Chị Nguyễn Minh Ngọc, 41 tuổi, hiện là quản lý cấp cao tại một hãng dược nước ngoài tại Việt Nam nhưng "nhiều lúc nghĩ lại không hiểu sao vượt qua được giai đoạn khủng hoảng khi rời nhà nước". Tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược, chị Ngọc được bố mẹ định hướng vào nhà nước để ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình. Năm 2009, chị chính thức trở thành công chức của một tổ chức chính trị xã hội, làm việc tại Hà Nội. Sau nhiều năm nỗ lực, chị được bổ nhiệm phó ban.
Tuy nhiên, năm 2019, tổ chức có nhiều xáo trộn, chị quyết định nghỉ việc vì cảm thấy "không thể ở lại thêm ngày nào nữa". "Sốc nhất là bố mẹ bởi ông bà lo lắng tôi khó thích ứng với bên ngoài nhưng chồng tôi thì ủng hộ", chị Ngọc nhớ lại ngày thông báo nghỉ việc với gia đình cách đây 6 năm.
Quyết tâm rời đi và đã dự liệu sẽ có khó khăn nhưng chị Ngọc không ngờ lại vượt sức tưởng tượng. Trong thời gian làm nhà nước, chị đã tranh thủ lấy được bằng thạc sĩ dược nhưng khi ứng tuyển vào doanh nghiệp bằng cấp chỉ là một phần, kinh nghiệm thực tế, kỹ năng làm việc theo yêu cầu mới là điều doanh nghiệp cần. Chưa kể, khi rời nhà nước chị đã ngoài 35.
"Tình cảnh của tôi lúc đó là quá già để làm một nhân viên mới nhưng để làm quản lý thì mọi thứ là con số 0", chị Ngọc nói. Rải hồ sơ hàng loạt doanh nghiệp nhưng không nơi nào nhận, tâm thế hừng hực khi rời nhà nước không còn thay vào đó là tâm trạng buông xuôi. Chị đã tính đến hướng mở một hiệu thuốc nhỏ "kiếm sống qua ngày". Tuy nhiên, cơ hội đến khi một hãng dược nhỏ trong nước nhận chị vào vị trí nhân viên, mức lương bằng với một cử nhân mới ra trường.
"Tôi thật sự biết ơn cơ hội đầu tiên đó", chị Ngọc nhớ lại. Trong năm đầu tiên, chị vừa làm vừa học với nỗ lực gấp 4-5 lần người khác. Chồng con dần quen với việc mẹ về trễ, có hôm đến 23h hay đi làm cả cuối tuần. Sau một năm, chị tự tin ứng tuyển vào một hãng dược nước ngoài với mức lương khá hơn. Lần này, chị học cách làm việc ở môi trường hoàn toàn mới, vốn tiếng Anh lâu nay được "hồi sinh". Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, chị có được chỗ đứng trong ngành nên được một hãng dược lớn hơn mời về làm đại diện và gắn bó đến nay.

Chị Dịu trong siêu thị của mình ở Bắc Giang. Ảnh: An Phương
Trong khi đó dù yêu thích công việc của mình nhưng chị Nguyễn Thị Dịu, 32 tuổi, cán bộ kế toán Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên (đơn vị sự nghiệp thuộc Thành đoàn TP HCM), quyết định nghỉ để tìm bước đột phá về thu nhập.
"Tôi cần tiền để lo cho mẹ bệnh nặng và em gái chuẩn bị vào đại học", nữ cán bộ có 10 năm gắn bó với khu vực công, nói. Ý định nghỉ việc của chị bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái khi chị chuyển hướng ra ngoài làm kinh doanh. Nhờ người quen tư vấn và sau hơn một tháng khảo sát, chị quyết định về Bắc Giang, gần khu công nghiệp, trường học để mở siêu thị mini.
Theo chị Dịu, với những người rời nhà nước để làm chủ như chị thì khó khăn lớn nhất là vốn và kinh nghiệm quản lý. Để mở được siêu thị bán quần áo thời trang, đồ gia dụng, nhu yếu phẩm... chị cần vốn lớn để nhập hàng, thuê mặt bằng. Chị hỏi vay người thân, ngân hàng và các tổ chức trợ vốn lãi suất thấp. Hơn 10 năm làm kế toán, thực hiện nhiều dự án của đơn vị đã giúp chị biết cách quản lý tài chính, dễ dàng tiếp cận các phần mềm quản lý.
"Cái khó của tôi là tâm lý hụt hẫng khi rời môi trường ổn định và đến một nơi hoàn toàn xa lạ, phải tự mình vận động, chòi đạp để tồn tại nhưng bù lại những người quen lâu năm đã giúp tôi rất nhiều", chị Dịu nói.
Ông Võ Anh Tuấn, chủ ba công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, giáo dục và xuất khẩu lao động, cho biết doanh nghiệp tiếp nhận nhiều người rời nhà nước về làm việc. Công chức, viên chức gia nhập công ty khá đa dạng gồm người trẻ, giỏi, chủ động nghỉ việc nhưng cũng có người về hưu muốn tiếp tục làm việc. Hiện tại, vị trí cao nhất một cán bộ rời nhà nước đảm nhận ở công ty là phó giám đốc.
Khi tiếp nhận những người từng làm ở khu vực nhà nước, ông Tuấn nhận thấy những cựu cán bộ, công chức sẽ gặp một số cú sốc khi gia nhập thị trường tư nhân. Ví dụ, trong khi nhà nước trả lương theo thâm niên thì tư nhân lại trả theo năng lực, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp. Nhiều cán bộ khi rời nhà nước lương cao nên không chấp nhận được mức lương khởi điểm thấp hoặc thử việc.
Hiện, cả nước "chạy nước rút" thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, dự kiến có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng, theo thông tin được Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói tại hội nghị của Bộ Nội vụ hồi cuối năm ngoái. Trong số này, một số người vừa nhận được trợ cấp vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu ngay, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải tìm việc mới.
Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp sẵn sàng trả 40-50 triệu đồng mỗi tháng cho vị trí quản lý nhưng phải làm được việc, mang lại hiệu quả rõ ràng. Thị trường chỉ khó với người không chịu làm việc, e ngại thay đổi. Người sẵn sàng học hỏi, chấp nhận thử thách thì doanh nghiệp luôn chào đón.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search, cho rằng người rời khu vực công có thể chia làm ba nhóm: Thứ nhất, người được doanh nghiệp săn đón để về giữ các vị trí kết nối với cơ quan nhà nước. Nhóm thứ hai là người giỏi, có năng lực nhưng không phát huy hết khả năng ở nơi công tác. Dù không có mối quan hệ từ trước nhưng nhờ năng lực họ vẫn dễ dàng gia nhập thị trường. Nhóm thứ ba là năng lực bình thường nhưng vì vài yếu tố mà phải rời đi. Những người này muốn gia nhập doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về tư duy, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.
Theo chuyên gia, hai nhóm đầu là lực lượng doanh nghiệp cần, còn nhóm thứ ba có tìm được việc hay không là điều chưa chắc chắn khi đặt trong bối cảnh hiện tại. Mặc dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Khảo sát của Navigos cho thấy dù 50% doanh nghiệp muốn tuyển thêm, mở rộng sản xuất vào năm 2025 nhưng thực tế khó thực hiện. Ngược lại có xu hướng doanh nghiệp tinh giản. Giữa lúc đó, nhu cầu tìm việc của lao động vẫn cao nên nhóm bị tinh giản sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ.

Ứng viên tìm việc trong một ngày hội việc làm ở TP HCM. Ảnh: Lê Tuyết
Đại diện Navigos Search cho rằng nếu thực sự muốn tìm việc nhóm bị tinh giản cần ứng dụng công nghệ để tìm việc làm. Ví dụ như Al có thể giúp ứng viên làm hồ sơ, gợi ý công việc phù hợp, đánh giá mức độ cạnh tranh; tận dụng tất cả các kênh để tìm việc ví dụ như Facebook, các trang web tuyển dụng của chính doanh nghiệp, nhờ người thân, bạn bè giới thiệu; kênh headhunter (săn đầu người).
"Có kênh tiếp cận rồi để được doanh nghiệp chọn không có cách nào khác ngoài dựa vào năng lực và kỹ năng của mỗi người", bà Lan nói. Do đó, mỗi người phải sẵn sàng học tập, nâng cao kỹ năng hoặc phải đào tạo lại. Theo chuyên gia, nếu nhóm bị tinh giản muốn sử dụng nguồn tài chính được hỗ trợ vào học tập, nâng cao năng lực nên chú trọng vào ngoại ngữ, tiếp đến có thể tham khảo nhu cầu việc làm của thị trường để lựa chọn các khóa học.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực tuyển dụng, bà Lan cho rằng để việc học hiệu quả cần xác định thiên hướng, năng lực của bản thân ở lĩnh vực nào để đầu tư, không nên chạy theo thị trường.
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Minh Ngọc cho rằng so với nhà nước áp lực công việc hiện tại lớn hơn rất nhiều "nhưng xứng đáng". Bước ra ngoài giúp mỗi người khám phá ra khả năng của bản thân dù giai đoạn chuyển tiếp phải đánh đổi sức khỏe và thời gian dành cho gia đình để học tập, nỗ lực khẳng định mình. "Hãy xem đó là cú hích để mình bứt phá và trân trọng cơ hội nhỏ nhất", chị Ngọc nói.
Lê Tuyết