Khi khách sạn 8 tầng Golden Country ở Mandalay sụp đổ vì động đất hôm 28/3, Mut Nang đang cầm điện thoại và đó là điều giúp cô sống sót. Mut Nang kể lại cô vừa trở về bàn làm việc sau giờ nghỉ trưa thì trận động đất xảy ra và 5 tầng trên của khách sạn sập xuống.
"Trời bỗng tối đen và âm thanh lớn truyền đến. Trần nhà sập xuống, khiến đầu tôi bị ép vào bàn và mọi thứ xung quanh rung lắc. Tôi tìm cách rút đầu ra. Tôi nghĩ nếu lúc đó không nhanh chóng làm vậy, tôi sẽ bị nghiền nát", cô nói.
Trong 5 giờ tiếp theo, cô bị mắc kẹt trong bóng tối giữa khung cảnh đổ nát.
"Tôi vẫn cầm điện thoại trong tay và nhờ ánh sáng từ nó, tôi thấy bớt sợ hãi. Tôi cảm nhận được hy vọng khi nghe thấy âm thanh từ bên ngoài, nhưng khi chúng dừng lại, tôi bật khóc. Tôi tự hỏi liệu mình có được cứu không. Tôi đã nhắn tin cho mọi người để nhờ giúp đỡ. Ý nghĩ về cái chết thật đáng sợ", Mut Nang nhớ lại.

Nơi làm việc của Mut Nang ở Mandalay trước và sau động đất. Ảnh: The Times
Đến 18h30 ngày hôm đó, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí của Mut Nang và giải cứu cô. Nhưng không phải ai cũng may mắn như cô sau khi trận động đất 7,7 độ tấn công Myanmar và làm rung chuyển cả khu vực ngày 28/3. Hơn 2.700 người đã thiệt mạng ở Myanmar, con số thương vong có thể tăng cao trong những ngày tới.
Sau hơn 4 ngày tìm kiếm người sống sót, hy vọng ngày càng mong manh. Giới chuyên gia cho biết 72 giờ đầu tiên sau động đất là "thời gian vàng" để tiếp cận và giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Sau khoảng thời gian đó, cơ hội sống sót của những người mắc kẹt suy giảm nhanh chóng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thời tiết, không gian cho tới mức độ thương tích.
Các nạn nhân có nhiều khả năng sống sót hơn nếu họ ở trong không gian đủ an toàn, như dưới gầm một chiếc bàn chắc chắn, để ngăn nguy cơ bị gạch đá, bê tông và các vật sắc nhọn gây thương tích nghiêm trọng, theo nhà địa vật lý Victor Tsai của Đại học Brown ở Mỹ.
Tiến sĩ Joseph Barbera, chuyên gia ứng phó khẩn cấp tại Đại học George Washington ở Mỹ, cho hay trong không gian mắc kẹt tương đối an toàn, yếu tố tiếp theo có thể định đoạt sinh tử của nạn nhân là nguồn nước uống và dưỡng khí.
"Bạn có thể sống sót nhiều ngày mà không cần thức ăn, nhưng thường không thể trụ nổi quá 4 ngày nếu thiếu nước uống", Barbera nói.
Các tòa nhà sụp đổ vì động đất cũng thường sẽ mất điện, nước, khiến người mắc kẹt chỉ có thể trông chờ vào nước đóng chai hoặc bất cứ nguồn nước uống nào mà họ tìm thấy trong không gian chật chội xung quanh. Trong trường hợp họ bị thương, nhu cầu về nước uống sẽ tăng lên, trong khi khả năng vận động, tìm kiếm bị giảm đáng kể.
Nếu tòa nhà sập xuất hiện sự cố hỏa hoạn gây cháy, tạo ra khói độc, cơ hội sống sót của người mắc kẹt gần như bằng không.
Nhiệt độ tại nơi nạn nhân bị mắc kẹt có thể ảnh hưởng tới khả năng sống sót của họ, trong khi nhiệt độ bên ngoài có thể tác động tới nỗ lực cứu hộ. Trong trường hợp thời tiết không quá nóng hoặc quá lạnh, những nạn nhân bị thương nhẹ có thể sống sót trong một tuần hoặc hơn.
Mất điện hay thông tin liên lạc không ổn định cũng có thể cản trở các hoạt động cứu hộ ở Myanmar, nơi lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải làm việc trong cái nóng trên 40 độ C. Việc thiếu máy móc hạng nặng cũng gây ra những hạn chế cho nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trận động đất ở Mandalay ngày 30/3. Ảnh: AP
Tuy thời gian vàng để giải cứu những nạn nhân động đất ở Myanmar đã qua, chuyên gia không hoàn toàn loại trừ khả năng phép màu có thể xảy ra. Một phụ nữ 63 tuổi đã được cứu khỏi tòa nhà sập ở thủ đô Naypyidaw hôm nay, sau 91 giờ bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Hiện chưa có thống kê chính thức về số người sống sót sau động đất ở Myanmar. Truyền thông địa phương cho hay gần 650 người đã được cứu ra khỏi những tòa nhà đổ nát trên khắp cả nước.
Sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, một thiếu niên cùng bà ngoại 80 tuổi được tìm thấy còn sống sau 9 ngày mắc kẹt trong ngôi nhà đổ nát. Một năm trước đó, một cô gái Haiti 16 tuổi được giải cứu khỏi đống đổ nát 15 ngày sau trận động đất tại Port-Au-Prince.
Thùy Lâm (Theo AP, CNN, The Times)