Hãng thông tấn FARS News thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) hôm 31/7 cho hay thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng khi một tên lửa không đối đất phóng từ máy bay nhằm vào căn phòng của ông tại dinh thự đặc biệt cho các cựu binh ở phía bắc thủ đô Tehran rạng sáng cùng ngày.
Giới chức Iran chưa công bố thông tin và hình ảnh hiện trường, song hình ảnh được rò rỉ cho thấy tòa nhà 6 tầng ở ngoại ô Tehran được che bạt, dường như chỉ bị hư hại nhẹ ở một góc tại tầng giữa.
Một số nhân chứng sống gần đó cho biết đã nghe thấy tiếng nổ vào rạng sáng 31/7. Khalil Al-Hayya, phó thủ lĩnh Hamas tại Gaza, nói rằng quả đạn đánh trực tiếp vào Haniyeh và khiến ông thiệt mạng tại chỗ, đồng thời phá hủy tường và các cửa quanh căn phòng.
Những thông tin này có thể là dấu hiệu cho thấy quả đạn đạt độ chính xác rất cao, có thể lao thẳng vào căn phòng qua cửa sổ, sức sát thương cũng chỉ vừa đủ để đoạt mạng Haniyeh và cận vệ Ziad Nakhalah canh gác bên ngoài mà không ảnh hưởng tới những người khác trong cùng tòa nhà.
Điều này khiến giới chuyên gia quân sự đặt ra hàng loạt giả thuyết xoay quanh loại vũ khí được sử dụng để thực hiện đòn tấn công có độ chính xác gần như tuyệt đối như vậy.
Giới chức Iran cáo buộc Israel gây ra vụ ám sát, nhưng chưa công bố bất cứ thông tin nào về chủng loại vũ khí được sử dụng trong vụ tập kích. Giới chuyên gia đều nhất trí rằng đây không phải là mẫu tên lửa cỡ lớn, có sức công phá mạnh.
Hãng tin Al-Mayadeen có quan hệ thân cận với tổ chức Hezbollah ở Lebanon cho hay quả đạn được phóng từ bên ngoài biên giới Iran.
Nếu vụ ám sát được thực hiện bằng tên lửa tầm xa, điều này đặt ra dấu hỏi về việc quốc gia nào trong khu vực có thể cho phép bên tấn công mượn không phận để phóng tên lửa vào Tehran. Đây được coi là điều rất nhạy cảm, bởi đòn tập kích có thể bị coi là hành động tấn công Iran và sẽ bị Tehran đáp trả.
Thiếu tá về hưu Andrew Fox, cựu lính dù Anh và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Jackson có trụ sở tại Mỹ, nhận định để tránh các rắc rối chính trị liên quan đến "mượn không phận", bên tập kích nhiều khả năng phóng tên lửa từ Biển Caspi nằm ở phía bắc Iran.
Vùng biển này nằm cách thủ đô Tehran của Iran hơn 800 km. Để vượt qua được hành trình dài như vậy mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao, tên lửa có thể được trang bị đầu dò laser.
Đây là công nghệ dẫn đường có thể giúp tên lửa thông minh đánh chính xác vào nơi cần tập kích dựa theo tia laser chỉ thị mục tiêu. "Điệp viên nằm vùng của bên tập kích có thể đã xuất hiện ở gần khu nhà, chiếu laser để dẫn đường cho tên lửa nhằm vào đúng vị trí mong muốn", Fox nói.
Ronen Solomon, nhà phân tích an ninh và tình báo Israel, thì nhận định đòn tấn công có thể được phát động trên vùng trời Azerbaijan, do khoảng cách đến Tehran tương đối ngắn.
Không nhiều quốc gia ở Trung Đông sở hữu các loại máy bay và tên lửa đủ hiện đại để có thể khai hỏa từ bên ngoài biên giới Iran và đánh trúng mục tiêu qua cửa sổ một căn nhà. Giới quan sát cho rằng lực lượng duy nhất có thể làm được việc này là quân đội Israel, vốn sở hữu tiêm kích tàng hình F-35I cùng các tên lửa dẫn đường có độ chính xác cực cao.
"Phi đội F-35I Israel từng tiến hành nhiều đòn không kích nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria và Iran. Khả năng tàng hình cũng có thể giúp chúng xâm nhập vùng trời Iran, nhưng ít có khả năng không quân Israel sẵn sàng triển khai loại chiến đấu cơ quý giá này đến gần thủ đô Tehran", chuyên gia Tyler Rogoway viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Fox thêm rằng quân đội Israel sở hữu một số loại tên lửa trang bị đầu dò laser nhưng không mang thuốc nổ, chủ yếu dựa vào động năng để phá hủy mục tiêu. Tên lửa này khi va chạm có thể gây tiếng động lớn và nhiều mảnh văng bắn ra xung quanh, nhưng không tạo luồng sóng xung kích phá hủy công trình. Điều này có thể giải thích về thương vong rất ít và tòa nhà còn khá nguyên vẹn sau đòn tấn công.
Không quân Israel cũng biên chế tên lửa đạn đạo LORA phóng từ máy bay (Air LORA), có tầm bắn hơn 400 km và khả năng vượt qua lưới phòng không dày đặc của Iran, nhưng tốc độ lớn và đầu đạn nổ mạnh nặng gần 600 kg của nó đủ sức đánh sập một phần tòa nhà nơi thủ lĩnh Haniyeh lưu trú.
Máy bay không người lái (UAV) tự sát hoặc tên lửa chống tăng có khả năng tấn công mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn thẳng như Spike NLOS cũng là phương án được đề cập, nhất là với những chiến dịch sâu trong lãnh thổ đối phương.
Những vũ khí như vậy có độ chính xác cực cao, nhưng có tầm bắn ngắn, đòi hỏi đặc vụ vận hành phải xuất hiện gần hiện trường để điều khiển tên lửa nhắm vào mục tiêu. Kíp chiến đấu và trận địa triển khai cũng cần được che giấu đảm bảo bí mật tuyệt đối cho đến thời điểm khai hỏa.
"Bên tập kích có thể sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại mà họ chưa từng công bố. Đòn tấn công tại chỗ sử dụng UAV tự sát hoặc tên lửa dẫn đường tầm ngắn là giải pháp khả thi nhất. Điều đó cũng cho thấy những cuộc tấn công, ám sát đối thủ theo phương thức tương tự có thể diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai", Rogoway nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Reuters, War Zone)