9h thứ 7 ngày 3/12, ngay khi mở cửa đón khách, hotline của trung tâm bấm huyệt trị liệu nhận hàng chục cuộc gọi đặt chỗ. Vài phút sau đó, chị Thu Trang (quận 7, TP HCM) - nhân viên một công ty truyền thông có tiếng - có mặt theo lịch hẹn từ trước, dặn dò chuyên viên chú trọng phần vai - cổ - gáy và mô tả cụ thể bộ phận đau nhức.
Vì tính chất công việc, có hôm Thu Trang tăng ca đến 22h, các cơ vai bó lại, ê ẩm từ thắt lưng đến cổ. Mỗi cuối tuần, chị tranh thủ đi massage trị liệu. Tuy nhiên, Trang cho rằng cách này chỉ có thể giúp chị đối phó cơn đau mỏi tức thì, về lâu dài khó dứt điểm, dễ bị phụ thuộc, dẫn đến đau kinh niên, mãn tính.
Tương tự trường hợp của Thu Trang, Nga Trần - 35 tuổi, kế toán viên ở công ty du lịch Thanh Hóa - cũng gặp tình trạng đau vai cổ gáy, ê ẩm thắt lưng, đau đầu, uể oải do ngồi lâu, ít vận động. Ngoài ra, vì nhìn máy tính liên tục suốt 9-10 tiếng mỗi ngày, chị bị một số bệnh về mắt, mờ nhòe, khó thấy rõ chữ.
Theo Vantage Fit, bong gân, căng cơ, cứng cơ khớp, đau lưng, nhức cổ - vai -gáy hay hội chứng ống cổ tay (ngón tay, bàn tay bị đau, tê bì, thậm chí lan rộng cẳng hay cánh tay)... là biểu hiện phổ biến của rối loạn cơ xương. Thuật ngữ này chỉ loạt chấn thương ở cơ, dây thần kinh, gân, khớp, sụn và đĩa đệm cột sống. Đa số dân văn phòng mắc phải triệu chứng này.
Đau đầu là triệu chứng khó tránh khi nhịp độ, áp lực công việc, căng thẳng tái diễn, nhiệt độ văn phòng không mong muốn, thời gian dùng màn hình lâu, lượng caffeine nạp vào quá nhiều, tư thế ngồi không tốt...
Harvard Business Review chỉ ra gần 47 triệu người Mỹ và hơn một tỷ dân toàn cầu bị chứng đau nửa đầu, đạt đỉnh điểm trong những năm làm việc hiệu quả nhất (25-55 tuổi). Ngồi sai tư thế, ánh sáng không phù hợp cũng có thể gây căng thẳng, dẫn đến đau nửa đầu.
Lê Thị Thủy - 28 tuổi, chuyên viên mảng tín dụng ở một ngân hàng ở Huế - đối mặt chứng đau nửa đầu từ đầu năm nay, đi khám và uống thuốc nhưng không thuyên giảm vì vẫn phải tăng ca liên tục. Chị tiết lộ nhiều hôm đứng dậy đi uống nước bị choáng váng, ngã sóng soài vì quá đau đầu.
"Tôi mới 28 tuổi mà 'đủ thứ bệnh', từ đau nửa đầu, nhức vai - cổ - gáy, mắt khô. Năm ngoái, tôi thậm chí phải phẫu thuật cắt trĩ. Một số đồng nghiệp của tôi lo bị thận vì nhịn đi vệ sinh, không thể dứt công việc", chị Thủy cho biết.
Nỗi lo "đủ thứ bệnh" không chỉ riêng chị Thủy, mà là tâm sự chung của nhiều chị em văn phòng. Chị Bích Ngọc - 42 tuổi, làm văn thư ở thư viện - muộn phiền vì bụng ngày càng to, tăng cân không kiểm soát, thường bị bạn bè trêu "trông như béo phì". Chị nói ước có thể "tống khứ" mấy cân mỡ thừa, lấy lại vòng hai thon gọn như thời son rỗi. "Tôi muốn tập yoga, gym nhưng đành chịu vì công việc cuốn trôi thời gian, về đến nhà phải cơm nước, dọn dẹp, dạy hai bé học bài".
Trong khi đó, Thảo Bích - 34 tuổi, làm phòng giáo vụ tại một trường đại học ở TP HCM - tiết lộ thường gặp tình trạng mỏi mắt, suy giảm thị lực. "Gần đây mắt tôi tăng độ, hay có cảm giác bị con ruồi bay qua, khô rát. Tôi đã bổ sung vitamin A nhưng không giảm, chắc một phần do lão hóa. Thực ra, không riêng dân văn phòng, nhiều người đối diện bệnh về mắt vì xem điện thoại, ipad, máy tính liên tục.
Theo Vantage Fit, ngoài chứng bệnh thường thấy trên, chốn công sở chứa đầy vi khuẩn, virus, từ điện thoại, máy tính bàn, laptop, con chuột, bàn ghế đến các ngóc ngách tòa nhà. Một số nhân viên có thói quen nhai hoặc ăn tại bàn làm việc. Khi dọn dẹp, họ có thể vô tình bỏ sót một hoặc hai chỗ, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe.
Các công ty không thực hiện đúng quy trình vệ sinh thực phẩm cũng gây mối đe dọa cho nhân viên. CDC ước tính mỗi năm có 48 triệu người mắc bệnh, 128.000 ca phải nhập viện và 3.000 trường hợp tử vong do các bệnh từ thực phẩm tại Mỹ.
Để tránh bệnh tật, nhân viên văn phòng nên chủ động chăm sóc sức khỏe bằng nhiều cách. Theo đó, người lao động nên cho mắt nghỉ giải lao vài phút, không nhìn máy tính quá lâu, ngồi đúng tư thế. Tập động tác duỗi tay, yoga ngay tại ghế.
Các chuyên gia khuyên mọi người áp dụng quy tắc 20-20-20 để giảm mỏi mắt. Tức cứ sau 20 phút làm việc với màn hình máy tính, bạn dừng lại và hướng mắt vào các vật thể cách xa 20 feet (tương đương 6 m) trong 20 giây.
Điều chỉnh ánh sáng màn hình, đèn điện hợp lý, tránh để mắt phải căng ra để nhìn. Có thể dùng thuốc nhỏ mắt nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Nên trang bị chất khử trùng bề mặt và nước rửa tay. Đồng thời chú ý vệ sinh tay sạch sẽ sau mỗi lần đi toilet.
Các nghiên cứu cho thấy mất nước nhẹ cũng có thể dẫn đến đau đầu. Do đó, cần uống đủ 1,5 lít nước mỗi ngày. Nhẹ nhàng xoa bóp hai bên thái dương có thể giảm nhẹ cơn đau.
Nhân viên văn phòng có thể tham khảo một số thực phẩm, sản phẩm tốt cho trí não. Điển hình là nước cốt gà Brand's - thức uống chiết xuất từ thịt gà hầm của tập đoàn Suntory Nhật Bản, chứa thành phần hoàn toàn từ tự nhiên, dễ hấp thu. Sản phẩm giàu Carnosine - dưỡng chất cần thiết được chứng minh tăng cường sức khỏe trí não gồm: cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng khả năng tập trung khi học tập, làm việc. Có thể uống trực tiếp (hâm nóng cho dễ uống) hoặc dùng chung với canh, súp...
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ban lãnh đạo nên ưu tiên nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nhân viên, duy trì hoạt động khám sức khỏe định kỳ, có chế độ đãi ngộ hợp lý, phân phối công việc phù hợp để tránh tăng ca tràn lan.
Ngoài ra, Vantage Fit cho rằng cấp lãnh đạo có thể lắp đặt phòng tập thể dục tại văn phòng, khuyến khích nhân viên tập các bài đơn giản; cung cấp các bữa ăn dinh dưỡng tại văn phòng; nhắn nhủ nhân viên tránh xa các thiết bị điện tử bất cứ khi nào có thể. Đồng thời, nên thực hiện đánh giá định kỳ tại nơi làm việc để theo dõi mức độ bức xạ.
Đông Vệ