Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 23/10 ra tuyên bố lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel là "hành vi tàn bạo không thể diễn tả bằng lời". Ông khẳng định Israel có quyền tự vệ, nhưng nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế khi Israel tiến hành cuộc chiến chống lại Hamas.
Theo ông, bất kỳ chiến lược quân sự nào của Israel không tính đến cái giá phải trả về con người ở Dải Gaza "cuối cùng có thể phản tác dụng".
"Quyết định của chính phủ Israel khi cắt lương thực, điện nước với dân thường ở Dải Gaza không chỉ đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo, mà còn khiến thái độ của các thế hệ người Palestine thêm cứng rắn, làm xói mòn sự ủng hộ toàn cầu dành cho Israel", ông Obama cảnh báo.
Theo ông, những điều này sẽ khiến kẻ thù của Israel được lợi và "làm suy yếu những nỗ lực lâu dài nhằm đạt hòa bình và ổn định khu vực".
Cựu tổng thống Mỹ nhấn mạnh việc duy trì luật pháp quốc tế "rất quan trọng để xây dựng liên minh và định hình dư luận quốc tế", dù ông cho rằng đây là "nhiệm vụ cực kỳ khó khăn".
Ông cũng thừa nhận nước Mỹ đã "không đạt tới những giá trị cao hơn" khi tiến hành cuộc chiến chống toàn cầu chống lại các nhóm khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Israel đã liên tục không kích vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, đồng thời phong tỏa hoàn toàn vùng đất này, cắt mọi nguồn cung điện, nước, thực phẩm và nhiên liệu. Quan chức Gaza cho biết những cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 5.000 người Palestine thiệt mạng, đẩy cuộc sống của hơn hai triệu người vào cảnh thống khổ.
Khi còn đương chức, ông Obama thường ủng hộ quyền tự vệ của Israel trong các cuộc xung đột cục bộ với Hamas. Tuy nhiên, ông thường nhanh chóng kêu gọi Israel kiềm chế khi thương vong người Palestine tăng cao sau các cuộc không kích.
Gaza, dải đất rộng 365 km2 với 2,3 triệu người sinh sống, do Hamas kiểm soát từ năm 2007, song bị Israel bao vây. Chính quyền Obama từng nỗ lực dàn xếp thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán giữa Israel và Palestine, nhưng không đạt được kết quả vững chắc.
Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021, Tổng thống Biden không có động thái nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Israel và Palestine. Thay vào đó, Mỹ thúc đẩy để Israel bình thường hóa quan hệ với các cường quốc Arab trong khu vực, khiến Hamas cho rằng họ bị gạt ra rìa. Đây được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy Hamas tiến hành cuộc tấn công hôm 7/10.
Huyền Lê (Theo Reuters, Hill)