Trong cuộc phỏng vấn được kênh Rossiya-1 phát sóng hôm 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Mỹ đã "bơm số tiền lớn" vào nền kinh tế như biện pháp cứu trợ sau đại dịch Covid-19, dẫn đến lạm phát và "tình hình bất lợi trên thị trường thực phẩm, bởi giá thực phẩm tăng đầu tiên".
Ông cũng cho rằng "chính sách thiển cận của các nước châu Âu, trên hết là Ủy ban châu Âu, trong lĩnh vực năng lượng" là một nguyên nhân nữa dẫn đến khủng hoảng thực phẩm và năng lượng trên toàn cầu như hiện nay.
"Người châu Âu đã không lắng nghe những yêu cầu khẩn cấp của chúng tôi nhằm duy trì hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn, thay vào đó họ bắt đầu chấm dứt hợp đồng. Điều này tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng châu Âu, khiến giá cả leo thang. Nga hoàn toàn không liên quan gì", ông Putin nhấn mạnh.
Sau khi giá khí đốt tăng, giá phân bón "lập tức tăng theo, bởi một số loại phân bón dùng khí đốt làm nguyên liệu", theo Tổng thống Nga.
"Mọi thứ đều có mối liên quan tới nhau", ông nói thêm. "Chúng tôi từng cảnh báo về các cuộc khủng hoảng đó và chúng không liên quan đến bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Nga".
Nhiều chuyên gia năng lượng lo ngại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tương đương hoặc thậm chí tồi tệ hơn khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970-1980. Khủng hoảng lần này không chỉ giới hạn ở dầu thô, mà còn bao gồm cả khí đốt và điện.
Đến nay, kinh tế toàn cầu vẫn chống chịu được việc giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, tình hình có thể tồi tệ hơn khi châu Âu quyết tâm đoạn tuyệt với dầu mỏ và khí đốt Nga. Nga không chỉ là một trong những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, mà còn bên cung cấp khí đốt, than đá lớn.
Trong khi đó, các cảng ở Biển Đen của Ukraine, đặc biệt là cảng Odessa, đã bị phong tỏa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, khiến hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ở nước này không thể xuất khẩu ra thế giới. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mì cho toàn cầu. Liên Hợp Quốc cảnh báo việc thiếu lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu trong vài tháng tới.
Điện Kremlin tuần trước cho biết Moskva sẵn sàng "đóng góp đáng kể" để tránh khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ "các hạn chế mang động cơ chính trị" đối với Nga.
Huyền Lê (Theo CNN)