Đó là ngày cô bỏ quên cô con gái 9 tuổi đang sợ hãi vì ở nhà một mình. Lúc đó, con bé đã không nghe điện thoại của cô.
Là một bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán, Trương Tiếu Xuân phải làm việc liên tiếp nhiều ngày không nghỉ. Bố mẹ và rất nhiều đồng nghiệp của cô đều đã nhiễm nCoV, loại virus đáng sợ đến nay đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng ở Trung Quốc.
Bác sĩ Trương ngước mắt lên, nhưng cô không còn sức để khóc. "Nước mắt của tôi không thể rơi", cô nói trong cuộc phỏng vấn hôm 18/2.
Giống như Trương, các bác sĩ trên tuyến đầu chống Covid-19 trên khắp thế giới giờ đều trong trạng thái quá tải. Hơn 3.000 y bác sĩ Trung Quốc bị nhiễm nCoV và ít nhất 22 người đã chết, theo số liệu chính thức được công bố. Nhiều chuyên gia y tế tin rằng con số thực tế thậm chí cao hơn, vì chưa có số liệu chính xác về các bác sĩ chống Covid-19 ở nhiều nơi khác. Bên cạnh đó là vô số người thân của các nhân viên y tế bị lây nCoV.
Trong cuộc chiến chống nCoV, mỗi ca trực của bác sĩ Trung Quốc kéo dài 10 tiếng hoặc lâu hơn. Họ mặc một bộ đồ bảo hộ duy nhất, không ăn, không uống và hạn chế đi vệ sinh trong suốt thời gian trực, bởi viêc cởi đồ bảo hộ có thể tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Một số nhân viên y tế thậm chí phải yêu cầu hỗ trợ tâm lý để có thể vượt qua căng thẳng.
Trương là một bác sĩ chụp X-quang tại Bệnh viện Trung Nam, cơ sở y tế có 3.300 giường ở trung tâm thành phố Vũ Hán. Cô từng tham gia tuyến đầu chống dịch SARS năm 2003 và sau đó hỗ trợ y tế cho trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008.
Ngày 31/12, Trương bắt đầu kỳ nghỉ và dự định cùng bố mẹ, con gái về quê ở Nội Mông. Nhưng sáng hôm đó, sếp cô gọi và yêu cầu tham gia một cuộc họp khẩn. Hai bệnh nhân ở Bệnh viện Trung Nam bị viêm phổi có triệu chứng giống nhiễm SARS. Tin tức được lan truyền trong bệnh viện rằng căn bệnh bí ẩn này xuất hiện từ một chợ hải sản ở phía tây thành phố.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bệnh viện Trung Nam yêu cầu nhân viên khử trùng mọi ngóc ngách, mở cửa sổ để lưu thông không khí và mặc đồ bảo hộ. Đồng nghiệp của Trương hỏi cô về kết quả chụp X-quang của hai bệnh nhân và cô lo lắng về những gì đã thấy. Cô cảnh báo đồng nghiệp rằng nếu virus truyền từ động vật sang người, nó cũng dễ lây nhiễm từ người qua người. Cô cũng đã nói với bí thư đảng ủy bệnh viện rằng cô lo sợ về một đại dịch khác. Một số người khi đó nghĩ cô đang gieo rắc sợ hãi.
Thiếu vật tư y tế, Trương phải tự chế khẩu trang từ băng gạc cho bố mẹ và con gái, giống cách cô từng làm khi dịch SARS bùng phát. Gia đình cô quyết định hủy kỳ nghỉ.
Vài ngày sau, một kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Trung Nam nhiễm nCoV. Sau đó, ngày càng nhiều người ốm kéo nhau tới bệnh viện. Hàng chục nhân viên y tế ở Bệnh viện Trung Nam nhanh chóng bị nhiễm virus và tình trạng tương tự xảy ra ở các bệnh viện khác trong thành phố Vũ Hán.
Hầu hết thời gian, Trương chỉ ngồi đánh giá phim chụp X-quang của bệnh nhân, một công việc có mức rủi ro thấp, nhưng cũng có những ngày cô phải mặc đồ bảo hộ và tới chăm sóc cho bệnh nhân.
Do sợ mang virus về nhà và công việc cũng quá bận rộn, cô thường ngủ trên ghế sofa ở phòng làm việc. Cô gần như không có thời gian để ăn uống, tắm giặt. Trương cho rằng bố mẹ có thể giúp chăm sóc con gái 9 tuổi vì họ sống cùng nhà. Chồng cô sống và làm việc cách xa đó hàng trăm km nên không kịp trở về nhà trước khi thành phố Vũ Hán bị áp lệnh phong tỏa ngày 23/1.
Thế nhưng sau đó, người mẹ 69 tuổi của Trương đổ bệnh. Cô thuyết phục bố mẹ đi xét nghiệm nCoV. Cả bố mẹ cô đều có kết quả âm tính với nCoV khi làm xét nghiệm axit nucleic, nhưng ảnh chụp CT lại khác.
"Tôi đã nhận ra khi nhìn phim chụp. Tôi thấy lòng nặng trĩu", Trương nhớ lại khi xem ảnh chụp lồng ngực của mẹ. Bố của cô, người miễn cưỡng đi xét nghiệm, còn bị viêm phổi nặng hơn, dù khi đó ông không có triệu chứng rõ ràng nào.
Tất cả bắt đầu thấy lo lắng cho thành viên nhỏ nhất của gia đình, cô con gái 9 tuổi của Trương. Cô rất sợ khi phải kiểm tra cho con, nhưng cô bé động viên: "Chụp đi mẹ. Con sẽ ổn thôi mà". Trương thở phào khi thấy phổi của con hoàn toàn bình thường.
Nhưng cô giờ phải đương đầu với vấn đề nan giải khác khi không có ai chăm con gái, vì chồng ở xa, bố mẹ nhiễm bệnh và cô còn công việc tại bệnh viện, trong khi trường học đã đóng cửa. Không còn cách nào khác, Trương phải viết các hướng dẫn dán ở phòng khách để con gái có thể tự chăm sóc bản thân, trong khi ông bà tự cách ly trong phòng riêng. Cô bé phải học cách hâm nóng cháo và đặt ở cửa phòng cho ông bà.
Khi tình hình của bố mẹ ngày càng xấu đi, Trương đã cố gắng tìm cách giúp họ nhập viện. Giường bệnh hạn chế và giới chức không đồng ý tiếp nhận những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính. Nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, Trương lấy được vài loại thuốc, trong đó có thuốc kháng virus HIV hiện được chỉ định dùng cho bệnh nhân nhiễm nCoV. Nhưng sau khi uống thuốc, bố mẹ cô xuất hiện tác dụng phụ và buồn nôn.
Giới chức sau đó đã thiết lập 10 khu cách ly cho người thân của nhân viên Bệnh viện Trung Nam và Trương phải chạy đua để kiếm được chỗ cho bố mẹ. Tuy ở đây không cung cấp dịch vụ điều trị cho người bệnh, việc kiếm được phòng cho bố mẹ vẫn khiến Trương thấy nhẹ lòng hơn. Dù giới chức thông báo khu cách ly này đã hết chỗ, nhiều người vẫn tuyệt vọng kéo đến đây. Trương thấy thật sự đau lòng.
Sau cuộc hỗn loạn ngày hôm đó, Trương chợt nhớ ra cô con gái nhỏ đang ở nhà. Cô vừa gọi vừa lái xe như bay về nhà. Trong đầu cô tràn ngập cảm giác tội lỗi và vô vọng. Về tới nhà, Trương đẩy cửa vào nhà và thấy đèn đã tắt.
Cô hoảng loạn gọi tên con. Một giọng nói yếu ớt vang lên trong bóng tối khi con gái cô tỉnh ngủ. Cô đói cồn cào vì nhà không còn thức ăn. Kiệt sức, cô chỉ biết nằm xuống và thiếp đi. Con gái cô ăn đồ cô mua rồi hỏi mẹ tại sao luôn phải ở bệnh viện. "Hôm nay con đã rất sợ khi ở nhà một mình", con gái Trương nói.
Cảm giác lúc đó của Trương thật tệ nhưng vẫn cố gắng dỗ dành con. "Con phải khỏe mạnh. Nếu con không khỏe, mẹ thậm chí phải lo lắng nhiều hơn", cô nói.
"Mẹ thật mạnh mẽ và con cũng sẽ như vậy", cô bé nói. Trương ôm con vào giường ngủ và để con nằm xem phim hoạt hình. Cô hiểu mình cần tìm cách để chồng cô có thể trở về Vũ Hán. Hai vợ chồng gửi đơn xin phép chính quyền và hai ngày sau, anh được phép lái xe 14 tiếng về thành phố.
Ngày 3/2, Trương lên mạng xã hội kêu gọi các bệnh viện sử dụng phương pháp chụp X-quang để chẩn đoán Covid-19, thay vì chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm vốn dẫn tới nhiều trường hợp âm tính giả. Cô cũng nâng cao cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm chéo trong gia đình, khuyến nghị chính phủ sử dụng khách sạn và ký túc xá làm nơi cách ly ca nghi nhiễm.
Việc lên tiếng như vậy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Trương và nhiều bạn bè thấy lo lắng cho cô, bởi chính quyền từng khiển trách một số người lên tiếng về nCoV trong những ngày đầu dịch bùng phát.
Ngày hôm sau, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc quyết định sử dụng hình ảnh chụp lồng ngực để chẩn đoán nCoV ở tỉnh Hồ Bắc và hơn 13.000 ca đã được xác định nhiễm nCoV nhờ phương pháp này. Điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều bệnh nhân có cơ hội được điều trị.
Bạn bè báo tin vui cho Trương, nhưng cô lo lắng tình trạng thiếu hụt máy chụp CT ở các cơ sở y tế nên đã kêu gọi sản xuất thêm máy cầm tay. Cô phụ trách việc liên hệ với các cơ sở y tế khác để đảm bảo họ có đủ trang thiết bị.
Dù đã có nhiều tín hiệu khả quan, Trương cảm thấy dịch bệnh này chưa thể chấm dứt trong thời gian ngắn. Bệnh viện của cô phải giám sát ba cơ sở y tế với tổng cộng 5.400 giường. Bệnh viện Trung Nam cũng tìm cách bổ sung 2.000 giường mới. Văn phòng của các bác sĩ giờ cũng được tận dụng làm nơi điều trị cho bệnh nhân nên Trương và đồng nghiệp chuyển tới khách sạn để làm việc và nghỉ ngơi.
Bác sĩ Trương tin rằng các bệnh viện phải mất nhiều tháng để có thể khám chữa cho tất cả những người bị nhiễm nCoV. Sợ lơ là cảnh giác của họ có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh.
Một đêm, Trương trở về khách sạn và xách theo 6 hộp thức ăn cho đồng nghiệp. Cô nói lưng của mình như muốn gãy rời và cô bắt đầu ho không dứt. Một bảo vệ khách sạn đo nhiệt độ cho Trương và hỏi cô về thời gian cô vào khách sạn. Nhưng cô hoàn toàn không nhớ nổi.
"Tôi ổn mà", cô nói với người bảo vệ đang giơ chiếc nhiệt kế trước trán cô. Thân nhiệt của cô bình thường. "Nếu chúng tôi ngã gục, chuyện gì sẽ xảy ra với tất cả mọi người đây", cô nói rồi tiếp tục bước đi.
Thanh Tâm (Theo WSJ)