"Đây là lần đầu tiên tôi thấy trứng ngon đến vậy", Yangyang viết trên mạng xã hội, sau khi trở về nhà từ Bệnh viện số 7 Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19. "Hỡi tất cả những người bạn đang chiến đấu trong bệnh viện, tôi nóng lòng sớm được gặp lại các bạn".
Sau khi trở về từ cõi chết, Yangyang giờ đây gia nhập hàng ngũ hơn 14.000 người đã đánh bại nCov ở Trung Quốc đại lục. Dù số ca nhiễm đã vượt 75.000, một tín hiệu khiến tất cả mọi người vui mừng là số ca khỏi bệnh đang tăng lên nhanh chóng.
Hôm 17/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dựa trên dữ liệu y tế của Trung Quốc, 4/5 bệnh nhân ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ và khả năng cao sẽ hồi phục.
"Tôi mong xu hướng này sẽ mang lại niềm hy vọng và sự can đảm để những người đang đấu tranh với dịch bệnh tiếp tục cuộc chiến", Yangyang nói.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn về tỷ lệ hồi phục ở Hồ Bắc so với các địa phương khác của Trung Quốc. Ở một số tỉnh thành, tỷ lệ hồi phục đã chạm mức 40% ngày 19/2, trong khi tỷ lệ này ở Hồ Bắc vẫn dưới 15%.
Hành trình hồi phục của Yangyang không dễ dàng. Hai tuần trước, ngày 2/2, cô đăng lời cầu cứu trên mạng xã hội Weibo. Cả Yangyang và cha cô đều bị nhiễm virus, nhưng các cơ sở y tế ở Vũ Hán liên tiếp từ chối tiếp nhận họ vì không có giường bệnh.
"Tôi bất lực! Bất lực!", cô viết. "Ban đầu, họ không còn bộ xét nghiệm axit nucleic nào. Sau gần một tuần, tôi cũng được xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Nhưng rồi bệnh viện nói tôi cần hai kết quả dương tính liên tiếp mới được nhập viện... Tôi không biết phải làm gì! Tôi không muốn chết!"
Bài viết đầy tuyệt vọng trên mạng của cô đã gây chú ý và lan truyền rộng rãi. Nó đã cứu nguy cho Yangyang. Không lâu sau, cô nhận được một cuộc gọi hướng dẫn cô tới Bệnh viện Số 7 Vũ Hán để điều trị. Hai ngày tiếp theo, cha cô cũng được nhập viện.
Trong quá trình điều trị, Yangyang cho biết bệnh viện đông đến mức cô phải nằm chung phòng bệnh với 5 người khác. Nhưng cô không quá bận tâm.
"Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì có giường bệnh, thế nên chẳng có cớ gì để phàn nàn về chuyện phòng chật!", cô nói.
Song Yangyang lo lắng cho những người khác bị nhiễm virus nhưng không may mắn như cô. "Tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không nhận được cuộc gọi đó từ người đại diện tổ dân phố", cô chia sẻ. "Tôi chắc chắn có không ít người không thể gặp được bác sĩ, dù tình trạng của họ xấu đi từng ngày".
Giới chuyên gia, bao gồm cả bác sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc, người phát hiện ca lây nhiễm từ người sang người đầu tiên, đã cảnh báo về sự tiến triển nhanh chóng của bệnh ở một số trường hợp.
"Ở những nơi bên ngoài Vũ Hán, các biện pháp can thiệp sớm đã được chứng minh là phát huy hiệu quả trong việc ngăn bệnh tiến triển. Nhưng ở Hồ Bắc, chúng ta không đạt được điều này ở giai đoạn đầu", bác sĩ Chung nói.
Peng, 34 tuổi, là một trong những bệnh nhân không được điều trị đủ sớm. Cô xuất hiện các triệu chứng đầu tiên vào ngày 27/1 nhưng chỉ được nhập viện một tuần sau đó khi có biểu hiện khó thở. Lúc nhập viện, cô không nghĩ mình sẽ qua khỏi.
Nhưng sau quá trình điều trị tích cực, tình trạng của Peng đã ổn định. Hai tuần sau, cô xuất viện với kết quả âm tính với nCoV. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Peng cho hay cô đang tự cách ly 14 ngày tại nhà dù đã rời bệnh viện.
Peng vẫn nhớ cảnh các bệnh nhân không còn sức sống nằm thoi thóp bên những chiếc máy kêu bíp bíp với dây cắm đầy trên người. Peng cũng nhớ tiếng thở gấp gáp của mình qua mặt nạ dưỡng khí, âm thanh làm xáo trộn sự im lặng kỳ lạ của bệnh viện lúc về đêm.
"Khi dịch bệnh qua đi, tôi sẽ trở lại bệnh viện Vũ Xương để đích thân cảm ơn tất cả những người đã chăm sóc tôi. Những nhân viên y tế ở đây đã trao cho tôi cuộc sống thứ hai", Peng nói.
Đa số bệnh nhân hồi phục đến nay đều không xuất hiện thêm triệu chứng nghiêm trọng nào. Một số người không thể nhập viện sẽ được tiêm hàng ngày tại các cơ sở y tế.
Wu Junkang, 47 tuổi, đến từ Vũ Hán, được xét nghiệm dương tính với nCoV vào ngày 4/2. Không thể tìm nổi giường bệnh, ông tự mình cách ly ngay lập tức.
"Tất nhiên, ngày nào tôi cũng thấy hoang mang, lo lắng", Wu chia sẻ, giải thích về cách ông tự chăm sóc bản thân. "Thân nhiệt tôi thường xuyên thay đổi. Một buổi sáng nọ, tôi đo được 38,5 độ, hôm sau là 37,2, sang ngày thứ ba lại là 39,1. Tôi không thể ngừng bận tâm về điều này".
Trong 14 ngày ở nhà, ông mỗi ngày đều tới bệnh viện Hán Khẩu để tiêm thuốc, cho đến khi bác sĩ thông báo ông đã đánh bại virus.
"Tôi ban đầu hơi bất ngờ bởi theo kết quả chụp CT, vẫn còn dấu hiệu nhiễm trùng ở phổi trái", Wu nói. "Nhưng bác sĩ bảo tôi không còn triệu chứng và cũng âm tính với virus, tôi có thể về nhà và để hệ miễn dịch tự chữa chỗ nhiễm trùng".
Với Yangyang, sau khi hồi phục, giờ đây, cô muốn đền đáp những gì mà mình đã nhận được.
"Tôi nghe nói huyết tương của những người đã khỏi có thể giúp ích trong việc điều trị cho các bệnh nhân khác", Yangyang chia sẻ. "Tôi sẽ đi hiến máu ngay sau khi kết thúc quá trình cách ly 14 ngày. Đây là điều nhỏ nhất tôi có thể làm để giúp đỡ".
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)