"Tôi nhận được thông tin rằng vũ khí đang được đưa từ Ukraine vào Trung Đông. Và tất nhiên chúng được bán. Chúng đang được bán cho Taliban và từ đó đi khắp nơi", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 3/11.
"Nga và toàn thế giới đều đang chống tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng ở Ukraine rất nghiêm trọng, không có nơi nào giống vậy trên thế giới", ông nói thêm.
Ukraine và Taliban chưa bình luận về cáo buộc này.
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố kết thúc hoạt động quân sự kéo dài 20 năm tại Afghanistan, Taliban ngày 15/8/2021 tiến vào thủ đô Kabul và tiếp quản quyền lực. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào trên thế giới công nhận chính phủ do Taliban thành lập.
Nga liệt Taliban vào danh sách khủng bố từ năm 2003 nhưng gần đây có một số cuộc tiếp xúc với đại diện của nhóm này. Moskva giải thích rằng các hoạt động tương tác nhằm giúp ổn định tình hình tại Afghanistan.
Tổng thống Putin hồi tháng 10 năm ngoái từng đưa ra cảnh báo về tình trạng vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine bị tuồn ra chợ đen trong cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan an ninh đến từ Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG).
Đại sứ thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia trước đó cáo buộc nhiều quan chức Ukraine đang thiết lập những kênh cung cấp vũ khí viện trợ phương Tây ra chợ đen thế giới.
Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine cuối tháng 2/2022, nhiều nước phương Tây đã gửi các lô hàng vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine, với hy vọng giúp Kiev đánh bại Moskva.
Ukraine nói họ kiểm soát nghiêm ngặt mọi vũ khí được cung cấp, song một số quan chức an ninh phương Tây tỏ ra hoài nghi. Mỹ đã yêu cầu Ukraine nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn nạn tham nhũng tràn lan ở quốc gia Đông Âu này.
Jurgen Stock, người đứng đầu Interpol, hồi tháng 6 cảnh báo nguy cơ một số loại vũ khí hiện đại được gửi cho Ukraine rơi vào tay các nhóm tội phạm có tổ chức.
Hồi tháng ba, Sáng kiến Toàn cầu về Chống Tội phạm có tổ chức Xuyên biên giới, nhóm có trụ sở tại Thụy Sĩ, công bố báo cáo nói rằng chưa ghi nhận dòng vũ khí đáng kể nào chảy ra ngoài vùng xung đột Ukraine.
"Tuy nhiên, nếu mối đe dọa không được chủ động giải quyết, khi xung đột kết thúc, chiến trường Ukraine sẽ trở thành kho vũ khí vô chủ, cung cấp cho tất cả từ quân nổi dậy ở châu Phi đến các nhóm xã hội hội đen trên đường phố châu Âu", báo cáo nêu.
8 nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine ở phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã cam kết viện trợ quân sự tổng cộng 90 tỷ USD cho Ukraine, theo Viện Kinh tế Thế giới Keil ở Đức.
Mỹ đến nay đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí hiện đại như 160 lựu pháo nòng 155 mm, 109 xe chiến đấu Bradley, hơn 111 triệu viên đạn và 38 hệ thống pháo cơ động cao.
Thanh Tâm (Theo Reuters, TASS)