"Điểm nóng nhất lại là điểm ít tiếng súng hơn các nơi khác", ông Văn Thủy, người Việt đang sống tại thành phố Mariupol của Ukraine, ngày 25/2 chia sẻ với VnExpress.
Thành phố Mariupol nằm bên bờ biển Azov, phía đông nam Ukraine và thuộc vùng Donbass. Ông Thủy cho biết thành phố nằm trong tỉnh Donetsk trước khi chiến sự năm 2014 bùng phát. Mariupol từng là một trong những điểm giao tranh "nóng nhất" giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai. Từ thành phố đi thêm khoảng 30 km là đến giới tuyến hiện nay giữa hai lực lượng.
Ông kể khu vực sân bay Mariupol là mục tiêu bắn phá vào sáng 24/2, không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với lý do bảo vệ hai vùng ly khai ở Donetsk và Lugansk. Một nhà cao tầng ở rìa thành phố cũng chịu thiệt hại. Người dân ban đầu bảo nhau đi mua đồ dự trữ, nhưng từ chiều cùng ngày tình hình đã yên ắng trở lại.
"Chúng tôi ngồi ở nhà, hạn chế ra đường. Bà con đêm qua vẫn ngủ yên, không nghe tiếng súng. Hôm nay tôi ra trung tâm thành phố có việc, cũng không thấy diễn biến nào bất thường. Vùng chiến sự quyết liệt gần đây nhất là thành phố Kherson, nhưng cũng cách khá xa", ông nói.
Theo cảm nhận của ông Thủy, dường như quân đội Nga tập trung hơn vào những thành phố lớn có hạ tầng quân sự then chốt của Ukraine như Odessa, Kherson, Kharkiv và Kiev. Riêng thành phố của ông đến chiều 25/2 vẫn chưa có báo động an ninh hay sơ tán, chỉ áp dụng biện pháp giới nghiêm từ 22h đến 6h hôm sau. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay khi xung đột bắt đầu.
"Tôi thức từ sáng sớm, khoảng 2h, nhưng không ngủ được vì người nhà từ Việt Nam gọi sang hỏi thăm. Mọi người cũng thúc giục tôi trở về, nhưng tình hình rối loạn như thế này thì về làm sao được", ông Thủy chia sẻ, đồng thời cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên hỏi thăm. Nhưng người ở đây "thực chất cũng không có kế hoạch rời đi".
Ông nói trong nhà có sẵn hầm trú ẩn, nếu có chuyển biến hay báo động tránh bom vẫn có nơi an toàn. Gia đình ông cũng đã chuẩn bị đủ thuốc men, lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết.
Trong thông cáo ngày 25/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan ngại trước xung đột ở Ukraine. Bà kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tăng cường đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết những bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
"Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn", bà nhấn mạnh.
Ngô Linh, một người Việt đang sinh sống ở thành phố Donetsk nằm trong vùng do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát, chia sẻ ấn tượng tương tự. "Chỗ tôi là trung tâm vùng chiến sự, cách ranh giới từ 15 đến 20 km, nhưng tình hình vẫn bình yên", ông nói.
Khi được hỏi về thông báo sơ tán dân thường từ lực lượng ly khai vào đầu tuần này, ông Linh cho biết bà con người Việt hầu như không ai rời đi vì "trong thành phố vẫn bình an". Mọi người vẫn bám trụ lại chợ để làm ăn. Hiện khu vực Donetsk có khoảng 40 gia đình với hơn 100 người Việt đang sinh sống.
Sáng 25/2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết trên Facebook rằng "tình hình hiện nay tốt nhất là ở đâu ở đấy", lưu ý rằng sơ tán vào thời điểm này là không an toàn. Ông thông báo Đại sứ quán Việt Nam đã liên lạc với cộng đồng tại Donetsk, Kherson, Kharkov, Odessa và tình hình bà con người Việt tại Ukraine vẫn ổn.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các lực lượng chỉ nhắm vào hạ tầng quân sự then chốt của Ukraine, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dân thường. Trong khi đó, phía Kiev cùng các lãnh đạo phương Tây cáo buộc Nga mở chiến dịch quân sự vô cớ. Mỹ và các nước phương Tây cũng áp thêm nhiều lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.
Ông Nguyễn Hoàng, một người Việt sống tại Ukraine hơn 11 năm qua, cho biết tình hình tại thành phố Kiev nơi ông sống đang ngày một tăng nhiệt. Ông cho biết ngày 24 đến 25/2, có khoảng 3-4 lần báo động. Vợ con ông phải xuống hầm xe của tòa nhà để trú ẩn.
"Những lần trước tôi vẫn ở lại trong căn hộ, theo khuyến cáo tránh xa cửa sổ và trú trong bồn tắm lớn cũng đảm bảo an toàn. Đến hôm nay, sau khi có còi báo động buổi trưa, ban quản lý tòa nhà mới yêu cầu tất cả mọi người sơ tán xuống hầm xe. Vì có khả năng đánh lớn nên tôi mới xuống cùng cả nhà", ông cho biết.
Xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng trong hai ngày qua. Quân đội Nga sau khi triển khai các đợt không kích phủ đầu đã mở các mũi tiến quân hướng đến thủ đô. Bộ Quốc phòng Ukraine chiều 25/2 thông báo một số đơn vị Nga đã xâm nhập vào thành phố và giao tranh với lực lượng phòng vệ.
Ông Hoàng nói gia đình sống xa trung tâm thành phố, khu vực tập trung nhiều dân cư nên cũng không phải là điểm nóng giao tranh. Các hạ tầng quan trọng như điện, nước và khí đốt không bị cắt. Khi đến siêu thị cách nhà khoảng 100 m vào ngày thứ hai sau khi xung đột bùng phát, ông thấy nhu yếu phẩm vẫn đầy đủ và giá cả vẫn như trước xung đột.
Gia đình ông giữ bình tĩnh theo dõi tin tức thời sự. Công việc kinh doanh của gia đình vốn bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự ở Donbass những năm qua, nay thêm gián đoạn.
"Gia đình cũng có phần lo lắng và các con tâm sự khá thất vọng về tình hình hiện nay. Cuộc sống bỗng dưng đảo lộn vì tên bay đạn lạc suốt hai ngày qua", ông nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Thanh Danh