Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 ký ban hành luật viện trợ nước ngoài, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Động thái của ông Biden diễn ra chỉ vài tiếng sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật vốn đã bế tắc suốt 6 tháng này.
Đây được đánh giá là gói hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng với Ukraine, quốc gia đang cạn kiệt nguồn lực để cản đà tiến quân của Nga, đặc biệt ở chiến trường miền đông. Mỹ là nước viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát và việc mất nguồn cung vũ khí, đạn dược từ Washington có thể đẩy Kiev vào nguy cơ thua trận.
Ông Biden đã sớm tìm cách thuyết phục quốc hội về gói viện trợ này, tận dụng bài phát biểu tại Phòng Bầu dục hồi giữa tháng 10 năm ngoái để gắn cuộc chiến ở Ukraine với chiến dịch chống Hamas của Israel. Ông cho rằng cả Hamas và Nga đều đang tấn công vào một quốc gia có chủ quyền là đồng minh, đối tác của Mỹ.
"Chúng ta không thể để những tranh cãi đảng phái nhỏ nhặt, bất bình chính trị cản đường thực hiện trách nhiệm nước lớn của Mỹ", ông Biden nói.
Ngày 20/10, ông Biden bắt đầu đưa ra yêu cầu khẩn cấp về gói viện trợ nước ngoài quy mô lớn, trong đó có hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel, 10 tỷ USD viện trợ nhân đạo và bổ sung ngân sách cho an ninh biên giới Mỹ.
Chưa đầy một tuần sau, Nhà Trắng phải đối mặt với nhiệm vụ thuyết phục tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người mà họ tương đối xa lạ và trước đó từng bỏ phiếu phản đối ủng hộ Ukraine.
Trước khi được phe Cộng hòa bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson là một nghị sĩ không mấy nổi bật đến từ bang Louisiana, chưa từng được nghe báo cáo tình báo cấp cao hay gặp Tổng thống Biden.
Hôm 25/10/2023, một ngày sau khi nhậm chức, ông Johnson cùng ba thành viên ủy ban Hạ viện về an ninh quốc gia tới Nhà Trắng gặp cố vấn cấp cao của ông Biden để trao đổi về các mối đe dọa trên thế giới, chủ yếu đề cập vấn đề Ukraine. Là người chưa có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại, Johnson lúc này phản đối mọi nỗ lực nhằm viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Biden chỉ đạo nhóm cố vấn, trợ lý tận dụng mọi cơ hội có thể để giải thích cho tân Chủ tịch Hạ viện về hậu quả nghiêm trọng nếu ông không hành động. Ông đặc biệt kêu gọi các trợ lý tập trung xây dựng bức tranh tình báo đầy đủ về tình hình chiến trường Ukraine trong các cuộc trao đổi với Chủ tịch Hạ viện. Đồng thời, họ cũng được chỉ đạo thảo luận về những tác động với an ninh quốc gia Mỹ và châu Âu nếu Tổng thống Vladimir Putin thành công trên chiến trường Ukraine.
Trong cuộc họp tại Phòng Tình huống Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young thông báo cho ông Johnson về thực trạng viện trợ đáng báo động ở Ukraine, khiến nỗ lực chống Nga gặp nhiều khó khăn. Tổng thống Biden đã ghé qua và gặp ông Johnson bên lề cuộc họp để truyền tải những thông điệp tương tự.
Bốn ngày sau, Sullivan tiếp tục gọi điện cho Johnson để thảo luận về các biện pháp hiện có giúp Mỹ theo dõi nguồn viện trợ ở Ukraine. Song Johnson nhanh chóng nói rõ rằng các khoản hỗ trợ dành cho Ukraine và Israel cần phải tách riêng, không thể gộp chung trong gói viện trợ dự kiến. Phe Cộng hòa muốn ưu tiên cho vấn đề trong nước, đặc biệt là an ninh biên giới.
Đội ngũ cố vấn Nhà Trắng rất bức xúc với yêu cầu này, nhưng Tổng thống Biden yêu cầu họ không công kích Johnson, thay vào đó tập trung vào mục tiêu lớn hơn là thuyết phục đảng Cộng hòa hành động.
"Tổng thống liên tục nói 'hãy tiếp tục trao đổi và làm việc đi', ý là tìm cách giải quyết những bất đồng. Đó là chỉ đạo của ông ấy", Steve Ricchetti, cố vấn của Tổng thống Biden, kể.
Ông Biden yêu cầu nhóm trợ lý giữ liên lạc thường xuyên với Johnson, Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện Hakeem Jeffries, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, thành viên Cộng hòa ủng hộ nhiệt tình viện trợ cho Ukraine.
Ricchetti và Shuwanza Goff, giám đốc phụ trách các vấn đề lập pháp, đóng vai trò cầu nối chính giữa Nhà Trắng với Johnson và nhóm của ông. Ricchetti thường xuyên trao đổi với Johnson, cũng như cùng với Goff tới Đồi Capitol để gặp Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 12/2023 và tháng 3 năm nay. Họ cũng thường xuyên thảo luận với trợ lý của Johnson, trong đó có các cuộc họp tại Nhà Trắng và Đồi Capitol.
Các cuộc thảo luận, đàm phán dường như đã khiến ông Johnson bắt đầu thay đổi quan điểm về viện trợ cho Ukraine. "Đột nhiên, ông ấy nhận ra thế giới đang phụ thuộc vào việc này", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul nói. "Đây không phải trò chơi chính trị nhỏ nhặt tại Hạ viện".
Tuy nhiên, dưới áp lực từ cựu tổng thống Donald Trump, nhiều nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện ngần ngại ủng hộ dự luật. Một số người lo ngại họ sẽ khiến Trump, người nhiều lần công khai phản đối viện trợ cho Urkaine, phật ý nếu bỏ phiếu thông qua dự luật.
Để vượt qua trở ngại này, chính quyền ông Biden liên tục tổ chức họp với thành viên Hạ viện về tình hình Ukraine và làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các ủy ban liên quan đến an ninh quốc gia, như McCaul và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Michael Turner.
Giám đốc CIA Bill Burns đã tiếp đón trợ lý của ông Johnson vào cuối tháng 3 để trao đổi về tình hình thảm khốc ở chiến trường Ukraine, khi nguồn đạn dược từ Mỹ cạn kiệt. Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink cũng gặp Johnson và lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện. Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức họp với các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Tại Nhà Trắng, nhóm cố vấn cấp cao của ông Biden tập trung trong phòng của Chánh văn phòng Jeff Zients mỗi sáng để tìm cách nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc bổ sung viện trợ cho Ukraine.
Tình hình trở nên cấp bách hơn sau Lễ Tạ ơn cuối tháng 11/2023, khi Tổng thống Biden kêu gọi các cố vấn thông báo nguồn tài trợ cho Ukraine đang cạn kiệt và quốc hội cần nhanh chóng hành động. Các cố vấn của ông và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gặp lãnh đạo quốc hội để truyền tải thông điệp này.
Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young đã gửi thư tới các nhà lập pháp, cảnh báo Mỹ sẽ "làm tổn hại Ukraine trên chiến trường" nếu nguồn tài trợ không được phê duyệt. Nhà Trắng thậm chí mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Mỹ vào giữa tháng 12 để trực tiếp thuyết phục Johsnon.
Tuy nhiên, ông Biden dường như cũng thừa nhận con đường viện trợ đầy khó khăn phía trước khi gặp ông Zelensky tại Nhà Trắng, nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho nước này "miễn là chúng tôi có thể", thay vì cam kết hỗ trợ Ukraine "tới khi nào còn cần" như trước.
Sau khi năm 2023 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, Tổng thống Biden đã mời Johnson cùng các lãnh đạo quốc hội và ủy ban an ninh quốc gia tới Nhà Trắng để khẩn thiết yêu cầu thông qua viện trợ cho Ukraine. Sullivan và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đã nêu những ví dụ vụ thể về hậu quả có thể xảy ra nếu Ukraine không nhận được viện trợ từ Mỹ.
Song những cuộc trò chuyện đó càng cho thấy chính phủ Mỹ cũng cần hành động để đối phó dòng người di cư ở biên giới phía nam Mỹ, vốn trở thành vấn đề chính trị lớn mà ông Biden cùng trợ lý không thể phớt lờ. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã làm việc suốt nhiều tháng để thảo luận về biện pháp an ninh biên giới cùng với viện trợ cho Ukraine, Israel. Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng cuối cùng đã đạt thỏa thuận vào đầu tháng 2, mở cánh cửa hy vọng thông qua gói viện trợ.
Tuy nhiên, cựu tổng thống Trump cảnh báo các thành viên Cộng hòa rằng việc thông qua dự luật biên giới cứng rắn sẽ chỉ mang lợi ích cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới. Trước áp lực từ Trump, các nghị sĩ Cộng hòa "quay xe", từ chối thông qua biện pháp kiểm soát biên giới mà chính họ đã yêu cầu trước đó, khiến cánh cửa đóng sập lại và thỏa thuận sụp đổ.
"Rất nhiều thành viên của chúng tôi thấy rằng nó chưa đủ tốt. Và sau đó, ứng viên tổng thống của chúng tôi nói ông ấy không muốn chúng tôi làm điều đó và thỏa thuận đã bị loại bỏ", McConnell nói về thỏa thuận an ninh biên giới.
Cuộc họp tại Phòng Bầu dục ngày 27/2 được cho là một trong những bước ngoặt cho nỗ lực cứu vãn gói viện trợ tưởng như "đã chết". Ông Biden đã tiếp tục thảo luận với Johnson và các lãnh đạo quốc hội để thúc đẩy viện trợ cho Ukraine. Ông Burns đã cung cấp những đánh giá về nguy cơ quân đội Ukraine phải đối mặt khi hết đạn dược.
Trong những tuần sau cuộc họp, ông Johnson bắt đầu nhận ra phe cực hữu trong đảng Cộng hòa sẽ không ủng hộ dự luật dù nó có được điều chỉnh đến đâu. Một số nghị sĩ Cộng hòa thậm chí dọa phế truất ông nếu quyết thúc đẩy dự luật viện trợ.
Song vào thời điểm này, Johnson kết luận rằng thông qua dự luật là điều nên làm, ngay cả khi điều đó có thể phải dựa vào phiếu bầu của đảng Dân chủ hoặc ông bị phế truất.
Những báo cáo về tình cảnh chiến trường Ukraine làm gia tăng cảm giác cấp bách ở Washington. Cuộc tập kích của Iran vào Israel ngày 13/4 cũng đã tạo động lực cho sự thay đổi ở Hạ viện.
Một ngày sau cuộc tấn công bằng UAV, tên lửa của Iran vào lãnh thổ Israel, Johnson nói với Jeffries rằng ông sẵn sàng ủng hộ dự luật viện trợ nước ngoài. Ông Biden và Johnson đã nói chuyện qua điện thoại vào ngày hôm sau, khi Chủ tịch Hạ viện thông báo cho Tổng thống Mỹ về kế hoạch thúc đẩy gói viện trợ.
Các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết bức tranh thảm khốc về tình hình Ukraine và hậu quả đối với toàn cầu nếu Kiev thất bại là một phần động lực thúc đẩy Johnson.
"Hãy nhìn xem, lịch sử sẽ phán xét về những gì chúng ta làm. Đây là thời điểm quan trọng đối với thế giới. Tôi có thể đưa ra một quyết định ích kỷ, song tôi đang làm điều mà mình tin là đúng đắn", ông Johnson nói tuần trước.
Nỗ lực của Tổng thống Biden cùng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng đã thành công. Gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD được Hạ viện thông qua ngày 20/4 với sự ủng hộ của 210 thành viên đảng Dân chủ và 101 thành viên đảng Cộng hòa. Ông Biden sau đó gọi điện chia vui với Johnson và Jeffries.
"Chúng tôi đảm bảo các chuyến hàng viện trợ đến Ukraine sẽ bắt đầu trong vài giờ tới", ông Biden tuyên bố sau khi ký ban hành luật.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, CNN, Reuters)