Belal Abu Zaid, cư dân sống ở miền bắc Dải Gaza, hôm 25/3 xuống đường biểu tình cùng hàng trăm người khác. Ngoài phản đối chiến dịch quân sự của Israel, đám đông bất bình còn hô vang khẩu hiệu phản đối Hamas, điều hiếm khi xảy ra ở dải đất này.
Theo Zaid, Israel phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng khốn khổ của người dân Gaza, nhưng Hamas, lực lượng đang kiểm soát dải đất, cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng.

Những người tham gia cuộc biểu tình yêu cầu chấm dứt chiến sự và phản đối Hamas ở Beit Lahia, phía bắc Dải Gaza, ngày 26/3. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi bị dồn ép bởi cả Israel và Hamas. Hamas phát động chiến dịch ngày 7/10/2023 và giờ đây chúng tôi phải trả giá", ông nói, đề cập đến cuộc đột kích vào lãnh thổ Israel do nhóm này thực hiện hồi năm 2023, làm bùng phát chiến sự đã kéo dài hơn một năm qua tại Gaza.
Trong ngày đầu tiên, nhóm biểu tình Palestine phản đối Hamas tại Beit Lahia, phía bắc khu vực. Ngày thứ hai, làn sóng biểu tình lan sang Deir al-Balah, trung tâm dải đất.
Hình ảnh về cuộc biểu tình hôm 25/3 ở Beit Lahia cho thấy đám đông khá lớn. Họ tuần hành qua các con phố, hô vang khẩu hiệu "Hamas phải ra đi" hay "chúng tôi muốn chấm dứt giao tranh".
Các khẩu hiệu tương tự cũng xuất hiện tại cuộc biểu tình một ngày sau đó ở Deir al-Balah với những tấm biểu ngữ ghi thông điệp như "chúng tôi muốn sống" hay "dừng diệt chủng".
"Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến quân đội Israel rằng hãy chấm dứt đổ máu vì cuộc xung đột đã làm cạn kiệt năng lượng của chúng tôi, khiến chúng tôi mất đi tất cả người thân yêu và bạn bè", Mahmoud Haj Ahmad, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Kamal Adwan, người tham gia cuộc biểu tình ở Beit Lahia, nói. "Thông điệp cuối cùng chúng tôi muốn gửi đến Hamas: Quá đủ rồi, các người đã cai trị quá lâu rồi, hãy cho những người khác cơ hội, để họ đến tiếp quản".
Luật sư Mohamed Atallah, người tham dự cuộc biểu tình ở Beit Lahia, tuyên bố "Hamas không đại diện cho người dân Palestine". "Chúng tôi đã chịu đựng quá đủ với những hỗn loạn mà họ gây ra", ông nói.
Theo chính quyền Israel, hơn 1.200 người đã thiệt mạng trong chiến dịch đột kích của Hamas vào lãnh thổ nước này ngày 7/10/2023 và 251 người bị bắt về Dải Gaza làm con tin. Quân đội Israel sau đó tiến hành chiến dịch đáp trả quy mô lớn, đưa quân tấn công gần như toàn bộ mục tiêu trên dải đất.
Cơ quan y tế do Hamas kiểm soát cho hay chiến dịch của Israel đến nay đã khiến hơn 50.000 người chết tại Gaza, san phẳng nhiều vùng đất rộng lớn và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.
Số người chết những ngày gần đây tăng vọt sau khi lệnh ngừng bắn hai tháng giữa Israel và Hamas sụp đổ và Tel Aviv tái khởi động chiến dịch không kích lẫn tấn công trên bộ tại khu vực.
Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết 90% trong 2,1 triệu cư dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa từ ngày 7/10/2023 đến tháng 1 năm nay.
Nhiều người Palestine không ủng hộ Hamas trước đây thường không lên tiếng chỉ trích công khai nhóm vì sợ bị xã hội tẩy chay, do nhóm này được một số người ở Gaza coi là lực lượng duy nhất có đủ khả năng và tích cực chống lại Israel hơn cả.
Raed Abu Hamouda, cư dân ở phía bắc Gaza, cho biết anh muốn tham gia cuộc biểu tình nhưng không thể đến nơi tập trung. Theo anh, Hamas và các phe phái Palestine khác trên dải đất không lắng nghe tiếng nói của người dân.
"Tiếng nói người dân phải vang lên ngay đầu họng súng", Hamouda nói, thêm rằng người Palestine nên có một chính quyền thống nhất nhận được ủng hộ từ cả quốc tế lẫn khu vực.
"Người dân đã muốn phản đối từ lâu", anh cho biết. Tuy nhiên, nhiều người do dự vì sợ không được bảo vệ trên đường phố và bị những người Palestine khác cáo buộc họ "phản bội".
Hamouda cũng lo ngại chính phủ Israel có thể lợi dụng các cuộc biểu tình nhằm làm suy yếu phong trào của họ.

Đám đông biểu tình tại Beit Lahia hôm 25/3. Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu hôm 26/3 trước quốc hội Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhắc đến những cuộc biểu tình ở Gaza và tuyên bố "các chính sách của chúng ta đang phát huy hiệu quả".
"Những ngày gần đây, chúng ta đang chứng kiến điều chưa từng thấy: Các cuộc biểu tình công khai ở Dải Gaza phản đối Hamas", ông nói.
Hamas ra đời vào năm 1987, là chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm Hồi giáo Sunni được thành lập vào cuối những năm 1920 tại Ai Cập. Là một tổ chức Hồi giáo vũ trang có đường lối cứng rắn với Israel, Hamas đã kiểm soát Dải Gaza kể từ năm 2007 sau khi đánh bại đảng Fatah trong cuộc bầu cử khu vực.
Hamas, giống hầu hết những đảng phái chính trị Palestine khác, tuyên bố họ đang cố gắng giải phóng các vùng lãnh thổ khỏi tay Israel.
Văn phòng truyền thông Hamas nói các cuộc biểu tình phản đối nhóm chỉ mang tính "tự phát" và không phản ánh lập trường chung của toàn bộ khu vực.
"Thay vào đó, chúng xuất hiện do áp lực chưa từng có mà người dân chúng tôi đang phải chịu cũng như những nỗ lực liên tục từ phe chiếm đóng nhằm kích động xung đột nội bộ và đánh lạc hướng chú ý khỏi những tội ác mà họ gây ra", văn phòng tuyên bố.
Abdullah Ahmed, nhà hoạt động đến từ Jabalia, bày tỏ lo ngại Hamas có thể có biện pháp mạnh với các cuộc biểu tình nếu chúng kéo dài. "Mọi người đều sợ hãi và lo lắng khi tham gia các cuộc biểu tình", ông nói.
Ahmed cho hay người dân Gaza đến nay vẫn phải chịu vô số áp lực. Không ít người đã suy sụp khi trở về miền bắc và chứng kiến nhà cửa của họ biến thành đống đổ nát.
"Tại sao họ lại biểu tình vào lúc này ư? Vì con giun xéo lắm cũng quằn", ông nhấn mạnh.
"Hamas là bên duy nhất chúng tôi tác động được", Ammar Hassan, người tham gia cuộc biểu tình hôm 25/3, giải thích. "Biểu tình không thể chấm dứt hành động của Israel, nhưng có thể tác động tới Hamas".
"Cuộc biểu tình không liên quan đến chính trị, mà là về mạng sống con người", Mohammed Abu Saker, người cha ba con cũng tham gia tuần hành hôm 25/3, cho hay. "Chúng tôi muốn ngăn chặn cảnh giết chóc và việc người dân phải di dời bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi không thể ngăn Israel giết chúng tôi, nhưng chúng tôi có thể gây sức ép để Hamas nhượng bộ".
Một thanh niên Palestine 19 tuổi cho hay mẹ anh bị ung thư và em trai đang nằm viện vì căn bệnh bại não. Gia đình anh đã phải sơ tán nhiều lần kể từ khi ngôi nhà của họ bị phá hủy.
"Mọi người đang giận dữ với cả thế giới", trong đó có Mỹ, Israel và Hamas, anh nói. "Chúng tôi muốn Hamas giải quyết vấn đề này, trao trả con tin và chấm dứt mọi chuyện".
Dù vậy, Hamas hiện vẫn có một cơ sở ủng hộ đáng kể ở Gaza. Một người đứng về phía nhóm cho hay ông tin Hamas "vẫn mạnh mẽ" và vẫn còn nhiều người Gaza muốn họ duy trì chiến dịch chống lại Israel.
Ông cũng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của phong trào biểu tình, nói rằng phần lớn người dân Gaza hiện tại khó tham gia vì "dành phần lớn thời gian tìm kiếm thức ăn và nước uống".
Hồi tháng một, ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ Antony Blinken nhận xét rằng Hamas có khả năng "chiêu mộ số tay súng mới gần bằng số đã bị hạ".
"Mỗi lần Israel hoàn thành các chiến dịch quân sự và rút lui, Hamas lại tái tập hợp lực lượng và trỗi dậy", ông phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương chỉ vài ngày trước khi nhiệm kỳ ngoại trưởng kết thúc.
Xu hướng ủng hộ của người dân Gaza đối với cuộc đột kích ngày 7/10 đang dao động trong những tháng gần đây.
Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine thực hiện hồi tháng 6 năm ngoái cho thấy 57% người Gaza tin cuộc tấn công là quyết định đúng đắn, giảm so với mức 71% chỉ ba tháng trước đó.
Khi xung đột kéo dài, mọi điều kiện sống ở Gaza ngày càng xấu đi.
"Yêu cầu của chúng tôi chỉ là được sống không đói khát, nhìn thấy con em mình được giáo dục tốt và không phải chết", Zaid nói.

Vị trí Dải Gaza, Israel và Bờ Tây. Đồ họa: CNN
Khi được hỏi liệu ông có sợ bị trả thù vì đã phản đối Hamas không, Zaid cho biết việc phải sống trong nỗi đau khổ quá lâu khiến ông không còn cảm giác sợ hãi.
"Chẳng có gì phải sợ nữa. Cái chết có thể tới bất cứ giây phút nào", ông nói. "Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cái chết ập đến. Mùi máu tanh ở khắp mọi nơi".
"Quá đủ xung đột rồi, quá đủ mệt mỏi rồi, quá đủ nhục nhã rồi", Zaid quả quyết.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AP, AFP)