"Dừng lại ở đâu? Tôi không chắc. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc để làm nếu muốn thiết lập vùng đệm an toàn. Chúng ta sẽ cần trở lại Kiev, nếu không phải bây giờ thì là vào thời điểm nào đó trong tương lai, trong giai đoạn tiếp theo của xung đột", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm nay.
Ông Medvedev đưa ra bình luận khi được hỏi về giới hạn địa lý của chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như khả năng Nga mở rộng quy mô tấn công. Theo ông, lý do khiến Nga cần đưa quân trở lại để kiểm soát Kiev là "thành phố này có nguồn gốc Nga, nhưng lại đang bị kiểm soát bởi bộ máy quốc tế chuyên chống Nga do Mỹ dẫn đầu".
"Những người cầm quyền tại đó chỉ là bù nhìn, mọi quyết định đều được đưa ra ở nước ngoài và tại tổng hành dinh NATO. Vì vậy, có thể Kiev sẽ là điểm dừng chân tiếp theo trong chiến dịch", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói thêm.
Vào giai đoạn đầu chiến dịch tại Ukraine, Nga đã triển khai lực lượng tinh nhuệ cùng hàng trăm xe tăng, thiết giáp tấn công vào thủ đô Kiev. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong số đó đã hứng chịu tổn thất trước sức kháng cự của quân đội Ukraine, vốn được trang bị nhiều loại tên lửa chống tăng hiện đại của phương Tây.
Quân đội Nga bắt đầu rút khu vực ngoại ô Kiev và tỉnh Chernihiv ở miền bắc Ukraine cuối tháng 3/2022, thời điểm phái đoàn hai bên đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này giúp quân đội Ukraine giành lại nhiều khu vực xung quanh Kiev, trước khi mở chiến dịch phản công chớp nhoáng vào cuối năm 2022 để đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tỉnh Kharkov vùng đông bắc và thành phố Kherson ở miền nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6/2023 công bố dự thảo thỏa thuận hòa bình mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine", cáo buộc chính quyền Ukraine hủy thỏa thuận sau khi quân đội Nga rút lực lượng khỏi khu vực Kiev theo cam kết.
Ông chủ Điện Kremlin tháng trước tuyên bố quân đội Nga sẽ mở rộng vùng đệm an toàn, đẩy lực lượng Ukraine khỏi những khu vực do Kiev kiểm soát. "Ranh giới vùng phi quân sự hóa cần đủ xa để bảo đảm an ninh cho lãnh thổ Nga, nhất là đối với các vũ khí do nước ngoài sản xuất thường được Ukraine sử dụng để tấn công những thành phố yên bình của chúng ta", ông nói.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố sẽ tìm mọi cách để đẩy lực lượng Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, cũng như đặt mục tiêu giành lại Crimea, bán đảo Nga sáp nhập năm 2014.
Quân đội Ukraine từ tháng 6/2023 mở chiến dịch phản công quy mô lớn để giành lại lãnh thổ, nhưng không thể vượt qua được phòng tuyến kiên cố của Nga, khiến chiến trường rơi vào bế tắc. Sau khi Ukraine ngừng phản công, Nga củng cố lực lượng, tiến hành phản kích ở nhiều khu vực nhằm giành lại thế chủ động.
Lực lượng Nga ngày 17/2 kiểm soát hoàn toàn Avdeevka, thành trì chiến lược ở Donetsk mà họ đã dồn lực tấn công từ tháng 10/2023. Đây là thắng lợi lớn nhất mà quân đội Nga giành được kể từ khi kiểm soát thành phố Bakhmut hồi tháng 5/2023.
Chiến thắng này được cho là sẽ giúp Nga tăng đáng kể sĩ khí cho lực lượng, ngay trước thềm kỷ niệm hai năm chiến sự nổ ra ở Ukraine vào ngày 24/2. Đây cũng có thể là diễn biến mang tính bước ngoặt, góp phần thay đổi cục diện chiến trường, trong bối cảnh quân đội Ukraine ngày càng suy kiệt về lực lượng và khí tài, phải chuyển sang thế phòng ngự trên khắp chiến tuyến.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng diễn biến tại Avdeevka cho thấy Nga đã phá vỡ thế bế tắc chiến trường và đang chuyển sang thế tiến công trên toàn chiến tuyến. Ông cho rằng việc Mỹ chậm trễ phê duyệt gói viện trợ 60 tỷ USD sẽ khiến Ukraine đối mặt nhiều khó khăn hơn và có thể mất thêm lãnh thổ trước đà tiến của Nga.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)