng tăng.
Vậy tại sao ông Tập lại có thể mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng? Andrew Coflan, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng một trong các lý do là doanh nghiệp nhà nước sẽ là kênh chính kích thích kinh tế sau dịch.
Dưới thời ông Tập, các doanh nghiệp nhà nước đã trỗi dậy mạnh mẽ, các "ông lớn" trong những lĩnh vực quan trọng như đường sắt, hạt nhân, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng được hình thành thông qua sáp nhập các công ty. Khi hoạt động kinh tế bị hạn chế do các biện pháp chống dịch, doanh nghiệp nhà nước sẽ đảm nhiệm vai trò còn lớn hơn. Họ có thể nhận được hỗ trợ tài chính nhờ mối quan hệ với các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, Bắc Kinh đang thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế, lĩnh vực mà các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nổi bật.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng lớn. Các cửa hàng và nhà hàng địa phương với vốn nhỏ gặp khó khăn khi tái hoạt động và có nguy cơ phá sản. Điều này khiến cán cân kinh tế ngày càng nghiêng về các doanh nghiệp nhà nước do Bắc Kinh kiểm soát và tập trung vào thực hiện các ưu tiên chính sách của ông Tập.
Thứ hai, khi nền kinh tế chật vật phục hồi, các quan chức sẽ cố gắng xoa dịu dư luận bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc những ngày qua nhấn mạnh thành tựu của Trung Quốc khi số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm còn tình hình tại Mỹ và châu Âu ngày càng nghiêm trọng.
Những người có ảnh hưởng trên mạng đã ca ngợi cách Trung Quốc sử dụng phương pháp kiểm soát gắt gao công chúng từ thời Mao Trạch Đông. Họ đăng nhiều bài viết với cụm từ khóa "Phương pháp của Trung Quốc là phương pháp duy nhất đã chứng minh thành công".
Rộng hơn, thành công dập dịch của Trung Quốc cho thấy điểm cộng của hệ thống chính trị với quyền lực lớn tập trung vào lãnh đạo. Ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc tập trung nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Cuối tháng trước, ông nói trong một cuộc họp từ xa với 170.000 cán bộ đảng rằng tình hình dịch giảm nhiệt chứng minh những lợi thế nổi bật trong sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.
Theo Coflan, ông Tập sẽ nói với công chúng rằng Covid-19 và cách đối phó dịch kém hiệu quả của Mỹ, đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, là lý do khiến nền kinh tế nước này "ốm yếu". "Thông điệp giúp Bắc Kinh biến sự lo ngại của công chúng về tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng thành cảm giác tự hào", ông viết.
Coflan cho rằng mặc dù trong giai đoạn đầu Trung Quốc đã che đậy dịch, đánh giá sai độ nghiêm trọng của Covid-19 và chậm trễ phản ứng, dư luận chủ yếu tập trung chỉ trích các quan chức địa phương thay vì ông Tập và các lãnh đạo trung ương khác. Bắc Kinh đã phái các đoàn kiểm tra để phát hiện những sai lầm của địa phương và cách chức một số quan chức hàng đầu ở Hồ Bắc.
Ông Tập cố tách mình khỏi những sai lầm ban đầu. Cuối tháng trước, chính phủ Trung Quốc xuất bản một cuốn sách bằng nhiều ngôn ngữ, kể lại Trung Quốc đã chiến thắng "cuộc chiến của nhân dân dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản với đồng chí Tập Cận Bình ở vị trí cốt lõi".
Coflan đánh giá ông Tập đang đi theo chiến lược "nước đôi", thúc đẩy cả kiềm chế dịch lẫn khởi động lại kinh tế. "Kết quả là ông ấy có thể tránh được chỉ trích nếu dịch bùng phát trở lại hoặc kinh tế tiếp tục ốm yếu", Coflan viết.
Trung Quốc còn đang cố gắng sửa chữa hình ảnh trên trường quốc tế bằng cách tích cực hỗ trợ chuyên môn và vật tư y tế cho các nước châu Âu. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc lẽ ra có thể khống chế Covid-19 dễ dàng và nhanh chóng hơn, ngăn nó tràn sang các nước khác nếu giới chức kịp thời phản ứng vào đầu tháng một. Sự hào phóng của họ hiện giờ giúp xoa dịu giận dữ về cách xử lý kém ban đầu và thể hiện họ là cường quốc có trách nhiệm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng công chúng không dễ quên. Ông Tập có thể phải đối mặt với những câu hỏi dai dẳng về uy tín của đảng và sự lãnh đạo của ông. Wu Qiang, nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh, cho rằng chiến dịch tuyên truyền khó có thể làm hài lòng công chúng.
"Thật khó để tin rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò như một anh hùng hay lãnh đạo trong nỗ lực phòng chống nCoV trên thế giới", Wu nói.
Ông nhận xét thêm rằng ông Tập sẽ phải cố gắng lấy lại niềm tin từ công chúng.
"Cuộc khủng hoảng đã giáng đòn vào hình ảnh cá nhân của ông Tập", Wu nói. "Trong một khoảng thời gian dài, công chúng sẽ tiếp tục hoài nghi".
Phương Vũ (Theo CNN/NYTimes)