Sau 6 ngày nghỉ nghị án, TAND Hà Nội sẽ ra phán quyết sơ thẩm với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong 12 ngày xét xử, hai người một mực kêu oan là Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an và Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa. Những bị cáo còn lại thừa nhận toàn bộ hoặc một phần hành vi, mong được hưởng khoan hồng.
VKS đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, các bị cáo là quan chức và chủ doanh nghiệp đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.
Cựu thư ký thứ trưởng Y tế có được giảm nhẹ hình phạt?
Bộ Y tế là một trong 5 Bộ tham gia tổ công tác thực hiện đưa công dân về nước. Tại đây, Cục Y tế dự phòng được giao nhiệm vụ phê duyệt hoặc từ chối đề xuất của Bộ Ngoại giao về tần suất, số lượng chuyến bay giải cứu, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Theo quy trình, thứ trưởng y tế khi nhận được đề xuất tổ chức chuyến bay giải cứu, combo (người dân phải tự nguyện trả phí toàn bộ) hoặc khách lẻ xin về nước sẽ chuyển cho Cục Y tế dự phòng tham mưu. Mọi trao đổi giữa cục và thứ trưởng đều thông qua Phạm Trung Kiên (thư ký của thứ trưởng).
Suốt quá trình xét xử, bị cáo Kiên cùng Vũ Anh Tuấn (cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) là hai người bị "nhắc" tên nhiều nhất khi nhiều chủ doanh nghiệp khai bị hai bị cáo này "làm khó" trong cấp phép chuyến bay nếu không đưa tiền.
Trong 19 doanh nghiệp đưa hối lộ có 12 công ty khai bị cáo Kiên trực tiếp ra giá 150-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc 1-2 triệu đồng mỗi hành khách, theo cáo buộc.
Cựu thư ký thứ trưởng là người duy nhất bị VKS đề nghị án tử hình với cáo buộc Nhận hối lộ "công khai, trắng trợn nhất", tổng 42,6 tỷ đồng, 253 lần, trong đó 228 lần qua chuyển khoản. Ngoài 12 tỷ đồng trả cho các doanh nghiệp trong giai đoạn điều tra và 23 tỷ đồng đã nộp trong giai đoạn xét xử, gia đình ông Kiên đã nộp thêm 7 tỷ đồng khi HĐXX nghị án.
Trong phần tự bào chữa, ông Kiên "nhận lỗi với nhân dân". Cho rằng mức án VKS đề nghị "quá nghiệt ngã", cựu thư ký xin được hưởng mức phạt tù có thời hạn để sớm trở về với gia đình.
Theo nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đang được áp dụng, trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.
Lời khai mâu thuẫn về số tiền 'chạy án'
Theo cáo buộc, khi vụ án đang bị điều tra, một nhóm bốn bị cáo, trong đó có cựu trưởng phòng 5 Hoàng Văn Hưng và cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đã "bắt tay" chạy án.
Tuy nhiên, ông Hưng đã kêu oan suốt những ngày xét xử.
VKS cáo buộc, kết nối với điều tra viên chính của vụ án là Hưng, ông Tuấn đã nhận 2,6 triệu USD để lo cho bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh). Theo nhà chức trách, ông Hưng đã "đưa thông tin gian dối" để chiếm đoạt 800.000 USD của bị cáo Hằng.
"Tôi đề nghị VKS phải chứng minh số tiền còn lại 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không?", bị cáo Hưng nói và đặt dấu hỏi rằng nếu ông Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD thì "có phải cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?".
Hiện, ông Tuấn đã nộp 1,85 triệu USD để khắc phục hậu quả và là người nộp lại tiền nhiều nhất trong 54 bị cáo.
Bị cáo Hưng bị VKS đề nghị 19-20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Tuấn bị đề nghị 5-6 năm với cáo buộc Môi giới hối lộ 2,6 triệu USD, bà Hằng bị đề nghị 10-11 năm do Đưa hối lộ.
Cặp da đựng 450.000 USD hay 4 chai rượu vang?
Cựu điều tra viên Hưng bị cáo buộc hai lần nhận 350.000 USD và 450.000 USD của ông Tuấn để "chạy án" cho Hằng. Trước tòa, ông Hưng liên tục đề nghị VKS phải chứng minh cụ thể từng lần.
Với cáo buộc nhận 350.000 USD, bị cáo Hưng nói cơ quan công tố phải làm rõ mình yêu cầu ông Tuấn đưa tiền vào ngày giờ nào, theo cách nào, nội dung yêu cầu đưa tiền là gì. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo nhận số tiền này ở đâu, như thế nào?
Trước cáo buộc cầm 450.000 USD trong cặp da cài mã số 104 từ ông Tuấn, bị cáo Hưng thừa nhận đã nhận chiếc cặp này nhưng bên trong "chỉ là bốn chai rượu vang". Hưng đề nghị phải đưa ra chứng cứ chứng minh bên trong có tiền chứ không thể "chỉ dùng một lời khai duy nhất để kết tội".
Cựu điều tra viên đề nghị phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và "trọng chứng hơn trọng cung" để áp dụng vào trường hợp này. Trình bày lời nói sau cùng, Hưng vẫn khẳng định bị oan và nói "sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để lấy lại sự trong sạch". Hưng nói tin vào sự phán quyết thận trọng của tòa, mong muốn không bị xử oan.
Đối đáp việc này, VKS giữ quan điểm "có đủ tài liệu chứng minh" và cho rằng việc truy tố đã được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, khách quan, đúng quy định. VKS cùng điều tra viên đã nhiều lần hỏi cung, phúc cung, đối chất với Hưng để làm rõ các vấn đề.
Theo kiểm sát viên, bị cáo Hưng còn từng chối đã nhận cặp da cài mã số từ ông Tuấn nhờ lái xe đưa. Song sau vài buổi làm việc, điều tra viên đưa ra dữ liệu camera chứng minh thì ông Hưng mới nhận và cho rằng trong cặp là 4 chai rượu vang chứ không phải tiền.
Trước tòa, VKS trình chiếu video ghi lại cảnh ông Hưng đi ra từ trụ sở Cục An ninh điều tra sang bên đối diện đường, gặp lái xe của ông Tuấn để nhận cặp màu đen. Nhận xong, Hưng đứng bên cạnh ôtô gọi điện thoại, trùng khớp với lời khai của ông Tuấn. Sau đó Hưng xách chiếc cặp cất lên ôtô để lái xe rời đi.
VKS cho hay dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại cho thấy, trước ngày nhận tiền, bị cáo Hưng và Tuấn có 8 cuộc liên lạc. Sáng hôm nhận tiền, hai người có 7 cuộc, phù hợp lời khai của Tuấn và xác nhận của chính Hưng về việc đã nhận được cặp da. "Nếu ông Tuấn chỉ tặng 4 chai rượu vang thì không cần thiết phải gọi cho nhau 15 lần liên tục từ hôm trước đến hôm sau", VKS nêu quan điểm.
VKS đánh giá, bị cáo Hưng không những "tráo trở, dựng chuyện che giấu hành vi phạm tội, vu khống cơ quan điều tra" mà còn "gian dối, tinh vi, luôn tìm cách che đậy hành vi phạm tội".
Trước cáo buộc lừa đảo 800.000 USD, VKS cho rằng các cơ quan tố tụng đã "rất thận trọng, áp dụng tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội" với bị cáo.
Mức án nào cho 21 cựu quan chức Nhận hối lộ?
21 cựu cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Nam và Hà Nội bị đề nghị mức án từ 2 đến 20 năm tù do nhận hối lộ, riêng cựu thư ký Kiên bị đề nghị tử hình.
Trong nhóm bị cáo là cựu cán bộ Bộ Ngoại giao, VKS đề nghị phạt cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 12-13 năm; cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Hương Lan 18-19 năm; cựu cục phó Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng 9-10 năm; Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó thủ tướng 7-8 năm.
Hầu hết bị cáo khai doanh nghiệp tự nguyện đưa tiền chứ không ép buộc hay đòi hỏi. Với 21 người, tổng cộng đã có 515 lần đưa - nhận hối lộ với số tiền 165 tỷ đồng.
Họ đã nộp lại toàn bộ hoặc gần hết tiền nhận hối lộ để "mong được hưởng khoan hồng"; đề nghị tòa xem xét về hành vi, bối cảnh phạm tội.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định "chưa bao giờ đòi hỏi", mà nhận tiền chỉ vì nghĩ rằng "đó là quà cảm ơn". Cựu cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cũng nói "không nhận thức đầy đủ về quà tặng", đồng thời đề cập đến trách nhiệm của các doanh nhân đưa hối lộ. Bà cho rằng họ có "những lời nói và hành sự quá khéo léo" khiến mình không thể vượt qua được, buộc phải nhận tiền, tổng 25 tỷ đồng.
VKS cho rằng các bị cáo, những người có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của nhóm nhận hối lộ đã gián tiếp buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để có tiền hối lộ. "Người chịu thiệt thòi nhiều nhất là công dân Việt Nam ở nước ngoài, những người đang có khao khát cháy bỏng được về nước đoàn tụ cùng gia đình", VKS nói.
Trong vụ án, ngoài nhóm lừa đảo chạy án, không ai được xác định là bị hại. Những công dân hồi hương trên các chuyến bay doanh nghiệp nâng giá cao để "bù chi phí hối lộ" sẽ được giải quyết thế nào, việc này chờ phán quyết của tòa trong bản án sơ thẩm chiều nay.
>>Mức án đề nghị với 54 bị cáo
Phạm Dự - Thanh Lam