"Cuộc phiêu lưu của Mỹ trong mối quan hệ với Đài Loan không chỉ là chuyến đi của một chính trị gia vô trách nhiệm, mà là một phần trong chiến lược có mục đích, có ý thức của Mỹ nhằm gây bất ổn và làm hỗn loạn tình hình trong khu vực và trên thế giới", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình hôm nay, đề cập chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng 8.
Theo Tổng thống Nga, chuyến thăm của bà Pelosi "thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với chủ quyền của các quốc gia khác và đối với các nghĩa vụ quốc tế của Mỹ". "Chúng tôi coi đây là hành động khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận", ông nói thêm.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin lên tiếng về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Trước đó, Ngoại giao Nga ra tuyên bố gọi động thái này là "hành động khiêu khích rõ ràng" nhằm kìm hãm Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ liên quan vấn đề Đài Loan.
Moskva đồng thời kêu gọi Washington dừng các hành động "làm xói mòn ổn định khu vực và an ninh quốc tế, công nhận thực tế địa chính trị mới, trong đó không còn chỗ cho sự bá quyền của Mỹ".
Trong khi đó, Washington khẳng định các nghị sĩ Mỹ đã đến Đài Loan trong nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục làm như vậy, thêm rằng các chuyến thăm vẫn phù hợp với chính sách "Một Trung Quốc" lâu năm của Washington.
Bà Pelosi cho rằng phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của bà là không phù hợp, tái khẳng định Bắc Kinh "không được phép cô lập Đài Loan" hay quyết định người nào có thể đến thăm hòn đảo. Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng nhấn mạnh chuyến thăm của bà không nhằm thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan.
Nga và Trung Quốc thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị "không giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.
Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp lệnh trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine, thậm chí còn tăng mua dầu của nước này, bất chấp sức ép từ phương Tây. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên trong xung đột ở Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích Moskva.
Mỹ đã viện trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine để giúp Kiev duy trì hoạt động chính phủ và đối phó với Nga trên chiến trường. Lầu Năm Góc hôm 8/8 nhấn mạnh họ cam kết tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine khi "Kiev đang chống lại cuộc tấn công vô cớ và phi lý của Nga".
Huyền Lê (Theo AFP)