"Cuộc đấu này có cái giá không hề rẻ. Nhưng cái giá phải trả nếu chúng ta chịu thua sẽ còn lớn hơn nhiều", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28/4, đồng thời đề xuất Mỹ huy động gói ngân sách 33 tỷ USD để gửi vũ khí và hỗ trợ Ukraine.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Mỹ, gói ngân sách 33 tỷ USD hỗ trợ Ukraine sẽ bao gồm 20 tỷ USD cho hỗ trợ quân sự và an ninh, mua sắm vũ khí và đạn dược. Khoảng 8,5 tỷ USD dành cho hỗ trợ kinh tế, giúp Kiev giải quyết "khủng hoảng tức thời", và ba tỷ USD viện trợ nhân đạo và giải quyết cú sốc giá nguồn cung lương thực toàn cầu.
Gói ngân sách này phải chờ quốc hội Mỹ thông qua. Dù viện trợ Ukraine là đề tài được lưỡng đảng ủng hộ, tương lai gói viện trợ vẫn mơ hồ do hai phe Dân chủ và Cộng hòa đang tranh cãi về gói ngân sách 22,5 tỷ USD ứng phó Covid-19 do ông Biden vừa đề xuất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong tại Nhà Trắng ngày 28/4. Ảnh: AFP.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định đội ngũ của Tổng thống sẽ dồn toàn lực thúc đẩy để quốc hội thông qua gói ngân sách hỗ trợ Ukraine. Bà nói ông Biden công bố đề xuất gói viện trợ Ukraine nhằm trực tiếp chứng tỏ quyết tâm. Ông dự kiến thăm tiếp tục thúc đẩy vấn đề này trong chuyến thăm nhà máy của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin tuần tới.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói rằng cứ mỗi xe tăng Nga mà quân đội Ukraine phải đối phó, Lầu Năm Góc đã hỗ trợ cho Kiev 10 vũ khí chống tăng. Tuy nhiên, ông bác bỏ lập luận từ giới chức Moskva rằng xung đột không chỉ gói gọn trong Ukraine mà Nga đang đối đầu cả phương Tây.
"Chúng ta không tấn công nước Nga. Chúng ta đang hỗ trợ Ukraine tự vệ trước chiến dịch của Nga", ông nói.
Chủ nhân Nhà Trắng đồng thời chỉ trích các phát biểu thời gian qua của giới lãnh đạo Nga về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Ông gọi đó là tín hiệu Điện Kremlin đang "tuyệt vọng" trước viễn cảnh sa lầy ở chiến trường Ukraine.
"Không ai được phép bình luận vô cớ về sử dụng vũ khí hạt nhân hay khả năng sử dụng chúng. Đây là hành động vô trách nhiệm", ông Biden nhấn mạnh.
Nhận định về động thái Gazprom ngưng cung cấp khí đốt cho hai đồng minh NATO là Bulgaria và Ba Lan, cùng là thành viên Liên minh châu ÂU (EU), Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không để yên cho Nga "dùng đe dọa và tống tiền để thoát các lệnh trừng phạt".
Ông Biden đề xuất Mỹ tăng sức ép lên các cá nhân có sức ảnh hưởng tại Nga, trong đó có giới tài phiệt và quan chức Moskva. Ông cho rằng Mỹ cần có khung pháp lý mới, giúp tăng hiệu quả quá trình tịch thu và xử lý tài sản của tài phiệt Nga ở Mỹ, cho phép thanh lý số tài sản này và bù đắp thiệt hại chiến sự ở Ukraine.
EU đến nay đã đóng băng hơn 30 tỷ USD tài sản liên quan Moskva, trong đó có gần 7 tỷ USD tài sản đắt giá thuộc về các tài phiệt Nga như du thuyền, bất động sản và trực thăng. Mỹ đã "trừng phạt và phong tỏa thuyền và máy bay với tổng trị giá hơn một tỷ USD, đóng băng hàng triệu USD thuộc giới tinh hoa Nga trong các tài khoản ngân hàng Mỹ", theo thông cáo Nhà Trắng.
Gói dự luật mới nếu được thông qua sẽ siết thêm vòng kim cô pháp lý, ngăn các tài phiệt trong danh sách trừng phạt che giấu tài sản. Nhà Trắng muốn chính phủ Mỹ được quyền tịch thu thêm mọi tài sản được sử dụng nhằm mục tiêu lánh lệnh trừng phạt.
Ông Biden còn muốn tăng quyền cho các công tố viên và cho phép họ mở rộng điều tra rửa tiền từ 5 đến 10 năm, áp dụng luật truy quét thu nhập bất chính của tội phạm có tổ chức cho tội trốn lệnh trừng phạt.
Thanh Danh (Theo AFP)