Covid-19 hiện đã xuất hiện ở 84 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, kinh tế của nhiều nước, buộc các chính phủ phải đưa ra những chính sách quyết liệt để đối phó.
Kể từ khi dịch khởi phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đầu tháng 12/2019, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch mạnh tay như hạn chế đi lại, thiết lập những khu cách ly lớn và phong tỏa hoàn toàn nhiều thành phố.
Một phòng cách ly bệnh nhân nCoV ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nước này cũng huy động các đội tự quản, tình nguyện viên ở mọi phường xã, thực hiện một trong những chiến dịch kiểm soát xã hội lớn nhất lịch sử, ảnh hưởng đến khoảng 780 triệu người. Mục tiêu của chiến dịch là khiến người dân tại các khu dân cư, làng xã hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc nhau, ngoại trừ người thân thích trong gia đình, nhằm chống dịch đang hoành hành.
Mặc dù Trung Quốc có rất nhiều công cụ giám sát công nghệ cao, các biện pháp kiểm soát dịch chủ yếu vẫn do hàng trăm nghìn nhân viên cộng đồng và thành viên đội tự quản thực hiện. Họ kiểm tra thân nhiệt của người dân, ghi chép hoạt động đi lại, giám sát cách ly và nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn chặn những người đến từ vùng khác có thể mang nCoV.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay tính đến 2/3, chính quyền các cấp ở nước này đã chi tổng cộng 108,75 tỷ nhân dân tệ (15,58 tỷ USD) từ các nguồn quỹ đặc biệt để ứng phó với Covid-19.
Đến nay, nỗ lực dập dịch của Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả bước đầu khi số ca nhiễm mới và tử vong liên tục giảm. Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 119 ca nhiễm mới và 38 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với con số hàng nghìn ca nhiễm mới và số tử vong lên đến hơn 100 cách đây vài tuần.
Chính quyền Bắc Kinh ngày 3/3 tuyên bố toàn bộ du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Italy sẽ buộc phải cách ly 14 ngày. Trước đó, thành phố Thượng Hải cũng thông báo sẽ buộc các du khách đã đi qua những quốc gia có "tình hình dịch bệnh tương đối nghiêm trọng" phải thực hiện biện pháp cách ly tương tự. Đây được xem là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tránh "lây ngược" nCoV từ các quốc gia khác.
Ở Trung Đông, Iran là nước có số người chết cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Tính đến 4/3, Iran ghi nhận hơn 2.300 ca nhiễm nCoV, trong đó có 77 ca tử vong.
Iran phát hiện các ca nhiễm nCoV đầu tiên ở thành phố Qom hôm 19/2, số ca bệnh sau đó tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, chính phủ nước này bị cho là còn chủ quan trong công tác phòng Covid-19 khi không có kế hoạch phong tỏa các thành phố hay thị trấn nơi dịch đã lan tới. Tại tâm dịch Qom, dù nhà chức trách khuyến cáo người dân không tụ tập đông người, những nhà thờ Hồi giáo, nơi thường xuyên đón tiếp các tín đồ, vẫn mở cửa.
Tình hình sau đó trở nên nghiêm trọng hơn, khi nhiều quan chức cấp cao Iran dương tính nCoV, trong đó có Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi. Một thành viên hội đồng cố vấn cho Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 3/3 cũng qua đời vì nhiễm virus.
Tuy vậy, Lãnh tụ tối cao Khamenei vẫn cho rằng tình hình dịch hiện không quá nghiêm trọng và hối thúc người dân tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh cá nhân do giới chức y tế khuyến cáo. "Đây chỉ là vấn đề nhất thời, không quá đáng lo ngại. Những sự việc như thế này từng xảy ra ở nước ta. Tôi không muốn coi nhẹ tình hình, song không nên phóng đại sự việc", ông nói.
Trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19, Iran hôm qua tuyên bố sẽ tạm thời thả hơn 54.000 tù nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Tuy nhiên, những tù nhân với án tù dài và bị coi là nguy hiểm cho cộng đồng không thuộc diện được phóng thích.
Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cho biết 300.000 nhóm công tác sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ theo dõi và phát hiện các ca nghi nhiễm Covid-19 trên toàn quốc kể từ ngày 2/3. Họ sẽ tới từng nhà để xác định và phát hiện các ca nghi nhiễm sớm nhất có thể để đưa tới các trung tâm y tế.
Ở những tỉnh bị ảnh hưởng, trường học ngừng hoạt động, các trận thi đấu thể thao, sự kiện công chiếu phim, khai trương phòng trưng bày nghệ thuật cũng bị hoãn.
Nhân viên y tế tẩy trùng một nhà thờ Hồi giáo ở Mashhad, Iran, ngày 27/2. Ảnh: Reuters. |
Iran đến nay chưa cấm công dân ra nước ngoài, nhưng một số quốc gia lân cận như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay Iraq đã đóng cửa biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đình chỉ các chuyến bay từ Iran.
Tại Hàn Quốc, nơi ghi nhận số ca nhiễm nCoV nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố phát động "cuộc chiến" chống dịch và đặt tất cả các cơ quan chính phủ trong tình trạng "báo động 24/24".
Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch bổ sung 25 tỷ USD nhằm đối phó dịch. Quốc hội nước này đã thông qua ngân sách bổ sung 9,8 tỷ USD để chống Covid-19 và giảm thiểu thiệt hại kinh tế, trong đó 1,9 tỷ USD sẽ được phân bổ để cung cấp thêm thiết bị y tế, giường bệnh và phương tiện điều trị cho bệnh nhân.
Giới chức đã xét nghiệm sẽ mở rộng xét nghiệm nCoV với người dân ở tâm dịch Daegu sau khi đã hoàn tất xét nghiệm các tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa có triệu chứng nhiễm virus.
Giới chức thành phố Seoul đang đề nghị điều tra giáo chủ Lee Man-hee cùng 11 lãnh đạo Tân Thiên Địa về tội giết người cùng các tội danh hình sự khác. Họ tin rằng Tân Thiên Địa đã góp phần khiến số người chết vì dịch Covid-19 gia tăng khi ban đầu từ chối giao nộp danh sách đầy đủ thành viên của giáo phái cho chính quyền.
Chính quyền Daegu đã yêu cầu 2,5 triệu dân không ra khỏi nhà, đóng cửa trường mẫu giáo và tạm hoãn lệnh nhập ngũ với người trong thành phố. Giới chức y tế kêu gọi người dân trên cả nước giữ khoảng cách với người khác và tránh tụ tập đông người, như những buổi lễ tôn giáo hoặc biểu tình vào cuối tuần.
Hàn Quốc đồng thời sẽ hoãn khai giảng năm học mới tại tất cả các trường trong hai tuần, học sinh tiếp tục nghỉ học đến ngày 23/3. Bộ Giáo dục thông báo sẽ cung cấp sách giáo khoa điện tử và các lớp học trực tuyến nhằm giúp học sinh không bị chậm tiến độ hay hổng kiến thức.
Tại Nhật Bản, quốc gia đang ghi nhận 331 ca nhiễm và 6 người chết vì nCoV, ngoài những biện pháp phổ biến như cách ly bắt buộc, hủy các sự kiện tụ tập đông người hay tuyên truyền cách phòng dịch, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang kêu gọi toàn dân hợp tác đẩy lùi Covid-19.
Tuần trước, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ đóng cửa trường học trên cả nước, tuy nhiên động thái này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Nhiều người cho rằng việc đóng cửa trường học sẽ làm xáo trộn cuộc sống của họ, đồng thời đây không phải biện pháp hiệu quả giúp ngăn dịch.
"Đây dường như là một biện pháp thực sự cực đoan và đột ngột", Chelsea Szendi Schieder, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo, đánh giá. "Tác động của nó đối với người dân và cuộc sống thường nhật của họ sẽ là rất lớn và tôi không chắc nó đáng để thực hiện, xét về mặt sức khỏe cộng đồng".
Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, cho rằng đóng cửa trường học không phải biện pháp đảm bảo y tế tốt. "Về cơ bản, trẻ em không dễ bị nhiễm nCoV và ngay cả khi bị nhiễm, chúng hiếm khi gặp biến chứng nghiêm trọng", ông nói.
Toshihito Kumagai, tỉnh trưởng tỉnh China, phía đông thủ đô Tokyo, cho biết ông thấy sốc trước đề xuất đóng cửa trường học và lo lắng cho khả năng ứng phó của những bậc cha mẹ làm các nghề như bác sĩ, nhân viên xã hội, cảnh sát hay cứu hỏa. "Xã hội sẽ xáo trộn", ông cảnh báo.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 29/2, Thủ tướng Abe nhấn mạnh chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ cho những phụ huynh phải nghỉ việc ở nhà trông con vì trường học đóng cửa.
Chính phủ Nhật sẽ tăng số giường bệnh có sẵn từ 2.000 lên 5.000 tại các bệnh viện được chỉ định điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV, trong trường hợp số ca nhiễm tăng mạnh. Ông Abe cũng khẳng định sẽ nỗ lực tăng cường năng lực xét nghiệm quốc gia và cho phép bảo hiểm y tế trang trải chi phí liên quan đến xét nghiệm nCoV.
Binh sĩ Hàn Quốc mặc đồ bảo hộ thực hiện công tác tẩy trùng tại làng Guryong ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/3. Ảnh: Reuters. |
Tại Italy, khu vực phía bắc nước này, đặc biệt là vùng Lombardy và Veneto, đang là tâm dịch Covid-19 ở châu Âu. Italy đến nay ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm và hơn 100 ca tử vong vì nCoV. Để ngăn dịch lây lan, Italy đã phong tỏa 11 thị trấn, đóng cửa các trường học, các công ty yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà và nhiều nhà hát, quán bar, rạp chiếu phim cũng ngừng hoạt động.
Chính quyền Venice cũng quyết định hủy hai ngày cuối của lễ hội Carnival, vốn thu hút hàng nghìn người tham gia mỗi năm. Bên cạnh đó, một phần khu vực phía nam Milan, nơi ghi nhận các ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Italy, đã được cách ly.
Ở những khu vực còn lại, nhà chức trách đang ráo riết thực hiện các biện pháp ngăn ngừa như thường xuyên khử trùng nơi công cộng và tuyên truyền, giáo dục người dân cách tự bảo vệ.
Giới chức y tế Italy ở tuyến đầu đang gặp vất vả trong việc đối phó với số lượng ca nhiễm tăng quá nhanh. Một bác sĩ vùng Lombardy mô tả Covid-19 như "sóng thần" càn quét bệnh viện của anh, khi hơn 100 trong 120 ca nhiễm nCoV bị biến chứng viêm phổi.
Theo Chủ tịch Viện Y tế Quốc gia Italy Silvio Brusaferro, tuần này sẽ là thời điểm quyết định để đánh giá các biện pháp mà chính phủ thực hiện nhằm chống nCoV có đạt hiệu quả hay không.
"Nếu số ca lây nhiễm giảm trong 7 ngày tới, điều đó có nghĩa biện pháp phong tỏa cùng những biện pháp phối hợp khác đã phát huy tác dụng", ông nói với báo La Repubblica ngày 1/3.
Chính phủ Mỹ đầu tháng trước tuyên bố nCoV gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và cấm nhập cảnh với công dân nước ngoài không có thân nhân Mỹ hoặc thường trú nếu tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Hôm 25/2, Mỹ nâng mức cảnh báo đi lại tới Hàn Quốc, yêu cầu người Mỹ nên đến nước này nếu không thực sự cần thiết, do có sự "lây lan rộng khắp trong cộng đồng".
Tổng thống Donald Trump hôm 1/3 cho biết tất cả hành khách từ những nước có nguy cơ lây nhiễm nCoV cao đến Mỹ sẽ được kiểm tra trước khi lên máy bay và sau khi hạ cánh. Tuy nhiên, ông không nêu rõ tên quốc gia.
Hãng hàng không Delta Air Lines cùng ngày thông báo sẽ hoãn các chuyến bay tới Milan, phía bắc Italy, đến tháng 5. American Airlines trước đó một ngày có động thái tương tự.
Bộ Y tế cho biết Mỹ hiện có 75.000 bộ xét nghiệm nCoV và sẽ "nhanh chóng" gia tăng số lượng trong những tuần tới.
Phó tổng thống Mike Pence, người dẫn dắt nỗ lực chống nCoV của chính phủ Mỹ cho hay chính phủ đã ký hợp đồng với một công ty để sản xuất thêm 35 triệu khẩu trang mỗi tháng. Ông kêu gọi người dân Mỹ hạn chế mua khẩu trang vì theo ông, các nhân viên y tế là những người cần chúng nhất.
Washington đang cân nhắc đóng cửa biên giới phía nam với Mexico nhằm ngăn chặn nCoV lây lan. Mexico đến nay ghi nhận 4 ca nhiễm nCoV.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, NYTimes, Washington Post, AFP)