Thông báo về lệnh ngừng bắn tại Lebanon giữa Israel và Hezbollah vào sáng 27/11 đã tạo ra cảm xúc lẫn lộn ở Dải Gaza, nơi cuộc xung đột giữa lực lượng Israel và Hamas nổ ra từ tháng 10 năm ngoái vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nhiều người coi đây là bước mở đầu tiềm năng cho hòa bình, nhưng số khác lại lo ngại rằng việc chấm dứt giao tranh với Hezbollah ở miền bắc sẽ cho phép quân đội Israel dồn nguồn lực xuống phía nam, leo thang các cuộc tấn công tại Gaza.
Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ, Pháp làm trung gian đã ngăn chặn cuộc xung đột tàn khốc đã giết chết hơn 3.700 người giữa Israel với Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Lebanon.
Hezbollah bắt đầu giao tranh với Israel từ tháng 10 năm ngoái để bày tỏ sự ủng hộ với Hamas, sau khi quân đội Israel mở chiến dịch tấn công Dải Gaza. Các cuộc đụng độ, tập kích qua lại giữa Israel và Hezbollah leo thang thành xung đột toàn diện từ tháng 9. Lệnh ngừng bắn được kỳ vọng sẽ giúp hai bên chấm dứt 14 tháng giao tranh, mang lại khoảng thời gian yên tĩnh cần thiết để người dân sống gần biên giới hai nước trở về nhà.
Các bên trung gian cũng đã tiến hành nhiều nỗ lực ngoại giao hướng tới lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhưng chưa mang lại kết quả nào. Xung đột đến nay đã khiến khoảng 44.300 người thiệt mạng, khiến phần lớn dân số Gaza phải sơ tán và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lan rộng.
Dù vậy, một số người dân ở dải đất vẫn bám víu vào hy vọng rằng lệnh ngừng bắn ở Lebanon có thể mở đường cho một thỏa thuận tương tự tại Gaza.
"Chiến lược của Israel luôn là tách biệt các mặt trận, từ chối một thỏa thuận toàn diện", Mohammed Abu Sam'an, cư dân Gaza đã phải sơ tán đến Khan Younis, nói. Ông tin rằng sau khi giải quyết được vấn đề ở mặt trận Lebanon, Israel giờ đây sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận ở Gaza theo các điều khoản có lợi cho họ.
"Israel hiện có thể tập trung vào Hamas, coi đây là một bên bị đánh bại, dễ kiểm soát, từ đó tìm kiếm một thỏa thuận theo cách của họ", ông cho hay. "Những gì Hezbollah đã làm là khôn ngoan vì nó ngăn chặn đổ máu và tàn phá thêm nữa, chấm dứt làn sóng bạo lực dường như vô tận".
Hamas đã bày tỏ cam kết hợp tác với bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn ở Gaza sau khi thỏa thuận giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực. Nhóm cho biết mọi thỏa thuận về Gaza phải bao gồm lệnh ngừng bắn hoàn toàn, lực lượng Israel rút khỏi vùng đất, người dân sơ tán được trả về nhà và tù nhân được trao đổi đầy đủ.
Người phát ngôn của Hamas tại Lebanon Walid Al Kilani cho rằng thỏa thuận đạt được với Hezbollah cũng có thể gây áp lực để Israel hướng tới lệnh ngừng bắn tương tự ở Gaza.
Những người khác ở Gaza lại tỏ ra kém lạc quan hơn về triển vọng ngừng bắn và cảm thấy bị bỏ rơi khi không còn được Hezbollah "chia lửa". Nhiều người lo sợ Israel sẽ leo thang các hoạt động quân sự tại khu vực và đưa lực lượng tham chiến ở Lebanon về Dải Gaza để tăng áp lực tấn công.
"Hiện tại, khi không còn mặt trận trên bộ nào ngoài Gaza, Israel có thể tái triển khai các đơn vị phía bắc để mở rộng những cuộc tấn công tại đây", Yusuf Al Mousa, cư dân tại Gaza City, nói. Ông lo ngại những thành phố khác ở Gaza giờ đây có nguy cơ bị bắn phá dữ dội như những gì đã diễn ra ở miền bắc dải đất, nơi gần như đã biến thành bình địa và bị bao vây từ đầu tháng trước.
"Không ít người dân Gaza từng hy vọng sự ủng hộ của Hezbollah trong 13 tháng qua sẽ giúp chấm dứt giao tranh", nhà phân tích chính trị Mustafa Ibrahim tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nói.
Ông lưu ý rằng những phát biểu cứng rắn gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã làm tăng thêm nỗi lo sợ với người dân Gaza, khi Tel Aviv đang từng bước đạt được các mục tiêu của mình ở dải đất mà không vấp phải quá nhiều tiếng nói phản đối, đặc biệt là từ phía Mỹ.
"Những tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu về việc mở rộng quyền kiểm soát Gaza và các khu định cư Israel rất đáng lo ngại", Ibrahim nói.
Ông cho biết mặc dù các con tin Israel vẫn bị Hamas giam ở Gaza, áp lực quốc tế nhằm giải quyết xung đột hiện còn yếu. Nếu không có bất kỳ diễn biến lớn nào, Ibrahim tin rằng giao tranh có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Al Mousa cũng bày tỏ nỗi thất vọng tương tự, mong muốn Hezbollah vẫn tiếp tục gây sức ép quân sự với Israel để chia lửa với Gaza cho đến khi xung đột chấm dứt. "Cùng nhau, cả hai mặt trận có thể gây áp lực lên Israel. Chỉ riêng Gaza thì quá yếu và không được trang bị đầy đủ", ông nói.
Trong khi các cuộc không kích của Israel vào Gaza vẫn tiếp diễn, nhiều nguồn tin cho hay những cuộc tiếp xúc cấp thấp giữa nhóm trung gian với lãnh đạo Hamas vẫn diễn ra, nhưng chỉ ở bên ngoài Gaza. Những lãnh đạo Hamas bên trong Dải Gaza đã cắt đứt liên lạc suốt nhiều tuần vì sợ bị Israel phát hiện và truy sát.
"Khó có khả năng lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ sớm đạt được", một nguồn tin nói.
Theo các nguồn tin, thỏa thuận ngừng bắn ở Lebanon sẽ cho phép chính quyền Thủ tướng Netanyahu toàn quyền thực hiện các kế hoạch của mình ở Gaza, như tạo vùng đệm ở phía bắc dải đất và tiếp tục kiểm soát hành lang dọc biên giới Ai Cập - Gaza, trong đó có cả cửa khẩu Rafah.
Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah "cho thấy Gaza là một đứa trẻ mồ côi, không được hỗ trợ và thương xót giữa thế giới bất công", Abdel-Ghani, người cha 5 con sống tại khu vực, nói. "Tôi tức giận với thế giới vì đã không đưa ra được một giải pháp cho cả hai khu vực".
Giới chuyên gia nhận định việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn Israel - Hezbollah mà không có thỏa thuận cho Gaza sẽ là đòn giáng vào Hamas. Giới lãnh đạo Hamas lâu nay hy vọng rằng việc mở rộng chiến sự sang Lebanon sẽ gây áp lực buộc Israel phải đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện. Hezbollah từng tuyên bố sẽ không đồng ý ngừng bắn cho đến khi xung đột ở Gaza kết thúc, nhưng họ đã từ bỏ điều kiện này.
"Chúng tôi từng ôm kỳ vọng rất lớn rằng Hezbollah sẽ kiên định cho đến cùng nhưng có vẻ như họ không thể", Tamer Al-Burai, doanh nhân ở Gaza City đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến sự, cho hay. "Chúng tôi lo ngại quân đội Israel giờ đây sẽ có toàn quyền kiểm soát Gaza".
"Chúng tôi từng tin rằng việc giao tranh mở rộng sang Hezbollah sẽ mang lại một giải pháp cho tất cả, nhưng chúng tôi đã bị bỏ lại đơn độc", Zakeya Rezik, 56 tuổi, nói.
"Quá đủ rồi, chúng tôi đã kiệt sức rồi. Còn bao nhiêu người phải chết nữa trước khi họ chấm dứt giao tranh?", ông đặt câu hỏi. "Chiến sự ở Gaza phải kết thúc, người dân đang bị xóa sổ, chết đói và bị ném bom mỗi ngày".
Vũ Hoàng (Theo National News, AFP, Reuters)