1. Nem rán Hà Nội
Bên cạnh phở, nem rán là món ăn được cho là đại diện nổi tiếng nhất của ẩm thực Việt Nam. Món ăn này từng được trang CNN Travel bình chọn là một trong top 10 món ăn được yêu thích nhất thế giới.
Với vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong là sự tổng hòa vị ngon ngọt từ thịt, tôm, sần sật từ mộc nhĩ, miến và giòn tươi từ rau củ quả. Khi ăn chấm cùng nước mắm chua ngọt tạo nên bản hòa tấu hoàn hảo đánh thức vị giác và khứu giác, làm say lòng thực khách. Nem rán ăn kèm với bún chả hoặc cơm nóng đều ngon.
Theo thời gian, nem rán ở mỗi vùng miền, nguyên liệu có sự biến tấu, sáng tạo riêng như: Nem cua bể, nem chim bồ câu, nem ốc... Bí quyết để nem rán giòn ngon cần lưu ý: Các loại rau củ quả nên để khô ráo và trộn riêng. Trước khi gói nem mới trộn chung thịt cùng rau củ quả và thêm trứng đảo đều. Để nhân không bị khô thì thêm chút dầu ăn. Gói nem vừa tay, đừng chặt tay quá sẽ bị vỡ khi chiên. Nem rán 2 lần lửa giúp giòn rụm mà không bị ngấy.
2. Nem lụi Huế
Nem lụi là món ăn phổ biến ở nhiều tỉnh Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Tùy theo khẩu vị mà mỗi vùng miền có cách chế biến riêng. Nổi tiếng nhất là nem lụi xứ Huế.
Chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Tasting Table khen ngợi nem lụi là đặc sản Việt Nam mà nhiều du khách chưa biết tới. Từng chiếc nem bọc sả nóng hổi, thơm lừng, mềm ngọt cuộn với rau sống, chuối xanh chấm nước mắm chua ngọt hoặc nước lèo từ gan "ngon khó cưỡng". Ăn nem lụi cũng như thịt gà, xôi vò phải ăn bằng tay mới ngon. Khi ăn, cuốn chặt nem lụi cùng rau, bún vào bánh tráng sao cho chặt tay, chấm đẫm vào nước sốt mới cảm nhận hết hương vị của món ăn này.
Theo các chuyên gia ẩm thực, cái ngon của món ăn này do được chắt chiu hòa quyện nét tinh túy của nhiều vùng khác nhau hội tụ. Hơn nữa lại phảng phất nét huyền bí của nghệ thuật phong thủy. Nem lụi nóng mềm kết hợp bánh tráng giòn dai, rau củ tươi mát tạo nên hương vị hài hòa.
3. Chả rươi
Nhà văn Vũ Bằng viết trong cuốn "Miếng ngon Hà Nội" năm 1952, nếu lỡ không ăn được miếng chả rươi đúng mùa, không chỉ vợ mà người chồng chắc chắn nặng một niềm tiếc nhớ. Bởi mỗi năm mới có mấy ngày rươi thôi, nếu không được ăn thì như ''người đàn bà đẹp để phí mất tuổi hoa''.
Từng miếng chả rươi nóng hổi, màu vàng mơ, thơm nức mũi. Khi ăn, cảm nhận rõ phong vị rất lạ: béo vừa đủ ngọt, có chút sừn sựt, vị vừa vặn cứ thế gây thương nhớ cho ai một lần thưởng thức. Các chuyên trang ẩm thực quốc tế khen ngợi chả rươi đặc biệt vì làm từ nguyên liệu quý hiếm, không chỉ là món ăn ngon mà còn giàu giá trị dinh dưỡng.
4. Ba chỉ chiên mắm
Với thiên nhiên ưu đãi, sông ngòi dày đặc nên Nam Bộ có nguồn thủy hải sản dồi dào nên dấu ấn ẩm thực đặc trưng nhất nơi đây là dùng mắm trong nhiều món ăn. Bên cạnh các món mắm sống ăn trực tiếp là nhiều món ăn từ mắm chín: chiêm mắm, mắm chưng, mắm kho (lẩu mắm).
Ba chỉ (ba rọi) chiên mắm là món ăn bình dân và chiều lòng nhiều người nhất, bất kể mùa nào trong năm. Từng miếng thịt ba chỉ với lớp da giòn rụm, thịt mềm ngọt, đẫm nước sốt màu hổ phách, vị mặn ngọt đậm đà rất hao cơm.
Theo các đầu bếp, bí quyết để có món ăn ngon cần chú ý: Nên luộc chín tới thịt ba rọi bởi phần bì chín thì khi chiên giúp da phồng giòn. Thịt cần hong khô để tránh bị văng dầu khi chiên.
5. Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi được ghi danh vào top các món ngon nổi tiếng của quê lúa Thái Bình vào thế kỷ 17. Món ăn dễ dàng chiếm thiện cảm của thực khác bởi hội tụ đủ sắc - hương và vị với thịt cá dai giòn, nước dùng thanh, điểm xuyết trứng cá vàng ươm, xen kẽ rau xanh, bánh đa trắng hợp lại như bức họa đồng quê quyến rũ.
Khác với các món bún cá khác, canh cá Quỳnh Côi ghi dấu ấn bởi kỹ thuật rim chậm và tỉ mỉ sao cho thịt cá bên ngoài hơi xém vàng, có chút dai giòn mà bên trong vẫn mềm ngọt, không bị xác khô. Bí quyết để khử tanh nước dùng là thêm các thảo dược (gừng già, hành củ) cho vào ninh cùng xương cá và xương heo. Tính linh hoạt của món ăn còn thể hiện ở chỗ, tùy theo mùa nào thức nấy mà các loại rau ăn kèm cũng thay đổi như cải cúc, rau cần vào mùa đông, rau ngót, rau rút vào mùa hè.
6. Cá linh kho lạt miền Tây
Cá linh là đặc sản trời ban vào mùa nước nổi ở miền Tây. Bữa cơm gia đình bao thế hệ người dân nơi đây gắn liền với các món xoay quanh cá linh như: cá linh kho lạt, canh chua cá linh bông điên điển, lẩu cá linh, cá linh kho tiêu, cá linh chiên bột, chả cá linh...
Món cá linh kho lạt mộc mạc nhưng gây thương nhớ bởi hương vị mộc mạc, dân dã. Thịt cá mềm béo, nước dừa tươi ngọt thanh quyện với vị chua nhẹ từ me, chút the cay từ ớt đậm chất dân dã vùng sông nước. Món này ăn nóng với bún hoặc cơm đều ngon.
7. Bún ốc nóng
Dẫu ra đời muộn so với bún ốc nguội, nhưng bún ốc nóng lại ''dễ chiều'' lòng người bởi ốc giòn ngon, nước dùng chua thanh nhẹ. Món mộc mạc này làm nên nét ẩm thực đặc trưng của người Hà Nội. Ốc thường dùng là ốc nhồi vì có đội béo mẫm và giòn ngon. Bún ốc nóng chuẩn vị gốc Hà thành chỉ thuần ốc. Theo thời gian để chiều lòng thực khách, các hàng quán thêm topping như tóp mỡ, đậu phụ rán, giò tai, thịt bò.
Cách làm ốc cũng lắm cầu kỳ, ốc sau khi ngâm rửa sạch thì luộc sơ cho bong mày, chật trôn và khều lấy thịt ốc, bỏ phân, tráng qua nước sôi. Nước ốc lọc lấy nước trong thêm dấm bỗng, chút cà chua xào rồi nếm vị cho vừa miệng. Nước dùng bún ốc nóng bắt mắt bởi màu hồng nhạt, nổi hương vị ốc, vị thanh nhẹ từ dấm bỗng nếp.
8. Xíu mại
Từng viên xíu mại mềm, vị ngọt tự nhiên từ thịt quyện lẫn củ quả, nước sốt sánh hấp dẫn, ăn cùng bánh mì giòn là bữa ăn sáng đủ chất, được nhiều người, mọi lứa tuổi yêu thích. Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc từ thế kỷ 14, nguyên bản được làm từ thịt cừu, bọc trong lớp bột mỏng rồi hấp, ăn kèm rau. Sau đó lan tỏa sang nhiều quốc gia với các biến thể khác nhau từ thịt lợn, bò, tôm và nguyên liệu bản địa.
Ở Việt Nam, xíu mại cũng được biến tấu theo phong vị từng vùng miền: Xíu mại phổ biến là thịt lợn trộn cùng rau củ quả rồi vo viên, hấp, rưới lên nước sốt sệt từ cà chua đỏ au. Ngoài ra còn có xíu mại Đà Lạt, xíu mại trứng cút, xíu mại trứng muối đều rất ngon.
9. Cuốn hành
Từng cuốn hành hấp dẫn bởi màu hồng, vị ngọt từ tôm, màu trắng, chút béo ngậy của thịt lợn, màu vàng ươm, bùi bùi từ trứng gà, màu trắng muốt từ bún xen kẽ rau thơm xanh mướt. Đây là món ăn đặc trưng vào dịp lễ Tết của nhiều tỉnh như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng...
Để có món ăn ngon thì chú ý khi hấp hoặc luộc tôm cho thêm chút sả và rượu trắng cho thơm, lên màu đẹp. Linh hoạt thêm bớt nguyên liệu cuốn hành theo khẩu vị như thay thịt luộc bằng giò lụa, tôm nhỏ thì rang, tôm to thì luộc; thêm đậu phụ chiên, cà rốt để tăng màu sắc hấp dẫn cho món ăn. Món ăn thêm tròn vị bởi nước chấm hài hòa chua cay mặn ngọt.
10. Rau muống xào tỏi
Dân dã, bình dị nhưng lại là món ăn quốc dân được yêu thích vào mùa hè từ Bắc vào Nam là rau muống xào tỏi. Một đĩa rau muống xào xanh mướt, vừa giòn lại mềm ngọt, dậy mùi thơm của tỏi luôn là tâm điểm ''đánh bay'' nồi cơm. Mẹo để có đĩa rau muống xào ngon như nhà hàng là nên chọn rau muống nước, khi xào quan trọng là canh nhiệt lớn.
Ở một số tỉnh miền Trung thường dùng phương pháp om nhiệt cao trong nồi thêm chút nước đậy vung. Một số vùng như Thái Bình, Nam Định khi xào rau muống thêm rau ngổ, ăn cùng kinh giới hoặc vắt chút nước cốt chanh tạo vị lạ miệng.
Bùi Thủy