"Ngày mai tôi sẽ đi Moldova tạm một tuần. Nhiều người ở đây đi về phía Ivov nhưng tôi theo đoàn khác. Tôi đi trước xem tình hình thế nào, nếu an toàn trên đường đi, sẽ báo cho bố, mẹ và em trai đi theo", Thiện chia sẻ với VnExpress trong cuộc gọi chiều 28/2 (tối qua giờ Hà Nội).
Anh cho biết sẽ lên đường vào buổi sáng, khi đã hết giờ giới nghiêm. Con đường anh và nhóm chọn từ thành phố Odessa, phía nam Ukraine, đến biên giới nước láng giềng Moldova dài khoảng 300 km.
Khi đến nơi Thiện sẽ xem quy định tại chốt biên phòng. Nếu không được mang ôtô gia đình qua biên giới, anh sẵn sàng bỏ lại và đi bộ sang lánh nạn.
![Đoàn ôtô xếp hàng chờ qua chốt kiểm soát biên giới giữa Ukraine và Moldova sáng 1/3. Ảnh nhân vật cung cấp.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/01/nguoi-viet-tai-ukraine-1646132-9080-7144-1646132760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-eGUIL6VoJf7P3R6-idOkg)
Đoàn ôtô xếp hàng chờ qua chốt kiểm soát biên giới giữa Ukraine và Moldova sáng 1/3. Ảnh nhân vật cung cấp.
Odessa là thành phố lớn thứ ba Ukraine với dân số hơn một triệu người. Thành phố cảng được nhiều người ví von là "hòn ngọc của Biển Đen", là một trong những cầu nối giao thông hàng hải lớn nhất cả nước và khu vực với nhiều khu cảng lớn. Thành phố có sân bay và cơ sở chỉ huy hải quân.
Vào ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thành phố cảng chiến lược trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu bị không kích phủ đầu. Người dân Odessa từ rạng sáng đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn. Căn cứ hải quân Ukraine là mục tiêu bắn phá đầu tiên.
"Những ngày qua, quân đội Nga chủ yếu nã pháo vào các cảng biển. Còi báo động phát mỗi ngày. Nhà tôi nằm trong thành phố, nhưng cũng hơi lo vì cách sân bay khoảng 4 km và cách doanh trại quân sự khoảng 8 km", Thiện nói.
Anh chia sẻ tình hình ở thành phố những ngày qua vẫn chưa quá căng thẳng và muốn chờ thêm kết quả đàm phán Nga - Ukraine rồi quyết định. Dù vậy, trong thâm tâm anh cũng không muốn chần chừ bởi chiến sự có thể leo thang bất kỳ lúc nào.
Đoàn của Thiện gồm khoảng 50 xe tự tổ chức đi. Với anh, sơ tán là quyết định khó, vì ở lại nguy hiểm trong khi đoạn đường trước mắt cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Anh cho biết một người ở Odessa đã thiệt mạng vì đạn lạc sau khi lái xe ra đường trong giờ giới nghiêm.
Các hội nhóm người Việt ở Ba Lan, Slovakia, Moldova và những nước cạnh Ukraine đang khẩn trương huy động nguồn lực cộng đồng, thu xếp nơi ăn chốn ở cho những đồng bào ở Ukraine sang sơ tán. Các đầu mối liên lạc và hướng dẫn đường di chuyển, thủ tục tại biên giới được chia sẻ nhiều trên diễn đàn "Tương trợ người Việt Ukraina" từ khi chiến sự bùng phát.
![Người tị nạn và ôtô xếp hàng tại biên giới Moldova ngày 26/2, gần vùng Mayaky - Udobne của Ukraine. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/01/moldova-jpeg-1646109285-6946-1646109587.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D2dGETn5bL3z-e0mn4ynMA)
Người tị nạn và ôtô xếp hàng tại biên giới Moldova ngày 26/2, gần vùng Mayaky - Udobne của Ukraine. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, sơ tán từ những vùng giao tranh ác liệt đến khu vực an toàn không đơn giản. Không ít người Việt vẫn kẹt lại vùng chiến sự do không có hành lang an toàn cho dân thường. Một số thành viên trong nhóm tương trợ nói trên cho rằng cách tốt nhất là ở yên, cố thủ trong các khu hầm trú ẩn và chờ tình hình lắng xuống. Họ lo sợ trúng tên bay đạn lạc trên đường sơ tán.
"Gần khu tôi sống bị bắn phá ác liệt. Khu ký túc xá mất điện ba ngày qua. Hôm nay tôi tìm cách đến tòa nhà chính của trường để trú và sạc pin điện thoại, nhưng đang trên đường đi pháo lại bắn khá gần. May là trú được vào nhà dân, sẵn sạc nhờ luôn. Tôi biết ơn họ lắm", Minh Hoàng, một nghiên cứu sinh tại Kharkov, cho biết.
Truyền thông và giới chức Ukraine hay lực lượng Nga gồm nhiều xe quân sự hạng nhẹ và bộ binh ngày 27/2 tiến công vào Kharkov từ phía bắc, nhưng bị đẩy lùi sau những đợt giao tranh dữ dội. Quân Nga sau đó chuyển sang bao vây và tiếp tục bắn vào các mục tiêu trong thành phố. Một số hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đạn pháo rơi vào các khu dân cư.
"Tôi cũng biết ra ngoài là nguy hiểm nên thấy tình hình yên ắng mới dám chạy đi. Xung quanh khu ký túc xá đều mất điện. Cả ngày qua tôi không liên lạc được ai, trong lòng không bình tĩnh nổi. Tôi chỉ biết vừa đi vừa quan sát xung quanh, cầu mong được an toàn", anh chia sẻ.
Hoàng cho biết từ khu ký túc xá đến tòa nhà chính của trường đại học bình thường chỉ đi khoảng 7-10 phút. Con đường thường ngày giờ trở thành lựa chọn đầy rủi ro. Đạn pháo, giao tranh giữa quân Nga và lực lượng Ukraine bảo vệ thành phố có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ngày 24/2 tới nay đã kéo dài sang ngày thứ sáu, khi lực lượng Nga vấp phải sức kháng cự đáng kể từ quân đội Ukraine.
Kiev, Kharkov và nhiều thành phố lớn khác của Ukraine vẫn diễn ra giao tranh ác liệt.
![Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/01/ban-do-odesaa-1646121353-4357-1646121396.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=quXMtDMjVhVBOnYwR0jYsQ)
Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times.
Chính phủ hai nước ngày 27/2 chấp nhận khởi động đàm phán. Cuộc hội đàm diễn ra vào ngày hôm sau tại Belarus, kết thúc sau hơn 5 giờ. Quan chức hai bên trở về thủ đô để tham vấn và có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán tiếp theo.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga "tiếp tục nã pháo gần như từ mọi hướng", mô tả đây là "quãng thời gian khó khăn".
Hoàng chia sẻ khu ký túc xá của anh có tầng hầm, nhưng những ngày qua anh chủ yếu ở lại phòng trên tầng một của tòa nhà để ăn uống và vệ sinh, chỉ chạy xuống lánh nạn khi nghe còi báo động không kích. Đêm 28/2 anh mới xuống hầm trú ẩn để ngủ khi thấy tình hình không lắng dịu hơn.
"Tôi trú ở chỗ khuất của tầng vì có thêm đôi lớp tường dày dặn. Tuy nhiên, tôi quyết đêm nay xuống hầm ngủ do cảm thấy sau đàm phán giữa các bên không được ổn lắm. Có vẻ chiến sự tiếp tục căng thẳng", anh viết.
Thanh Danh